Cần quyết liệt chấn chỉnh hành vi thiếu văn hóa khi tham gia giao thông

Thứ Tư, 05/10/2022 12:50

|

(CATP) Khi tham gia lưu thông tại TPHCM, chúng ta thường bắt gặp những cảnh vừa thiếu văn hóa, vừa vi phạm pháp luật của không ít tài xế, như: rẽ phải, rẽ trái nhưng không bật đèn tín hiệu, không đội mũ bảo hiểm, sử dụng ĐTDĐ... Đây là nguyên nhân chính dẫn đến nhiều vụ tai nạn giao thông, kể cả nhiều vụ cãi vã, ẩu đả dẫn đến hậu quả đau lòng.

Nhiều cảnh "chướng tai gai mắt"

Chiều 30-9-2022, tại ngã tư Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Thị Thập (P.Bình Thuận, Q7), mặc dù đèn tín hiệu đã chuyển sang màu vàng, nhưng 2 tài xế xe container và một ôtô 7 chỗ vẫn bóp còi inh ỏi, cố vượt lên, khiế nnhiề ungườ iđi đườ ng giậ tmình, hoả ng hốt. Hằng ngày, đưa đón con đi học qua đoạn đường này, chúng tôi thường xuyên chứng kiến cảnh vi phạm luật giao thông của nhiều phương tiện, nhất là cánh tài xế xe tải và xe container.

Có tuyến đường cho xe máy rẽ phải khi đèn đỏ, nhưng nhiều người vẫn vô tư dừng xe tràn lan. Điển hình, tại ngã tư Lý Tự Trọng - Nam Kỳ Khởi Nghĩa (Q1), không ít lần tiếng còi xe vang lên kèm lời lẽ thô lỗ từ những người muốn rẽ phải, nhưng có xe máy chắn phía trước. Có lần, hai người đàn ông suýt đánh nhau vì lời qua tiếng lại tại ngã tư này, khiến những người chứng kiến phải lắc đầu ngao ngán.

Tổ chức tuyên truyền an toàn giao thông tại các ngã tư

Trước đó vài ngày, tại ngã ba Lý Thường Kiệt - Nghĩa Phát (P6Q.Tân Bình), một tài xế xe bán tải và người đàn ông đi xe máy cãi vã ồn ào, nhưng được người dân can ngăn. Xe bán tải chạy từ đường Lý Thường Kiệt quẹo sang đường Nghĩa Phát thì bị chắn lại do người đàn ông đi xe máy dừng khi đèn đỏ, vừa lấn làn, vừa chèn lên vạch ngang đường. Người lái xe bán tải bấm còi liên tục. Đang giữa trưa nắng nóng, người đi xe máy bực dọc, to tiếng: "Làm gì căng quá vậy?", khiến hai bên phát sinh mâu thuẫn.

Điều đáng nói, có không ít tài xế còn sử dụng ĐTDĐ khi đang điều khiển xe trên đường, một tay cầm lái, một tay cầm và bấm điện thoại. Đây là hành vi vừa thiếu văn hóa, vừa vi phạm pháp luật và là một trong những nguy cơ hàng đầu dẫn đến tai nạn giao thông (TNGT). Theo ghi nhận của chúng tôi, trên hầu hết các tuyến đường trong thành phố, đều có người vi phạm điều này, nhiều nhất là các bác tài xe ôm công nghệ và một bộ phận thanh niên.

Theo lực lượng Cảnh sát giao thông, mặc dù các đơn vị thường xuyên tổ chức nhiều chuyên đề xử lý xe máy đi không đúng phần đường, làn đường quy định; điều khiển xe vào đường cấm lưu thông... Tuy nhiên, tình trạng này vẫn tiếp diễn, đặc biệt trên các tuyến như: QL1, QL22, Xa lộ Hà Nội, các Đại lộ Phạm Văn Đồng, Võ Văn Kiệt, đường Trường Chinh...

Thói côn đồ trên đường

Thời gian gần đây, Ban An toàn giao thông (ATGT) TPHCM ghi nhận nhiều vụ vi phạm, TNGT xuất phát từ lỗi chủ quan của tài xế, như: lưu thông không đúng phần đường, làn đường quy định; không chấp hành hiệu lệnh, đèn tín hiệu và biển báo giao thông; điều khiển phương tiện giao thông khi đã sử dụng rượu, bia; tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè tại một số địa phương diễn biến phức tạp...

Cảnh ẩu đả sau một vụ va chạm giao thông (cắt từ clip do camera ghi lại)

Không thể không kể đến vụ nam tài xế lái ôtô chạy ngược chiều tại Q7, khi được người khác nhắc nhở thì tranh cãi, thậm chí nhổ nước bọt vào người quay video ghi lại hành vi vi phạm của ông ta. Một nhân viên Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích Thanh niên xung phong bị người đàn ông buôn bán lấn chiếm lòng lề đường hành hung, khi anh này hướng dẫn khách đậu ôtô vào khu vực có thu phí tại Q1...

Đáng buồn hơn là có nhiều vụ va quẹt giao thông, nhưng các bên không cư xử theo cách bình thường, đúng pháp luật, mà dùng nắm đấm, hung khí để giải quyết mâu thuẫn, gây ra cảnh người thiệt mạng, đối tượng gây án rơi vào vòng lao lý. Đây là cách cư xử vô văn hóa, côn đồ hung hãn, coi thường pháp luật của một số người, khiến dư luận bất an.

Trên địa bàn TPHCM, từ đầu năm 2022 đến nay đã xảy ra nhiều vụ án mạng từ va quệt giao thông. Ngày 21-9, Công an TPHCM cho biết, đang xác minh tin báo về vụ giết người xảy ra trên đường Quang Trung (P12Q.Gò Vấp) do một đối tượng (chưa rõ lai lịch) gây ra. Theo đó, rạng sáng 12-4, anh L.Q.T (SN 2002) chạy xe máy chở anh N.Q.K (SN 2000) từ Q12 đến Q.Gò Vấp. Khi cả hai tới trước một căn nhà trên đường Quang Trung thì dừng lại vì đèn đỏ. Lúc này, một đôi nam nữ chạy xe máy tới, va chạm xe của anh T. Hai bên xảy ra cãi vã. Bất ngờ người đàn ông rút tua-vít tấn công anh T. Thấy vậy, anh K. can ngăn, nhưng bị đối tượng đâm nhiều nhát vào đầu. Dù được đưa đi cấp cứu, nhưng nạn nhân đã tử vong.

Cảnh ẩu đả sau một vụ va chạm giao thông (cắt từ clip do camera ghi lại)

Một vụ án khác để lại hậu quả đau lòng cũng liên quan đến mâu thuẫn khi tham gia giao thông. Chiều 06-4-2022, do trời mưa nên đường Phạm Văn Chiêu (Q.Gò Vấp) bị kẹt xe. Anh N.T.H (SN 2001, là dân quân của P14Q.Gò Vấp) tham gia điều tiết giao thông. Tại đây, giữa anh H. và Lương Quốc Tuấn (SN 1972) xảy ra cãi vã. Bị anh H. đánh, Tuấn dùng hung khí đánh trả, khiến anh H. tử vong. Hôm sau, hung thủ ra đầu thú.

Trong tháng 5-2022, liên tiếp nhiều vụ án mạng xảy ra sau xô xát, va quệt giao thông. Ngày 09-5, xe máy của Trương Hồng Phước (SN 2004) va chạm xe máy của anh L.V.D (SN 2000) trên đường ở Q4. Sau đó, Phước về chung cư, kể lại sự việc cho nhóm bạn nghe. Do quen biết từ trước nên nhóm Phước kéo đến khu vực anh D. sinh sống, tấn công làm anh này tử vong. Phước cùng 3 đồng phạm đã bị khởi tố, bắt tạm giam về hành vi giết người. Cùng ngày 09-5, sau khi va chạm trên đường ở TP.Thủ Đức, nhóm thanh niên đã dùng nắm đấm và dao giải quyết mâu thuẫn, khiến một người đàn ông gục tại chỗ rồi tử vong trên đường đi cấp cứu. Bốn ngày sau, một nạn nhân khác của bạo lực sau va chạm giao thông đã tử vong tại bệnh viện. Người này trước đó ngồi trên xe máy liên quan đến vụ TNGT ở Q.Gò Vấp, có ý can ngăn thì bị một đối tượng dùng vật nhọn đâm xuyên mũ bảo hiểm vào đầu.

Gần đây nhất, chiều 24-8, trong lúc anh Diệp Tấn Thanh (SN 1986, ngụ Q5) chạy xe máy đến đường Hoàng Ngân (P16Q8), tới khúc cua thì va chạm nhẹ với 2 xe máy chở 5 người. Tiếng cãi vã vang lên rồi nhóm 5 người xông vào đánh cho đến khi anh Thanh nằm bất động. Hôm sau, Nguyễn Minh Hùng (SN 1989), Phạm Chí Hiếu (SN 1992), Huỳnh Trọng Nhân (SN 1998) đến trụ sở công an đầu thú và khai nhận hành vi phạm tội. Còn nạn nhân đã không qua khỏi do vết thương quá nặng.

Xử nghiêm các hành vi vi phạm

Năm 2022, TPHCM xây dựng văn hóa giao thông với chủ đề "Năm an toàn gắn với kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19", theo tinh thần "Vì sức khỏe, sinh mạng của người tham gia giao thông". Do đó, các sở, ngành, Ban ATGT quận, huyện tập trung nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt để kéo giảm TNGT từ 5% trở lên so cùng kỳ năm 2021.

Cuối tháng 9-2022, Thường trực Ban ATGT TPHCM có văn bản đề nghị các cơ quan, đơn vị liên quan, gồm: Công an TPHCM, Sở Thông tin và Truyền thông, Ban ATGT các quận, huyện và TP.Thủ Đức tăng cường tuyên truyền, xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về ATGT. Đặc biệt là tình trạng người tham gia giao thông có hành vi chống lại lực lượng chức năng, người thi hành công vụ trong công tác bảo đảm trật tự ATGT.

Một cán bộ cảnh sát giao thông cho biết: Hiện nay, bên cạnh đa số người dân có ý thức tốt, chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật về giao thông đường bộ, vẫn còn một bộ phận người tham gia giao thông có ý thức kém. Trung bình mỗi năm, lực lượng Cảnh sát giao thông phát hiện, xử lý hơn 6 triệu trường hợp vi phạm trật tự ATGT. Quá trình giải quyết các vụ TNGT đã khó vì cần tránh để xảy ra ùn tắc tại khu vực hiện trường, nhất là giờ cao điểm, nhưng việc xử lý những người chống đối lực lượng làm nhiệm vụ còn khó khăn hơn.

Ý thức của người tham gia giao thông đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc bảo đảm ATGT. Để xây dựng văn hóa giao thông, kéo giảm số vụ TNGT và những vụ phạm pháp hình sự mà nguyên nhân bắt nguồn từ mâu thuẫn do va chạm giao thông, ngoài trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước, người thực thi công vụ về đảm bảo trật tự, ATGT thì việc chấp hành pháp luật, hành xử có văn hóa của người dân khi đi trên đường giữ vai trò rất quan trọng. Bên cạnh việc kiểm tra, xử phạt của cơ quan chức năng, các cơ quan, đoàn thể cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về chấp hành luật giao thông đường bộ cho người dân.

Bình luận (0)

Lên đầu trang