Cổng 1022 TPHCM:

Kênh giao tiếp uy tín giữa người dân với chính quyền thành phố

Thứ Năm, 06/10/2022 17:53

|

(CATP) Đó là "Cổng 1022 TPHCM" do Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) TPHCM triển khai thực hiện nhằm kết nối, giải quyết những phản ánh của người dân với chính quyền TPHCM. Qua phản ánh thực tế của bà con nhân dân, các cấp chính quyền nhanh chóng xử lý kịp thời các vấn đề, từ hạ tầng giao thông, đường phố, cây xanh nguy cơ gãy đổ, biển báo, ổ gà, ổ voi, điện nước cho đến trật tự xã hội, lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường…

Người dân phản ánh những gì?

Từ giữa năm 2020, được UBND TPHCM giao nhiệm vụ và Cổng 1022 TPHCM "ra đời". Ban đầu chỉ là kênh tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân trên một số lĩnh vực như hạ tầng kỹ thuật, trật tự đô thị, tài nguyên môi trường, góp ý, hiến kế xây dựng và phát triển TPHCM. Sau đó, trong giai đoạn cao điểm chống dịch Covid-19, Cổng 1022 TPHCM được phát triển là kênh tiếp nhận và xử lý chính thức các thông tin phản ánh từ người dân đến chính quyền TPHCM nhằm kịp thời xử lý nhanh nhất những thông tin trên địa bàn. Cho đến nay, Cổng 1022 đã phát triển lớn mạnh, trở thành cầu nối hai chiều giữa người dân với chính quyền thành phố. Người dân TPHCM đã biết để phản ánh những tâm tư, nguyện vọng, thắc mắc cũng như bức xúc nhiều vấn đề trên nhiều lĩnh vực khác nhau đến chính quyền.

Cổng 1022 cung cấp 05 phương thức tiếp nhận các phản ánh của người dân qua: Tổng đài 1022 (cung cấp thông tin sự cố qua hình thức gọi điện thoại đến số tổng đài 1022); Mobile App "Tổng đài 1022" (phiên bản trên Android và trên iOS), cho phép chụp hình và chọn địa điểm xảy ra sự cố trên bản đồ để phản ánh; Cổng thông tin điện tử: Truy cập cổng thông tin https://1022.tphcm.gov.vn để phản ánh về sự cố; Hộp thư điện tử (email): Gửi thông tin phản ánh đến hộp thư điện tử 1022@tphcm.gov.vn; Mạng xã hội Fanpage: tại địa chỉ https://www.facebook.com/1022.tphcm.gov.vn

Ngày 05-10-2022, Sở TT&TT TPHCM cho biết, hiện nay những lĩnh vực bà con nhân dân TPHCM cần phản ánh qua Cổng 1022, như lĩnh vực cấp nước, sẽ tiếp nhận thông tin liên quan sự cố bể ống cấp nước, nước tràn ra mặt đường. Ở lĩnh vực thoát nước, tiếp nhận thông tin về ngập nước, hệ thống thoát nước bị nghẹt, cống bể, mất nắp cống, nắp cống gập ghềnh, sụp cống; nắp hố ga hư hỏng... Về lĩnh vực chiếu sáng, tiếp nhận thông tin các sự cố về gãy, đổ cột đèn chiếu sáng, rò rỉ điện, đèn không sáng, đèn sáng ngày, tắt đêm, đèn sáng, tắt liên tục, mất đèn chiếu sáng. Hay về cây xanh, người dân phản ánh thông tin cây bật gốc ngã, cành, nhánh gãy, cây bị chặt phá, cây rỗng mục chết khô, cây nghiêng bật gốc.

Buôn bán lấn chiếm vỉa hè, qua phản ánh đến cổng 1022 giúp cơ quan chức năng nhanh chóng chấn chỉnh

Cũng thông qua Cổng 1022, người dân phản ánh các sự cố gãy đổ cột điện, đứt cáp điện, đứa cắp viễn thông, sợi cáp điện, cáp viễn thông trùng, võng, cáp treo không đúng độ cao quy định, tủ cáp ngã, đổ, nghiêng, sụp, lún, chập cháy sợi cáp, thiết bị điện trên đường phố, khu vực công cộng. Về lĩnh vực giao thông công cộng, bà con có thể phản ánh thái độ phục vụ của nhân viên xe buýt và tra cứu thông tin về xe buýt... Lĩnh vực tài nguyên môi trường, Cổng 1022 tiếp nhận thông tin liên quan ô nhiễm không khí, môi trường, rác thải, nước thải, vệ sinh đường phố, vỉa hè, kênh rạch. Ở lĩnh vực trật tự xã hội, Cổng 1022 tiếp nhận thông tin liên quan đến lĩnh vực trật tự đô thị xã hội, lấn chiếm lòng lề đường, vỉa hè, trật tự xây dựng, xây dựng sai phép. Bên cạnh đó, còn tiếp nhận thông tin liên quan đến lĩnh vực y tế được kết nối với Sở Y tế và các đơn vị sự nghiệp y tế, công lập (bệnh viện đa khoa tuyến thành phố, bệnh viện chuyên khoa tuyến thành phố, trung tâm chuyên ngành và y tế dự phòng tuyến thành phố, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố, bệnh viện tuyến quận, huyện và trung tâm y tế tuyến quận, huyện). Tiếp nhận các thông tin liên quan xảy ra trong các Khu chế xuất, Khu công nghiệp trên địa bàn thành phố về lao động, doanh nghiệp, môi trường, quy hoạch và xây dựng...

Lớn mạnh cùng Thành phố…

Đến nay, Cổng 1022 TPHCM với sự tham gia của 86 đơn vị và 625 đầu mối xử lý là chính quyền các cấp và các cơ quan chức năng TPHCM. Theo Giám đốc Sở TT&TT TPHCM - Lâm Đình Thắng, nếu như những năm trước, mỗi năm chỉ tiếp nhận 10.000 đến 20.000 tin phản ánh, thì năm 2021, số lượng phản ánh qua Cổng 1022 tiếp nhận là trên 2 triệu tin. Trong 9 tháng đầu năm 2022, số lượng phản ánh đã lên hơn 28.000 tin. Đặc biệt, tất cả phản ánh của người dân sau khi được cơ quan, đơn vị xử lý đều công khai và được người dân tham gia đánh giá sự hài lòng của mình đối với kết quả xử lý.

Những phản ánh của người dân TPHCM qua cổng 1022 được giải quyết nhanh chóng, gắn với đánh giá sự hài lòng

Theo Sở TT&TT TPHCM, đây là thành quả "Ngàn thông tin - Một kết nối" mà TPHCM định hướng phát triển để Cổng 1022 trở thành một kênh giao tiếp uy tín giữa người dân với chính quyền và là một công cụ phân tích dữ liệu phục vụ việc điều hành của lãnh đạo TPHCM. Đây cũng là hai trong các định hướng lớn trong việc phát triển Cổng 1022 của TPHCM. TPHCM định hướng Cổng 1022 với 5 nội dung và Sở TT&TT đang bám sát vào đó để thực hiện. Cổng 1022 đã và đang được xây dựng, phát triển để trở thành cổng thông tin đa dịch vụ, đa tiện ích, là kênh giao tiếp giữa người dân với chính quyền TPHCM trong tương lai với phương châm "Ngàn thông tin - Một kết nối", mang lại những lợi ích thiết thực cho người dân trong quá trình xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh. Song song với đó, Cổng 1022 cung cấp kênh giám sát việc giải quyết kiến nghị của người dân. Thực tế, Cổng 1022 đã và đang làm tốt việc chuyển hàng ngàn tin nhắn mỗi ngày của người dân đến các cơ quan chính quyền để xử lý. Kết quả xử lý thông tin còn gắn với trách nhiệm người đứng đầu đơn vị, được Sở Nội vụ TPHCM giám sát, báo cáo định kỳ và có sự nhắc nhở, chỉ đạo từ UBND TPHCM.

Cổng 1022 có nhiều phương thức tiếp nhận thông tin, bảo đảm tiếp nhận thông tin 24/7 và không gián đoạn. Hiện nay, Cổng 1022 có 5 kênh tiếp nhận chính, gồm thoại, thư điện tử, website, ứng dụng di động và mạng xã hội (Facebook, Zalo). Cũng theo Sở TT&TT, Cổng 1022 linh động, dễ dàng mở rộng các lĩnh vực tiếp nhận. Với việc sử dụng nền tảng tổng đài thống nhất, chia sẻ hạ tầng, nguồn lực tổng đài viên thì yêu cầu này là khả thi. Cổng 1022 được định hướng phát triển, ứng dụng các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo AI (callbot, chatbot), có khả năng tích hợp với hệ thống bản đồ số, hệ thống camera... và hướng đến là cổng thông tin tiếp nhận, giải đáp, cung cấp thông tin giữa người dân và chính quyền thành phố.

Dây điện võng, nguy cơ kéo đổ cột điện... được người dân phản ánh để có biện pháp xử lý kịp thời

Nâng cao chất lượng giải quyết kiến nghị của người dân

Tra cứu, giám sát đến từng kiến nghị của người dân, mà theo Sở TT&TT TPHCM vừa qua đã thử nghiệm chức năng chỉ đạo điều hành và nhắn tin SMS tự động nhắc xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân trên Cổng 1022, cho phép lãnh đạo chỉ đạo tức thời và địa phương báo cáo nhanh về việc xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân. Hệ thống cũng có tính năng tự động thống kê số phản ánh của từng ngành, lĩnh vực, địa phương và tự động gửi SMS định kỳ (vào lúc 15 giờ thứ sáu hằng tuần) đến trực tiếp lãnh đạo phụ trách ngành, lĩnh vực, địa phương về tình hình xử lý phản ánh, kiến nghị đúng hạn hay trễ hạn. Việc phát triển chức năng trên giúp lãnh đạo và các đơn vị vận hành (đặc biệt là các quận, huyện, TP.Thủ Đức) có thể theo dõi tình hình xử lý, tra cứu, giám sát đến từng kiến nghị của người dân, nâng cao chất lượng xử lý. Nhờ vậy, tỉ lệ giải quyết trễ hạn của các đơn vị đã được cải thiện đáng kể. Nếu như 6 tháng đầu năm 2022, tỉ lệ giải quyết hồ sơ trễ hạn trung bình của các đơn vị là 13,96% thì quý III năm 2022, tỉ lệ trễ hạn giảm còn 4,67%. Đặc biệt tháng 8 và 9, tỉ lệ trễ hạn là 1%.

Trật tự an toàn giao thông, phản ánh qua tổng đài 1022 giúp chính quyền nắm bắt sự việc để giải quyết

Đây cũng được xem là kênh giao tiếp thống nhất toàn TPHCM, mà trước đây có ý kiến cho rằng từ cơ sở phản ánh đang chịu nhiều áp lực do phải xử lý quá nhiều nguồn tin phản ánh. Tuy nhiên, theo Sở TT&TT TPHCM, hiện nay chính quyền cấp cơ sở đang có nhiều nguồn tin phản ánh để xử lý, dẫn đến việc tăng khối lượng công việc không cần thiết cho cơ sở. Việc này là do trước đây chưa có định hướng rõ và chưa tổ chức thống nhất trên toàn TPHCM. Điều quan trọng hơn là không tập hợp dữ liệu thống nhất của cả TPHCM để có thể phân tích, đánh giá và không thể giám sát toàn bộ hệ thống chính quyền. Do đó, Sở TT&TT TPHCM đã tham mưu UBND TPHCM sử dụng Cổng 1022 là kênh giao tiếp thống nhất toàn thành phố giữa người dân và chính quyền các cấp. Cổng 1022 như là quy chế phối hợp xử lý chặt chẽ, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu, hệ thống giám sát khách quan, công khai, minh bạch, theo thời gian thực, được tích hợp tin nhắn nhắc nhở tự động... Về chuyên môn, việc thống nhất một cổng giao tiếp cũng sẽ giúp tiết kiệm chi phí đầu tư, tinh gọn hệ thống tổng đài, đường dây nóng, ứng dụng của TPHCM.

Bình luận (0)

Lên đầu trang