Buôn bán người bằng thủ đoạn lừa "việc nhẹ lương cao":

Bài cuối: Hình phạt cần đủ sức răn đe

Thứ Tư, 19/10/2022 10:41

|

(CATP) Giật mình tỉnh giấc với thực tại "việc nhẹ lương cao", nạn nhân lúc này mới biết mình rơi vào bẫy lừa của bọn buôn người xuyên biên giới. Khi biết mình bị đem ra trao đổi, mua bán như "hàng hóa", họ buộc phải gọi điện cho người nhà để kiếm tiền chuộc thân, vì không thể chịu nổi những trận đòn roi hà khắc của những kẻ "mặt người dạ thú”...

Hồi chuông cảnh báo

Rất nhiều vụ việc lừa "việc nhẹ lương cao" đã xảy ra mà Chuyên đề Công an TPHCM đã phản ánh. Nổi cộm nhất là vụ hơn 40 nạn nhân tháo chạy khỏi sòng bài bên Campuchia bơi sông về An Giang và đã có người bỏ mạng. Hay một số vụ gia đình tại Việt Nam cầu cứu các cơ quan chức năng, xin hỗ trợ để chuộc con, cháu về nước. Hàng trăm lao động trái phép bị lừa sang Campuchia làm việc trái phép đã được hỗ trợ đưa về nước an toàn... Bấy nhiêu sự việc cũng đủ gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh để người lao động cảnh giác với những bẫy lừa "việc nhẹ lương cao". Những nạn nhân từ các tỉnh và TPHCM thường được đưa qua đường tiểu ngạch (vượt biên trái phép) sang Campuchia. Tuy nhiên sau đó, nạn nhân bị yêu cầu trả số tiền đền bù vận chuyển và chi phí ăn ở, có người còn bị bắt, khống chế, bóc lột sức lao động, xâm hại tình dục và yêu cầu gia đình chuyển tiền chuộc... Công an TPHCM đã thường xuyên chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ tăng cường kiểm soát tình hình, đẩy mạnh tuyên truyền và yêu cầu người dân khai báo, phối hợp điều tra khi xảy ra sự việc đáng tiếc. Trường hợp khi gặp phải những đối tượng xấu, đường dây lừa đảo lao động nước ngoài cần thông báo ngay cho gia đình, cơ quan chức năng, công an gần nhất để cầu cứu.

Khi người dân phát hiện những thông tin rao quảng cáo trên mạng xã hội là những cái "bẫy việc nhẹ lương cao", như vụ án mới đây mà bị can Trần Ngọc Chung (SN 2003, ngụ TP.Sầm Sơn, Thanh Hóa) lừa gạt các nạn nhân sang Campuchia làm việc. Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam Trần Ngọc Chung về tội "tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép". Theo điều tra của Cơ quan An ninh điều tra, bị can Chung là đối tượng đã từng sang Campuchia và làm việc tại sòng bài (casino). Trong thời gian ở Campuchia, Chung đã sử dụng tài khoản Facebook nhắn tin, gọi điện cho bạn bè, người quen để lôi kéo cùng sang Campuchia. Thực tế, dù biết công việc nặng nhọc, vất vả nhưng Chung vẫn nói dối các nạn nhân là sang làm "việc nhẹ nhàng, lương cao". Chung đã tư vấn, thuyết phục được nhiều nạn nhân ở TP.Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa cùng sang Campuchia làm việc trong các sòng bài. Chung đã tổ chức cho những người này vượt sông qua biên giới tại khu vực tỉnh Long An sang Campuchia. Sau khi đưa được nạn nhân sang Campuchia, Chung đã bán nạn nhân cho công ty với giá 650USD/người...

Công an làm việc với các nạn nhân bị lừa gạt "việc nhẹ lương cao"

Hình phạt nghiêm khắc

Mua bán người là hành vi dùng tiền, tài sản hoặc các phương tiện thanh toán khác để trao đổi để lấy người hoặc ngược lại để thu lợi bất chính. Những năm gần đây hoạt động mua bán người ở nước ta đang diễn ra với xu hướng gia tăng về số lượng các vụ án với những thủ đoạn được sử dụng hết sức tinh vi và xảo quyệt. Hành vi mua bán người trái phép xâm phạm nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm, quyền con người của nạn nhân. Căn cứ vào hậu quả của hành vi sẽ xem xét xử lý theo quy định của BLHS về tội mua bán người với các khung hình phạt khác nhau. Tội mua bán người là tội phạm được thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp. Trong đó, người thực hiện hành vi phạm tội xâm phạm đến các quyền cơ bản của nạn nhân như quyền tự do, quyền con người, coi con người như một "món hàng" để thực hiện việc trao đổi, mua bán với mục đích là kiếm lợi nhuận.

Theo luật sư phân tích, các yếu tố cấu thành tội mua bán người, về mặt khách quan của tội này có các dấu hiệu sau: Có hành vi mua bán người để thu lợi bất chính. Hành vi này thể hiện dưới hình thức dùng tiền, tài sản hoặc các phương tiện thanh toán khác để đổi lấy người (nhằm đem bán) hoặc ngược lại để thu lợi. Trên thực tế việc mua bán người được thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, thông thường được thực hiện một cách lén lút với các hình thức thanh toán đa dạng có thể bằng tiền, bằng tài sản khác, bằng hàng hóa... Việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội không phụ thuộc vào việc bị hại có biết hay không biết mình bị mua bán.

Đẩy mạnh tuyên truyền tại cơ sở, giúp người dân nâng cao cảnh giác

Về khách thể, hành vi phạm tội nêu trên xâm phạm đến quyền được bảo vệ thân thể, nhân phẩm của con người. Mặt chủ quan, người phạm tội thực hiện tội phạm này với lỗi cố ý. Mục đích tội phạm vì vụ lợi (để thu lợi bất chính). Tuy nhiên, đây không phải là dấu hiệu cấu thành cơ bản của tội này. Về chủ thể của tội phạm này là bất kỳ người nào có năng lực trách nhiệm hình sự. Khung hình phạt tội mua bán người đối với tội phạm này được chia thành hai khung cụ thể như sau: Khung một (khoản 1) có mức phạt tù từ 5 năm đến 10 năm. Được áp dụng đối với trường hợp có đủ dấu hiệu cấu thành cơ bản của tội này nêu ở mặt khách quan như, chuyển giao hoặc tiếp nhận người để giao, nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác.

Chuyển giao hoặc tiếp nhận người để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác. Tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp người khác để thực hiện hành vi quy định tại điểm a hoặc điểm b khoản này. Khung hai (khoản 2), phạt tù từ 08 năm đến 15 năm, mức phạt này áp dụng đối với các trường hợp có hành vi như sau: Có tổ chức, vì động cơ đê hèn, gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân từ 11% đến 45%. Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 31% trở lên, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 3 Điều này... Khung 3 (khoản 3) phạt tù từ 12 năm đến 20 năm trong các trường hợp như sau: Có tính chất chuyên nghiệp, đã lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân, gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 46% trở lên... Hình phạt bổ sung (khoản 4) là ngoài việc bị áp dụng một trong các hình phạt chính nêu trên, tùy từng trường hợp cụ thể người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt quản chế, cấm cư trú từ 1 năm đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Bài 1: Cảnh giác với những
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang