Mua bán người bằng thủ đoạn lừa "việc nhẹ lương cao":

Bài 1: Cảnh giác với những "bẫy" lừa

Thứ Ba, 18/10/2022 10:20

|

(CATP) Thời gian gần đây, tình trạng lừa nạn nhân trong nước sang Campuchia lao động trái phép, dùng nhục hình cưỡng bức làm việc khiến dư luận bức xúc. Những kẻ mua bán người thường lợi dụng tình trạng khó khăn về kinh tế của người dân, nhất là các vùng nông thôn để lừa gạt, thậm chí chúng lừa cả nạn nhân là phụ nữ, trẻ em...

Trách nhiệm từ cộng đồng

Chuyên đề Công an TPHCM đã có nhiều bài phản ánh về tình trạng mua bán người, trong đó có loại tội phạm lừa gạt các nạn nhân với lời hứa "việc nhẹ lương cao" rồi đưa sang Campuchia lao động trái phép, bán cho người khác, làm việc kiểu "khổ sai", bị áp bức, bóc lột, thậm chí hành hạ, đánh đập tàn nhẫn. Các cơ quan chức năng hai nước đã liên tục phối hợp giải cứu các nạn nhân.

Công an TPHCM cũng đã khuyến cáo về vấn nạn lừa bán người lao động sang Campuchia. Loại tội phạm buôn bán người là vấn đề nhức nhối được nước ta và thế giới quan tâm. Trước đây (năm 2012), Quốc hội đã thông qua "Luật Phòng chống mua bán người" và lấy ngày 30-7 hàng năm là "Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người". Bên cạnh đó, Bộ Luật hình sự (BLHS) cũng có quy định về loại tội phạm này...

Người dân cần nâng cao ý thức đối với loại tội phạm buôn bán người, đó là chúng thường "đánh" vào sự nhẹ dạ, cả tin, nhất là trẻ em, phụ nữ, người có hiểu biết hạn chế, kinh tế gia đình khó khăn, thiếu việc làm, thanh thiếu niên có tư tưởng nhanh làm giàu, nhanh đổi đời. Loại tội phạm lừa đảo thường hứa hẹn tìm việc có thu nhập cao, nhưng chúng bán nạn nhân sang nước ngoài để trục lợi.

Thời gian qua, các Bộ, ngành và địa phương đã có nhiều nỗ lực, chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm mua bán người và thu được những kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của tội phạm mua bán người trên thế giới và khu vực đã gây bức xúc trong dư luận, làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự.

Để chung tay phòng, chống mua bán người, ngoài nỗ lực của các cấp, các ngành, cần có sự tham gia của cả cộng đồng trong việc giáo dục và bảo vệ thành viên cộng đồng. Hãy đề phòng với loại quảng cáo "việc nhẹ lương cao", cần tố giác tội phạm với các cơ quan chức năng, trình báo với công an gần nhất khi phát hiện dấu hiệu loại tội phạm này.

Khởi tố, bắt giam bị can Trương Công Duy (SN 1992, ngụ Quảng Nam) lừa, bán nhiều nạn nhân sang Campuchia lao động trái phép

Trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức trong đấu tranh phòng, chống mua bán người, bên cạnh Luật phòng, chống mua bán người đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XII, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 29-3-2011 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-2012.

Theo đó, nạn nhân có quyền đề nghị cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền áp dụng các biện pháp bảo vệ mình, người thân thích khi bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị xâm hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm và tài sản. Nạn nhân được hưởng các chế độ hỗ trợ và được bảo vệ, được bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật. Đồng thời, nạn nhân cũng có nghĩa vụ cung cấp thông tin liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống mua bán người cho cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền, thực hiện yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền liên quan đến vụ việc mua bán.

Ngoài ra, gia đình có vai trò rất quan trọng trong việc giáo dục và bảo vệ thành viên gia đình không trở thành nạn nhân của mua bán người. Trên thực tế, phụ nữ, trẻ em bị mua bán không chỉ do nhận thức của họ hạn chế, mà trong nhiều trường hợp, còn xuất phát từ gia đình (do kém hiểu biết, thiếu thông tin hoặc lơi lỏng quản lý) mà vô tình cha mẹ đã đẩy con, em mình thành nạn nhân của nạn mua bán người.

Thượng tá Đinh Văn Trình, đại diện Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an đánh giá, thời gian tới, dự báo tình hình tội phạm mua bán người tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Kiến nghị tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý theo hướng nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước, phòng ngừa xã hội, đồng thời thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng ngừa nghiệp vụ để tăng cường hơn nữa hiệu quả phòng, chống mua bán người.

Nghiêm trị tội phạm mua bán người

Bên cạnh chế tài hình sự về tội mua bán người được quy định cụ thể trong BLHS năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017. Trong đó nêu rất rõ, Điều 150 BLHS quy dịnh, tùy theo tính chất và mức độ vi phạm, tội phạm mua bán người có thể bị phạt tù đến 20 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 100 triệu đồng, phạt quản chế, cấm cư trú từ 1 năm đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Người phạm tội mua bán người dưới 16 tuổi (Điều 151) có thể bị phạt tù từ đến 20 năm hoặc tù chung thân. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng, phạt quản chế, cấm cư trú, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Người phạm tội đánh tráo người dưới 1 tuổi (Điều 152) có thể bị phạt tù đến 12 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm. Người phạm tội mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người (Điều 154) có thể bị phạt tù đến 20 năm hoặc chung thân. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

Chung tay phòng, chống nạn buôn người

Và đặc biệt mới đây (tháng 9-2022) Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp phối hợp cùng Tiểu ban lý luận về Pháp luật bảo vệ an ninh, trật tự và cải cách tư pháp - Bộ Công an tổ chức Hội thảo khoa học "Lý luận về Pháp luật phòng, chống tội phạm và những vấn đề đặt ra đối với việc hoàn thiện cơ sở pháp lý cho công tác phòng, chống tội phạm mua bán người trong tình hình mới".

Thiếu tướng, PGS.TS Phạm Công Nguyên, Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp cho biết, Luật phòng, chống mua bán người gồm 8 chương 58 điều được Quốc hội khóa XII thông qua vào tháng 3-2011 có hiệu lực từ năm 2012, tạo cơ sở pháp lý để các cơ quan chức năng thực hiện các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, xử lý hành vi vi phạm, triệt phá các băng nhóm tội phạm mua bán người, tiếp nhận, xác minh, bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, đồng thời đẩy mạnh hợp tác quốc tế với nhiều hoạt động song phương, đa phương và trên các diễn đàn quốc tế về phòng, chống mua bán người.

Tuy nhiên, một số nội dung trong các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đã bộc lộ bất cập, không còn phù hợp với tình hình, điều kiện kinh tế - xã hội hiện nay, nhiều quy định chồng chéo, khó thực hiện, ảnh hưởng đến thực tiễn công tác và đặt ra vấn đề cần sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống mua bán người.

Cũng tại Hội thảo quan trọng này, các đại biểu là đại diện các cơ quan chức năng trong và ngoài lực lượng Công an nhân dân cùng các chuyên gia đã trình bày nhiều tham luận ý nghĩa, tập trung đánh giá những kết quả đạt được trong thi hành Pháp luật về phòng, chống mua bán người, chỉ ra những khó khăn, vướng mắc trong đấu tranh phòng, chống, trong công tác phối hợp giữa các cơ quan liên quan, hợp tác quốc tế, cũng như trong tiếp nhận, xác minh, bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, từ đó đóng góp ý kiến hoàn thiện cơ sở pháp lý về phòng, chống mua bán người trong tình hình mới.

Đánh giá hành vi mua bán người là loại "tội phạm ẩn", việc phát hiện các hành vi này rất khó khăn. Khi cơ quan chức năng nhận tin báo tố giác, việc xác minh điều tra cũng không dễ dàng, nhất là với các vụ mua bán người ra nước ngoài do đã xảy ra từ lâu, đối tượng và nạn nhân thường ở nước ngoài. Bên cạnh đó, các chứng cứ có thể thu thập thường ít, chủ yếu căn cứ vào lời khai, tố giác của người bị hại và người nhà các nạn nhân bị mua bán.

Nhiều nạn nhân bị lừa sang Campuchia lao động trái phép, được cơ quan chức năng đưa về nước an toàn

Thông tin về quan hệ hợp tác quốc tế trong phòng chống mua bán người, Đại tá, PGS.TS Lê Hoài Nam, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Cảnh sát nhân dân I nêu rõ, Việt Nam luôn chú trọng, tham gia tích cực các cơ chế hợp tác song phương, đa phương, khu vực và quốc tế, có thể kể tới, như Nghị định thư Palermo về phòng ngừa, trấn áp và trừng trị buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, hay Tiến trình Bali về phòng, chống đưa người di cư trái phép, mua bán người và tội phạm xuyên quốc gia.

Tuy nhiên, giữa hệ thống văn bản quy phạm Pháp luật phòng chống mua bán người của Việt Nam và quốc tế còn có điểm chưa tương thích, kéo theo rào cản trong phối hợp đấu tranh, trao đổi thông tin, truy bắt đối tượng. Đại tá Lê Hoài Nam cho rằng, các cơ quan liên quan cần nghiên cứu rà soát để sửa đổi bổ sung các quy định phòng, chống mua bán người sao cho phù hợp hơn với các quy định quốc tế.

(Còn tiếp...)

Bình luận (0)

Lên đầu trang