Bán hàng rong để được chơi Boccia
Lớn rồi, đâu có thể bám víu vào gia đình được mãi, nhất là khi gia đình ở quê cũng bộn bề khó khăn. Đó là tâm sự của anh Nguyễn Bá Vương (SN 1984, quê Nghệ An)- VĐV khuyết tật liệt não môn Boccia. Anh bị khuyết tật đa bẩm sinh. Từ nhỏ, Vương đã bị liệt 2 chân và liệt não nên rất khó khăn trong vận động.
17 tuổi, Vương vào thành phố và ở tại các mái ấm dành cho người khuyết tật. Hàng ngày, anh vừa đi bán vé số, vừa theo học văn hóa. Anh Vương bảo: Tốt nghiệp lớp 12 đã là thành công đối với một người đa khuyết tật như mình.
Vào Sài Gòn sinh sống và tự lập khá lâu, nên nét mặt anh lộ rõ sự sương gió và từng trải.
Anh Vương trong một buổi tập luyện môn Boccia cùng đồng đội
Năm 2008 là mốc thời gian anh bắt đầu làm quen với môn Boccia. Đối với Vương, sau những khó khăn, mỏi mệt của cuộc sống thường nhật thì những năm qua khi được tham gia tập luyện bộ môn này và được chọn trở thành VĐV đi thi đấu, anh mới tìm thấy niềm vui và ý nghĩa cuộc sống.
Anh hào hứng khoe “chiến tích”: Đã tham gia 5 trận đấu giải quốc gia và đã đạt được 4 HCB bộ môn Boccia dành cho người khuyết tật. Niềm vui vỡ òa khi năm 2022, anh đã vượt qua nhiều đối thủ nặng ký để giành chiếc HCV.
Đó là sự tưởng thưởng xứng đáng cho những nỗ lực vượt lên chính mình của anh Vương.
Hiện anh Vương đã chuyển về Củ Chi sống cùng với cô em gái. Hàng ngày, trên chiếc xe máy ba bánh, anh rong ruổi đi lấy bánh tráng về mang đi bán. Có khi anh bán hành tỏi ở tại các chợ. Chịu khó mưu sinh là vậy nhưng thu nhập hàng tháng của anh Vương chỉ dừng lại ở mức đủ tiêu. Đó là chưa kể, mỗi khi có lịch luyện tập, anh đều phải chạy một đoạn đường khá xa từ Củ Chi đến Trung tâm thể thao quận 11, một tuần những 3-4 bận. Phí đi lại cũng ngốn của anh kha khá tiền, nhất là vào thời gian cao điểm chuẩn bị trước giải đấu.
Đã không còn quá trẻ nhưng khi nói đến chuyện lập gia đình, anh Vương chặc lưỡi: Nhiều khi cũng muốn có một điểm tựa tinh thần nhưng nghĩ bản thân mình nghèo, lại khuyết tật nên ai mà chịu lấy. Thế nên anh không còn muốn nghĩ đến nữa, hàng ngày anh vẫn đều đặn đi bán hàng rong, khi nào có lịch tập luyện thì có mặt.
Anh Vương tiếp tục cuộc mưu sinh bằng nghề bán bánh tráng nướng
Anh Vương trải lòng: Có lúc nghĩ nếu không tham gia bộ môn Boccia, chắc anh cũng không biết niềm vui của mình là gì nữa. Được tập luyện, được gặp gỡ các thầy, các anh chị em đồng cảnh ngộ, được đi đó đi đây…anh mới thấy cuộc sống này rất đáng sống.
Gặp anh ở sân tập, ngồi trên chiếc xe lăn, anh chăm chú cầm những quả banh màu để làm sao ném đến gần quả banh chủ nhất. Một buổi tập kéo dài cả mấy tiếng đồng hồ, mồ hôi đổ ròng trên khuôn mặt. Trong khoảnh khắc ấy, dường như anh quên hết mọi lo toan, quên hết mỏi mệt, tâm trí chỉ tập trung vào những quả bóng đủ màu trắng, xanh, đỏ. Dẫu bên ngoài, là chiếc xe ba bánh đựng đầy bánh tráng nướng. Lần nào cũng vậy, cứ hết buổi tập là anh Vương lại tiếp tục lao vào cuộc sống mưu sinh của mình.
Cứ thế, bóng anh Vương khuất dần trong làn xe cộ đông đúc với lời rao “Bánh tráng không? Bánh tráng không anh chị ơi?".
Đứng lên từ chất chồng cú sốc
Mỗi lần Vương Chí Thiện (SN 2006, ngụ phường 1, quận 8) - VĐV khuyết tật trí tuệ, tự kỷ môn bóng đá có lịch đi tập, chị Khuất Thị Hồng đều cố gắng sắp xếp để chở con đi. Bao biến cố cứ dồn dập kéo đến khiến chị Hồng muốn ngã quỵ nhưng vì 2 đứa con trai, chị Hồng đành nuốt nỗi đau vào lòng.
Khi Thiện hơn 3,5 tuổi, chị Hồng thấy con chậm nói và không kiểm soát được hành vi. Kể từ đó, khi biết con trai mắc chứng bệnh tự kỷ, chị cảm thấy suy sụp. Rồi chị tự an ủi mình để có thể đủ sức chăm các con. Nuôi 1 đứa trẻ bình thường vất vả 1 thì với 1 trẻ bị khuyết tật trí tuệ thì khó khăn gấp bội phần.
Hiện Thiện đang là học sinh hòa nhập lớp 11 Trường THPT Tạ Quang Bửu. Em trai của Thiện thì học lớp 9.
Thiện và mẹ
Chị Hồng kể: Đứa nhỏ thì phát triển bình thường. Tuy nhiên, trong đợt dịch Covid-19 bùng phát tại TPHCM, chồng chị không may nhiễm bệnh qua đời. Đang bán thuốc lá, khẩu trang vỉa hè, chị phải nghỉ làm ở nhà chăm sóc 2 con vì sau cái chết của ba, cả hai đều bị sang chấn tâm lý. Thiện thì mất kiểm soát nặng hơn, đứa em bỗng dưng cũng lạnh lùng, ít nói; giờ giấc sinh hoạt bị xáo trộn khiến chị lo lắng khóc hết nước mắt.
Không có tấc đất cắm dùi, cả ba mẹ con đang sống nhờ nhà người thân. Sau khi tình hình ổn ổn lại, chị trở về với việc bán hàng để kiếm tiền lo cho 2 con ăn học.
Thiện nhận cúp tại một giải đấu bóng chày
Theo ông Mai Bá Hùng- Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM: Nhiều năm qua, Sở đã phối hợp với Hiệp hội thể thao người khuyết tật Việt Nam và Tổng cục TDTT cùng một số đơn vị khác tổ chức Giải Thể thao người khuyết tật toàn quốc để làm cơ sở tuyển chọn các VĐV có thành tích tốt, chuẩn bị lực lượng tham dự các giải thể thao người khuyết tật quốc tế.
Có một thực tế cần phải nhìn nhận là trong thời gian qua, hoạt động thể thao người khuyết tật còn gặp nhiều khó khăn như: thiếu nguồn kinh phí, nguồn tài trợ, dịch bệnh… đã tác động không nhỏ đến việc tập luyện và thi đấu của VĐV người khuyết tật. Dù đối mặt không ít khó khăn, nhưng các VĐV người khuyết tật đã cố gắng nỗ lực thi đấu hết mình, đạt được nhiều thành tích cao tại các giải đấu chuyên nghiệp, mang vinh quang về cho Tổ quốc. Đa phần các VĐV người khuyết tật đều có hoàn cảnh rất khó khăn nhưng họ đã phấn đấu không mệt mỏi, nỗ lực tập luyện để vượt qua chính mình, có cơ hội thi đấu, tỏa sáng và cống hiến. Qua mỗi trận đấu trong nước cũng như quốc tế, điều đọng lại lớn nhất chính là những tấm gương về tinh thần và nghị lực thi đấu phi thường của các VĐV người khuyết tật.
Chia sẻ về chương trình Giải Golf từ thiện do Chuyên đề Công an TPHCM tổ chức sắp diễn ra, ông Hùng cho biết, phải nói đây một hoạt động rất ý nghĩa và thiết thực trong việc hỗ trợ vật chất lẫn tinh thần cho các VĐV người khuyết tật, nhằm giúp họ có động lực tiếp tục đóng góp cho phong trào thể thao VN nói chung, TPHCM nói riêng. Mong rằng đơn vị tổ chức sẽ tiếp tục đồng hành cùng các hoạt động thiện nguyện khác, góp phần mang đến niềm vui cho những hoàn cảnh khó khăn, giúp họ vươn lên trong cuộc sống.
Năm 2021, trong một lần dẫn Thiện đi học bơi, chị Hồng được một người bạn gieo duyên giới thiệu Thiện vào trung tâm thể dục thể thao dành riêng cho người khuyết tật.
Vất vả mấy chị Hồng vẫn cố đưa con theo học các lớp để con có cơ hội tiếp xúc với cuộc sống, bởi nếu càng ở nhà, bệnh của Thiện chắc chắn sẽ khó mà thuyên giảm.
Và khi chứng kiển cảnh con hăng say tập luyện, chị Hồng thật sự cảm thấy nhẹ lòng. Chủ nhật thì Thiện tập đá banh, khi nào rảnh thì em lại học võ, bóng rổ, bóng chày.
Sự vận động khi học các môn thể thao đã khiến Thiện mở lòng hơn rất nhiều. Em giảm bớt được tính cộc cằn, dễ nổi nóng đối với những người xung quanh. Đam mê thể thao còn giúp em “sở hữu” được rất nhiều huy chương các loại tại các giải đấu thể thao người khuyết tật TPHCM 2021-2022.
Chị Hồng bộc bạch: Còn cả một chặng đường dài đầy khó khăn phía trước, giờ chỉ mong Thiện vui khỏe, cố gắng học hết lớp 12 rồi xin vào một trường dạy nghề với định hướng học nghề hớt tóc nam để con ổn định cuộc sống. Không biết sẽ gắng gượng được đến bao giờ nhưng tôi vẫn sẽ duy trì để Thiện tiếp tục được tập luyện các môn thể thao theo đuổi đam mê của riêng mình.
Nói đoạn, chị Hồng xin phép được kết thúc câu chuyện để đưa Thiện cùng đi đón em trai vì sợ “nó chờ lâu, lại rất dễ nổi nóng”. Dáng chị Hồng tất tả mất hút trong tầm mắt.
Vừa học, vừa làm, vừa tập
Làm chung cơ sở massage tại địa bàn quận 10 với em Trịnh Kiều Oanh (nhân vật được nhắc đến trong bài 4) là cô bé Huỳnh Nguyễn Anh Thư (SN 2000)- VĐV khiếm thị môn Judo.
Câu chuyện của Thư cũng khiến người đối diện cảm phục quá đỗi. Là con gái út trong một gia đình có 2 anh em, năm 4 tuổi Thư trải qua một đợt sốt cao và di chứng để lại là đôi mắt bị mù lòa vĩnh viễn. Kể từ đó, em chỉ sống loay hoay trong nhà, phụ được gì cho gia đình em đều cố gắng.
Tuổi thơ trôi qua đầy ắp nỗi buồn. Nhưng càng lớn, Thư càng ý thức hơn về bản thân nhất là khi gia đình cũng chất chồng cơ cực.
Ba mất, mẹ làm công nhân nuôi 2 anh em Thư khôn lớn nên Thư rất thương mẹ. Khi anh trai tự đi làm kiếm sống, Thư cũng muốn tự lập để mẹ đỡ vất vả phần nào.
Thư nhận HCV Tại giải vô địch thể thao người khuyết tật toàn quốc năm 2022
Rời nhà ở Hóc Môn, em quyết định xin tá túc vào Hội người mù TPHCM để theo học văn hóa. Vì bắt đầu muộn nên hiện Thư đang theo học lớp 5. Buổi sáng, Thư đi học, buổi chiều Thư đón xe qua cơ sở massage dành cho người khiếm thị trên địa bàn quận 10 để làm việc. Một buổi đi làm như vậy thì lương cũng không thấm tháp là bao, nhưng Thư vui vì có thể tự lo chi phí sinh hoạt cá nhân, không dựa dẫm vào gia đình nữa.
Thư bắt đầu tham gia tập luyện môn Judo từ năm 2021; nhưng em đã thể hiện năng khiếu nổi trội. Đó chính là lý do em đã được chọn tham gia giải đấu vô địch quốc gia môn Judo dành cho người khuyết tật vào năm 2022. Và trong lần đầu “ra quân” này, Thư đã xuất sắc đạt được huy chương bạc.
Thư chia sẻ: Cứ trong hè thì mỗi tuần tập luyện Judo từ 2-3 buổi; còn ngày thường thì em vẫn duy trì 1 tuần/1 buổi để rèn luyện sức khỏe và nâng cao chuyên môn.
Đối với cô gái khiếm thị như Thư, cuộc sống phía trước vẫn còn bao khó khăn chực chờ nhưng có hề gì khi hiện tại em vẫn đang học, đang làm việc và đang được sống với đam mê.
Thư nói: Em không dám ước mơ gì, giờ chỉ cố gắng để học văn hóa đến hết cấp 2 rồi sẽ tính tiếp. Riêng đối với bộ môn Judo, em vẫn sẽ nỗ lực tập luyện hết mình để được thử sức tại các giải đấu lớn như Para Games.
Nhằm khuyến khích tinh thần thể thao, vận động, tạo sự lan tỏa, kết nối các doanh nghiệp, giao lưu giữa cộng đồng doanh nhân cùng chung tay làm công tác từ thiện hướng về cộng đồng, hỗ trợ người khuyết tật, đặc biệt là các vận động viên khuyết tật tham dự các giải quốc gia, quốc tế, Paragames mang vinh quang về cho Tổ quốc, nhưng cuộc sống còn nhiều khó khăn, Ban Chuyên đề Công an TPHCM phối hợp với Cộng đồng Thể thao Người khuyết tật tổ chức giải Golf từ thiện lần thứ I (dự kiến diễn ra ngày 19-10-2022, tại sân golf Tân Sơn Nhất), nhằm gây quỹ từ thiện nâng cao đời sống cho người khuyết tật.
Mọi hỗ trợ, đóng góp đồng hành cùng giải đấu, các doanh nhân, doanh nghiệp, nhà hảo tâm, bạn đọc gần xa xin vui lòng liên hệ: Trung tá Đinh Ngọc Quảng - phụ trách Bộ phận Quảng cáo - Truyền thông của Ban Chuyên đề Công an TPHCM, SĐT: 0908.219522; hoặc chị Thảo Trang - Công ty TNHH TMDV Uy Quân, SĐT: 0909.207.181; số tài khoản ngân hàng: 0531000293479 tại Ngân hàng TMCP Ngoại Thương, chi nhánh Bình Thạnh.
Chương trình giải Golf từ thiện do Chuyên đề Công an TPHCM tổ chức
(CAO) Những tưởng khi biết mình không được bình thường như bạn đồng trang lứa, các em sẽ thu mình lại trong một thế giới riêng. Nhưng nhờ được sự quan tâm, dìu dắt của gia đình, sự giúp đỡ, dạy dỗ tận tình của các thầy và những người bạn đồng cảnh ngộ, các em đã vượt qua mặc cảm, nỗi sợ hãi để được sống là chính mình với niềm đam mê hứng khởi với các môn thể thao dành cho người khuyết tật.