(CAO) Đây là thừa nhận của cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao Nguyễn Thị Hương Lan tại phiên toà xét xử vụ “chuyến bay giải cứu” ngày 13/7.
Theo cáo trạng, từ năm 2016 đến tháng 7/2021, bà Nguyễn Thị Hương Lan là Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự. Đến tháng 7/2021, bà Lan được bổ nhiệm làm Cục trưởng; được giao quản lý, phụ trách chung toàn bộ công việc của Cục Lãnh sự, xét duyệt danh sách các doanh nghiệp thực hiện chuyến bay; trực tiếp báo cáo ông Tô Anh Dũng, Thứ trưởng duyệt, ký công văn gửi Tổ 4 Bộ/5 Bộ về việc đề xuất cho các doanh nghiệp tham gia tổ chức thực hiện các chuyến bay đưa công dân về nước.
Từ tháng 5/2020 đến tháng 1/2022, có 8 cá nhân đại diện các doanh nghiệp đã đặt vấn đề nhờ và được bà Lan đồng ý tạo điều kiện giúp đỡ trong việc cấp phép chuyến bay.
Quá trình từ tháng 12/2020 đến tháng 1/2022, bà Nguyễn Thị Hương Lan đã nhận hối lộ 32 lần của 8 cá nhân đại diện doanh nghiệp, tổng số hơn 25 tỷ đồng.
Cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự trả lời thẩm vấn tại toà
Trả lời thẩm vấn tại tòa, cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự trình bày: Quy trình tiếp nhận hồ sơ liên quan đến các chuyến bay combo được gửi đến Cục Lãnh sự, văn phòng đưa lên và ghi phân công cho Phòng Bảo hộ công dân rồi gửi lên lãnh đạo Cục xem.
Khi đó, Phòng Bảo hộ công dân sẽ tập hợp các yêu cầu của doanh nghiệp lập thành danh sách tổng hợp. Trên cơ sở các tiêu chí lựa chọn doanh nghiệp do Tổ 5 Bộ đã thống nhất trước đó, Phòng Bảo hộ công dân sẽ lựa chọn doanh nghiệp đủ tiêu chí, tạm gọi là danh sách đề xuất rồi đưa lên cho Phó Cục trưởng phụ trách.
Lúc đó, bị cáo phân công cho ông Đỗ Hoàng Tùng (cựu Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao) xem và điều chỉnh rồi đưa lên cho bị cáo để báo cáo Thứ trưởng Tô Anh Dũng.
Theo bị cáo Lan, tiêu chí lựa chọn doanh nghiệp cấp phép chuyến bay, bao gồm địa bàn đông công dân bị mắc kẹt được ưu tiên, các địa phương phải có văn bản tiếp nhận, không dồn quá nhiều 1 thời điểm vào 1 địa phương, người đưa về phải là công dân Việt Nam có nhu cầu về nước đang kẹt ở nước ngoài, doanh nghiệp phải đảm bảo việc thực hiện trọn gói cho công dân.
Giai đoạn điều tra, cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự không thừa nhận số tiền hối lộ như cáo trạng. Tuy nhiên, tại tòa, bị cáo Hương Lan thừa nhận việc cầm tiền hối lộ từ 8 doanh nghiệp gồm các công ty An Bình, ATA, Nhật Minh, MasterLife, Bluesky, đại diện Lữ Hành Việt, đại diện Thuận An với số tiền như cáo buộc.
Bà Hương Lan cũng nhìn nhận, việc nhận tiền này là nguyên nhân để các doanh nghiệp lợi dụng tăng giá chuyến bay, làm mất uy tín của Nhà nước. Bị cáo gửi lời xin lỗi Đảng, Nhà nước và cho biết, gia đình bị cáo đã nộp 900 triệu đồng cho CQĐT để khắc phục hậu quả.
Còn Phạm Trung Kiên (cựu Thư ký của một Thứ trưởng Bộ Y tế) thừa nhận đã cầm hơn 42 tỷ đồng như cáo trạng quy kết.
Bị cáo Phạm Trung Kiên
Khi vụ án xảy ra, bị cáo đã trả lại 12 tỷ đồng cho phía doanh nghiệp, cho vay 10 tỷ đồng, hơn 20 tỷ đồng dùng để đầu đầu tư vào đất đai, sửa chữa nhà cửa; số tiền còn lại sử dụng chi tiêu cá nhân. Bị cáo Kiên cũng khai dùng tài khoản của mẹ vợ để nhận tiền hối lộ, sau đó đem đi mua đất ở Mũi Né (Bình Thuận), Ba Vì và Hoài Đức (Hà Nội). Nhưng đến đầu năm 2022, bị cáo đã bán để lấy tiền khắc phục hậu quả của vụ án.
Tại phiên xử trước đó, bị cáo Kiên khai: “Bản thân không yêu cầu doanh nghiệp chi tiền”. Trong khi đó, bị cáo Hoàng Diệu Mơ (Tổng giám đốc Công ty TNHH Thương mại du lịch dịch vụ hàng không An Bình) khai, Phạm Trung Kiên đề nghị qua điện thoại chi 150 triệu đồng/chuyến bay, sau đó Mơ đồng ý và giao cho nhân viên mang tiền đến.
Còn Trần Thị Mai Xa (Giám đốc Công ty MasterLife) khai rằng, trong quá trình xin cấp phép chuyến bay, có đưa tiền cho 4 Bộ, ngành. Bên Bộ Y tế, bà Mai khai đã đưa 5.000 USD và chuyển khoản 1,6 tỷ cho Phạm Trung Kiên.