Vụ phóng hoả khiến 5 người chết: Nguồn cơn từ đâu?

Thứ Năm, 15/03/2018 09:42  | Ngọc Hà

|

(CAO) Nghi phạm Trần Văn Quốc (SN 1960) trong vụ án phóng hỏa đốt nhà khiến 5 người tử vong (gồm Quốc và 4 người trong gia đình nạn nhân), xảy ra tại căn nhà nằm trong khu biệt thự cổ số 13 Trần Hưng Đạo, P.10, TP.Đà Lạt (Lâm Đồng) bị ung thư gan giai đoạn cuối, có hồ sơ bệnh án tại Bệnh viện Nguyên Tri Phương TP.HCM.

Ngoài ra, nghi phạm được cho là đang điều trị bệnh rối loạn tâm thần tại Bệnh viện ngoại thần kinh Quốc Tế (TP.HCM).

Nghi phạm gây ra vụ án đã tử vong, nhưng nhiều ý kiến bày tỏ sự bất bình, lên án với người này vẫn không ngừng. Nhiều người thắc mắc, tại sao trước đó nghi can đâm chủ nhà – nạn nhân thương tích đến mức phải nằm viện mà cơ quan chức năng không có biện pháp ngăn chặn đối tượng để dẫn đến kết cục bi thảm này?

Ngày 14-3, tiếp tục tìm hiểu về vụ án, phóng viên Báo Công an TP.HCM đã có buổi trao đổi với đại diện lãnh đạo Công an TP.Đà Lạt về sự việc trên.

Thượng tá Bùi Đức Rô – Phó Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an TP.Đà Lạt cho biết, nghi phạm Quốc là hàng xóm, nhà ở liền kề, sát vách trái với gia đình nạn nhân, được nghi là đã chết cùng gia đình nạn nhân.

Căn cứ vào camera an ninh ghi được, trước lúc xảy ra vụ cháy, ông Quốc cầm bình gas mini và đèn khò (vừa đi vừa bật như để kiểm tra) đi vào nhà nạn nhân, ngay sau đó thì căn nhà phát nổ và gây ra vụ cháy. Để có cơ sở kết luận chính thức vụ án, ngành chức năng đã gửi giám định ADN cả 5 người để xác định danh tính, xác định chính xác thủ phạm.

Căn nhà nơi xảy ra vụ cháy

Thêm một thông tin đáng buồn là cháu Nguyễn Quốc Khánh (SN 2003), con trai của vợ chồng nạn nhân bị mắc bệnh down. Thời điểm xảy ra vụ án, nghi phạm Quốc vào nhà, tưới xăng phóng hỏa, lúc này nạn nhân Phạm Thị Hòa (SN 1973) đang ôm cháu Khánh, nạn nhân Thăng mới đi viện về còn yếu, cháu Nguyễn Khánh Linh (SN 2006) còn quá nhỏ nên cả gia đình không thể ngăn cản. Quốc lại đứng ngay ở cửa chính - cánh cửa duy nhất của căn nhà rất nhỏ hẹp. Căn nhà rộng 34m2, nhà lại có đến 3 chiếc xe máy nên các nạn nhân không có cửa chạy thoát.

Theo hồ sơ Công an TP.Đà Lạt và Công an phường 10, quản lý: Quốc sống độc thân tại căn nhà trên. Cha mẹ Quốc mất từ lâu, anh em thân thích ở xa, chỉ có duy nhất cô em gái lấy chồng ở Đài Loan, thỉnh thoảng gửi tiền về cho Quốc chi tiêu, chữa bệnh. Quốc không có việc làm.

Quốc từng lập gia đình, có 1 con trai sinh năm 1998, cháu bé đã mất năm 2001, vợ Quốc (SN 1957) bỏ đi năm 2002, từ đó Quốc sống một mình. Gần đây, Quốc có quan hệ tình cảm với một phụ nữ tên B. ở xã Định An, huyện Đức Trọng và Quốc thường xuyên đến ở cùng bạn gái. Theo nhận xét của nhiều người, Quốc có lối sống trầm lặng, ít giao thiệp với hàng xóm, tính tình có vẻ không được bình thường, hơi khờ khạo, khả năng do ảnh hưởng, tác động của hoàn cảnh, bệnh lý.

Trước đây, do là hàng xóm liền kề, giữa Quốc và anh Thăng có quan hệ khá thân thiết, thỉnh thoảng sang nhà nhau chơi.

Từ kết quả điều tra của Công an TP.Đà Lạt, lời khai của các nhân chứng - từ ngày 30 Tết, cho thấy: vào 15 giờ ngày 15-2-2018 (30 Tết), khi Trần Văn Quốc lau chùi bàn thờ và đặt mâm cơm cúng ngoài sân thì gà nhà anh Nguyễn Thông Thăng chạy lăng quăng.

Do là khu tập thể, nhà liền kề, chung sân nên Quốc phản ứng: “Sống phải có ý thức..., gà mà cứ thả lung tung, bậy bạ khu vực người ta cúng”. Giữa anh Thăng với anh Quốc xảy ra cãi vã, xô xát.

Quốc vào nhà lấy dao đuổi chém anh Thăng, nhưng không trúng. Anh Thăng bỏ chạy ra ngõ, Quốc đuổi theo không được nên quay về. Anh Thăng sau đó trở về nhà, trên tay cầm một khúc gỗ, đánh lại Quốc nhưng Quốc đỡ được và dùng dao đâm anh Thăng 1 nhát vào nách, vết thương dài 3cm, 1 nhát đâm sượt qua đầu, gây xước đầu anh.

Công an khám nghiệm hiện trường 

Do bị thương tích khá nặng, anh Thăng sau đó được vợ đưa đi cấp cứu và làm đơn tố cáo cơ quan công an, đề nghị xử lý Quốc.

Từ đơn tố cáo của bị hại Thăng, công an TP.Đà Lạt vào cuộc điều tra. Về phần Quốc, ngay sau khi đâm anh Thăng, Quốc bỏ trốn khỏi nơi ở, cơ quan công an tích cực truy tìm đối tượng về xử lý, nhưng lúc này chưa xác định được can phạm ở đâu. Anh Thăng phải nhập viện điều trị vết thương kéo dài hơn 20 ngày, và mới ra viện 4 ngày trước khi xảy ra vụ án phóng hỏa.

Do Quốc bỏ trốn, công an TP.Đà Lạt lấy lời khai bị hại, các nhân chứng và tiến hành tổ chức lực lượng truy tìm Quốc. Trong những ngày Tết, không tìm được Quốc, công an Đà Lạt đã tìm được người nhà Quốc, vận động Quốc ra đầu thú.

Gia đình Quốc lúc này cho biết, Quốc lâu nay điều trị bệnh ung thư gan tại TP.HCM. Được sự vận động tích cực của cơ quan công an, ngày 20-2 (mùng 5 Tết), chị dâu Quốc là Nguyễn Thị Danh (trú P.2, TP.Đà Lạt) đưa Quốc đến công an đầu thú.

Tại đây, phía Quốc cho biết, sẽ chủ động thăm gặp, bồi thường cho anh Thăng. Quốc sau đó nhiều lần đến bệnh viện nhưng anh Thăng không tiếp chuyện. Quốc và người chị dâu đặt vấn đề với vợ anh Thăng sẽ bồi thường căn nhà đang ở cho anh Thăng, còn mình sẽ đi Đức Trọng ở cùng bạn gái và nhập viện. Tuy nhiên, anh Thăng không đồng ý, yêu cầu phải xử lý Quốc vì hành vi đâm người.

Công an TP.Đà Lạt đã lập hồ sơ về hành vi vi phạm của Quốc. Bản thân Quốc có lời khai, do bực tức anh Thăng nuôi gà thả rông khiến Quốc nhiều lần phải dọn sân nhà, đỉnh điểm là việc bực bội hôm cúng 30 Tết nên đâm anh Thăng để dằn mặt chứ không cố ý gây trọng án với anh Thăng.

Do Quốc bị bệnh hiểm nghèo nên công an cho người nhà Quốc bảo lãnh đối tượng về chữa bệnh. Quốc sau đó đi khỏi căn nhà và bất ngờ trở về gây án.

Những gì còn lại trong ngôi nhà

Theo lời khai của chị B., bạn gái Quốc, tối 12-3, Quốc từ nhà chị, đeo 1 chiếc ba lô và nói về nhà giải quyết công việc. Bởi trước đó, ngày 9-3, khi biết anh Thăng đã xuất viện, cần làm thủ tục giám định thương tật để xử lý Quốc, công an TP.Đà Lạt đã phát giấy mời làm việc với bị hại Thăng, giấy hẹn ngày 14-3 làm việc.

Cũng theo lời khai của chị B., Quốc tâm sự, biết được việc này, Quốc đã điện thoại nói anh Thăng để Quốc bồi thường nhưng anh Thăng cương quyết không đồng ý. Theo đó, khoảng gần 19 giờ, Quốc đi đâu đó (sau này xác định là đi mua xăng, cho vào balô đeo sau lưng), chạy xe máy về cất ở nhà chị B. Rồi gọi taxi đến nhà anh Thăng và tiến hành hành vi như đã diễn ra.

Sự bất cập của luật?

Thượng tá Bùi Đức Rô nêu quan điểm: “Với diễn biến vụ án như vậy, chúng tôi chỉ có thể làm được đến đó, không thể bắt giữ, ngăn chặn hành vi tiếp theo của Trần Văn Quốc. Bởi về luật, để xử lý Quốc phải có cơ sở là kết quả giám định thương tích của bị hại.

Dựa trên tỷ lệ thương tích mới có cơ sở bắt giữ bị can. Việc bị can bỏ trốn đã gây khó khăn cho cơ quan điều tra, chúng tôi đã tổ chức truy tìm, người nhà Quốc nói Quốc đang điều trị bệnh hiểm nghèo. Đến bệnh viện, xác định có hồ sơ bệnh án, nhưng nghi can không có ở đó.

Lúc này, Quốc đi sống với bạn gái mà sau đó chúng tôi mới tìm ra nên không thể bắt khẩn cấp hay bắt quả tang. Còn khi đối tượng về đầu thú, đối tượng lại mắc bệnh hiểm nghèo, có thiện chí khắc phục hành vi, lại vì tình làng nghĩa xóm nên chúng tôi đành phải chờ thực hiện theo đúng pháp luật. Nghĩa là phải có kết quả giám định thương tích.

Để thực hiện việc giám định phải do phía bị hại có đơn yêu cầu. Từ đó, cơ quan công an sẽ trưng cầu giám định pháp y với Trung tâm giám định pháp y tỉnh. Thủ tục giám định pháp y buộc phải có hồ sơ bệnh án, giấy chứng thương. Mà những giấy tờ này phải chờ khi bệnh nhân xuất viện mới có.

Vì lẽ đó, nếu không phải là vụ án bắt quả tang, cơ quan điều tra đều phải chờ bị hại có hồ sơ bệnh án, có giấy chứng thương mới thực hiện được việc giám định. Không thể khác được bởi thủ tục này có sự giám sát của Viện kiểm sát.

Vụ hoả hoạn gây chấn động phố núi

Cũng theo thượng tá Rô, để phòng ngừa những vụ án tương tự, có khi chúng ta phải nghiên cứu theo luật một số nước khác, như khi đối tượng đâm người, công an sẽ bắt ngay, chuyển vụ án sang cơ quan công tố. Đến khi tòa án xét xử, căn cứ vào kết quả giám định thương tật sẽ tuyên bản án tương ứng hành vi.

“Chúng tôi, những người làm tố tụng cũng nhiều lần bức bối vì sự bất cập này do luật quy định” – thượng tá Rô chia sẻ.

Trở lại việc thủ tục giám định pháp y quy định ra sao, ông Mai Quang Lộc – Giám đốc Trung tâm pháp y tỉnh Lâm Đồng, cho biết: “Thủ tục để giám định pháp y với từng trường hợp buộc phải có giấy chứng thương. Hiểu nôm na là giấy chứng minh thương tích. Phải có bác sỹ ghi vào bệnh án bệnh nhân thương tích ra sao (bị gì) mới có cơ sở để giám định, xác định tỷ lệ thương tích mức độ nào.

Việc này cần chặt chẽ, đúng thủ tục theo quy định; tránh có (thương tích) thành không và ngược lại. Trong trường hợp để xử lý án, khi cơ quan điều tra trưng cầu thì cơ quan giám định sẽ thực hiện”.

Một nguyên nhân quan trọng dẫn đến vụ án mạng thảm khốc chính là tình trạng căn nhà chỉ có duy nhất 1 cửa chính, không có cửa phụ để thoát hiểm nên khi xảy ra hỏa hoạn, cháy nổ đã đẩy nhiều gia đình vào cảnh tang thương. Việc này, chính những người dân phải lưu ý, phòng ngừa.

Tiếp tục điều tra, làm rõ vụ án theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng

Ngày 13-3-2018, sau khi vụ cháy thảm khốc xảy ra, báo chí thông tin, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã ký công điện khẩn số 339/CĐ-TTg, yêu cầu Bộ Công an phối hợp Bộ Quốc phòng, tỉnh Lâm Đồng khẩn trương điều tra, làm rõ vụ cháy.

Trước đó, khoảng 19 giờ 20 ngày 12-3, nghe tiếng nổ lớn bên nhà ông Nguyễn Thông Thăng (SN 1973) cùng tiếng cô con gái nhỏ của họ kêu cứu thất thanh, những người hàng xóm nhà ông Thăng hoảng loạn bỏ chạy khỏi nhà, chứng kiến căn nhà ông  bốc cháy ngùn ngụt.

Nhiều người dân vội điện thoại báo cơ quan chức năng. Lực lượng cảnh sát PCCC phối hợp với các lực lượng, phương tiện khẩn cấp đến hiện trường ứng cứu, nhưng không thành. Toàn bộ 2 căn nhà (ông Thăng, ông Quốc) cháy rụi, 5 người thiệt mạng.

 Ngoài ra, ngọn lửa cũng lan sang 2 căn nhà khác liền kề. Trong đó, hộ nhà ông Khánh cũng bị thiệt hại khá nặng. Ông Khánh để dành 17,5 triệu trên tủ bị cháy, vật dụng trong nhà bị cháy thiệt hại khoảng 50 triệu đồng. Lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo các ngành chức năng hỗ trợ thiệt hại trước mắt với các trường hợp này, như tạm thời bố trí chỗ ở, khắc phục sửa chữa lại nhà...

 

Bình luận (0)

Lên đầu trang