'Ô nhiễm trắng' bao phủ thành phố:

Kỳ 1: Bóng ma mang tên 'túi ni lông'

Thứ Năm, 04/06/2015 06:26  | Bài - ảnh: Linh Vũ

|

Hiện nay, hình ảnh túi ni lông được sử dụng vô tôi vạ dễ dàng được bắt gặp tại TP.HCM. Túi ni  lông có mặt khắp mọi nơi, từ trung tâm thành phố cho đến ngoại thành, từ siêu thị đến các khu chợ truyền thống, chợ trời, từ những quán ăn đến các gánh hàng rong, từ quầy thịt đến quầy rau củ...

Theo chân người nội trợ 

Chợ Phùng Hưng (P14, Q.5) tuy không quá lớn nhưng luôn tấp nập người bán kẻ mua. Anh mua thịt, chị mua rau, em mua bánh, hoa quả... hầu như tất cả các giao dịch trong chợ đều có sự hiện diện của túi ni lông.

Hiện tại, túi ni lông đã có mặt khắp nơi từ những sạp rau quả, thịt cá đến quán ăn uống...

Chị Thảo (một tiểu thương bán rau củ trong chợ Phùng Hưng) cho biết: “Hầu như tất cả các tiểu thương trong chợ đều sử dụng túi ni-lông để đựng thịt, cá vì nó vừa nhẹ, vừa rẻ... Trước đây, một ngày tôi sử dụng khoảng 1kg túi ni lông để đựng rau củ cho khách, nhưng từ khi Ban quản lý chợ vận động hạn chế túi ni lông, tôi đã cố gắng giảm lại. Thay vì một loại rau củ sẽ đựng vào một túi khác nhau, tôi dồn nhiều thứ vào một túi. Hiện nay, mỗi ngày tôi chỉ sử dụng khoảng gần 0.5 kg túi ni lông thôi”.

Hầu như tất cả các giao dịch trong chợ đều có sự hiện diện của túi ni-lông

Chúng tôi tìm chợ Bình Triệu (P.Hiệp Bình Chánh, Q.Thủ Đức) vào sáng một ngày đầu tháng 6 để tìm hiểu về việc sử dụng túi ni lông tại đây. Trong hơn 30 phút ghi nhận, chúng tôi chỉ thấy vỏn vẹn 3 bà nội trợ sử dụng giỏ nhựa để đựng thực phẩm. Tất cả những người còn lại khi đến mua thịt heo, cá, rau củ quả đều sử dụng túi ni-lông.

Nói về vấn đề này, chị Hồng (một bà nội trợ, ngụ P. Hiệp Bình Chánh) giải thích: “Túi ni lông thì rất tiện dụng, mình sử dụng lúc nào cũng được. Đi làm về hay đi đâu đó đều có thể tấp vào chợ để mua đồ mà không cần phải tốn công chạy về nhà lấy giỏ rồi chạy ngược lại để đi chợ”.

Bà nội trợ xách oằn tay với những túi ni-lông đủ màu sắc, kích cỡ

Khi được hỏi về tác hại của túi ni-lông đến môi trường, rất nhiều người còn mơ hồ về việc này. Hầu hết những câu trả lời chỉ dừng lại ở việc túi ni lông khó phân huỷ. Nhưng khó như thế nào và tác hại của việc đó ra sao thì rất ít người nhận thức được.

Theo chân người thu gom rác

Cứ khoảng 6 giờ 30 mỗi ngày, Tổ vệ sinh môi trường đô thị tại chợ đầu mối Tam Bình (Q.Thủ Đưc) lại bắt đầu công việc thu gop rác thải trong chợ. Theo chân các nhân viên tại đây, chúng tôi ghi nhận hàng tấn rau củ quả hư hỏng trộn lẫn với túi ni lông, hộp nhựa được được người dân vứt bừa bãi trong chợ khiến công tác thu gom gặp nhiều khó khăn.

Túi ni-lông trộn lẫn trong các loại rác thải khác khiến công tác xử lý gặp khó khăn

Một nhân viên Tổ vệ sinh môi trường đô thị tại chợ đầu mối Tam Bình cho biết: “Mỗi ngày, hàng tấn rác thải trộn vào nhau được chúng tôi gom về, sau đó chuyển đến nơi xử lý. Do người dân không có ý thức phân loại rác thải, cứ vứt bừa bãi khiến túi ni-lông trộn lẫn với nhiều rác thải khác gây khó khăn trong việc phân loại và xử lý”.

Lượng rác thải trung bình trong một chợ tại TP.HCM lên đến hàng chục tấn, trong số này có đến hàng trăm kg túi ni-lông

Theo người này, những ngày thường, lượng rác thải trong chợ lên đến hàng chục tấn, trong số này có đến hàng trăm kg túi ni lông. Nếu so sánh với rau củ quả hư hỏng thì túi ni lông không đáng gì, nhưng con số vài trăm đã là rất lớn. Và mỗi năm, số lượng rác thải lại tăng lên, kéo theo đó là túi ni lông cũng tăng lên, mà túi ni lông lại khó phân hủy nên sẽ gây ra nhiều tác hại sau này.

Chúng ta không thể phủ nhận sự hữu ích của túi ni lông trong sinh hoạt và việc hạn chế túi ni lông phụ thuộc rất nhiều vào ý thức của người dân. “Việc sử dụng túi giấy để đựng vật phẩm sinh hoạt có thể hạn chế việc sử dụng túi ni lông. Tuy nhiên, một số loại thực phẩm ở dạng chất lỏng thì không thể sử dụng túi giấy được. Vì vậy, chỉ có thể hạn chế chứ không thể từ bỏ túi ni lông”, chị Thảo (một tiểu thương bán rau củ trong chợ Phùng Hưng)  phân tích.

Không cải thiện được thói quen tiêu dùng, mọi gánh nặng của việc sử dụng túi ni lông quá mức đang đổ dồn lên hoạt động thu gom và xử lý chất thải. Đơn cử như tại TP. Hà Nội, theo thống kê chưa đầy đủ, mỗi ngày thải ra từ 4.000 - 5.000 tấn rác, trong đó chiếm 7 - 8% là túi ni lông; còn TP.HCM mỗi ngày thải ra khoảng 7.000 tấn rác, trong đó rác thải ni lông chiếm khoảng 10%/tổng lượng rác thải.

Bình luận (3)

Tôi thì thấy bài này chả có gì hay... cũng bình thường, và từ bóng ma cũng bình thường luôn...

Tam - Thứ Năm, 04/06/2015, 17:49 Trả lời | Thích

Thói quen sử dụng túi ni lông ăn sâu vào người dân Việt rồi, dường như nhiều người chưa ý thức được tác hại của chúng!!

Ngư Song - Thứ Năm, 04/06/2015, 15:20 Trả lời | Thích

Tôi đồng ý với tác giả về bài viết này nhưng phải xem lại tựa đề "Bóng ma", theo tôi nên sử dụng từ khác sẽ thích hợp hơn.

Nguyễn Văn Quang - Thứ Năm, 04/06/2015, 08:25 Trả lời | Thích
Lên đầu trang