Trên tuyến đầu trận chiến chống Covid-19:

Kỳ 4: “Báo chí Covid-19” – những “chiến binh” giữa tâm dịch

Thứ Năm, 13/08/2020 12:34  | Hoàng Quân

|

(CATP) Có lẽ lần đầu tiên trong lịch sử báo chí Việt Nam, có tên gọi “Báo chí Covid” khi Đà Nẵng đang là tâm dịch Covid-19. Khoảng gần 100 nhà báo, phóng viên thường xuyên ở tuyến đầu, nằm trong nhóm nguy cơ lây nhiễm cao nên vừa tác nghiệp vừa bảo đảm an toàn.

Thổn thức hơi thở thời… Covid-19

Trời khuya! Lúc hơn 1 giờ ngày 11-8, vừa ghi nhận thời khắc lịch sử tháo dỡ lệnh phong tỏa tại Bệnh viện (BV) Chỉnh hình Phục hồi chức năng Đà Nẵng và khu vực dân cư với hàng nghìn người dân ở P.Thạch Thang (Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng), nhóm phóng viên (PV) trẻ ngồi bệt trên vỉa hè ngay vị trí vốn là hàng rào cách ly y tế vừa được tháo dỡ để hoàn tất tin bài gửi về tòa soạn. Gần 2 giờ sáng công việc hoàn thành, báo chí mới trở về nhà. Hơn nửa tháng qua, đã nhiều đêm như thế, báo chí luôn xông pha, có mặt ở tuyến đầu trong phòng chống Covid-19.

Báo chí phỏng vấn bác sĩ CKII Đỗ Văn Thành – Giám đốc Bệnh viện Chỉnh hình Phục hồi chức năng Đà Nẵng thời điểm bệnh viện hoàn thành 15 ngày phong tỏa.

Covid-19 lần thứ 2 xâm nhập Đà Nẵng với mức độ, tốc độ nhanh chóng và dự báo đỉnh dịch vẫn còn vài ngày nữa. Từ khi ghi nhận ca bệnh đầu tiên sau hơn 3 tháng tại cộng đồng (BN416 được phát hiện tại BV C Đà Nẵng), đến trưa 13-8 đã có 408 ca mắc Covid-19 liên quan đến Đà Nẵng; có những xã, phường có hàng chục BN như P.Nại Hiên Đông (Q.Sơn Trà, cũng là nơi có hàng trăm người làm báo đang ở) với 12 BN...

Cán bộ UBND TP, Sở, ngành chức năng Đà Nẵng cùng báo chí lập các nhóm trên các mạng xã hội Facebook, Zalo với những tên gọi rất… Covid: “Báo chí diệt Covid, Phóng viên chống Covid; “Em cô Vy xa ta ra”; Cơm trưa – Cơm tối Covid”…

Các trang này luôn sáng đèn 24/24 giờ, cập nhật liên tục diễn biến tình hình phòng chống dịch bệnh; công tác chỉ đạo, điều hành của Trung ương và Đà Nẵng; số liệu, văn bản, tư liệu của các đơn vị, các Sở, cơ quan ban ngành, ngành; các sự kiện phòng chống Covid...

Công việc của “Báo chí Covid” hàng ngày là xử lý thông tin dịch tễ, quá trình tiếp xúc của hàng chục BN để thông tin nhanh cho người dân biết, cảnh giác, khai báo y tế hay tự cách ly nếu từng có mặt tại các địa điểm BN di chuyển hoặc tiếp xúc với các bệnh nhân. Mới như thế thôi cũng thấy đã rối như tơ vò. Ngoài tập trung dịch bệnh, PV thường trú luôn có mặt sớm khi xảy ra các vấn đề “nóng” về an ninh trật tự, an toàn xã hội, vệ sinh mội trường, cháy rừng, TNGT…

Chưa kể đến việc chính là báo chí luôn có mặt tại các cơ sở y tế, khu vực cách ly, BV dã chiến; dự các cuộc họp nóng của lãnh đạo Bộ Y tế; ghi nhận quá trình chăm sóc, điều trị ca mắc Covid-19 và xử lý cách ly y tế đối với F1, F2… để tác nghiệp thông tin, hình ảnh, video để chuyển tải nhanh, chính xác đến người dân… Thời gian này, anh em báo chí sinh hoạt, ăn uống khá thất thường: bữa sáng thành bữa trưa, trưa thành chiều tối, bữa tối là đêm khuya, có hôm mệt quá, thiếp đi để sáng ra tiếp tục công việc.

Phóng viên ngồi trên vỉa hè khu vực vừa tháo dỡ lệnh phong tỏa để xử lý tin bài lúc 1 – 2 giờ sáng.

Người làm báo ai cũng có một gia đình để về. Khi tác nghiệp ở tuyến đầu, tiếp xúc với những người có nguy cơ lây nhiễm cao, đồ bảo hộ mặc dù có nhưng không dám đảm bảo an toàn tuyệt đối. Đi làm về, mọi người phải giữ gìn vệ sinh, khử trùng thân thể với ý nghĩ cố gắng đừng mang con vi rút về nhà, để khỏi gây bệnh cho người thân. Lúc này, cha mẹ, vợ/chồng, con cái cũng đang trong giấc ngủ nên người làm báo tìm chỗ riêng để ngủ, hạn chế gần người thân…

Có những người phải chia ly, xa cách người thân thì yêu thương, gửi gắm nhau qua mạng xã hội, điện thoại. Dù công việc mệt nhọc nhưng khi trò chuyện trực tuyến với người thân, chúng tôi luôn tươi cười để mọi người khỏi lo lắng vì cho mình. Tôi cũng khó kìm lòng khi đứa con 4 tuổi trò chuyện qua điện thoại, ngày nào cũng dặn: “Con vi rút “cô rô na” nguy hiểm lắm. Ba đi làm cẩn thận, đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn, cách xa 2 mét… Ba giữ gìn sức khỏe nghe ba”! Đó cũng là động lực và tôi thường tự nhủ: không cho phép mình được đau ốm và tinh thần phần khởi, lạc quan để còn “chiến đấu” trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó lường.

Ý thức cá nhân và đề cao trách nhiệm với cộng đồng

Thường di chuyển, tác nghiệp ở tuyến đầu, nằm trong nhóm nguy cơ lây nhiễm cao nên chúng tôi tự nhận mình là F1 (tiếp xúc gần với BN Covid), vừa tác nghiệp vừa phải chăm sóc, “điều trị” sức khỏe bản thân và động viên, giúp nhau.

Phóng viên Đài truyền hình Đà Nẵng tác nghiệp ở Bệnh viện dã chiến Tiên Sơn.

“Bão” Covid tràn về, diễn biến khó lường nên người lây nhiễm cũng đa dạng về độ tuổi, ngành nghề, bệnh lý, yếu tố dịch tễ... Cũng có ca bệnh trong đội ngũ người làm báo, đài và cả người thân. Lúc ấy, mới thấy tinh thần, nghị lực và sự quan tâm, sẻ chia của nhiều đồng nghiệp thật đáng yêu, khâm phục.

Lực lượng Công an, đội ngũ Báo chí Covid còn là những cầu nối, là hậu phương của đội ngũ “thiên thần blouse trắng” đang ngày đêm vắt gần như kiệt sức để cấp cứu BN; chăm sóc, điều trị BN mắc Covid-19… để tuyên truyền tích cực, lạc quan đến người nhà BN, nhân dân.

Rất nhiều văn phòng đại diện cơ quan báo đài, các nhà báo, phóng viên có nhiều hành động thiết thực và ý nghĩa khi kêu gọi, vận động các nhà hảo tâm chung tay “chia lửa” cùng Đà Nẵng phòng chống, dập dịch; quyên góp tiền, trang thiết bị, nhu yếu phẩm, vật phẩm cung cấp đến các bệnh viện bị phong tỏa, các cơ sở điều trị ca mắc Covid, các khu cách ly chăm sóc các trường hợp F1, F2; các khu dân cư có người nhiễm sinh sống, bị phong tỏa…

Cảm mến sự lăn xả, xông pha vào tuyến đầu và những khó khăn, vất vả trong tác nghiệp cũng như sinh hoạt, một số cá nhân, đơn vị quan tâm, hỗ trợ trang thiết bị bảo hộ tác nghiệp, khẩu trang y tế, thuốc kháng khuẩn; tổ chức bếp ăn để hỗ trợ người làm báo, thông qua Hội Nhà báo TP.Đà Nẵng làm đầu mối, phối hợp cùng cán bộ Sở TT&TT, Ban Tuyên giáo Thành ủy… Ở các tòa soạn, văn phòng đại diện thì người lãnh đạo, quản lý và bộ phận biên tập cũng rất quan tâm, động viên các phóng viên tác nghiệp hiện trường và tạo điều kiện nhất định để “những chiến binh tuyến đầu” tác nghiệp thuận lợi nhất.

Lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông cùng Hội Nhà báo TP.Đà Nẵng tiếp nhận sự ủng hộ của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng chung tay cùng tuyến đầu chống dịch Covid-19.

Làm sao để tác nghiệp tốt mà vẫn khỏe mạnh, an toàn cho bản thân và cộng đồng. Đó là câu hỏi mà người làm báo ở Đà Nẵng nói riêng và các tỉnh miền Trun (những nơi đang có các vùng dịch bệnh diễn biến phức tạp) luôn đặt ra khi tác nghiệp và trong đời sống sinh hoạt. May mắn, anh em người làm báo được các y bác sĩ tư vấn sức khỏe bằng những việc cần thiết để bảo vệ bản thân. Người làm báo ý thức và nghiêm túc về sức khỏe bản thân trong di chuyển, tiếp xúc; nếu có triệu chứng về sức khỏe (cảm, sốt, ho…) thì chủ động tự cách ly. Và quan trọng, đội ngũ báo chí lạc quan, vui tươi, luôn nghĩ cho cho cộng đồng và mong muốn được góp công sức nhỏ bé trên mặt trận văn hóa tư tưởng, góp phần chung tay đẩy lùi Covid-19…

Xin dẫn chia sẻ của ông Nguyễn Đức Nam – Tổng Biên tập Báo Đà Nẵng để nói về đội ngũ Báo chí Covid tại Đà Nẵng: “Trong công tác phòng chống Covid-19, cũng xin dành vài lời nói về những nhà báo. Những hình ảnh, thước phim, bài viết được lên trang báo in, báo online trong ngày thường là chuyện bình thường, nhưng điều kiện dịch giã, thực sự là những nỗ lực lớn lao của tất cả anh em từ mọi vị trí. Có người xông pha tuyến đầu; có người cặm cụi sớm khuya sửa từng con chữ làm công tác tòa soạn hậu kỳ; có người bám theo từng bước chân các anh, chị tuyến đầu để làm công tác hậu cần hỗ trợ.

Mấy hôm nay, báo chí nói rất nhiều về những người đi ngược về tâm dịch (là các tổ công tác của Bộ Y tế, các y bác sĩ ở các bệnh viện lớn trong nước, các chuyên gia giỏi; y tế các tỉnh, thành chi viện Đà Nẵng – PV) nhưng quên bẵng rằng nhà báo cũng luôn ở tốp đầu. Cả thành phố này đang thực hiện giãn cách, nhưng với nhà báo dường như không có giãn cách, không thể ở yên một chỗ. Tất cả những cố gắng đó để mỗi sáng tờ báo in vẫn tươi nguyên màu mực, nóng hổi từng câu chữ, để báo online luôn sống động, liền mạch và liên tục như hơi thở cuộc sống”.

PV Báo Công an TPHCM xử lý tin bài trên vỉa hè khu vực vừa bệnh viện tháo dỡ lệnh phong tỏa để xử lý tin bài lúc 1 – 2 giờ sáng.
Phóng viên tác nghiệp trước hàng rào cách ly tại Bệnh viện C Đà Nẵng.
Lãnh đạo Hội Nhà báo TP.Đà Nẵng tiếp nhận sự ủng hộ vào chương trình "Ly cà phê yêu thương"  của Công ty CP Hoàng Nhất Nam cùng Báo Công thương để đội ngũ làm báo tại Đà Nẵng hỗ trợ tuyến đầu chống Covid-19 và hỗ trợ các trường hợp hoạn nạn, khó khăn trong cuộc sống.
Các phóng viên trẻ ngồi trên vỉa hè khu vực trước Bệnh viện C Đà Nẵng để tác nghiệp thời khắc lịch sử của Bệnh viện Đà Nẵng khi được dỡ lệnh phong tỏa.
Các phóng viên phỏng vấn về cảm xúc của người dân khu vực bị phong tỏa, cách ly y tế vừa được tháo dỡ lệnh phong tỏa.
Tác nghiệp tại sự kiện lịch sử tháo dỡ phong tỏa, cách ly Bệnh viện C Đà Nẵng lúc 0 – 1 giờ sáng.
Kỳ 3: Khi nghệ sĩ kết nối triệu trái tim hướng về tâm dịch
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang