Quảng Bình:

Dịch vụ hậu cần nghề cá điêu đứng sau nạn cá chết hàng loạt

Thứ Tư, 31/08/2016 09:43  | Mạnh Hùng

|

(CAO) Kể từ ngày xảy ra hiện tượng cá chết cho đến nay, những hộ chuyên kinh doanh dịch vụ hậu cần nghề cá như chủ thu mua hải sản, cơ sở sản xuất đá, vá lưới,... là những người bị ảnh hưởng trực tiếp nhất, cuộc sống bị đảo lộn hoàn toàn.

Sáng ngày 26-8, chúng tôi đi đến vùng biển bãi ngang thôn Nhân Đức (xã Nhân Trạch, huyện Bố trạch). Một quang cảnh buồn hiu bên bờ biển, lác đác hơn chục người dân đang đứng bên những cái lán được làm tạm bợ dùng để đưa những giỏ cá từ vài ba chiếc thuyền công suất nhỏ vừa đi đánh bắt từ tối hôm trước trở về.

Số lượng thủy hải sản ít ỏi mà cơ sở của bà Nguyễn Thị Nga thu mua sau một đêm đánh bắt tại bờ biển Nhân Đức (Nhân Trạch)

Đứng nhìn những người làm công cho mình, bà Nguyễn Thị Nga (52 tuổi, trú thôn Nhân Đức, xã Nhân Trạch) chủ một cơ sở thu mua thủy hải sản cho biết, trước khi xảy ra hiện tượng cá chết hàng loạt tấp vào bờ hàng ngày cơ sở thu mua được 15 tấn cá đem bán ra thị trường được 10 triệu. Nhưng sau ngày cá chết cho đến nay, mỗi ngày chỉ thu mua được khoảng 2 tấn cá thu được 1 triệu đồng.

“Chú thấy đó, hàng năm vào mùa này cơ sở tui thu mua hàng chục tấn cá, tạo công ăn việc làm cho nhiều người lao động. Nhưng nay sản lượng thu mua, giá cả lại giảm nên số tiền hàng ngày thu về được không đủ để chi trả cho những người lao động làm thuê, đó là chưa kể đến những khoảng đầu tư cho máy móc làm lạnh, xe cộ,… phải đi vay tiền ngân hàng để mua, hàng tháng phải trả lãi. Nếu tình trạng này kéo dài chắc tôi phá sản mất” - chị Nga nói.

Ông Nguyễn Khắc Tâm (50 tuổi, thôn Nhân Đức, xã Nhân Trạch, huyện Bố Trạch) chủ một cơ sở sản xuất nước đá cho hay, đầu tư một xưởng sản xuất đá tốn hết khoảng 800 triệu, trước lúc chưa có hiện tượng cá chết mỗi ngày cơ sở sản xuất và bán cho bà con trong thôn 100 cây đá (5 tấn) thu về 2,5 triệu đồng/ngày. Nhưng từ ngày cá chết đến nay, cơ sở chỉ bán ra hai ba chục cây đá thu về khoảng 500 ngàn/ngày là nhiều lắm rồi.

“Đầu tư một số tiền không nhỏ để sản xuất đá vậy mà từ ngày cá chết đến nay lượng bán ra sụt giảm hẳn chỉ khoảng 1/3 so với mọi năm, chứ hàng ngày phải sản xuất đá để bán mong thu lại một ít tiền trả lương cho 4 công nhân làm việc tại xưởng mỗi người là năm triệu đồng, bởi đã ký hợp đồng với họ rồi nên không thể không trả” - ông Tâm buồn rầu nói.

Ông Nguyễn Khắc Tâm bên những cây đá vừa mới sản xuất được

Còn tại xã Đức Trạch (huyện Bố Trạch) một địa phương nổi tiếng về nghề đánh bắt thủy hải sản ở tỉnh Quảng Bình. Cuộc sống của những người làm dịch vụ hậu cần nghề cá ở đây cũng vô cùng khó khăn, cuộc sống bị đảo lộn hoàn toàn.

Chị Hồ Thị Liên (37 tuổi, thôn Nam Đức, xã Đức Trạch, huyện Bố Trạch) tâm sự, từ ngày cá chết đến nay hầu hết các chị em trong thôn chuyên vá lưới cho những thuyền đi lộng gần bờ đều không có việc làm.

“Trước đây, tui làm cả ngày từ sáng đến tối mịt để vá lưới. Thu nhập trung bình mỗi ngày ít nhất là 200 ngàn, nhưng hơn ba tháng nay do cá chết nên không có ai thuê vá lưới cả nên đời sống gia đình rất khó khăn vì không biết làm chi để ăn. Năm ngày trở lại đây mới có người tới đặt vá nhưng số lượng rất ít, thu về mỗi ngày được 50 ngàn là may lắm rồi chú à!” - chị Liên nói.

Ngoài ra, chị Liên còn cho biết thêm, nhiều chị em phải đi làm cá thuê cho các chủ thu mua hải sản trên địa bàn để tìm kiếm kế sinh nhai, nhưng may mắn lắm mới tìm được việc vì lượng cá khai thác giảm sút nên họ cũng không cần người lắm. Đa số những chị em đều ngồi ở nhà không biết làm gì.

Chị Hồ Thị Liên (áo đỏ) cùng một người bạn ngồi buồn rầu bên những tấm lưới

Được biết, tỉnh Quảng Bình đã trích ngân sách cấp 500 tấn gạo cho ngư dân các xã ven biển; ban hành chính sách hỗ trợ 20% giá cho các doanh nghiệp, đại lý, hộ thu mua hải sản đánh bắt xa bờ của tàu trong tỉnh; trích 17,013 tỷ đồng từ nguồn Dự phòng thuộc ngân sách tỉnh năm 2016 để hỗ trợ cho các tàu, thuyền đánh bắt ven bờ và vùng lộng do phải tạm ngừng ra khơi khai thác hải sản.

Hiện những người làm dịch vụ hậu cần nghề cá nơi đây rất mong các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương đưa ra các giải pháp hỗ trợ như giảm lãi suất ngân hàng, đào tạo chuyển đổi nghành nghề phù hợp,… để bà con có công ăn việc làm ổn định.

Bình luận (0)

Lên đầu trang