Họa sĩ thời chiến

Thứ Ba, 30/08/2016 01:02  | Nguyễn Tuấn

|

(CAO) Cuộc chiến đã lùi sâu vào quá vãng, thế nhưng trong tâm trí người lính - họa sĩ ấy, tiếng bom rơi, pháo nổ như vẫn còn vang vọng bên tai, ẩn sâu tận tiềm thức. Ông vẫn say sưa dùng ngòi bút, cây cọ vẽ tranh về chú bộ đội, về cô dân công hỏa tuyến ngay cả trong thời bình.

Ký ức của họa sĩ

Tháng tám, trên chuyến xe về thăm lại chiến khu xưa, họa sĩ Trang Phượng quấn chiếc khăn rằn nam bộ, mãi dõi mắt qua khung cửa kính nhìn xa xăm về phía những trảng cỏ, bưng biền và cả những hố bom ven đường lên Tây Ninh. Có lẽ cảnh vật đã đánh thức ký ức một thời bom đạn đang sống dậy trong ông.

Tại nghĩa trang huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh, nơi an nghỉ của hơn 12.000 liệt sĩ hy sinh vì cuộc kháng chiến và làm nghĩa vụ quốc tế. Họa sĩ Phượng run run thắp từng nén hương thơm lên trên mộ phần, chăm chú nhìn kỹ những cái tên, năm sinh ngày mất của đồng đội. Hầu hết người lính hy sinh ở tuổi mười tám đôi mươi, nhiều bia mộ ghi tên liệt sĩ vô danh.

Họa sĩ Phượng lúc còn ở chiến khu

Ông Phượng nghẹn ngào: “Biết đâu đó trong hàng ngàn mộ phần, có người mình đã gặp mặt biết tên, đã từng bắt tay và sẻ chia cho nhau từng điếu thuốc trước giờ chiến dịch”.

Cũng như bao người lính ở khắp mọi nẻo miền quê, họa sĩ Trang Phượng sớm từ bỏ nghiệp bút nghiên lên đường đánh giặc. Nhưng nhiệm vụ của ông không chỉ có dùng súng bắn giặc, đào đắp công sự, ông còn là một họa sĩ trẻ tuổi biết dùng cây cọ của mình để khắc họa chân thực, hiện thực của cuộc chiến.

Ông Phượng nói: “Cuộc chiến chống chế độ thực dân kiểu mới vào những năm 1960-1968 với đỉnh cao là trận càn Junction City, Mỹ rải thảm bom B52 khiến các cánh rừng Tây Ninh đỏ lửa, cây cối ngã đổ, nhiều bộ đội hy sinh. Với người họa sĩ, lương tâm không cho phép họ ở dưới hầm trú ẩn để an toàn sáng tác, họ phải băng mình qua làn lửa khói đạn, tiếp cận chiến trường sinh tử để vẽ bằng cảm nhận hiện thực”.

Dưới tán rừng khộp mùa lá rụng, người họa sĩ ấy đã thả hồn vào từng nét vẽ tài hoa, đắm mình trong hàng ngàn bức ký họa, bức tranh sơn dầu về bà má miền Nam, chị Út Tịch, chị giao liên hay cô dân công tải đạn…

Tranh của Trang Phượng

Họa sĩ nhớ lại, trận đánh vào thị xã Đồng Xoài, Bình Phước diễn ra ác liệt, người lính chiến quá mệt mỏi với bom đạn, đào đắp hầm hào. Lúc này họa sĩ liền nghĩ ra cách nâng đỡ tinh thần của lính. Ông tự tay tổ chức cuộc triển lãm các bức ảnh ký họa, phác thảo cho đồng đội xem vào giờ tiếng súng ngừng bắn. Còn gì quý giá hơn khi cận kề cái chết, mỗi người lính nhìn thấy được hình ảnh hào hùng của mình trong từng nét vẽ.

Gia tài của lính

Bây giờ tấm bia tưởng niệm ở Ban tuyên huấn Trung ương cục miền Nam có khắc ghi một loạt danh sách các họa sĩ đã ngã xuống vì độc lập tự do. Họa sĩ Phượng mắt ngấn lệ, đứng sát tấm bia dò đọc tên từng đồng chí, sau hơn 40 năm ông vẫn nhớ như in tên tuổi và quê quán của từng người.

Thời điểm những năm 1960, lớp họa sĩ cùng trang lứa với Trang Phượng như Phạm Minh Sáu, Nguyễn Quang Bửu, Thái Đắc Phong, Hoàng Anh… được điều động về phòng Hội họa giải phóng trực thuộc Ban tuyên huấn Trung ương cục. Ngoài cầm súng, người họa sĩ phải vẽ tranh cổ động, tranh châm biếm đả kích chế độ thực dân kiểu mới để gửi về các địa phương tuyên truyền.

Dọc đường hành quân ra trận, dễ dàng bắt gặp hình ảnh người lính một bên đeo súng còn bên kia đeo chiếc xắc - cốt chứa đựng bột màu, bút vẽ, bản ký họa. “Đó quả thực là gia tài duy nhất trên hành trang của người lính xung trận” họa sĩ Phượng nói.

Suốt buổi nói chuyện giữa chiến khu, người họa sĩ già vẫn nhắc nhở luôn về hai từ “may mắn” cho số phận kỳ lạ của mình. Bởi trong cuộc tổng tiến công Tết Mậu Thân năm 1968, phòng Hội họa giải phóng hy sinh gần hết, chỉ còn ông với họa sĩ Tam Bạch sống sót cho đến ngày trở về. 

Trang Phượng nhớ lại: “Đêm tối hành quân qua ruộng đồng, bưng biền và sông suối để tiến vào cửa ngõ Sài Gòn, tôi bất ngờ gặp Tam Bạch. Chuyến đi này biết khó còn sống được, tôi nắm tay Bạch dúi vội hộp màu vẽ bảo “anh cầm lấy dùng xem như kỷ vật tôi để lại”. Tam Bạch cũng rưng rưng nước mắt nói “họa sĩ xem hộp màu như báu vật, tôi sẽ luôn giữ lấy nó bên cạnh mình”. 

Ai ngờ hơn 30 năm sau, họ vô tình gặp lại nhau bên con đường đất đỏ Tây Ninh, và hộp màu thì vẫn vẹn nguyên gói gọn trong chiếc áo bộ đội bạc màu.

Những bức tranh

Nhà riêng của họa sĩ Trang Phượng treo nhiều bức tranh sơn dầu, trong đó có một bức tranh được vẽ trên chất liệu đặc biệt. Đó là bức Đêm Mậu Thân vẽ vào năm 1968. Lúc đánh nhau ở mặt trận cầu chữ Y, giặc thua bỏ xe cộ, súng đạn tháo chạy, Trang Phượng dùng dao găm cắt lớp bao cát công sự rồi vẽ lên đấy.

Vì nguồn gốc đáng nhớ cũng như tính nghệ thuật cao của bức họa mà nhiều người trong giới hội họa, du khách nước ngoài cứ đến thăm nhà Trang Phượng để gạ hỏi mua cho bằng được.

Sau giải phóng, Bảo tàng nghệ thuật TP.HCM đến nhà họa sĩ hỏi mua tranh về trưng bày. Theo họ, những bức tranh ông vẽ không chỉ có giá trị hiện thực ghi lại nét sinh hoạt của cuộc chiến yêu nước mà còn có giá trị lịch sử.

Qua một bức tranh, ta hiểu hơn về cái giá của nền hòa bình, tự do. Mỗi bức tranh là một câu chuyện biểu tượng về sự hy sinh, chủ nghĩa anh hùng cách mạng.

Trang Phượng nói ông dành cả cuộc đời mình chỉ để vẽ tranh về đề tài chiến tranh. Bởi đơn giản người họa sĩ ấy muốn làm thay phần việc mà bạn bè, đồng đội đã ngã xuống khi ước mơ còn dang dỡ…

Họa sĩ Trang Phượng tên thật là Trương Bá Phạn, sinh ngày 13/7/1939 tại xã Phú An, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương. Năm 1955-1059, ông theo học tại trường Mỹ thuật Bình Dương. Cuối năm 1961, ông được điều về Ban tuyên huấn Trung ương cục miền Nam, phụ trách việc đi triển lãm tranh các vùng địch hậu ấp chiến lược. Năm 1968, ông tham gia chiến dịch tấn công vào Sài Gòn Tết Mậu Thân. Năm 1981, Trang Phượng giữ chức Viện trưởng Viện Mỹ thuật Việt Nam, Chủ tịch hội đồng khoa học của Viện.

Bình luận (0)

Lên đầu trang