Đạo Dừa - huyền thoại và sự thật:

Kỳ 3: Đủ kiểu khuếch trương thân thế

Thứ Sáu, 08/05/2015 08:51  | 

|

(CATP) Từ “hòa hiệp tôn giáo” đến “vận động hòa bình”... sau khi vận dụng hầu hết các chiêu không thành, “giáo chủ” Nam tiếp tục quay về khuếch trương“thánh địa” để thu hút tín đồ.

Đồng thời tạo thêm thu nhập và đánh bóng tên tuổi theo kiểu ngự ghế khắc đầu rồng, dâng áo hoàng bào rồi “tiếp điển ơn trên” với điềm báo làm vua.

Kỳ 2: Nặn ra Đạo Dừa

Kỳ 1: Hành trình tầm sư học đạo của cậu ấm nức tiếng ăn chơi

TỪ XUẤT CHIÊU “HÒA HIỆP TÔN GIÁO”...

Trong cảnh dầu sôi lửa bỏng của cuộc chiến, các đảng phái tranh giành ảnh hưởng trên chính trường bằng nhiều thủ đoạn thượng vàng hạ cám. Sau lần ở tù và bị đưa vào nhà thương điên, Hai Nam vẫn chưa tởn, tranh thủ cảnh bát nháo này tiếp tục tung ra nhiều chiêu độc, đầu tiên là chủ trương “hòa hiệp tôn giáo”.

Ấn phẩm phô trương thánh thể của ông Đạo Dừa

Để thực hiện, Hai Nam ghép chung ảnh Chúa Giêsu với đức Phật và một số đức tin của các tôn giáo khác đặt tại nơi thờ tự, sau đó mời chức sắc các tôn giáo khác đến Nam Quốc Phật giảng đạo cho tín đồ... Đạo Dừa!

Đối với các vị khách mời thì đây là cơ hội để tuyên truyền phát triển đạo của họ, nhưng Nguyễn Thành Nam lại “nổ” là thành quả của công trình vận động mà chỉ có ông ta mới đủ tài đức làm nên, đã tập hợp được dưới trướng mình hầu hết chức sắc của các tôn giáo khác.

Theo đó, ông Đạo Dừa sai đệ tử chụp ảnh chân dung mình rồi dùng kỹ thuật lắp ghép thể hiện người tỏa ra vầng hào quang thiên mệnh như Phật sống, thánh sống. Cùng với những việc làm hoang tưởng ấy, Hai Nam còn có ý nghĩ điên rồ là luôn đặt mình ngang bằng với những nhà lãnh đạo lỗi lạc trên thế giới.

Thuyền Bát Nhã

Xuất chiêu đúng thời cơ nên hoạt động chính trị của ông Đạo Dừa đã tạo được ảnh hưởng trong dư luận nhờ báo chí Sài Gòn cũ phản ánh rầm rộ với một số bài viết: “Ông Đạo Dừa lãnh tụ híp - pi quốc tế: Tu phái Thích Hòa Bình đang nghĩ gì? Mưu định gì?”, “Đạo Dừa, ông là ai? Thánh sống hay kẻ điên khùng?”...

Nhiều ký giả luôn rình rập bên Hai Nam để thiên cơ... khả lậu! Họ xào nấu, tráo lận trắng - đen, thật - ảo nhằm câu khách, trong khi nhiều tờ khác lại đả kích, mạt sát ông này. Riêng chính quyền Diệm không hề để mắt tới bất kỳ sự tranh thủ nào của Hai Nam về chủ trương “hòa hiệp tôn giáo”, xem đó là việc làm nhảm nhí. Nhưng cậu Hai đâu chịu ngồi yên.

...ĐẾN “VẬN ĐỘNG HÒA BÌNH”

Qua sự dàn xếp của một người có uy tín, năm 1961 Hai Nam được gặp tổng thống Diệm bốn phút tại phi trường Kiến Hòa để trình bày ước vọng thống nhất đất nước. Dịp này, ông Diệm cũng hứa sẽ xem xét giải pháp hòa bình do Hai Nam soạn thảo. Nhưng việc không thành, theo Hai Nam là do cố vấn Ngô Đình Nhu cản trở.

Mãi đến sau đảo chính năm ngày, tức ngày 5-11-1963, Hai Nam mới hả hê cùng một vài đệ tử thân tín lên Sài Gòn mở cuộc họp báo, hy vọng gặp được quốc trưởng Dương Văn Minh, thủ tướng Nguyễn Ngọc Thơ để bàn giải pháp hòa bình nhưng chẳng ai ngó ngàng đến.

Không nản lòng, ngay sau đó Hai Nam thành lập phái đoàn gồm 72 Đạo, Diệu mặc trang phục màu điều, kiểu gần giống đạo Phật, ra tận miền Trung gọi là đi “cầu nguyện cho hòa bình”. Dịp này, Hai Nam cho biết định mượn chiếc đại hồng chung ở chùa Linh Mụ (Huế) để gióng lên trong buổi nguyện cầu, nhưng ý tưởng ngông cuồng ấy không được đáp ứng.

Chẳng biết mắc cỡ, ông Đạo Dừa tiếp tục dẫn phái đoàn đến quì giữa lằn ranh chia đôi trên cầu Hiền Lương, bảo là để “thức tỉnh lương tâm dân tộc”. Cũng trong năm này, Hai Nam bảy lần lên Sài Gòn đòi yết kiến Đại sứ Hoa Kỳ Cabot Lodle, đại tướng Westmoreland, bộ trưởng quốc phòng Mac Namara đang thị sát chiến trường Việt Nam.

Khi đi, ông mang theo hai con mèo và bốn con chuột nhốt chung lồng (sau mèo đã chén chuột no nê). Nhà chức trách cho rằng việc này là hoang tưởng nên chẳng ai quan tâm.

KHUẾCH TRƯƠNG “THÁNH ĐỊA”

Những việc làm giật gân không đem lại hiệu quả, ấm ức, Hai Nam quay về quyết định khuếch trương “thánh địa” để thu hút tín đồ, đồng thời cũng nhằm tạo thêm thu nhập. Tháng 3-1964, cậu dời chùa Nam Quốc Phật đến phía đông cồn Phụng, cách chỗ cũ một con sông. Với khoản tiền khấm khá do đệ tử chu cấp, ông Đạo Dừa nâng cấp cơ ngơi của mình hoành tráng hơn.

Cái tên cồn Phụng có phải do ông Đạo Dừa đặt khi nhặt được cái chén cổ có hình con chim Phụng trong lúc đào bới xây chùa? Theo nhiều người lớn tuổi ở địa phương thì cồn này xuất hiện vào những năm 1930, lúc đầu gọi là cồn nổi.

Thực tế nhìn vào địa hình sông Tiền đoạn này cho thấy có cồn đất nổi lên đeo bám nhau và tên chúng được đặt theo quan niệm của người xưa: Long - Lân - Qui - Phụng (tứ linh) nên cái tên cồn Phụng đã có từ lúc người dân đầu tiên đến đây khai phá là ông Hai Rẫy.

Thất Sơn nhân đạo và Bát quái đài

Trở lại hành trình xây dựng “thánh địa” Đạo Dừa, cùng với việc xây chùa Nam Quốc Phật, Bát quái đài, cầu Vị Lai (hai bên có trụ xi-măng cao hơn chục thước tượng trưng cho hai miền Nam - Bắc, dưới chân đắp hình bản đồ Việt Nam, gần đỉnh có vài thanh sắt nối qua gọi là cầu Hiền Lương và bên dưới treo quả địa cầu sắt để muốn truyền đạt thông điệp gì, Hai Nam chỉ cần đứng nói trước đó thì cả thế giới đều nghe), Thất Sơn nhân tạo, hội trường Hòa Bình (sức chứa 2.000 người)...

Còn dưới sông, Hai Nam cho đặt chiếc xà lan để thiết kế ngôi chùa nổi dài 42m, ngang 14m, cao 3 tầng. Ngoài ra, ông Đạo Dừa còn đóng thuyền Bát Nhã dùng đi “khải đạo” trên sông.

Nơi nào Hai Nam đến ở cũng nhìn ra “cơ trời, điềm đất”. Sau khi đệ tử làm xong Bát quái đài thì xuất hiện thêm chuyện “huyền bí”: tương truyền có bảy con rắn hổ lửa kéo nhau lội qua ao sen (Bát quái đài tọa giữa ao sen) nhưng do Hai Nam có bùa phép nên chúng không dám cắn (!).

Cùng lúc có người ở tận Châu Đốc mang tới tặng Hai Nam hình Phật Thích Ca ngự trên Thất đầu xà, không biết vô tình hay hữu ý mà trùng hợp với tin đồn về bảy con rắn hổ lửa. Thực hư ra sao chỉ có cậu và đám đệ tử mới tường, song tất cả những điều này càng làm tăng thêm sự linh ứng của Hai Nam, những người mê tín lũ lượt kéo đến chiêm bái.

“Giang sơn” nằm ở vị trí đắc địa (trước khi có cầu Rạch Miễu, phương tiện đưa đón khách từ Tiền Giang qua Bến Tre và ngược lại đều đi ngang qua khu vực đông cồn Phụng), thêm những công trình kiến trúc lập dị, kỳ quái đã khơi gợi trí tò mò của du khách và vị “giáo chủ” ma mãnh đã tận dụng điều này để khai thác du lịch.

Bên cạnh việc phát triển các loại hình dịch vụ ăn theo, đội ngũ làm kinh tế cho Hai Nam còn có các bộ phận trồng trọt, đưa đò... Theo tính toán của những người trong cuộc thì trừ tất cả chi phí hoạt động, hàng tháng cậu Hai bỏ túi khá bộn.

Đây là thời kỳ phát triển nhất của Đạo Dừa, Hai Nam tuyên bố với khách tham quan: “Sở dĩ Nam Quốc Phật được chuyển về cồn Phụng là để sau này lên cầm quyền sẽ chọn nơi đây làm thủ đô mới của nước Việt Nam. Còn hiện tại đó là một quốc gia thu hẹp chứ không phải cái chùa theo nghĩa thông thường”.

Với ý nghĩ đó, Hai Nam hình thành cơ cấu tổ chức, sắp xếp điều hành mọi hoạt động ở cồn Phụng giống như khu hành chánh tự trị. Mọi quy tắc ông ta ban hành, các tín đồ phải răm rắp tuân theo.

Để ra vẻ quyền uy, khi tiếp khách Hai Nam ngồi trên ghế có khắc nhiều đầu rồng, trước mặt đặt cặp ngà voi có đường kính và chiều dài lớn nhất Việt Nam.

Ngoài ra, ông Đạo Dừa còn sai đệ tử thường xuyên tổ chức cảnh dâng áo hoàng bào vì cho rằng mình là “vua Minh Mạng tái sinh” và còn làm nhiều chuyện giật gân khác nhằm gây sự chú ý của giới truyền thông. Được biết chiếc áo đồng bóng này do bà Diệu Ứng mua lại của một người giữ miếu, giá 50 ngàn đồng.

(Còn tiếp)

Huỳnh Thanh Tuấn - Cao Nguyên

Bình luận (0)

Lên đầu trang