Người chăn nuôi loay hoay tìm nguyên liệu sạch

Thứ Ba, 05/04/2016 12:02

|

(CATP) Chưa bao giờ vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) lại "nóng" như hiện nay, người dân hoang mang trước vấn nạn thực phẩm "bẩn" bủa vây. Rất nhiều căn bệnh nan y phát sinh từ việc không bảo đảm VSATTP. Theo thống kê, ở Việt Nam mỗi ngày có 205 người tử vong vì ung thư và 410 ca ung thư mới được ghi nhận, một phần ba trong số đó có nguyên nhân từ sử dụng thực phẩm "bẩn".

“Ma trận” thông tin

Nhiều nhà chuyên môn trong lĩnh vực nông nghiệp cho rằng, để có được thực phẩm “sạch”, vấn đề quan trọng hàng đầu là nguyên liệu dùng cho nuôi trồng phải sạch. Tuy nhiên, theo các cơ quan chức năng, hiện nay chưa thể kiểm soát hết các chất cấm, chất độc hại được dùng trong chăn nuôi và chế biến thực phẩm.

Trong số các loại thực phẩm người dân ăn hàng ngày, phổ biến nhất là thịt heo, gà, bò, cá... Nhu cầu tiêu thụ của thị trường ngày càng cao, trong khi việc chăn nuôi tự nhiên của các hộ gia đình chỉ đáp ứng tỷ lệ rất nhỏ, đa số nguồn cung hiện nay do chăn nuôi tập trung quy mô lớn. Đối với các trang trại chăn nuôi, nhu cầu về thức ăn hàng ngày rất lớn, hầu hết được mua từ các công ty chuyên sản xuất thức ăn chăn nuôi.

Anh Hoàng Thế Cường, chủ một trang trại nuôi heo hộ gia đình ở huyện Thống Nhất (Đồng Nai) cho biết: “Người chăn nuôi chúng tôi giờ như “đi trên dây”. Chỉ cần đoàn kiểm tra đến lấy mẫu xét nghiệm mà có chất cấm nào đó là chúng tôi bị xử lý bằng nhiều hình thức, rồi báo chí đưa tin khiến chúng tôi bị mất uy tín, không bán heo cho ai được. Đó là chưa kể sắp tới theo quy định mới có thể bị tiêu hủy đàn heo, bị phạt rất nặng, coi như phá sản, thậm chí bị đi tù. Thực ra lỗi đâu phải do người chăn nuôi, nhiều khi nhà sản xuất cám trộn chất cấm vào, chúng tôi làm sao kiểm soát được?”.

Theo anh Cường, rất nhiều cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi tìm đến để chào mời anh mua cám của họ với giá rẻ, đồng thời đảm bảo “heo khỏe, đẹp, thương lái nhìn là thích liền”. Nhưng đâu thể biết được loại cám đó có chất cấm gì hay không.

Cùng chung tâm trạng như anh Cường, bà Nguyễn Thị T. - chủ trang trại nuôi heo ở huyện Trảng Bom (Đồng Nai) - chia sẻ: “Chúng tôi thấu hiểu nỗi lòng của các bà nội trợ, khi ngày nào cũng nhận thêm những thông tin về các loại thịt nhiễm chất này, tồn dư chất kia, “ăn vô ung thư, chết chắc”. Nhưng đâu phải lỗi hoàn toàn do người chăn nuôi. Chúng tôi chỉ là một mắt xích trong chuỗi chăn nuôi, có nguyên liệu sạch thì mới nuôi ra được những con heo đạt chất lượng tiêu chuẩn, an toàn”.

Những người chăn nuôi như anh Cường, bà T. đều mong các cơ quan có thẩm quyền sớm quy hoạch, sắp xếp lại thị trường sản xuất thức ăn chăn nuôi, chỉ cho phép những doanh nghiệp đủ tiêu chuẩn, cung cấp cám sạch, có cam kết bảo đảm chất lượng cám... “Làm được như vậy thì chúng tôi mới an tâm có nguyên liệu sạch để chăn nuôi. Chứ như hiện nay ai cũng có thể sản xuất được thức ăn chăn nuôi, rất nhốn nháo, thậm chí để cạnh tranh, họ sản xuất cám không bảo đảm chất lượng, bán giá rẻ thì khó mà có được thịt sạch” - bà T. nói.

Lợi ích từ nguyên liệu 'sạch'

Khi người chăn nuôi sử dụng nguyên liệu sạch, cho ra đời sản phẩm đạt tiêu chuẩn cung cấp ra thị trường thì chỉ có lợi cho họ. Bởi người tiêu dùng giờ đã đủ tỉnh táo, chọn mua những thực phẩm an toàn của các đơn vị chăn nuôi, cung ứng uy tín, dù giá đắt hơn một chút, nhưng an tâm cho bữa ăn gia đình. Thực tế những trang trại chăn nuôi heo “sạch” đã được chứng nhận, luôn có giá thu mua cao hơn so với thị trường, không lo bị ế vì luôn được các hệ thống phân phối bao tiêu. Ngoài ra, các công ty kinh doanh thức ăn chăn nuôi lớn luôn rất chuyên nghiệp, không chỉ đảm bảo chất lượng sản phẩm mà còn có chính sách hỗ trợ, đồng hành, giúp nâng cao kiến thức cho người chăn nuôi.

Ông Lee Meng Hong - Giám đốc nghiên cứu và phát triển của Công ty cổ phần Dinh dưỡng nông nghiệp quốc tế (Anco) và Công ty cổ phần Việt - Pháp sản xuất thức ăn gia súc (Proconco) - cho biết: “Để đảm bảo chất lượng thức ăn chăn nuôi, chúng tôi yêu cầu các đối tác cam kết cung cấp nguyên liệu sạch, không có chất cấm và phải thông qua quy trình kiểm soát nghiêm ngặt chất lượng cám, từ nguyên liệu đầu vào đến sản phẩm đầu ra. Chúng tôi còn áp dụng quy trình quản lý theo tiêu chuẩn ISO 9001 để đảm bảo chất lượng sản phẩm. Công ty cam kết luôn đồng hành cùng các cơ quan quản lý, các hộ gia đình, trại chăn nuôi và người tiêu dùng trong cuộc chiến chống chất cấm, bằng việc đảm bảo sản phẩm của công ty không có chất cấm”.

Bên cạnh việc kiểm tra các chỉ tiêu chất lượng sản phẩm như đã đăng ký, định kỳ hàng tháng, Anco và Proconco còn lấy mẫu cám để gửi đến các trung tâm kiểm nghiệm độc lập, uy tín nhằm theo dõi, kiểm tra hàm lượng các chất thuộc nhóm beta-agonist (salbutamol, ractopamine, clenbuterol...). Hàng trăm mẫu đã được thử nghiệm, kết quả 100% đều âm tính với các chất cấm.

“Từ đầu tháng 4-2016, chúng tôi thực hiện in tem cam kết “Không chất cấm” lên bao bì cám của Anco và Proconco như một sự đảm bảo về chất lượng sản phẩm an toàn cho người chăn nuôi, để họ an tâm làm giàu chân chính từ chính nghề này”, ông Lee Meng Hong cho biết. Ngoài ra, công ty cũng có nhiều chương trình hỗ trợ người chăn nuôi như tổ chức hội thảo, hỗ trợ kỹ thuật, đặc biệt là chương trình thử nghiệm dùng thử sản phẩm để người chăn nuôi so sánh, đánh giá chất lượng. Hàng ngàn hộ chăn nuôi đã dùng thử và 95% số hộ đã chuyển sang dùng cám có Bio-zeem của công ty. 

Bình luận (0)

Lên đầu trang