Cứu sống bệnh nhân động kinh té ao, bùn đất chui vào phổi

Thứ Tư, 05/08/2020 10:56  | Nguyễn Nhân

|

(CAO) Ngày 5-8, BS.CK2 Phạm Thanh Phong – Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết, bệnh viện vừa cứu sống bệnh nhân bị động kinh ngạt nước suy hô hấp nguy kịch.

Bệnh nhân Nguyễn Thị Diễm Thụy (33 tuổi, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang) được chẩn đoán động kinh từ năm 4 tuổi, uống thuốc điều trị ngoại trú.

Vào ngày 26-7, bệnh nhân lên cơn co giật ngã xuống ao nước bẩn. Sau đó, người nhà phát hiện và đưa bệnh nhân lên bờ trong tình trạng hôn mê, tím tái, miệng mũi nhiều bùn đất. Sau sơ cứu bệnh nhân được đưa đến bệnh viện địa phương cấp cứu với biểu hiện suy hô hấp nặng, huyết áp thấp, rồi chuyển đến Bệnh viện ĐKTW Cần Thơ.

Kết quả X-quang cho thấy phổi bệnh nhân đầy bùn đất.

Qua chẩn đoán, viêm phổi hít - suy hô hấp cấp nguy kịch - hôn mê sau ngưng tim/bệnh nhân ngạt nước. Tình trạng bệnh nặng, nguy kịch nên được chuyển vào Khoa Hồi Sức tích cực – chống độc.

Từ ngày 26-7 đến 30-7, bệnh nhân thở máy bảo vệ phổi. Đặc biệt, bệnh nhân được chỉ định nội soi khí phế quản 3 lần: viêm cấp nặng phế quản 2 bên, ứ đọng nhiều đàm có lẫn bùn đen, đất sình, rửa sạch lấy dịch cấy – kháng sinh đồ. Điều trị tình trạng viêm phổi bằng kháng sinh phổ rộng ... Đến ngày 31-7, bệnh nhân ngưng máy thở và rút nội khí quản.

Sáng ngày 5-8, bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tốt, không sốt, đã ngưng thở oxy, tiếp tục điều trị và theo dõi tại Khoa Nội hô hấp.

Sức khỏe bệnh nhân đã ổn định.

Theo TS.BS Cao Thị Mỹ Thúy - Trưởng Khoa Nội hô hấp: Viêm phổi hít là tình trạng nhiễm trùng phổi khi một lượng dị vật từ miệng hoặc dạ dày đi vào phổi. Triệu chứng viêm phổi hít thường gặp là sốt, ho xảy ra tương đối cấp tính. Mức độ nặng của viêm phổi hít rất khác nhau, các triệu chứng bệnh có thể rất mờ nhạt do đáp ứng miễn dịch kém ở người già, hoặc có thể rất nặng nề nếu viêm phổi hít dẫn đến các biến chứng viêm phổi áp xe, suy hô hấp nặng, viêm phổi có sốc nhiễm khuẩn. Trong trường hợp nặng, bệnh nhân nhanh chóng có các triệu chứng tím tái, thở rít, co thắt thanh môn, nếu không được cấp cứu kịp thời bệnh nhân có thể tử vong.

BS.CK2 Dương Thiện Phước - Trưởng khoa Hồi sức tích cực chống độc cho biết: Đuối nước có thể gặp ở bất cứ đối tượng nào, từ trẻ em, thiếu niên đến cả người lớn. Tỷ lệ tử vong do hậu quả của ngạt nước thường cao, do không được cấp cứu kịp thời hoặc cấp cứu chưa đúng quy cách.

Nguyên tắc cấp cứu là tại chỗ: nguyên tắc này cần khẩn trương, đúng phương pháp với mục đích cấp cứu là giải phóng đường thở và cung cấp ôxy cho nạn nhân. Do vậy việc làm đầu tiên cần đưa nạn nhân ra khỏi nước. Cần khẩn trương, hợp lý, kiên trì và phải có sự phối hợp nhịp nhàng giữa những người tham gia sơ cứu nạn nhân cũng như các nhóm cấp cứu từ tuyến địa phương đến tuyến cao hơn.

Bình luận (0)

Lên đầu trang