Dịch bệnh MERS-CoV: Sở Y tế TP.HCM đề nghị ngành du lịch, công an vào cuộc

Thứ Hai, 08/06/2015 21:18  | Nam Anh

|

(CAO) Liên quan đến dịch bệnh MERS-CoV, chiều 8-6, sở Y tế TP.HCM đã có văn bản gửi các sở ban ngành đề nghị phối hợp trong công tác kiểm soát dịch MERS-CoV.

Theo đó, ngành y tế TP.HCM đề nghị Sở Du lịch thành phố chỉ đạo các khách sạn, nhà nghỉ trên địa bàn thông báo ngay cho các cơ quan y tế địa phương khi có khách nhập cảnh từ vùng dịch đến lưu trú.

Sở Y tế cũng đề nghị Công an TP.HCM hỗ trợ điều tra, tìm kiếm hành khách nhập cảnh từ vùng dịch nhưng bị mất liên lạc do thay đổi chỗ ở hoặc ghi địa chỉ trên tờ khai không đúng. Thông báo cho y tế địa phương các trường hợp tạm trú về từ vùng dịch để tiếp cận, theo dõi sức khỏe.

Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM cho rằng, mỗi ngày TP.HCM có đến gần 2.000 hành khách đến, đi từ vùng có dịch MERS-CoV. Do đó, việc giám sát từng trường hợp theo địa chỉ khai báo như trước đây đã áp dụng với dịch Ebola là điều không thể thực hiện.

Theo bác sĩ Dũng, chiến dịch phòng chống MERS-CoV lần này, ngành y tế kêu gọi người dân ý thức tự giác nếu có đến, đi qua vùng dịch gồm các nước Trung Đông và Hàn Quốc, trong vòng 14 ngày, nếu sức khỏe xuất hiện các dấu hiệu bất thường, phải chủ động đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để kiểm tra.

Ngành y tế kêu gọi người dân tự giác kiểm tra sức khỏe khi thấy có du61 hiệu bất thường (ảnh minh họa)

Liên quan đến ca nghi nhiễm MERS-CoV đầu tiên về TP.HCM từ Trung Đông, bệnh nhân S. (52 tuổi, ngụ Bình Dương) du lịch từ Dubai (UAE) trở về Việt Nam vào ngày 4-6 qua sân bay Tân Sơn Nhất, đã cho kết quả âm tính với MERS.

Ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết các máy tầm nhiệt đặt tại cửa khẩu quốc tế Tân Sơn Nhất có khả năng phát hiện người có thân nhiệt trên 37,5 độ C. Tuy nhiên, ở ca này, do bệnh nhân đã uống paracetamol từ trước đó tại Dubai, nên máy không phát hiện được.

Khi liên hệ với ông N., chồng bệnh nhân S., người cùng đi du lịch với vợ được biết, vợ ông có dấu hiệu sốt ở sân bay của UAE và đã uống thuốc. Về đến Tân Sơn Nhất, nhờ đọc tờ khai y tế mà ông biết thông tin và chủ động đưa vợ đến bệnh viện để kiểm tra khi cơn sốt kéo dài.

Tại Hà Nội, ngày 4-6, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cũng tiếp nhận bệnh nhân nữ 54 tuổi trở về từ Hàn Quốc ngày 1-6, đến ngày 4-6 có các triệu chứng sốt, ho khan. Người thứ hai là bệnh nhân nam, 30 tuổi trở về từ Trung Quốc, anh này cũng bị sốt và ho. Sau khi kết quả xét nghiệm cho thấy không liên quan đến MERS, một người đã được xuất viện để được theo dõi tại nhà. Một người vẫn còn được chăm sóc và theo dõi tại bệnh viện trong tình trạng sức khỏe ổn định.

Như vậy tính đến sáng 8-6, Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp nào nhiễm căn bệnh xuất phát Trung Đông.

Các trường hợp nghi ngờ đều âm tính, song đứng trước nguy cơ bệnh có thể du nhập vào Việt Nam, Bộ Y tế yêu cầu thắt chặt giám sát lượng người nhập cảnh từ các nước có bệnh. Tất cả hành khách đều phải được đo thân nhiệt tại sân bay, những người này cũng đồng thời được hướng dẫn tự theo dõi sức khỏe tại nơi sinh sống. Những trường hợp trở về từ vùng dịch bỗng dưng sốt, phải đến ngay cơ sở y tế trình báo.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, hiện có khoảng gần 1.200 ca mắc trong đó có 442 người đã tử vong tại 26 quốc gia.

Các ca bệnh tại chỗ gồm Ảrập Xêút, Tiểu Vương quốc Ả rập thống nhất (UAE), Qatar, Oman, Jordan, Kuwait, Yemen, Lebanon, Iran. Các nước có ca bệnh xâm nhập gồm Anh, Pháp, Tunisia, Italy, Hy Lạp, Tây Ban Nha, Ai Cập, Mỹ, Hà Lan, Algeria, Áo, Thổ Nhĩ Kỳ, Đức, Philippines, Malaysia, Hàn Quốc, Trung Quốc.

Bình luận (0)

Lên đầu trang