Làm thế nào để phòng tránh cúm A/H1N1?

Thứ Hai, 04/06/2018 10:50  | Ngô Đồng

|

(CAO) Cúm A/H1N1 không phải là loại cúm ác tính, hầu hết tự hồi phục trong vòng một tuần mà không cần điều trị. Tuy nhiên, một số ít trường hợp cúm có thể gây bệnh nặng hoặc tử vong, đặc biệt nếu người nhiễm cúm thuộc nhóm có nguy cơ cao.

Thông tin từ Trung tâm y tế dự phòng TP.HCM cho hay, liên quan đến chùm ca bệnh cúm A/H1N1 ghi nhận tại BV Từ Dũ TP.HCM, tính đến 14 giờ ngày 3-6, tại khoa Nội soi của BV Từ Dũ ghi nhận thêm 5 trường hợp bệnh mới, khởi phát vào chiều tối ngày 2-6 với các triệu chứng cúm nhẹ. Như vậy, tổng cộng có 28 trường hợp bệnh cúm đã được ghi nhận đến thời điểm này.

Trước đó, các trường hợp bệnh cúm và cả những người bệnh không bị cúm có tình trạng lâm sàng ổn định đã được cho xuất viện và tiếp tục theo dõi sức khỏe tại địa phương.

Đến thời điểm hiện tại, ở lầu 5 của Khoa Nội soi của BV Từ Dũ chỉ còn 5 bệnh nhân đang nằm điều trị các bệnh lý về phụ khoa, trong đó có 1 bệnh nhân bị cúm, 4 bệnh nhân còn lại không ghi nhận triệu chứng cúm.

Theo BS. Nguyễn Thành Huy, Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm Trung tâm y tế dự phòng TP, công tác tổng vệ sinh khử khuẩn được bệnh viện tiến hành như kế hoạch. Hiện tại, bệnh viện Từ Dũ và Trung tâm Y tế Dự phòng Thành phố đang tiếp tục tiến hành các biện pháp cần thiết để giám sát chặt chẽ ca bệnh cũng như kiểm soát lây nhiễm tại bệnh viện và cộng đồng.

Như đã thông tin, chùm ca bệnh ghi nhận xảy ra tại Khoa Nội soi (lầu 5 – Khu M) của BV Từ Dũ. Theo đó, sáng 1-6, có 1 trường hợp phẫu thuật nội soi cắt tử cung được dời phẫu thuật vì bệnh nhân sốt. Đến 15 giờ cùng ngày, đột ngột xuất hiện cùng lúc 17 bệnh nhân đang nằm điều trị cùng khoa có triệu chứng sốt, đau mỏi cơ.

Ngay lập tức, BV Từ Dũ đã tiến hành phân nhóm, cách ly các bệnh nhân sốt, hướng dẫn và triển khai phòng ngừa cho bệnh nhân và thân nhân khoa Nội soi. Đồng thời Bệnh viện Từ Dũ đã báo cáo Sở Y tế và Trung tâm y tế dự phòng TP.HCM, tiến hành hội chẩn chuyên môn với Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM.

Kết quả hội chẩn với Bệnh viện Nhiệt Đới không loại trừ bệnh nhân nhiễm cúm và lây lan trong Khoa. Ngay trong đêm, BV Từ Dũ phối hợp cùng BV Bệnh Nhiệt đới đã triển khai xét nghiệm PCR cúm cho 16 bệnh nhân và 2 nhân viên y tế của khoa. Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới đã khẩn trương cho thực hiện xét nghiệm tất cả các mẫu bệnh phẩm trong đêm, kết quả: 16/18 mẫu dương tính với cúm A H1N1 (cúm mùa).

Ngay sau khi có kết quả từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới xác định đây là chùm ca bệnh cúm A H1N1 (vào sáng sớm ngày 2-6), BV Từ Dũ đã phối hợp cùng Trung tâm y tế dự phòng TP.HCM và BV Bệnh Nhiệt đới TP.HCM triển khai điều trị Tamiflu cho 17 bệnh nhân sốt và 6 nhân viên y tế, thống nhất phương án điều trị tiếp theo: các trường hợp ổn định có chỉ định xuất viện sẽ được hướng dẫn phòng ngừa lây lan và theo dõi cách ly tại địa phương, Trung tâm y tế dự phòng TP.HCM sẽ giám sát, tiến hành khử khuẩn toàn bộ lầu 5 khu M, bệnh viện không nhận bệnh nhân mới dự kiến đến 12 giờ ngày 4-6-2018.

Ảnh minh họa

Theo Tổ chức y tế thế giới, cúm mùa thường do vi-rút cúm A hoặc B gây ra. Các triệu chứng bao gồm khởi phát đột ngột với sốt, ho, nhức đầu, đau cơ và khớp, đau họng và sổ mũi. Ho có thể kéo dài trên 2 tuần. Hầu hết tự hồi phục trong vòng một tuần mà không cần điều trị. Tuy nhiên, một số ít trường hợp cúm có thể gây bệnh nặng hoặc tử vong, đặc biệt nếu người nhiễm cúm thuộc nhóm có nguy cơ cao.

Dịch bệnh cúm mùa xảy ra chủ yếu trong mùa đông, từ tháng 10 đến tháng 3 ở các nước thuộc vùng bắc bán cầu và tháng 4 đến tháng 9 ở các nước thuộc vùng nam bán cầu. Các nước nhiệt đới và cận nhiệt đới, cúm mùa có thể xảy ra quanh năm.

Cách tốt nhất để phòng tránh cúm là chủng ngừa cúm mỗi năm. Do vi-rút cúm biến đổi liên tục, Tổ chức y tế thế giới đưa ra các khuyến cáo để cập nhật các chế phẩm vắc-xin cúm. Trong mùa cúm tại các nước thuộc bắc bán cầu trong năm 2016-2017, công thức vắc-xin cúm đã được cập nhật vào tháng 2-2016 để chứa hai loại vi-rút A (H1N1 và H3N2) và vi-rút cúm B.

Tổ chức y tế thế giới khuyến cáo, chủng ngừa hàng năm cho những người thuộc các nhóm nguy cơ cao, bao gồm cả nhân viên y tế. Nên chủng ngừa ngay trước khi mùa cúm bắt đầu để bảo đảm có hiệu quả nhất.

Những người có nguy cơ mắc bệnh cúm mùa nặng nhất là phụ nữ có thai ở bất kỳ giai đoạn nào của thai kỳ, trẻ em dưới 5 tuổi, người trên 65 tuổi, người có bệnh mạn tính như HIV/AIDS, hen suyễn, bệnh tim, phổi và tiểu đường, nhân viên y tế.

Khi bị cúm, điều trị như thế nào?

Người bị cúm nên uống nhiều nước và nghỉ ngơi. Hầu hết sẽ hồi phục trong vòng một tuần. Thuốc kháng vi-rút cúm có thể làm giảm các biến chứng nặng và nguy cơ tử vong, được chỉ định đối với các nhóm có nguy cơ cao, cần được dùng sớm (trong vòng 48 giờ sau khi xuất hiện các triệu chứng). Thuốc kháng sinh không có tác dụng chống lại vi-rút cúm.

Làm thế nào để ngăn chặn bệnh cúm lây lan?

Cúm có thể lây lan nhanh chóng khi một người có một người mắc bệnh, với triệu chứng ho hoặc hắt hơi sẽ phân tán các giọt có chứa vi-rút cúm vào không khí. Ngoài ra, cúm cũng có thể lây lan bằng tay bị nhiễm virus.

Các biện pháp phòng ngừa cần được thực hiện để hạn chế lây truyền: nên che miệng và mũi bằng khăn giấy khi ho, và rửa tay thật kỹ và đều đặn.

Cúm theo mùa có liên quan đến đại dịch cúm không?

Sự bùng phát cúm theo mùa là do những thay đổi nhỏ về vi-rút đã lưu hành và nhiều người có khả năng miễn dịch. Đại dịch xảy ra khi một vi-rút cúm nổi lên mà hầu hết mọi người không có khả năng miễn dịch vì nó khác với bất kỳ chủng nào đã có trước đây ở người. Điều này cho phép lây lan dễ dàng giữa mọi người. Một khi vi-rút mới xuất hiện thì nguy cơ đại dịch dễ được thiết lập, như với đại dịch A (H1N1) trong năm 2009, và nay nó trở thành vi-rút cúm mùa.

(Theo Tổ chức y tế thế giới)

Chùm ca cúm A/H1N1 tại Bệnh viện phụ sản Từ Dũ
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang