Khẩn trương tiêu hủy toàn bộ số heo bị tiêm thuốc an thần, dừng hoạt động cơ sở giết mổ

Thứ Hai, 02/10/2017 20:34  | Ngô Đồng

|

(CAO) Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến vừa ký quyết định chấp thuận đề xuất việc tiêu hủy 3.750 con heo bị tiêm thuốc an thần, đồng thời tạm dừng hoạt động của cơ sở giết mổ Xuyên Á, công khai danh sách 13 thương lái vi phạm.

Ngày 2-10, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến đã ký công văn khẩn gửi Sở Tư pháp, Sở Công thương, Sở NN-PTNT, Ban quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM, Ban chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm TP.HCM, chỉ đạo thực hiện các biện pháp xử lý 3.750 con heo bị tiêm thuốc an thần tại cơ sở giết mổ Xuyên Á (H.Củ Chi) vào đêm 28-9.

Trại heo xảy ra vụ việc bơm thuốc an thần. Ảnh: T.Mạnh

Theo đó, UBND TP.HCM yêu cầu Sở NN-PTNT phối hợp với đoàn thanh tra khẩn trương tiêu hủy toàn bộ heo xác định bị tiêm thuốc an thần, không để nuôi nhốt chờ đào thải thuốc rồi đưa vào giết mổ, vì không đảm bảo an toàn thực phẩm, nguy cơ tồn dư thuốc và nguy cơ bệnh lở mồm long móng trong quá trình lưu giữ.

Yêu cầu Sở NN-PTNT và Ban quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM công khai danh sách 13 thương lái (chủ lò) vi phạm và có biện pháp kiểm soát chặt sản phẩm thịt heo từ nguồn các thương lái trên khi vào địa bàn TP.HCM trong thời gian tới.

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến cũng yêu cầu Sở NN-PTNT tham mưu hình thức xử phạt và tạm dừng hoạt động cơ sở giết mổ Xuyên Á để chấn chỉnh theo định hướng cơ sở giết mổ tập trung hiện đại của TP.HCM.

Bên cạnh đó, UBND TP.HCM cũng giao Sở Tư pháp nghiên cứu, đề xuất, kiến nghị bổ sung quy định các mức xử phạt nghiêm khắc vi phạm hành chính đối với hành vi trên. Sở Công thương có biện pháp bình ổn thị trường, không để tình trạng khan hiếm, nâng giá thịt heo trong thời gian cơ sở giết mổ Xuyên Á tạm dừng hoạt động.

Theo PGS TS Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM, ngoài việc tiêu hủy ngăn chặn số heo không đảm bảo an toàn để đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng, thì việc xử lý vi phạm một cách nghiêm khắc để làm gương răn đe cho những trường hợp khác. Các cơ sở vi phạm này không chỉ bị xử phạt hành chính mà còn bị công khai danh tính và được đưa vào danh sách kiểm soát đặc biệt trong tương lai của Ban quản lý an toàn thực phẩm nếu các đơn vị này còn nhập heo vào TP.HCM.

Theo bà Lan, combistress là chất gây mê trong thú y, là dạng thuốc an thần. Việc các cơ sở tiêm thuốc an thần vào heo trước khi giết mổ nhằm 2 mục đích: giữ cho heo im lặng khi giết mổ; làm giãn mạch để thịt heo hồng hào gây bắt mắt, tươi ngon. Chất này khi tiêm vào heo thì nó sẽ tích tụ ở mô mỡ heo và sẽ bị đào thải qua thận, nước tiểu, thời gian đào thải nhanh hay chậm tùy vào liều dùng.

Tuy nhiên, cũng theo bà Lan, nếu số heo trên được nhốt lại chờ đào thải chất tồn dư trong khoảng 2 tuần thì sẽ không đảm bảo điều kiện vệ sinh của heo vì khi heo nhốt chung như vậy thì nguy cơ về những bệnh truyền nhiễm, bệnh lở mồm long móng là rất lớn và như vậy thì thịt heo cũng không đảm bảo an toàn được nên chỉ còn một cách là tiêu hủy. "Chúng ta đề ra mục tiêu quản lý an toàn thực phẩm từ gốc đến ngọn, do đó nếu để thực phẩm bẩn từ nguồn đi ra thị trường thì mọi nổ lực của chúng ta sẽ thành vô nghĩa", bà Lan cho biết.

Bà Lan cũng thật sự lấy làm tiếc, vì 3.750 con heo này có đeo vòng truy xuất nguồn gốc, nghĩa là chúng ta biết được số heo này có nguồn gốc từ các trang trại nào. Do đó, bà Lan rất tiếc cho những người nông dân làm ăn chân chính, đàng hoàng. "Có thể người ta nuôi số heo này rất đàng hoàng, rất đúng quy định, không có chất cấm, và sẵn sàng kê khai thông tin truy suất nguồn gốc để nhận trách nhiệm tôi là chủ của số heo ấy; nhưng chỉ cần một khâu từ lò giết mổ ra thị trường như thế này thôi, chỉ cần một mũi tiêm thôi thì mọi công sức đổ xuống sông xuống bể hết", bà Lan chia sẻ.

Hơn 5.000 con heo bị tiêm thuốc an thần trước khi mổ thịt ở TP.HCM
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang