Vì sao rừng phòng hộ tại Quảng Trị bị tàn phá?

Chủ Nhật, 05/03/2017 13:45  | Hoàng Quân

|

(CAO) Từ phản ánh của báo chí về tình trạng phá rừng phòng hộ ở huyện Đakrông (Quảng Trị), chính quyền và các ngành chức năng đã quyết liệt vào cuộc, kiểm tra và lên phương án ngăn chặn, bảo vệ rừng.

Như Báo CATP.HCM đã thông tin, cuối năm 2016, tuyến đường Khe Van - Hướng Linh (Quảng Trị) dài 15km do Công ty Cổ phần Tân Hoàn Cầu (trụ sở tại Khu công nghiệp Tây Bắc Đồng Hới, TP.Đồng Hới, Quảng Bình) khởi công xây dựng để phục vụ dự án điện Hướng Linh 2 đi xuyên vào rừng phòng hộ thuộc 2 huyện Hướng Hóa và Đakrông. Lợi dụng điều này, lâm tặc vào khai thác lâm sản trái phép, phá nhiều diện tích rừng. Đây là rừng phòng hộ đầu nguồn, chủ rừng là Ban quản lý rừng phòng hộ (RPH) Hướng Hóa – Đakrông (thuộc Sở NN&PTNT).

Đoàn kiểm tra phát hiện gỗ trong rừng phòng hộ của Ban quản lý RPH Hướng Hóa – Đakrông bị khai thác

Từ phản ánh của báo chí, lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Trị yêu cầu Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các ngành chức năng và UBND huyện Đakrông, Ban quản lý RPH Hướng Hóa – Đakrông khẩn trương kiểm tra nội dung báo chí phản ánh; Chi cục Kiểm lâm tỉnh tăng cường công tác kiểm tra, giám sát bảo vệ rừng; UBND huyện Đakrông phải điều tra, xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân buông lỏng, lơ là trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, đặc biệt là các trường hợp bao che, tiếp tay cho lâm tặc (nếu có); tăng cường thanh, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về quản lý, phát triển rừng và đất lâm nghiệp đối với các đơn vị, tổ chức, cá nhân tại địa phương. Lãnh đạo Tỉnh ủy Quảng Trị cũng đã yêu cầu chính quyền và cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý vụ việc.

Đại diện các cơ quan chức năng tại hiện trường

Ngày 2-3, đoàn kiểm tra liên ngành của Sở NN&PTNT và các cơ quan chức năng đi kiểm tra thực tế. Đoàn vượt gần 50km, bắt đầu vào tuyến đường Khe Van – Hướng Linh từ địa phận bản Kà Reng (xã Hướng Hiệp, huyện Đakrông). Tại khu vực rừng gần km52 Quốc lộ 9 rẽ vào Công trình thủy điện Khe Nghi đang thi công thì tình trạng phá rừng phòng hộ hiện ra ngay trước mặt.

Nhiều khoảng rừng bị tàn phá nghiêm trọng, hàng chục cây gỗ bị đốn hạ còn trơ gốc; những tấm gỗ xẻ, mùn cưa còn sót lại tại hiện trường cho thấy lâm tặc hoành hành với cường độ dày. Nhiều cây gỗ thân to được lâm tặc cưa xuống rồi bỏ lại do rỗng, hỏng ruột. Xung quanh đó là một số gốc cây gỗ cũ đã được lâm tặc “dọn dẹp” từ trước đó.

Ông Khổng Trung - Chi cục trưởng kiểm lâm tỉnh Quảng Trị trao đổi về các biện pháp ngăn chặn phá rừng

Quan sát bằng mắt thường có thể thấy việc phá rừng mới diễn ra khi các dấu vết còn tươi mới. Việc chặt hạ gỗ được thực hiện bởi những thiết bị máy móc chuyên dụng. Theo thống kê sơ bộ, có 65 cây gỗ có đường kính từ 10 – 70cm ở hai bên đường Khe Van - Hướng Linh (Hướng Hóa) bị đốn hạ; có 78 cây gỗ quanh khu vực Công trình thủy điện Khe Nghi bị chặt hạ.

Các cơ quan chức năng xác định doanh nghiệp thi công tuyến đường không liên quan đến việc phá rừng. Sau khi kiểm tra thực tế, đại diện các ban ngành đã có cuộc họp tại trụ sở UBND huyện Đakrông. Ông Trần Văn Tý - Giám đốc Ban quản lý RPH phân trần nguyên nhân để xảy ra phá rừng là do lực lượng mỏng, thiếu chế tài, công cụ hỗ trợ. Trong khi đó, diện tích rừng lớn, trải rộng, địa hình phức tạp, hình trở; lâm tặc thì tinh vi, manh động, đe dọa, chống đối lực lượng chức năng, lại có sự cảnh giới, tiếp tay và móc nối của một số người dân địa phương.

Văn bản của UBND tỉnh Quảng Trị yêu cầu kiểm tra, xử lý vụ việc

Một trong những nguyên nhân khiến lâm tặc dễ dàng phá rừng là lẽ ra trước khi quy hoạch mở đường xuyên vào rừng phòng hộ để Công ty cổ phần Tân Hoàn Cầu phục vụ dự án điện Hướng Linh 2 thì chính quyền, chủ rừng, doanh nghiệp và các cơ quan ban ngành phải ngồi lại bàn bạc biện pháp bảo vệ rừng. Trước đây khi chưa mở đường thì tình trạng khai thác, phá rừng rất hiếm, hạn chế. Việc “nóng” lên trong vòng 2 tháng trở lại đây khi lâm tặc lợi dụng con đường này để dễ dàng khai thác gỗ ở các tiểu khu rừng 2 bên tuyến đường.

Ông Khổng Trung - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Trị nhấn mạnh, khu vực rừng trên mang lại nhiều ý nghĩa và thiết thực nên cần được bảo vệ nghiêm ngặt. Trách nhiệm chính trong việc quản lý, bảo vệ rừng thuộc về chủ rừng (là Ban quản lý RPH Hướng Hóa – Đakrông), sau đó là ngành kiểm lâm và chính quyền địa phương.

Ông Võ Văn Hưng - Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Trị thừa nhận tình trạng phá rừng là có đúng như phản ánh của các cơ quan báo chí. Nhiệm vụ trọng tâm trước mắt là ngăn chặn việc tàn phá rừng nếu không rừng tiếp tục bị xâm hại. Sau đó Sở sẽ hoàn chỉnh hồ sơ kiểm tra thực tế, báo cáo UBND tỉnh để có hướng giải quyết, xử lý đơn vị, cá nhân liên quan trách nhiệm trong việc để xảy ra việc phá rừng.

Lén lút phá rừng phòng hộ để lấy đất trồng keo

Đại diện các cơ quan ban ngành nêu phương án phải khẩn trương lập chốt chặn ngay tại con đường dẫn vào Công trình thủy điện Khe Nghi để kiểm tra, hạn chế người và phương tiện vào rừng. Vì lâm tặc chỉ có con đường độc đạo này để vận chuyển gỗ ra ngoài tiêu thụ.

Lẽ ra trước khi mở đường qua khu vực rừng phòng hộ thì ngành chức năng, chủ rừng, lực lượng kiểm lâm, chính quyền địa phương không ngồi bàn với nhau về phương án giữ rừng, chủ động về quy chế phối hợp để làm tốt công việc của mình.

Một trong những giải pháp trước mắt và lâu dài là chính quyền địa phương phối hợp với chủ rừng, với lực lượng kiểm lâm tổ chức tuyên truyền, nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân, tạo sinh kế, công ăn việc làm cho bà con.

Bình luận (0)

Lên đầu trang