Iran thành nhân tố mới trong đàm phán Syria

Thứ Năm, 29/10/2015 11:08  | Anh Duy

|

(CATP) Một diễn biến ngoại giao khiến cộng đồng quốc tế bất ngờ là việc Iran lần đầu tiên được mời tham dự vòng đàm phán quốc tế tại Vienna (Áo) vào ngày 29-10, nhằm tìm giải pháp kết thúc cuộc nội chiến kéo dài 4 năm qua tại Syria.

Nga đã chủ động mời Iran tham gia, động thái này cho thấy đã đến lúc các “ông lớn”, đặc biệt là Nga, Mỹ, Liên đoàn Ả Rập hay Liên minh châu Âu, nhận ra Tehran cần phải tham gia thì lộ trình tìm kiếm giải pháp hòa bình cho Syria mới có thể xúc tiến.

Là đồng minh của chính quyền Assad, lâu nay Iran đã gửi cố vấn quân sự sang giúp nước này “chống khủng bố”, thậm chí hôm 2-10 Reuters dẫn nguồn tin riêng cho biết hàng trăm binh sĩ Iran đã đến Syria để tham chiến cùng quân chính phủ. Dù Tehran phủ nhận việc này nhưng bấy nhiêu cũng đủ thấy vai trò của Iran tại Syria. Vì thế, đã đến lúc vòng đàm phán phải dành một ghế cho Iran.

Tổng thống Iran Hassan Rouhani (trái) và Tổng thống Nga Putin

Dù hôm 27-10, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby đã xác nhận tin Iran được mời, nhưng ông này không quên bồi thêm: “Việc có tham dự hay không tùy thuộc vào quyết định của các nhà lãnh đạo Iran, nhưng quan trọng đối với chúng tôi là các nhân tố chủ chốt trong cuộc đàm phán. Iran có thể là một trong số đó, nhưng không phải là vào lúc này”.

Phân tích phát biểu trên, phóng viên BBC James Robbins nhận định: Mỹ không hoan nghênh việc Iran tham dự đàm phán, nhưng nay Washington phải xuống nước để Iran góp mặt. Theo Robbins, việc này thể hiện Mỹ muốn mau chóng kết thúc khủng hoảng khi nước này và Nga đang không kích các mục tiêu tại Syria.

Cuộc nội chiến kết thúc sớm sẽ giúp Nga - Mỹ giảm thiểu nguy cơ đối đầu tại đây. Là một trong những đồng minh thân cận nhất của Assad, khi tham gia nhiều khả năng Iran sẽ giúp thúc đẩy tiến trình hòa bình.

Việc Mỹ chưa công nhận Iran là “nhân tố chủ chốt” cũng là cách xoa dịu cơn giận của các quốc gia đang hậu thuẫn lực lượng nổi dậy chống Assad, đặc biệt là Saudi Arabia. Nước này hôm 27-10 đã phản đối quyết liệt việc Iran tham gia.

Do theo hai hệ phái Hồi giáo khác nhau nên Iran (với dòng Shiite chiếm đa số) và Saudi Arabia (dòng Sunni là chủ đạo) lâu nay đã mâu thuẫn từ quan niệm tôn giáo đến bất đồng quốc tế. Iran ủng hộ chính quyền Assad ở Syria trong khi Saudi Arabia lại muốn lật đổ chế độ này.

Nếu Mỹ là đồng minh của Saudi Arabia công nhận Iran là “nhân tố chủ chốt” sẽ khiến bất đồng giữa hai bên không thể hòa giải. Vì thế, dù phủ nhận vai trò của Iran nhưng Mỹ đành phải chấp nhận cho nước này ngồi chung bàn đàm phán.

Bình luận (0)

Lên đầu trang