Thổ Nhĩ Kỳ cắt quan hệ ngoại giao cấp cao với Hà Lan

Thứ Ba, 14/03/2017 11:12  | Anh Duy

|

(CAO) Căng thẳng ngoại giao giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hà Lan những ngày qua đang bước qua giai đoạn khủng hoảng mới khi tối 13-3 (giờ VN), Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố sẽ không cho phép đại sứ Hà Lan tại Ankara được phép trở lại Thổ Nhĩ Kỳ.

Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Numan Kurtulmus được CNN dẫn lời tuyên bố quan hệ ngoại giao cấp cao giữa hai nước bị hoãn lại do tranh cãi về những vụ việc vừa qua.

Trước đó, Hà Lan đã không cấp phép cho máy bay của ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu hạ cánh xuống thành phố Rotterdam để tham dự cuộc tuần hành của những người Thổ Nhĩ Kỳ tổ chức ở đây để ủng hộ cuộc trưng cầu dân ý thay đổi Hiến pháp nhằm trao thêm quyền lực cho Tổng thống Erdogan.

Tuy nhiên các nước thuộc Liên minh Châu Âu (EU) trong đó có Hà Lan cho rằng việc trao thêm quyền cho Erdogan thông qua việc hợp thức hóa bằng quy định của Hiến pháp sẽ tạo cho ông cơ hội tiếm quyền mà không có cơ chế nào để kiểm soát quyền lực của 1 nguyên thủ. Việc Hà Lan và những nước khác như Đức từ chối cho diễn ra những cuộc tuần hành ủng hộ Erdogan ngay trên lãnh thổ của họ nhận được nhiều ý kiến ủng hộ từ cộng đồng quốc tế.

Đáp lại, Thổ Nhĩ Kỳ nhấn mạnh Hà Lan sẽ trả giá đắt cho hành động ngăn Ngoại trưởng Cavusoglu đến Rotterdam. Trước đó ông Cavusoglu bực dọc chỉ trích: “Vì sao vào thời điểm này tôi trở thành một kẻ khủng bố. Hay là tất cả người Thổ ở đất nước này (Hà Lan) đều bị cho là khủng bố?”.

Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu trở thành tâm điểm trong vụ căng thẳng Thổ Nhĩ Kỳ - Hà Lan  - Ảnh: Getty Images

Bà Fatma Betul Sayan Kaya, Bộ trưởng phụ trách các vấn đề gia đình của Thổ Nhĩ Kỳ cùng gia đình của bà cũng bị trục xuất khỏi Hà Lan do lên kế hoạch tham gia cuộc biểu tình ủng hộ Erdogan được thêm quyền.

Bạo động đã xảy ra ở Rotterdam khi những người Thổ tuần hành lên án hành động của Hà Lan khiến cảnh sát nước sở tại phải vất vả giải tán đám đông.

Ngoại trưởng Cavusoglu cho biết đến nay ông vẫn chưa nhận được lời giải thích rõ ràng vì sao mình bị chặn đến Rotterdam. Trong khi đó cuộc trưng cầu dân ý về Hiến pháp nhằm trao thêm quyền cho Erdogan dự kiến diễn ra vào ngày 16-4 tới.

Sau vụ việc, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đã so sánh chính quyền Hà Lan như chính quyền Đức quốc xã. Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte đã yêu cầu Ankara phải đưa ra lời xin lỗi cho phát ngôn này.

Hiện đang có những quan ngại rằng công dân Hà Lan sang Thổ Nhĩ Kỳ du lịch có thể bị tấn công trong giai đoạn nóng bỏng này. Tuy nhiên ông Cavusoglu nhấn mạnh “lỗi lầm” này do chính phủ Hà Lan gây ra còn người dân Hà Lan vẫn là “bạn” của người Thổ.

Bình luận (0)

Lên đầu trang