Kết thúc Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2:

Vẫn còn đó hy vọng cho hòa bình và thịnh vượng của khu vực

Thứ Sáu, 01/03/2019 19:03

|

(CAO) So với Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ 1 (12/06/2018) diễn ra tại Singapore, tương quan lực lượng giữa hai bên trong Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 (27 – 28/02/2019) ở Hà Nội đã có sự đảo chiều về lợi thế so sánh ở 3 nhân tố gồm: Thế chủ động trong đàm phán, giá trị của lợi ích phải đánh đổi và thế mạnh của các lực lượng hậu thuẫn.

Nói cách khác, sau 8 tháng kể từ Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 1, nước Mỹ dưới sự định hướng của Tổng thống D.Trump từng bước chuyển vị thế Mỹ từ một bên bị động trở thành bên chủ động trong quá trình hoạch định và đề ra lộ trình không chỉ tiến trình phi hạt nhân hoá, mà còn giữ được ảnh hưởng quyết định trong tiến trình xây dựng hoà bình trong quan hệ liên Triều cũng như khả năng hội nhập quốc tế của Triều Tiên về sau.

Từ một nước Mỹ “không ngại bỏ đi”...

Sự chủ động này ban đầu được dẫn dắt bởi nhà lãnh đạo Kim Jong-un của Triều Tiên, với một chuỗi các sự kiện gây chấn động: từ việc tuyên bố thử nghiệm thành công vũ khí hạt nhân, chế tạo được bom nhiệt hạch mà gây chú ý nhất là vụ phóng thử tên lửa tầm xa hướng sang ngoài khơi biển Nhật Bản với đe doạ nhắm đến các căn cứ quân sự và lãnh thổ của Mỹ. 

Thêm vào đó, những hoạt động “ngoại giao văn hoá” nhằm kết nối với Hàn Quốc trong kỳ Thế vận hội Pyeongchang và liên tục sau đó là các kỳ Thượng đỉnh Triều – Hàn, Triều – Trung khiến cho Tổng thống Mỹ phải vội vàng chấp nhận đến Singapore để đàm phán Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 1. Đây là một hành động chưa từng có tiền lệ, khiến cho ông Trump bị dư luận Mỹ chê trách rất nhiều vì có dấu hiệu nhượng bộ trước sức ép từ phía Triều Tiên.

Nên, chủ trương “không có thoả thuận còn hơn là đạt một thoả thuận tồi” là một bước dừng được đánh giá là đúng lúc giúp ông Trump “nâng giá” bản thân trước các diễn ngôn tiêu cực đang được đẩy mạnh ở Hạ viện Mỹ do đảng Dân chủ nắm đa số.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đã không đạt được thỏa thuận nào tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 trong hai ngày 27 và  28-2, tại Hà Nội

Nước Mỹ sau 8 tháng đàm phán đã không còn lo sợ sức ép bởi vũ khí hạt nhân cũng như áp lực từ các hoạt động ngoại giao đa phương mà Triều Tiên tự tiến hành, vì chính ông Trump đã nắm được lập trường hoà bình của ông Kim Jong-un và vũ khí hạt nhân chỉ là “sự phòng vệ chính đáng” (chứ không phải “mối đe doạ tấn công” như trước).

Dĩ nhiên, ông Trump rất tôn trọng lập trường của Triều Tiên, vì ông hướng đến một cuộc chơi trên lĩnh vực kinh tế - thương mại với tiềm năng thị trường ngày càng rộng mở hơn là cuộc chơi “có tổng bằng không”, như chính ông đã từng tuyên bố trong Thông điệp Liên bang đầu tháng 2 vừa rồi: “Các quốc gia vĩ đại sẽ không tiến hành những cuộc chiến tranh không có hồi kết”.

Quyết định này không chỉ khẳng định sự “ngang cơ” của Mỹ trên bàn đàm phán với Triều Tiên, mà còn truyền tải được nhiều thông điệp chính trị có trọng lượng đến các đối tác và đồng minh của Mỹ. Trong đó, việc ông Trump nhắc đến vai trò của cả Nga, Nhật và Trung Quốc trong việc giải quyết vấn đề Triều Tiên đã mở ra dư địa để khôi phục lại mô hình đàm phán 6 bên mà trước đó hai bên Triều – Hàn muốn gia giảm thành chỉ còn 3 hoặc 4 bên (không có Nga và Nhật).

Đây là một diễn biến rất có lợi cho Nhật Bản – quốc gia đồng minh của Mỹ bị đe doạ trực tiếp bởi các tên lửa tầm trung và tầm ngắn của Triều Tiên, nhưng lại bị “cách ly” khỏi vấn đề này từ đầu năm 2017 khi Triều Tiên không đạt được bất kỳ đồng thuận quan trọng nào với Nhật Bản ở các cuộc gặp không chính thức, và cũng rất phù hợp với quan điểm đa phương hoá vấn đề bán đảo Triều Tiên của phía Nga.

Dĩ nhiên, cả Hàn Quốc (với chính sách Hướng Nam mới và Hướng Bắc mới) và Trung Quốc (với “Một vành đai, Một con đường”) rất hoan nghênh một tiến trình đa phương có khả năng liên kết các cường quốc trong khu vực để tạo nền tảng cho một thể chế hợp tác Đông Bắc Á mở rộng – mà trước giờ chưa được xây dựng thành công.

Mặt khác, “không ngại bỏ đi” còn là thông điệp có tính đe doạ đến Trung Quốc trong cuộc đàm phán thương mại cấp nguyên thủ sắp tới vào tháng 3/2019, cũng như các nước đồng minh châu Âu, cho thấy nước Mỹ rất quyết đoán khi đã ở "cửa trên", và các bên đừng mặc cả quá nhiều để rồi trông chờ một sự nhượng bộ không bao giờ có.

... Đến một Triều Tiên ứng xử khôn khéo

Trên thực tế, sự “chủ động trở lại” của phía Mỹ và hành động “không ngại bỏ đi” của ông Trump không ảnh hưởng quá nhiều đến tiến trình đa phương hoá quan hệ đối ngoại mà Triều Tiên đang tiến hành. Nghĩa là, ngoài mối quan hệ có ảnh hưởng lớn mà Triều Tiên đang cần bình thường hoá với phía Mỹ, họ vẫn đang có sự chủ động của riêng mình trong các kết nối ngày càng gia tăng với các cường quốc khu vực và liên khu vực, dựa trên nền tảng trục hợp tác Triều - Hàn.

Trong đó, sự chủ động lớn nhất của Triều Tiên chính là thời điểm họ lựa chọn để phá huỷ hoàn toàn tổ hợp hạt nhân Yongbyon (như đã cam kết trong Tuyên bố chung của Thượng đỉnh liên Triều lần 3), mà tại kỳ Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 này họ đã không thống nhất được với phía Mỹ về thời điểm đó (với điều kiện là ngay sau khi Mỹ gỡ bỏ 5/11 lệnh cấm vận đa phương).

Ông Trump họp báo thông tin về việc không ký được một thỏa thuận nào với ông Kim

Mặc dù, Triều Tiên rất cần sự đảm bảo từ phía Mỹ cho một lộ trình có qua có lại, nhưng chỉ cần Triều Tiên phá bỏ Yongbyon vào thời điểm phù hợp thì cùng với các tuyên bố trước đó về cam kết không phát triển vũ khí huỷ diệt hàng loạt, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc lúc này không còn quá nhiều lý do để duy trì lệnh cấm vận đa phương lên Triều Tiên.

Theo những nội dung từ Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong-ho công bố trong buổi họp báo khuya 28/2 tại Hà Nội, rõ ràng Triều Tiên đã sẵn sàng cho phương án cao nhất trong vấn đề giải giới hạt nhân. Nói cách khác, dù ông Trump có bỏ đi, thì Triều Tiên vẫn giữ được sự chủ động của họ. Những quan ngại về việc “không nên phá bỏ Yongbyon trước” vì lo lắng sự trở mặt đã từng có tiền lệ của phía Mỹ, sẽ không thể xảy ra khi Triều Tiên có được kinh nghiệm trong mô hình đối ngoại đa phương hoá, đa dạng hoá và thực hiện tiến trình cải cách, mở cửa triệt để của Việt Nam.

Thêm vào đó, nhiều quan điểm cho rằng việc Triều Tiên tạm chưa cần đến một Tuyên bố chung để tự ràng buộc họ vào một lộ trình mà chưa chắc phía Mỹ có thể thực hiện (vì Tổng thống Trump có khả năng sẽ bị Hạ viện Mỹ tiến hành luận tội khi luật sư cũ của ông Trump là Michael Cohen đã điều trần những thông tin rất bất lợi cho ông Trump trước Quốc hội ngay thời điểm diễn ra Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2).

“Đây không phải thời điểm thích hợp để ký kết bất kỳ điều gì” – chúng ta hoàn toàn có thể hiểu câu nói của ông Trump theo nghĩa như thế. Trước một rủi ro quá lớn như vậy, và dù ông Trump có thể vượt qua hay không, thì phía Triều Tiên cũng phải bảo vệ các thông tin cần thiết trước khi phải chia sẻ và tự ràng buộc vào một lộ trình không có sự đảm bảo tương xứng từ đối phương.

Hướng tới cục diện cả Mỹ và Triều Tiên cùng dẫn dắt cuộc chơi

Như vậy, hành động “không ngại bỏ đi” trên thực tế không chỉ giúp ông Trump có được một vị thế cao hơn không chỉ trong dư luận ở Quốc hội Mỹ nói riêng và dư luận các nước đối tác nói chung. Phía Triều Tiên cũng thể hiện sự ủng hộ ngầm khi đã ứng xử rất khéo léo và xây dựng trong buổi họp báo, thể hiện sự đồng thuận trong tiến trình đang diễn ra.

Hai nhà lãnh đạo đã rất vui vẻ trong cuộc gặp vào tối 27-2 và sau đó dùng bữa tối

Quan trọng nhất, đó là việc cả hai phía đã thấu hiểu được những khó khăn của mỗi bên về thời điểm, và cùng chia sẻ một thông điệp chung mang đậm tính nhân văn: Một là, cả Mỹ và Triều Tiên đều không leo thang thêm căng thẳng và đảo ngược tiến trình, một bên không áp đặt thêm các lệnh trừng phạt mới, một bên không quay lại phát triển chương trình vũ khí huỷ diệt; hai là, Mỹ rất muốn bỏ cấm vận để người dân Triều Tiên đỡ khổ sở, còn Triều Tiên thì chỉ cần trước mắt nới lỏng các điều khoản cần cho dân sinh của họ.

Thượng đỉnh Hà Nội, vì thế, đã tạo nên sự thấu hiểu lẫn nhau giữa các bên vốn là cựu thù trong khoảng thời gian gần 7 thập kỷ. Ngoại giao hoà giải, thì còn thành tựu nào quan trọng hơn nữa ngoài điều đó?

Kết quả của hội nghị thượng đỉnh lần này không như mong đợi, nhưng rõ ràng cả hai bên đều có cái để tích cực mang về, vẫn còn đó những hy vọng cho hòa bình và thịnh vượng của khu vực.

PGS.TS Ron Milam, Giám đốc điều hành, Viện Nghiên cứu hòa bình và xung đột, ĐH Taxes Tech, Hoa Kỳ

Tôi không ngạc nhiên về kết quả, nhưng việc Tổng thống Mỹ đột ngột rời Hà Nội sớm và hình ảnh bàn tiệc trưa vắng bóng hai nhà lãnh đạo rất đáng buồn. Tôi cho rằng chắc sẽ không có một hội nghị thượng đỉnh nữa giữa Mỹ và Triều Tiên trong một thời gian dài. Hai bên đều không sẵn sàng để hướng đến việc Mỹ bỏ cấm vận và Triêu Tiên tiến hành phi hạt nhân hóa. Cả hai vẫn ở hai cực nên đã không hoàn thành được điều gì. Buồn cho cả thế giới, đặc biệt là cho khu vực, nhưng tôi vẫn cám ơn Việt Nam đã đăng cai sự kiện này.

PGS.TS Lee Han Woo, Viện Nghiên cứu Đông Á, ĐH Sogang, Hàn Quốc

Là một người Hàn Quốc, tôi thấy tiếc vì không có bước tiến nào ở hội nghị lần này tại Hà Nội. Tuy nhiên, chúng ta cần nhìn vào thực tế rằng vấn đề này cần nhiều thời gian để có thể đạt được hòa bình và nỗ lực thúc đẩy tiến trình này. Cả Mỹ và Triều Tiên đều có những mục tiêu khác nhau vào thời điểm này. Nội bộ nước Mỹ ít nhiều tác động đến Tổng thống Trump và làm cho vấn đề trở nên khó khăn hơn.

Hai ông Kim - Trump đã nói gì trước khi rời khách sạn Metropole?
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang