Người dân bỏ nhà cửa ra đi vì “Hà Bá” sông Sài Gòn

Thứ Hai, 27/07/2015 18:26  | Nguyễn Tuấn

|

(CAO) Thời gian gần đây, người dân sống hai bên bờ sông Sài Gòn lo lắng, mất ăn mất ngủ vì nhiều ha đất bị nước sông cuốn trôi. Nhiều căn nhà bỗng dưng bị sụp đổ cuốn trôi theo dòng nước hung hãn.

Chúng tôi lên ca nô đi dọc theo sông Sài Gòn, từ quận Thủ Đức hướng lên phía Bình Dương. Ông Ba Chúc, một người dân cho hay: “Bờ sông Sài Gòn ngày càng rộng ra, thủy triều lên xuống thất thường. Người dân cắm biển cảnh báo chống sạt lở khắp nơi”.

Ảnh: NT
Ảnh: NT

Tại khu vực P.Hiệp Bình Phước (quận Thủ Đức), dễ dàng nhìn thấy những căn nhà chìm ngập trong bốn bề biển nước. Hàng dừa nước vững chải là thế, nhưng chỉ sau một đêm tất cả đều nghiêng vẹo, bật gốc trơ rễ. Những khoảng đất bị lở tạo thành hàm ếch sâu hoắm vài mét.

Chị Thương (34 tuổi) ngậm ngùi: “Bao đời nay, gia đình tôi sinh sống bên bờ sông nước. Mọi năm cảnh sống yên vui, tôm cả dưới sông cũng đủ để giúp gia đình sống tốt. Tuy nhiên, hơn một năm trở lại đây, sóng nước sông Sài Gòn nửa đêm chảy vào tận nhà, dâng cao ngập đến tận giường. Tiếng đất bị lở kêu ầm ầm ngoài kia, cả nhà nằm ngủ nghe sợ run cả người”.

Ảnh: NT
Ảnh: NT

Dọc theo sông Sài Gòn qua địa phận quận 12, mức độ dữ dằn của hiện tượng sạt lở càng mạnh bạo hơn. Nhiều căn biệt thự của nhà dân bị ngập chìm trong làn nước. Hàng rào, cổng chào nhà cửa bị đổ sụp. Một số nhà dân phải quyết định đập phá để “bỏ của chạy lấy người”.

Ông Ba Chúc, người dẫn đường của chúng tôi nói vọng ra từ tiếng máy nổ ca nô: “Tiếc quá, biệt thự to đẹp, tốn kém tiền của người dân vậy mà nay phải vứt bỏ. Không biết người ta chuyển về sống ở đâu được. Tâm lý của người dân nơi đây đều muốn sống gần sông nước, vừa có không khí thoáng đãng vừa được yên tĩnh. Nhưng “Hà Bá” cứ như chực nuốt chửng cả căn nhà, nguy hiểm tính mạng luôn cận kề khiến họ phải quảy gánh ra đi”.

Khai thác cát hai bên bờ sông - Ảnh: NT
Xây bờ kè - Ảnh: NT
Ảnh: NT

Để đối phó với tình trạng sạt lở trên, người dân đã đóng hàng trăm cọc dừa sâu xuống dưới nước. Một số nơi, người ta đổ cát sạn với ý định xây bờ kè kiên cố. Tuy nhiên, cách làm này rất tốn kém tiền bạc.

Điều đáng nói, dọc hai bên bờ sông Sài Gòn có rất nhiều điểm khai thác cát sạn. Tiếng máy nổ, máy múc đất cát gầm rù, náo loạn cả một khúc sông. Đâu đó dọc hai bên bờ lau sậy, những chiếc thuyền khai thác cát lậu “mồ côi” cũng đang ẩn núp, chờ đợi khi đêm đến mới công khai hoạt động nạo hút cát.

Theo người dân, chính hiện tượng hút cát tràn lan đã làm sông Sài Gòn thay đổi dòng chảy, sạt lở bờ sông diễn ra nhanh chóng hơn. Để giải quyết tình trạng này, từ đầu năm UBND TP.HCM đã giao Khu quản lý đường thủy nội địa chống sạt lở cấp bách. Tuy nhiên, một số dự án chống sạt lở sông rạch đã được triển khai thi công cách đây hơn 2 năm nhưng chưa hoàn thành vì vướng giải tỏa mặt bằng.

Bình luận (1)

Tiếc cho những căn biệt thự, đôi khi cả đời người mới xây dựng được, nay lại bỏ hoang phí. Mất cả cơ nghiệp người ta rồi còn gì. Hậu quả của việc đối xử tệ với thiên nhiên!

Van Thanh - Thứ Ba, 28/07/2015, 12:58 Trả lời | Thích
Lên đầu trang