Bảy vụ án làm đau đầu các cơ quan tố tụng

Thứ Tư, 01/02/2017 05:41  | Kim Phát

|

(CAO) Nhiều vụ án có tính chất phức tạp, chồng chéo, số lượng bị cáo và người có quyền, nghĩa vụ liên quan quá đông, số tiền lớn cũng như những vụ án hung thủ quá tinh vi khiến các cơ quan tố tụng đau đầu trong điều tra, truy tố và xét xử.

Đầu tháng 1-2016, TAND TP.HCM đã trả hồ sơ điều tra bổ sung vụ án Đỗ Thị Luận (59 tuổi, ngụ quận 12) về tội “Lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản”. Đây là vụ án có lẽ đình đám và làm “khổ sở” các cơ quan chức năng bởi ngoài bị cáo thì khoảng 200 người tham gia tố tụng với tư cách luật sư cũng như người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

1. Sáu năm xử không xong một vụ án

Sau khi học xong lớp 7, Đỗ Thị Luận xin vào làm công ty dệt may tại Nam Định đến năm 1993 vào TP.HCM lập nghiệp. Ban đầu, Luận làm thợ may đến năm 2004 thị quyết định đổi đời nên chuyển sang kinh doanh bất động sản, một ngành nghề được xem là “con gà đẻ trứng vàng”.

Mặc dù chẳng có kiến thức, kinh nghiệm về bất động sản nhưng do gặp thời nên Luận lên như diều gặp gió. Tuy nhiên sau một vài năm ăn nên làm ra, Luận bắt đầu bước vào giai đoạn khó khăn, nợ nần chồng chất nên đã nảy sinh chiêu lừa tài sản để đáo nợ.

Đỗ Thị Luận

Theo đó, Luận mua nhà bằng giấy tay sau đó khi bán lại cho người khác, Luận sẽ cùng chủ nhà ra phòng công chúng làm thủ tục chuyển nhượng nhà, đất cho bên thứ 3 bằng hợp đồng công chứng. Trong thời gian làm thủ tục pháp lý, Luận lấy giấy tờ nhà đất đã sao y (đã bán) phân chia thành nhiều lô đất nhỏ rồi rao bán cho nhiều người khác để chiếm đoạt tiền.

Bằng thủ đoạn này, chỉ trong vòng 6 tháng từ tháng 4 đến tháng 10-2011, Đỗ Thị Luận đã lừa đảo 18 người với số tiền 17,2 tỉ đồng và khiến 160 người khác phải lao đao với Luận.

Ngày 19-10-2011, khi số tiền đã quá lớn, Luận mất khả năng thanh toán nên thị đã chạy vào trụ sở Công an phường Hiệp Thành (quận 12) nương náu, nhờ bảo vệ và bị Công an TP.HCM khởi tố, bắt tạm giam sau đó.

2. Buôn 54,2kg ma túy nhưng thoát án tử

Nằm trong nhóm tội phạm mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy; vụ án ông trùm Cao Trí Trung (SN 1967, ngụ quận Gò Vấp) điều khiển đường dây mua bán 158 bánh heroin (tương đương 54,2kg) thoát án tử khiến các cơ quan chức năng rất đau đầu vì mức án không thể hiện tính chất răn đe, không tương xứng với hành vi phạm tội.

Cao Trí Trung và các đồng phạm

Theo cáo buộc, Cao Trí Trung và các đồng phạm đã bị Bộ Công an bắt giữ do buôn 158 bánh heroin. Tại phiên tòa sơ thẩm, kiểm sát viên giữ quyền công tố đã đề nghị 6 án tử hình và 3 án chung thân, 5 bị cáo còn lại bị đề nghị từ 4 đến 20 năm tù. Tuy nhiên, TAND cùng cấp chỉ tuyên phạt 2 án tử hình; riêng Cao Trí Chung (SN 1967), Nguyễn Thành Công (SN 1986), Trương Thị Ngọc Ánh (SN 1966) và Tăng Thành Linh (SN 1976) chỉ tuyên chung thân.

Sau đó, Viện trưởng VKSND TP.HCM đã kháng nghị một phần bản án hình sự sơ thẩm của TAND TP.HCM, yêu cầu TAND Cấp cao tại TP.HCM xử lại vụ án theo hướng tăng hình phạt từ chung thân lên tử hình đối với Trung, Công, Ánh và Linh. Vụ án này đang trong giai đoạn chờ xét xử phúc thẩm.

3. Sinh viên giết bạn tình thoát án tử

Có lẽ tàn nhẫn và độc ác nhất trong những vụ án an ninh trật tự đó là hành vi giết người, cướp tài sản của Trần Nhật Duy (SN 1994, quê Tiền Giang) đã giết bạn tình đồng tính là anh V.A.T. (SN 1984). Cho đến nay một phần cơ thể của nạn nhân vẫn còn nằm dưới dòng sông lạnh do cơ quan công an và gia đình không thể tìm thấy.

Trần Nhật Duy

Trần Nhật Duy và anh T. có mối quan hệ đồng tính từ khi Duy học cấp 3 ở quê nhà. Khi lên đại học, Duy mướn nhà ở chung với Duy. Do anh T. không cho quan hệ với những người khác nên Duy đã lên mạng mua thuốc độc nhằm hạ sát anh T. Thực hiện kế hoạch, Duy đã cho thuốc độc vào tô mì để anh T. ăn nhưng anh không chết do bị nôn ói.

Đến ngày 19-5-2014, anh T. kêu đau đầu nhờ Duy mua thuốc uống, Duy nén thuốc độc vào hai viên thuốc hình con nhộng đưa anh T. Sau khi uống thuốc, anh T. lăn ra sàn nhà tử vong. Duy lấy tài sản anh T. gồm 2 triệu đồng, còn điện thoại, xe máy thì đôi tình nhân mang đi bán. Sau đó, Duy đã phân xác nạn nhân thành nhiều phần rồi cùng Đặng Gia Linh phi tang ở Lâm Đồng, Bình Thuận và Tiền Giang.

Sau đó, Duy cùng Đặng Gia Linh (SN 1993, bạn gái) cho các phần cơ thể nạn nhân vào balo mang đi phi tang khắp nơi. Riêng một cánh tay của nạn nhân vẫn còn nằm dưới dòng sông ở địa bàn tỉnh Tiền Giang.

Tuy nhiên, xử sơ thẩm TAND TP.HCM chỉ tuyên phạt Trần Nhật Duy mức án tù chung thân cho cả hai tội “Giết nguoif” và “Cướp tài sản”. Bản án này đã gây chấn động dư luận, khiến cồng đồng mạng dậy sóng và bức xúc trong quần chúng nhân dân.

Đáng chú ý, tòa nhận định hành vi giết người của bị cáo là lần phạm tội đầu tiên, gia đình có công với cách mạng, cha mẹ có thành tích công tác nên cho thoát án tử. Điều này khiến nhiều người bức xúc.

Ngay sau đó, VKSND TP.HCM đã ký kháng nghị yêu cầu cấp phúc thẩm xử theo hướng tử hình đối với sát thủ này. Sau đó, vụ án nhiều lần được đưa ra xét xử phúc thẩm nhưng không hiểu lý do gì mà HĐXX cho hoãn xử nhiều lần.

Nam sinh viên giết bạn tình đồng tính chặt xác phi tang lãnh án chung thân
 

4. Sát thủ bí ẩn giết phụ nữ bỏ bao tải

Cho đến nay, sát thủ giết bà Phan Thị Ánh Hương (SN 1975, ngụ quận 2, TP.HCM) vẫn chưa xuất đầu lộ diện. Theo đó, bà Hương rời khỏi nhà vào lúc 14 giờ 30 ngày 22-5-2016 và nói rằng đi làm móng tay nhưng sau đó không liên lạc được.

Hiện trường vụ giết người quận 2

Khi đi bà Hương đeo nhiều vàng nữ trang, chiếc xe máy của nạn nhân vừa mua chưa được cấp biển số cũng bị mất. Đến trưa hôm sau một phụ nữ nhặt ve chai ở đường nội bộ ở chung cư Thạnh Mỹ Lợi (quận 2) thấy một bao tải dính máu nên hốt hoảng kêu người dân báo công an. Sau đó nạn nhân được xác định là bà Hương, bị giết và bị trói chặt tay chân sau đó kẻ thủ ác nhét xác vào bao tải phi tang.

Bắt nghi can chặt xác cột bao tải phi tang
 

5. Người tố thư ký tòa chạy án bị tăng án

Sau khi bị TAND quận Tân Bình (TP.HCM) tuyên phạt 9 tháng tù giam về tội “Cố ý gây thương tích”, bị cáo Mai Thị Ngọc Vân (SN 1980) đã kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt do đang nuôi con nhỏ và là trụ cột chính của gia đình.

Trong những lần tiếp xúc với Vân, thư ký Trần Thị Nhung (Công tác tại Tòa Hình sự TAND TP.HCM) gợi ý chạy án 120 triệu đồng để được hưởng án treo. Sau nhiều lần trao đổi, thỏa thuận Nhung đã đồng ý chạy án cho Vân số tiền 85 triệu đồng.

Bị cáo Vân được Nhung cho số điện thoại của chồng Nhung để giao tiền chạy án bên ngoài TAND TP.HCM. Nhận thấy việc chạy án là vi phạm pháp luật, trái đạo lý nên bị cáo Vân đã làm đơn tố cáo. Ngày 14-7, khi Phạm Văn Khang (chồng Nhung) vừa nhận 85 triệu đồng thì bị Công an TP.HCM bắt quả tang.

Sau đó, xử phúc thẩm mặc dù VKSND TP.HCM đã yêu cầu hủy án do vi phạm tố tụng nghiêm trọng nhưng HĐXX đã tuyên sửa án sơ thẩm từ 9 tháng tù thành 4 năm tù giam đối với Vân.

Vụ án này một lần nữa khiên các cơ quan tố tụng bâng khuâng, đau đầu do quá nhiều tình tiết thiếu khách quan, chưa tương xứng tính chất và mức độ phạm tội. Trả lời báo chí, thẩm phán Huỳnh Ngọc Ánh , Phó Chánh án TAND TP HCM khẳng định TAND TP.HCM không trả thù bị cáo vì tố thư ký tòa chạy án mà bị tăng án.

VKSND TP.HCM đã có kiến nghị gởi VKSND Tối cao về những lùm xùm trong vụ án khiến dư luận quan tâm. Sau đó, VKSND Cấp cao tại TP.HCM đã kháng nghị giám đốc thẩm yêu cầu hủy cả hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm, điều tra xét xử lại từ đầu.

Người tố chồng thư ký TAND TP.HCM nhận tiền chạy án bị tăng hình phạt
 

6. Bác toàn bộ kháng cáo của cha con Dr. Thanh

Vụ án Phạm Công Danh (SN 1961, cựu chủ tịch Ngân hàng Xây dựng Việt Nam, VNCB) cùng đồng phạm gây thất thoát cho VNCB số tiền hơn 9000 tỉ đồng và mối quan hệ giữa cha con ông Trần Quý Thanh (Dr. Thanh, Tập đoàn Tân Hiệp Phát) là một trong những vụ án đình đám nhất năm 2016.

Theo đó, ái nữ Dr. Thanh là bà Trần Ngọc Bích cũng như nhóm Dr. Thanh đã có mối quan hệ vay mượn với VNCB và Phạm Công Danh số tiền 16.000 tỉ đồng.

Ngày 24-1 vừa qua TAND Cấp cao tại TP.HCM đã tuyên án phúc thẩm đối với Phạm Công Danh (SN 1961, cựu chủ tịch Ngân hàng Xây dựng Việt Nam, VNCB) cùng đồng phạm.

Sau khi xem xét toàn diện hành vi, tính chất vụ án và mức độ phạm tội của các bị cáo, HĐXX cấp phúc thẩm đã tuyên bác toàn bộ kháng cáo của Phạm Công Danh cùng các đồng phạm có đơn kháng cáo xin giảm án.

Bác kháng cáo của cha con Trần Quý Thanh (Dr. Thanh), Trần Ngọc Bích yêu cầu giải tỏa 124 sổ tiết kiệm trị giá 5190 tỉ đồng của nhóm này mở tại VNCB. Theo đó, tòa tuyên nhóm Dr. Thanh nợ VNCB 5190 tỉ đồng còn Phạm Công Danh nợ nhóm Dr. Thanh 5190 tỉ đồng, có trách nhiệm trả cho nhóm Dr. Thanh. Đối với 124 sổ tiết kiệm của nhóm Dr.Thanh vẫn bị phong tỏa, giao VNCB quản lý.

Ngoài trách nhiệm phải trả cho Dr. Thanh số tiền 5190 tỉ đồng, Phạm Công Danh còn phải hoàn lại cho VNCB số tiền 63 tỉ đồng là số tiền đã gây thiệt hại cho VNCB trong hành vi lập khống đề án CoreBanking; buộc Phạm Công Danh và Tập đoàn Thiên Thanh liên đới bồi thường 930 tỉ đồng, đây là số tiền Danh gây thiệt hại cho VNCB trong các hành vi rút tiền VNCB thông qua việc cho vay không có hồ sơ, lập khống hồsơ thuê mặt bằng…

Phạm Công Danh vàTập đoàn Thiên Thanh phải liên đới trả khoản khoản nợ hàng ngàn tỉ đồng mà các công ty con của Tập đoàn Thiên Thanh đã ký kết với VNCB.

Tòa phúc thẩm giữ nguyên quyết định khởi tố đối với Phạm Thị Trang (tức Trang “phố núi”, đã xuất cảnh đi Mỹ), quyết định khởi tố bà Hứa Thị Phấn, ông Hoàng Văn Toàn và những người liên quan.

Điều đặc biệt trong vụ án này ngoài việc chiếm đoạt hàng ngàn tỉ đồng của nhóm Phạm Công Danh thì điều khiến dư luận quan tâm đó là mối quan hệ chằng chịt giữa quan hệ vay mượn của các đại gia ngành bất động sản, nước giải khát và ngân hàng. Cho đến nay các cơ quan tố tụng vẫn đang tiếp tục làm rõ hành vi của nhiều cá nhân, nhóm cá nhân đã tiếp sức tích cực cho Phạm Công Danh chiếm đoạt số tiền khổng lồ.

Bác toàn bộ kháng cáo của cha con Dr. Thanh
 

7. Kiều nữ mua chuộc cán bộ hải quan

Một trong những vụ án với mức độ phức tạp, nhiều cá nhân, nhiều bị cáo được TAND TP.HCM xử sơ thẩm sau nhiều lần trả hồ sơ điều tra bổ sung. Đây là một trong 6 đại án vừa được Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng chỉ đạo sớm đưa ra xét xử.

Theo đó, kiều nữ Trần Thị Bích Tuyền (38 tuổi, nguyên giám đốc Công ty Lam Tuyền và Công ty Đại Đắc Tài), Lê Dũng (63 tuổi, nguyên giám đốc Công ty Thực phẩm Công nghệ Sài Gòn) cùng đồng phạm ra tòa về các tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Buôn lậu, Đưa hối lộ, Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Liên quan đến vụ án, Nguyễn Văn Biên (53 tuổi, nguyên Chi cục trưởng Hải quan cửa khẩu Khánh Bình, tỉnh An Giang) cùng 24 cựu cán bộ hải quan của An Giang và 2 người thuộc Chi cục Hải quan Cảng Sài Gòn khu vực 4 - Hải quan TP.HCM - bị cáo buộc Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Tuyền và giám đốc Lê Dũng được cơ quan điều tra xác định là người cầm đầu, chủ mưu vụ án. Là người có nhan sắc, nhiều mối quan hệ làm ăn với các doanh nghiệp ở Sài Gòn, Tuyền đứng ra lập nhiều công ty “ma” móc nối với đối tác làm ăn phi pháp.

Lợi dụng chính sách khuyến khích xuất khẩu hàng hóa và hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) cho các doanh nghiệp, Tuyền nảy sinh ý định kiếm đối tác ký hợp đồng xuất khẩu khống để chiếm đoạt tiền hoàn thuế.

Tuyền, Dũng và đồng phạm đã thực hiện hành vi xuất khẩu gạo nhưng khai báo là thuốc lá gói để chiếm đoạt tiền hoàn thuế giá trị gia tăng. Kiều nữ Trần Thị Bích Tuyền cùng Lê Dũng và các đồng phạm đã “lót tay” hàng chục quan chức, cán bộ hải quan cửa khẩu Khánh Bình, tỉnh An Giang để lấy hồ sơ, tờ khai hải quan khống. "Kiều nữ" cùng đồng bọn làm thủ tục xin hoàn thuế hơn 80 tỷ đồng rồi chiếm đoạt.

Trong vụ án này, Trần Thị Bích Tuyền, Lê Dũng cùng một bị cáo khác lãnh án chung thân; 28 cán bộ hải quan và 9 người khác bị tuyên án từ 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo đến 26 năm tù với nhiều tội danh khác nhau.

Bình luận (0)

Lên đầu trang