Đồng bằng sông Cửu Long: Báo động về an ninh nguồn nước (kỳ cuối)

Thứ Hai, 18/11/2019 14:44

|

(CATP) Theo các chuyên gia, đến năm 2020, sông Mekong khô cạn, lượng phù sa về khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) giảm khoảng 67% so với năm 2003. Đến năm 2040, lượng phù sa có thể giảm tới 97%. An ninh nguồn nước đang trở thành nỗi lo tại vùng đất Chín Rồng.

SÔNG MEKONG CẠN, ĐỒNG BẰNG SẼ HẾT PHÙ SA

Mỗi năm, sông Mekong chuyển về vùng ĐBSCL khoảng 450 - 475 tỷ mét khối nước, tải theo khoảng 160 triệu tấn phù sa. Vì vậy, trung bình mỗi người dân ở ĐBSCL có thể nhận từ 25.000 - 30.000m3 nước, cao gấp 5 - 6 lần lượng nước nội địa trung bình cho mỗi đầu người Việt Nam. Nguồn nước của sông Mekong mang lại cho hệ thống sông ngòi chằng chịt ở vùng đất Chín Rồng lượng tài nguyên nước khá phong phú.

Hơn 100 cái đập trên dòng Mekong

Thế nhưng do nhiều nguyên nhân, an ninh nguồn nước ở ĐBSCL đang bị đe dọa. Liên tục nhiều năm qua, khu vực này hầu như không có lũ. Một số đoạn sông Mekong khô cạn đáy ngay cả trong mùa mưa. Nghiên cứu của Mekong Freedom Network (Thái Lan), 8 đập thủy điện chắn ngang sông Mekong (Lan Thương) trên đất Trung Quốc đã giữ lại tổng cộng hơn 40 tỷ mét khối nước cho các mục đích phát điện, tưới tiêu..., làm thay đổi dòng chảy. Cạnh đó, các chuyên gia chỉ ra 3 nguyên nhân chính khiến mực nước sông Mekong ở Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam xuống thấp kỷ lục là: lượng mưa năm nay giảm; đập Cảnh Hồng (Trung Quốc) xả ít nước; đập Xayaburi ở Lào hoạt động.

Một đập thủy điện chắn ngang dòng Mekong ở tỉnh Vân Nam (Trung Quốc)

Đến thời điểm này, thượng nguồn sông Mekong dự kiến có tới 467 thủy điện, khoảng một phần tư đang trong quá trình xây dựng hoặc dự kiến xây dựng. Bà Pianporn Deetes (Giám đốc chiến dịch của Tổ chức Sông ngòi quốc tế tại Thái Lan - International Rivers) lo ngại: “Các biểu hiện như: mực nước thấp bất thường, sự xuất hiện của cồn cát và ghềnh đá dưới đáy sông, cá chết hàng loạt, trạm bơm ngưng hoạt động... chỉ là khởi đầu của một viễn cảnh xấu phía trước. Khi các đập trữ nước trên sông Mekong chính thức đi vào hoạt động, tình hình chưa biết khi nào sẽ cải thiện”.

Theo lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) nước ta, việc phát triển các đập thủy điện ở thượng nguồn sông Mekong đang tác động đến môi trường tự nhiên ở ĐBSCL, hệ quả tác động diễn ra nhanh chóng, phức tạp. Chuyên gia Nguyễn Hữu Thiện cho rằng, sông Mekong là sông có tổng lượng nước đứng thứ 3 trên thế giới (khoảng 475 tỷ mét khối), sau sông Trường Giang (còn gọi là sông Dương Tử, Trung Quốc), sông Congo (Trung Phi).

Ông Thiện cảnh báo: “ĐBSCL phụ thuộc vào lượng nước sông Mekong. Trong đó, phần Trung Quốc đóng góp 16%, Myanmar 2%, còn lại 82% từ biên giới Lào - Trung Quốc trở xuống. Tình hình mưa ở Lào, đông bắc Thái Lan và Campuchia là quan trọng nhất. Mưa tại chỗ ở ĐBSCL khoảng 1.400 - 2.000 mm/năm, đóng góp 11%. Sau khi 11 đập ở hạ lưu lưu vực sông Mekong hoàn tất, mỗi đập có khả năng giữ nước từ 1,5 đến 18 ngày, làm nước về chậm cả tháng khi đi qua chuỗi đập. Khi đó, tình hình sẽ nghiêm trọng”.

Sông Mekong đoạn qua Thái Lan khô cạn nước giữa mùa mưa lũ (tháng 7-2019)

Cạn kiệt phù sa

Về tác hại của đập thủy điện trên sông Mekong, Bộ TNMT cho rằng: “Các đập thượng nguồn giữ lại bùn cát nên dòng chảy hạ lưu bị “đói” bùn cát; để cân bằng năng lượng dư thừa, buộc dòng nước phải bào xói bờ. Ngoài quá trình tự nhiên, địa chất kiến tạo và phát triển kinh tế xã hội không phù hợp, tác động do hoạt động khai thác của các thủy điện ở thượng nguồn, với những con số thực tế cho thấy là nguyên nhân chính đe dọa đến việc phát triển lâu dài, bền vững ở ĐBSCL. Nếu phát triển đủ các thủy điện bậc thang trên lưu vực sông Mekong ở thượng nguồn, có tới hơn 90% lượng bùn cát bị giữ lại. Một ĐBSCL phát triển màu mỡ nhờ phù sa bồi đắp, nhưng nay lượng lớn phù sa đã mất, đó là vấn đề lớn đe dọa sự phát triển vùng ĐBSCL”.

Ông Nguyễn Tiến Hải (Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau) cho biết, trước đây Cà Mau luôn được phù sa bồi đắp, nhưng nhiều năm gần đây đã hết phù sa, trong khi sạt lở diễn ra nhanh và khốc liệt hơn. Một trong những thách thức lớn với tỉnh này là tình trạng xâm nhập mặn ngày càng gia tăng. Theo PGS-TS Lê Anh Tuấn (Phó viện trưởng Viện Biến đổi khí hậu, Trường Đại học Cần Thơ), nghiên cứu của Ủy ban Sông Mekong (MRC) cho thấy, đến năm 2040, lượng phù sa đổ về ĐBSCL chỉ còn khoảng 4% trong tổng số phù sa đổ về hiện nay là 150 - 160 triệu m3/năm.

Chuyên gia Nguyễn Hữu Thiện nhận định, ĐBSCL chịu tác động rất lớn của sự phát triển thủy điện ở lưu vực sông Mekong. Hiện tượng giảm phù sa mịn gây bạc màu đất, ảnh hưởng xấu đến nông nghiệp; hiện tượng “nước đói phù sa” dẫn đến sạt lở bờ sông, bờ biển; giảm lượng dinh dưỡng mang ra biển, ảnh hưởng năng suất thủy sản ven biển trong vùng Mekong Plume. Thiếu phù sa trong vùng nước biển ven bờ, giảm bồi đắp và gia tăng sạt lở bờ biển, nhất là đoạn bờ biển bùn phía Biển Đông từ Sóc Trăng đến mũi Cà Mau và phía Biển Tây từ mũi Cà Mau đến Hà Tiên. Thiếu dinh dưỡng cho hệ sinh thái thủy sinh, ảnh hưởng đến năng suất thủy sản nước ngọt.

Lượng nước đổ về thiếu phù sa

Theo Ủy hội Mekong Quốc tế, so với giữa năm 1992 và 2014, tải lượng phù sa mịn sông Mekong đã giảm 50%, từ 160 triệu tấn/ năm còn 85 triệu tấn/năm. Số liệu phù sa này chưa bao gồm thành phần cát, sỏi di chuyển ở đáy sông (ước tính khoảng 30 triệu tấn/năm). Dự báo sau khi 11 đập ở hạ lưu xây dựng xong, lượng phù sa mịn còn lại sẽ giảm tiếp 50%, xuống còn 42 triệu tấn/năm.

Có tác động của con người

Ngoài các nguyên nhân trên làm ô nhiễm nguồn nước, chuyên gia Nguyễn Hữu Thiện cho rằng, trong 20 năm qua, rất nhiều diện tích ở 2 “túi nước” Đồng Tháp Mười và “Tứ giác Long Xuyên” đã bị bao đê khép kín để canh tác lúa vụ ba. Từ năm 2000 - 2012, diện tích lúa vụ ba ở 4 tỉnh Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp, Long An tăng 7 lần, từ 53.500 héc-ta lên 403.500 héc-ta, đặc biệt là ở An Giang và Đồng Tháp. Tốc độc tăng mạnh nhất vào năm 2005, chững lại trong giai đoạn 2006 - 2008 rồi tăng tiếp từ năm 2009 - 2012. Năm 2017, tổng diện tích lúa vụ ba trong mùa lũ trên toàn vùng đồng bằng này lên đến 810.000 héc-ta.

“Những khối nước khổng lồ ngoài các ô đê bao khép kín này không được hấp thu vào các vùng đồng ngập lũ, gây gia tăng ngập ở các vùng hạ lưu và chảy hết ra biển trong mùa lũ. Đến mùa khô, 2 vùng “Tứ giác Long Xuyên” và Đồng Tháp Mười không có nước để bổ sung cho dòng chính đẩy mặn ra, làm gia tăng xâm nhập mặn vùng ven biển” - chuyên gia Nguyễn Hữu Thiện chia sẻ.

Theo Trung tâm Quản lý môi trường quốc tế (ICEM), sự gia tăng diện tích ô đê bao khép kín riêng ở vùng “Tứ giác Long Xuyên” đã làm giảm khả năng hấp thu lũ của vùng này từ 9,2 tỷ mét khối (năm 2000) xuống còn 4,5 tỷ mét khối khối (năm 2011). Đê bao khép kín cũng ngăn không cho nước lũ vào đồng. Kinh nghiệm cho thấy, sau khoảng 20 - 25 năm đất đai sẽ cạn kiệt chất dinh dưỡng, chi phí canh tác tăng cao. Kết quả một nghiên cứu kinh tế, canh tác lúa ba vụ liên tục trong 15 năm trên diện tích 1 héc-ta, nếu cộng cả chi phí đắp, duy tuy, bảo dưỡng đê và các chi phí khác, xã hội sẽ bị lỗ 47,8 triệu đồng. Thực tế, càng canh tác lúa ba vụ thì sẽ càng... nghèo thêm.

Cạnh đó, việc khai thác cát không được kiểm soát đã gây nên những vấn đề lớn đến môi trường nước của các dòng sông, cụ thể là suy giảm phù sa, do các hồ chứa khu vực thượng lưu. Khai thác cát cũng gây nên nhiều hệ lụy cho các dòng sông, như: sông Tiền và sông Hậu hạ thấp xuống trung bình 1,3m, xói lở bờ khiến người dân mất đất, mất sinh kế, gây ra mất ổn định các công trình trên bờ sông (cầu, cống...). Thực tế an ninh nguồn nước ở ĐBSCL đang là thách thức lớn đối với toàn vùng.

Báo động về an ninh nguồn nước ở Đồng bằng sông Cửu Long (kỳ 1)
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang