Tan hoang rừng biên giới Đức Cơ

Thứ Năm, 23/05/2019 07:22

|

(CAO) Rừng tại khu vực huyện biên giới Đức Cơ (Gia Lai) nằm sát QL14C đang bị tàn phá tan hoang trong thời gian dài. Ngoài bị khai thác lấy gỗ, rừng ở đây đang bị cạo trọc rồi đốt cháy theo kiểu hủy diệt.

Rừng bị cạo trọc sát quốc lộ

Sau khi nhận được thông tin của người dân về việc rừng tại huyện biên giới Đức Cơ (Gia Lai) đang bị khai thác nghiêm trọng, chúng tôi đã có mặt tại đây để ghi nhận thực tế.

Từ xã Ia O (H.Ia Grai), chúng tôi di theo QL14C để qua H.Đức Cơ. Đi qua trụ sở và 1 trạm bảo vệ rừng của Ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Grai, chúng tôi sững sờ khi tận mắt chứng kiến những cánh rừng tự nhiên lâu năm bị cạo trọc, đốt cháy trên diện rộng.

Rừng bị phá trắng gần khu vực biên giới H.Đức Cơ, Gia Lai

Ngay từ phía ngoài đường quốc lộ đã có thể quan sát được cả 1 khu rừng rộng lớn bị phá tan hoang. Sau khi đi vào con đường mòn, đập vào mắt chúng tôi không phải là rừng nữa mà là bãi đất trống bên dưới gỗ nằm lăn lóc, một số nơi chỉ còn lại vài cây gỗ đứng chỏng chơ.

Lâm tặc đã sử dụng loại cưa máy đốn hạ gần hết cây gỗ tự nhiên. Những dấu vết tại hiện trường cho thấy, rừng tại đây mới bị triệt hạ với các vết cưa rất mới. Hiện trường cũng đang còn ngổn ngang những cây gỗ còn chưa kịp dọn.

Đau xót hơn khi những thân gỗ to một, hai người ôm bị cưa máy cắt đứt, dấu mủ còn mới, ngã rạp tức tưởi giữa đống than khét rẹt. Một số thân cây có giá trị đã bị các đối tượng mang đi, những cây nhỏ đã bị đốt cháy sém. Cành lá của các cây bị ngã đã cháy thành than, còn cây sống cũng bị lửa táp chết đứng.

Những cây bị cưa hạ, đốt phá chủ yếu là kơ nia, giẻ, bình linh, trâm, chiêu liêu… Diện tích khu rừng bị đốt phá, chúng tôi ước tính lên đến hàng chục ngàn mét vuông.

Rừng bị lâm tặc phá, dấu vết còn mới

Tiếp tục di chuyển về phía H.Đức Cơ khoảng 200m, chúng tôi tiếp tục phát hiện địa điểm thứ 2 rừng bị phá trắng. Tại vị trí này, những cây to các đối tượng dùng cưa xăng để triệt hạ, còn những cây nhỏ thì dùng dao rựa chặt hạ.

Một số cây to đã được các đối tượng xẻ thịt ngay tại hiện trường lấy đi. Những cây nhỏ và bị rỗng ruột thì đốt cháy. Vị trí này, chúng tôi ước tính có trên chục ngàn mét vuông bị cưa hạ, đốt cháy nham nhở.

Được biết, rừng tại 2 vị trí bị phá trên nằm trên địa bàn X.Ia Dom, H.Đức Cơ và sát khu vực biên giới với nước bạn Campuchia.

Khai thác gỗ như chốn không người

Ngoài hiện tượng phá trắng rừng để chiếm đất, chúng tôi còn phát hiện tại các khu rừng dọc QL14C địa phận huyện Đức Cơ và Ia Grai, lâm tặc còn ngang nhiên cưa hạ cây cổ thụ để lấy gỗ. Việc cưa hạ các cây cổ thụ diễn ra ngay một bên quốc lộ. Chỉ cần lội bộ vào trong rừng khoảng trăm mét, đã thấy rừng tự nhiên hiện ra với nhiều “vết thương” loang lổ.

Những gốc cây cổ thụ biệt cưa ngay sát QL14C

Tại hiện trường, có những dấu vết tàn phá đã hàng năm trời nhưng cũng có cây mới chỉ bị cưa khoảng tháng trở lại đây. Cạnh các gốc cây còn có nhiều lóng gỗ lâm tặc chưa kịp vận chuyển đi.

Quanh đó, ngọn cành, bìa gỗ không giá trị vương vãi khắp nơi. Nhiều cây vừa bị cưa hạ gốc còn rỉ nhựa tươi, lá vẫn còn xanh. Có cây đường kính bằng vài người lớn ôm cũng bị cưa hạ. Nhiều cây đã được xẻ ra thành các phách gỗ để tiện vận chuyển.

Từ vị trí các cây bị cưa hạ có thể nhìn thấy được các phương tiện lưu thông trên QL14C. Trong quá trình xâm nhập các điểm phá rừng, chúng tôi còn thấy cán bộ kiểm lâm đi tuần bằng xe máy trên đường. Dù nhìn thấy chúng tôi đang chụp hình các cây bị cưa, nhưng kiểm lâm đi tuần chỉ nhìn và bỏ đi.

Nhiều lóng gỗ tại hiện trường còn chưa kịp đưa đi

Đi dọc tuyến QL14C từ H.Ia Grai đến H.Đức Cơ có trụ sở của Ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Grai và Đức Cơ đóng ở 2 đầu, ở giữa có 2 trạm bảo vệ rừng của 2 Ban này nằm ngay cạnh đường, tuy nhiên rừng ở xung quanh vẫn bị phá.

Việc phá rừng nằm sát quốc lộ, sát khu vực biên giới trong một thời gian dài nhưng không có một dấu hiệu nào rừng được bảo vệ nào từ lực lượng chức năng.

Có một điều lạ khác nữa là tại huyện biên giới Ia Grai dù đã có lệnh đóng cửa rừng, tuy nhiên vẫn có đến 10 doanh nghiệp và chi nhánh hoạt động chế biến lâm sản. Đa số các xưởng tập kết gỗ, chế biến lâm sản tại H.Ia Grai nằm rải rác trong vườn điều và cao su.

Những gốc cây đường kính rất lớn cũng bị cưa hạ

Khi được phóng viên cung cấp những hình ảnh rừng bị phá tan hoang trên địa bàn, ông Nguyễn Thành Nhuận - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm H.Đức Cơ cho biết, trước mắt đơn vị sẽ cử lực lượng kiểm tra ngay hiện trường, khi có kết quả sẽ thông tin lại với Báo Công an TP.HCM.

Liên quan đến vụ phá rừng tại khu vực biên giới mà Báo công an TP.HCM phản ánh, theo báo cáo của UBND H.Ia Grai có 2 tập thể và 18 cá nhân nhận hình thức khiển trách, rút kinh nghiệm khi chưa làm tốt công tác quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn.

Hai tập thể và 18 cá nhân bị kỷ luật này liên quan đến 4 vụ chặt, phá rừng trái pháp luật trên địa bàn huyện Ia Grai xảy ra trong 2 tháng đầu năm 2019, trong đó, hai vụ đã được khởi tố trong quý I/2019, hai vụ còn lại đang củng cố hồ sơ để xử lý theo pháp luật.

Chùm ảnh rừng biên giới Gia Lai bị khai thác
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang