Góp ý dự thảo luật Đầu tư

Cơ chế xin - cho khó có đất sống

Thứ Sáu, 26/06/2015 21:20  | Đăng Hòa

|

(CAO) Vừa qua, Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh (HoREA) đã gửi bản góp ý dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư 2014 của Bộ Kế hoạch Đầu tư.

Về cơ bản, những nội dung của dự thảo luật mới được các chuyên gia và nhà đầu tư trong ngành đất đai rất đồng tình ủng hộ. Tuy nhiên, những “người trong cuộc” cũng chia sẽ thêm một số vướng mắc trong đầu tư và kinh doanh dự án, nhằm hướng tới một môi trường đầu tư “sạch” đúng nghĩa.

Theo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, vốn đầu tư là căn cứ để tính mức ký quỹ đối với các dự án đầu tư có sử dụng đất. Căn cứ vào hoạt động đặc thù của ngành bất động sản, nhà đầu tư đã phải bỏ ra chi phí rất lớn để giải phóng mặt bằng, nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, xây dựng cơ sở hạ tầng, sau đó mới có đủ điều kiện để chuyển nhượng sản phẩm cho người tiêu dùng, hoặc mời gọi nhà đầu tư kinh doanh thứ cấp vào đầu tư theo quy hoạch chi tiết 1/500 đã được duyệt.

Ảnh minh hoạ

Tại khoản (3.a) và (3.b), Điều 42 dự thảo nghị định, quy định: "a) Đối với phần vốn đến 300 tỷ đồng, mức ký quỹ được áp dụng từ 2% đến 3% giá trị phần vốn này; b) Đối với phần vốn trên 300 tỷ đồng trở lên, mức ký quỹ được áp dụng từ 1% đến dưới 2% giá trị phần vốn này". Việc quy định một cách chung chung này có thể dẫn đến phát sinh tiêu cực và cơ chế “xin - cho”. Để hạn chế tiêu cực phát sinh trong khoản này, Hiệp hội HoREA đã đề nghị sửa đổi bằng cách đưa ra con số cụ thể.

Trong đó, HoREA đưa ra 3 mức đầu tư để điều chỉnh, nhằm xác định rõ tỷ lệ ký quỹ cho từng nhóm dự án:

"a) Đối với phần vốn đến 300 tỷ đồng, mức ký quỹ được áp dụng 3% giá trị phần vốn này;

b) Đối với phần vốn từ trên 300 tỷ đồng đến 1.000 tỷ đồng, mức ký quỹ được áp dụng 2% giá trị phần vốn này;

c) Đối với phần vốn từ trên 1.000 tỷ đồng trở lên, mức ký quỹ được áp dụng 1% giá trị phần vốn này."

Bên cạnh việc đưa ra con số cụ thể để xóa bỏ đất sống của cơ chế ”xin - cho”, Hiệp hội bất động sản TP.HCM cũng đề xuất ý kiến về quy định nộp tiền ký quỹ tại khoản 5 của dự thảo.

Theo đó, tiền ký quỹ vẫn được nộp vào tài khoản ngân hàng thương mại tại Việt Nam dưới hình thức tiền gửi không kỳ hạn. Song việc lập tài khoản tại ngân hàng nào là do nhà đầu tư lựa chọn. Việc để nhà đầu tư lựa chọn ngân hàng sẽ hạn chế được việc người của cơ quan đăng ký đầu tư móc nối với các ngân hàng nhằm mở tài khoản ký quỹ tại một ngân hàng nào đó để được hưởng hoa hồng.

Với những góp ý mang tính cụ thể này, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM đang kỳ vọng dự thảo luật sắp tới sẽ hướng đến được một môi trường kinh doanh tốt trong ngành đất đai, nhằm hạn chế được những tiêu cực phát sinh gây khó khăn cho nhà đầu tư và thất thoát cho Nhà nước.

Bình luận (0)

Lên đầu trang