Đồng bằng sông Cửu Long: Bệnh viện bỏ trống, hoang phí cực độ!

Thứ Năm, 17/02/2022 10:17

|

(CATP) Thực tế mà người dân ở TP.Cần Thơ và Bạc Liêu đang đối mặt, đó là tình trạng bệnh viện đang bị quá tải, giường bệnh "xé đôi" cho 2 bệnh nhân nằm. Trái lại, có bệnh viện đầu tư nâng cấp hàng chục, hàng trăm tỷ đồng lại bỏ trống, không hoạt động... Trong khi đó, nhiều thiết bị phục vụ khám chữa bệnh chưa một lần sử dụng đã hư hỏng.

Nâng cấp để... bỏ hoang

Gần hai năm qua, mỗi khi ngang qua Bệnh viện (BV) đa khoa quận Ô Môn (TP.Cần Thơ), không ít người dân bức xúc. Nhìn bên ngoài, tòa nhà 3 tầng nâng cấp từ dãy nhà cấp 4 vẫn hoang vắng. Ở đây có Khoa Truyền nhiễm 30 giường, Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, Khoa Phẫu thuật - Gây mê hồi sức và một số phòng chức năng khác nhưng chỉ có biển treo mà tất cả trống rỗng. Lãnh đạo Bệnh viện cho biết, công trình chưa bàn giao nên không thể sử dụng. Trước đó, BV vẫn hoạt động bình thường.

Năm 2017, BV được nâng cấp cam kết thời gian thực hiện 2 năm. Nhà nước sẽ đầu tư BV khang trang hơn, trang bị nhiều thiết bị y tế hiện đại phục vụ cho việc khám chữa bệnh. Dự án có tổng mức đầu tư gần 69 tỷ đồng do Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng 2 Cần Thơ (gọi tắt Ban 2) làm chủ đầu tư. Hợp đồng ký giữa Ban 2 với các nhà thầu có 4 gói thầu: xây lắp tòa nhà, cung cấp lắp đặt thiết bị y tế, cung cấp lắp đặt thiết bị phòng chức năng, cung cấp lắp đặt thiết bị PCCC và điện.

Theo đó, 3 gói thầu trước hoàn thành cuối năm 2019, riêng gói thứ 4 hoàn thành cuối năm 2018. Tuy nhiên, đến nay chưa gói thầu nào được nghiệm thu hoàn thành và quyết toán. Giữa năm 2020, các gói thầu quá hạn cam kết nhiều tháng và Ban 2 có công văn xin gia hạn thời gian thực hiện hợp đồng nhưng Sở Xây dựng tham mưu cho UBND TP.Cần Thơ không chấp thuận vì không phù hợp các quy định hiện hành. Sở Xây dựng còn có văn bản đề nghị "UBND TP.Cần Thơ chỉ đạo Ban 2 cùng nhà thầu xác định rõ trách nhiệm của mỗi bên đối với những thiệt hại do việc chậm tiến độ thực hiện hợp đồng".

Công trình chưa đưa vào sử dụng nhưng người dân phát hiện, nhiều hạng mục bị thay đổi vật tư rẻ tiền so với thiết kế. Thanh tra TP.Cần Thơ vào cuộc và phát hiện hàng loạt sai phạm. Tại gói thầu xây lắp tòa nhà: "Toàn bộ gạch ốp, lát các kích thước 250x400mm, 300x300mm, 400x400mm đều sử dụng chủng loại gạch ceramic (hiệu prime) không đúng chủng loại gạch theo hồ sơ thiết kế - dự toán được phê duyệt là gạch granit đá tự nhiên, với tổng số tiền nghiệm thu không đúng hơn 2,5 tỷ đồng".

Nghiêm trọng hơn, ở gói thầu cung cấp lắp đặt thiết bị y tế, về hồ sơ quản lý chất lượng "các tờ khai hàng hóa nhập khẩu không có dấu xác nhận sao y từ bản chính của cơ quan có thẩm quyền (đơn vị nhập khẩu tự sao y), bản sao y cung cấp cho Đoàn thanh tra không có thông tin về giá thiết bị (bị tẩy xóa). Không có hồ sơ thể hiện việc kiểm tra chứng nhận xuất xứ (CO), chứng nhận chất lượng (CQ), packing list, Tờ khai hải quan... theo yêu cầu của Đề cương giám sát được Chủ đầu tư phê duyệt.

Bệnh viện lao và bệnh phổi Bạc Liêu 200 tỷ đồng không hoạt động

Giá trị nghiệm thu được Đoàn thanh tra xác định lại là hơn 10 tỷ đồng, chênh lệch so với báo cáo của Ban 2 là 5,1 tỷ đồng". Vẫn theo kết luận Thanh tra, gói thầu cung cấp lắp đặt thiết bị PCCC và điện thì hợp đồng giữ nguyên giá dự toán thiết kế nhưng để ra ngoài 27 bộ máy điều hòa các loại (trị giá gần 459 triệu đồng) nên tòa nhà không có máy điều hòa. Gói thầu cung cấp lắp đặt thiết bị phòng chức năng chưa thực hiện.

Không thực hiện theo kết luận thanh tra

Điều khá bất ngờ, với sai phạm nghiêm trọng trên nhưng chỉ xử lý "chiếu cố", đơn vị liên quan vẫn không khắc phục hậu quả. Nhà thầu xây lắp tòa nhà là Công ty Cổ phần Xây dựng Trần Gia đã bị Thanh tra Sở Xây dựng phạt 25 triệu đồng, yêu cầu lát lại gạch như thiết kế. Thời gian khắc phục hậu quả là 10 ngày nhưng đến nay mới thấy thay được gạch lát nền bằng granit đá tự nhiên như thiết kế, còn gạch ốp tường vẫn là ceramic (hiệu prime). Diện tích ốp tường tương đương lát sàn. Gói thầu này trị giá gần 29 tỷ đồng.

Tương tự, tại gói thầu cung cấp lắp đặt thiết bị y tế trị giá gần 17 tỷ đồng, số thiết bị đã mua không đúng vị trí lắp đặt, nội dung thử tải không đầy đủ nên không thể khẳng định chất lượng. Nhà thầu là Công ty Cổ phần Tư vấn và Đầu tư Bông Sen Vàng có trụ sở ở Hà Nội. Cuối năm 2020, Ban 2 có công văn nhờ một số cơ quan chức năng hỗ trợ yêu cầu nhà thầu cung cấp hồ sơ thiết bị y tế theo quy định nhưng đến nay chưa được đáp ứng. Bên cạnh đó, nhà thầu cung cấp lắp đặt thiết bị PCCC và điện là Công ty Cổ phần Hưng Thịnh Phát, nhà thầu cung cấp lắp đặt thiết bị phòng chức năng là Công ty Cổ phần Tiến Thi đều chưa khắc phục các sai phạm theo kết luận thanh tra của thành phố.

Với những sai phạm trên, đại diện chủ đầu tư là Ban 2 cho rằng, đơn vị nhiều lần đã có công văn gửi nhà thầu cung cấp các thiết bị y tế yêu cầu bổ sung hồ sơ đúng quy định, nhưng đến nay nhà thầu không cung cấp. "Nếu máy không đúng và không có giấy tờ đảm bảo chất lượng thì chuyển cơ quan chức năng xem xét xử lý đúng quy định pháp luật. Thực tế, khi đưa vào sử dụng, BV không dám sử dụng", Ban 2 bức xúc.

Và điều ngạc nhiên, công trình nâng cấp BV 69 tỷ đồng có hàng loạt sai phạm, có dấu hiệu lãng phí, chủ đầu tư chưa khắc phục xong thì ngày 20-1-2022, UBND TP.Cần Thơ có công văn chỉ đạo khẩn trương sắp xếp lại Ban 2 để thực hiện thủ tục giải thể. Liệu sai phạm có bị "chìm xuồng".

Ba tầng của BV Đa khoa quận Ô Môn bỏ hoang

Bệnh viện 200 tỷ đồng lại trống không

Sau một năm hoàn thành, người dân Bạc Liêu bất ngờ khi BV Lao và bệnh phổi tỉnh Bạc Liêu trống không, không thể hoạt động. Đây là một trong những công trình "trầm ê” mà Báo CATP từng phản ánh. Ngày 23-10-2011, công trình được khởi công tại ấp Vĩnh An (xã Vĩnh Trạch, TP.Bạc Liêu), do Sở Y tế tỉnh Bạc Liêu làm chủ đầu tư; đơn vị tư vấn và quản lý dự án là Công ty Tư vấn đầu tư xây dựng Nam Việt.

Qua 10 năm xây dựng, dự án ban đầu có vốn hơn 83,3 tỷ đồng. Năm 2016, UBND tỉnh Bạc Liêu đã điều chỉnh chủ đầu tư, giao hai dự án nêu trên từ Sở Y tế Bạc Liêu về Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Bạc Liêu quản lý. UBND tỉnh đã chấp thuận điều chỉnh, bổ sung vốn cho Bệnh viện Lao và bệnh phổi từ 83,3 tỷ đồng lên 119 tỷ đồng. Khi hoàn thành, công trình có kinh phí hơn 200 tỷ đồng.

Nhìn bên ngoài, BV khá hoành tráng. BV gồm 3 khu, quy mô 1 trệt, 2 lầu với 100 giường bệnh. Trả lời với báo chí, lãnh đạo BV xác nhận, BV có 143 cán bộ nhân viên, y, BS, điều dưỡng, nhưng thời gian chủ yếu đi tập huấn họp hội và chờ lãnh lương. Ngay đợt bùng phát dịch Covid-19 vừa qua, BV được trưng dụng chữa trị Covid-19 nhưng không thể tiếp nhận bệnh nhân chữa trị.

Trang thiết bị tại BV Đa khoa quận Ô Môn chưa một lần hoạt động

Lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Bạc Liêu xác nhận, chủ đầu tư đã lắp đặt và bàn giao cho BV hệ thống thiết bị y tế theo hợp đồng số 01/2020/MINEXPORT-SYTBL gói thầu số 11, gồm 77 danh mục, tổng vốn đầu tư trên 100 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhiều danh mục đã lắp đặt xong, nhưng không thể nghiệm thu để bàn giao, đưa BV vào hoạt động tiếp nhận BN. Phần lớn các danh mục không có hồ sơ gốc, chỉ có bản photocopy, không thể bàn giao giá trị tài sản.

Điều bất thường, dù chưa đưa vào hoạt động, nhưng phản ánh của lãnh đạo BV này thì tại BV có 3/8 máy giúp thở đã lắp đặt gặp sự cố, hư hỏng; 1 trong 2 tủ ướp xác vận hành thử thì nước chảy ra ào ào; hệ thống máy xét nghiệm trị giá hàng tỷ đồng thì không có hóa chất kín để đưa vào hoạt động; 3 xe cứu thương trị giá hơn 5 tỷ đồng, nhưng trang thiết bị theo xe lại không đúng theo hồ sơ ban đầu; hệ thống xử lý nước thải thì chưa được nghiệm thu, cấp phép hoạt động...

Bình luận (0)

Lên đầu trang