Cần nghiêm trị những kẻ làm giàu bất lương

Thứ Hai, 03/10/2022 11:53

|

(CATP) Chuyên đề Công an TPHCM ra ngày 01-10 có bài viết: "Phân bón giả - nỗi lo không chỉ người dân", nêu thực trạng đáng báo động về phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) giả, kém chất lượng bán tràn lan thị trường. Nông dân mua phân bón, thuốc BVTV giá cao, nhưng lại bị thất mùa do sử dụng hàng giả. Điều đáng tiếc, nhiều đối tượng thu bạc tỷ từ mồ hôi nước mắt của nông dân.

Tự sản xuất thuốc giả

Lúc 8 giờ ngày 28-9, trinh sát Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Sóc Trăng kiểm tra xe tải BS: 83C-051.54, do Đỗ Quốc Thành (35 tuổi, ngụ TP.Sóc Trăng) điều khiển, phát hiện 3 túi nylon, 2 thùng giấy chứa nhiều sản phẩm là thuốc, thức ăn, sản phẩm xử lý dùng trong nuôi trồng thủy sản không rõ nguồn gốc xuất xứ, tổng giá trị hàng hóa theo hóa đơn là 35 triệu đồng. Nghi vấn số hàng trên là giả, lực lượng làm nhiệm vụ niêm phong chờ xử lý. Bước đầu, Thành khai chở số hàng trên cho anh ruột là Đỗ Quốc Đạt (42 tuổi).

Thời gian gần đây, Thành và Đạt mua đất, cất nhà kiên cố. Tuy nhiên, 2 đối tượng có dấu hiệu sản xuất hàng giả. Lực lượng của Phòng Cảnh sát kinh tế Công an Sóc Trăng tiến hành khám xét 4 căn nhà ở phường 8, TP.Sóc Trăng. Tại đây, lực lượng chức năng tạm giữ nhiều dụng cụ, phương tiện và nguyên vật liệu dùng để sản xuất, pha trộn, đóng gói các sản phẩm sử dụng trong nuôi trồng thủy sản.

Kiểm tra nơi sản xuất của Giác
Công an tỉnh Sóc Trăng khám xét nhà Đạt

Trong đó, nhiều nhất là đậu các loại với hơn 2,6 tấn, 3.000 chai và can nhựa chứa dung dịch chất lỏng, trên 1.200 gói chứa chất bột, 9 cối xay bột, 6 cân điện tử; nhiều chai nhựa, bao bì chưa qua sử dụng cùng nhiều tang vật liên quan. Lực lượng làm nhiệm vụ còn tạm giữ trên 6.000 sản phẩm đã đóng gói, đóng chai có dán nhãn nhưng không ghi rõ xuất xứ. Thành và Đạt thừa nhận, bất chấp hành vi vi phạm pháp luật, cả hai sản xuất thuốc BVTV tại nhà rồi đóng gói những nhãn hiệu nổi tiếng để tung ra thị trường bán giá rẻ.

Ham lợi nhuận, Vương Mạnh Giác (46 tuổi, ngụ phường Trung Kiên, quận Thốt Nốt, TP.Cần Thơ) vừa bị Công an TP.Long Xuyên (An Giang) khởi tố, bắt giam để điều tra về hành vi "sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc bảo vệ thực vật". Theo đó, cuối tháng 7-2022, qua tin báo của người dân, Công an TP.Long Xuyên phối hợp cùng Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh An Giang và các đội nghiệp vụ kiểm tra căn nhà số 30/37 (thuộc tổ 35, khóm Đông Thạnh, phường Mỹ Thạnh, TP.Long Xuyên) do Giác thuê.

Lực lượng phát hiện đối tượng đang đưa lên ôtô 2 thùng chứa 80 chai thuốc BVTV giả nhãn hiệu Filia và 40 chai BVTV hiệu Amistar top. Khám xét khẩn cấp chỗ Giác thuê ở, tổ công tác tạm giữ 1 ôtô có 232 chai thuốc BVTV thành phẩm giả nhãn hiệu của Công ty TNHH Syngenta Việt Nam, cùng nhiều chai, nắp nhựa, tem nhãn và các công cụ, đồ dùng để sản xuất thuốc BVTV giả. Làm việc với cơ quan công an, Giác thừa nhận số thuốc BVTV trên là giả do chính mình sản xuất để kiếm tiền tiêu xài.

Ngày 05-9, Đoàn kiểm tra Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 3, Cục QLTT tỉnh Vĩnh Long phối hợp với Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế ma túy huyện Trà Ôn, Phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn huyện Trà Ôn và Phòng Tài Nguyên – Môi trường huyện Trà Ôn kiểm tra Hộ kinh doanh U.H (xã Vĩnh Xuân, huyện Trà Ôn), do ông N.C.T làm chủ. Kết quả, chủ cơ sở có dấu hiệu san chiết, đóng gói phân bón hữu cơ vi sinh trái phép, mang các nhãn hiệu của Công ty TNHH Sao Vàng Mekong và Công ty TNHH thương mại dịch vụ nông nghiệp Kiên Thịnh.

Số thuốc BVTV Thành - Đạt chuẩn bị đem đi tiêu thụ

Tại hiện trường có các loại tang vật, phương tiện như: 1.375 bao phân bón hữu cơ vi sinh và 100 bao phân bón hữu cơ vi sinh đã đóng gói sẵn mang nhãn hiệu của Công ty TNHH Sao Vàng Mekong và Công ty TNHH thương mại dịch vụ nông nghiệp Kiên Thịnh, 810 bao nguyên liệu loại 50kg/bao, bao bì dùng để đóng gói sản phẩm, gồm: 5.200 bao bì phân hữu cơ vi sinh Sao Vàng Redworm Trùn đỏ; 6.000 bao bì phân hữu cơ vi sinh Sao Vàng Redworm Trùn đỏ Power; 6.000 bao bì phân hữu cơ cao cấp Landy Bug Atiga KT; 1 cân đồng hồ hiệu Nhơn Hòa loại 100kg; 1 máy may miệng bao hiệu Yuanli và 1 dụng cụ đóng ngày, tháng, năm dùng để sử dụng cho việc san chiết, đóng gói.

Ông N.C.T chưa xuất trình được quyết định lưu hành kèm theo danh sách phân bón công nhận lưu hành tại Việt Nam, chưa xuất trình hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, chưa xuất trình hồ sơ hợp chuẩn, hợp quy của hàng hóa nêu trên. Đoàn kiểm tra tiến hành tạm giữ toàn bộ số hàng hóa, tang vật, phương tiện dùng để san chiết, đóng gói phân bón có dấu hiệu vi phạm đối với các nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa của Công ty TNHH Sao Vàng Mekong và Công ty TNHH thương mại dịch vụ nông nghiệp Kiên Thịnh, chờ thẩm tra xác minh, làm rõ để xử lý theo quy định của pháp luật.

Kinh doanh hàng giả không nguồn gốc

Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long vừa ký 3 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 3 người kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật không rõ nguồn gốc và giả với tổng số tiền hơn 300 triệu đồng. Trước đó, lực lượng chức năng lập biên bản vi phạm hành chính 3 người, gồm: ông T.V.C (chủ hộ kinh doanh ở ấp Ngã Hậu, xã Hiếu Nhơn, huyện Vũng Liêm); ông P.V.H (chủ hộ kinh doanh ở ấp Hiệp Hòa, xã Hòa Bình, huyện Trà Ôn) và ông P.V.T (chủ hộ kinh doanh Phan Văn Thạnh ở ấp Phú Điền, xã Song Phú, huyện Tam Bình) vì hành vi "buôn bán hàng giả” về giá trị sử dụng, công dụng.

Từ trái sang: Đỗ Quốc Thành, Đỗ Quốc Đạt và Vương Mạnh Giác

Cụ thể, lô phân bón hỗn hợp NPK XNK An Giang 20-20-15, ngày sản xuất 26-4-2022 của Công ty cổ phần XNK phân bón An Giang (mã số 06752). Số lượng hàng hóa vi phạm đã tiêu thụ là 30 bao loại 50kg/bao, giá bán 950.000 đồng/bao, tổng giá trị 28,5 triệu đồng. Phân bón hỗn hợp NP HPH NP 18-46-0, ngày sản xuất 28-3-2022 của Công ty TNHH TM DV T&D (mã số 19941). Số lượng hàng hóa vi phạm đã tiêu thụ là 24 bao loại 50kg/bao; giá bán 830.000 đồng/bao. Phân bón hỗn hợp NPK SGX 30-10-10, ngày sản xuất 13-4-2022 của Công ty TNHH Tân Bá Long phân phối (mã số 00749). Số lượng hàng hóa vi phạm đã tiêu thụ là 12 bao loại 25kg/bao; giá bán 500.000 đồng/bao.

Ngoài ra, 3 đại lý trên còn kinh doanh hàng hóa nhập lậu (phân bón rễ hữu cơ sinh học nhập khẩu từ Mỹ nhãn hiệu EARTHQI HYDRO). UBND tỉnh Vĩnh Long buộc tiêu hủy hàng hóa gây hại cho cây trồng và môi trường là 86 can phân bón rễ hữu cơ sinh học nhập khẩu từ Mỹ có nhãn hiệu EARTHQI HYDRO.

Ngày 25-8, nhận được tin báo, Đội Quản lý thị trường số 3 trực thuộc Cục Quản lý thị trường tỉnh Đồng Tháp kiểm tra hộ kinh doanh đại lý phân bón, thuốc bảo vệ thực vật Lý Xía (số 222 và số 1, tổ 9, xã Tân Phước, huyện Tân Hồng, Đồng Tháp). Tại thời điểm này, hộ kinh doanh Lý Xía đang buôn bán hàng hóa là thuốc bảo vệ thực vật không có tên trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam, tên sản phẩm: thuốc trừ bệnh Super Mancozeb, thành phần: Mancozeb 80% W/W, chất phụ gia 20%. Phân phối bởi: Công ty TNHH Nông nghiệp Lúa Vàng (số 633 Phạm Văn Bạch, phường 12, quận Gò Vấp); ngày sản xuất: 05-01-2022; hạn sử dụng: 2 năm, số lượng 200 túi (loại 1kg/túi tương đương 200kg); trị giá lô hàng 31 triệu đồng.

Hành vi của ông Xía bị đề nghị phạt tiền 25 triệu đồng, tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán thuốc bảo vệ thực vật 2 tháng và buộc tiêu hủy thuốc không có tên trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam theo quy định.

Phát hiện thuốc nghi nhập lậu số lượng lớn

Công an huyện An Phú (An Giang) vừa phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 4 (Cục QLTT tỉnh) và Công an địa phương kiểm tra kho hàng trên địa bàn xã biên giới Khánh An, tạm giữ nhiều phương tiện là xe máy, ôtô cùng số lượng lớn thuốc BVTV không có tên trong danh mục BVTV tại Việt Nam.

Trước đó, khoảng 4 giờ 15 ngày 16-9, Tổ công tác thuộc Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và ma túy, Công an huyện An Phú phối hợp cùng Công an xã Khánh An và Đội QLTT số 4 kiểm tra kho của hộ kinh doanh Đặng Thị Phượng (SN 1969, trú ấp Thạnh Phú, xã Khánh An, huyện An Phú), phát hiện trong kho có 3 kiện hàng khoảng 300kg, 4 xe máy đều đã qua sử dụng (trong đó có 1 xe biển kiểm soát Campuchia) và xe tải BS: 76C-135.53 do Nguyễn Văn Bảo (SN 1997) điều khiển, đi cùng Nguyễn Văn Sếp (SN 1993, đều trú xã Vĩnh Phú, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang).

Kiểm tra xe tải, lực lượng chức năng phát hiện 31 thùng giấy chứa thuốc BVTV các loại không có tên trong danh mục BVTV tại Việt Nam và không rõ nguồn gốc xuất xứ. Qua làm việc, Sếp và Bảo khai vận chuyển thuê cho người khác số hàng trên.

Bình luận (0)

Lên đầu trang