Khởi tố 40 đối tượng làm giả chứng chỉ nghề, thẻ an toàn lao động

Thứ Hai, 03/10/2022 11:20  | Nguyên Ngọc

|

(CATP) Ngày 30-9, Cơ quan An ninh điều tra (ANĐT) Công an tỉnh Hải Dương đã khởi tố vụ án "Giả mạo trong công tác"; "Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức"; khởi tố bị can đối với 40 đối tượng trong đường dây cấp, bán các chứng chỉ nghề, thẻ an toàn lao động không qua huấn luyện, đào tạo, sát hạch có quy mô lớn nhất từ trước đến nay, thu giữ hàng chục nghìn chứng chỉ đã được ký tên sẵn, chưa có nội dung...

Hiện hình... mắt xích trong đường dây

Qua công tác quản lý địa bàn, quản lý nghiệp vụ, Phòng ANĐT Công an tỉnh Hải Dương có thông tin về một đường dây nghi vấn mua bán chứng chỉ đào tạo nghề, thẻ an toàn lao động, không qua đào tạo, sát hạch...

Quá trình thu thập thông tin, tổ công tác của hai đơn vị nghiệp vụ phát hiện các loại chứng chỉ nghề và thẻ an toàn không qua huấn luyện, đào tạo sát hạch..., thường được người có nhu cầu sử dụng dùng để xin việc vào các khu công nghiệp, một số công ty tư nhân và tham gia thi công tại các công trường...

Để "mua" được các loại giấy tờ trên, người có nhu cầu sử dụng sẽ liên lạc với đối tượng trong đường dây bằng 2 hình thức, một là qua các website quảng cáo trên mạng. Khi liên hệ với các số điện thoại trên website, họ được tư vấn mua các chứng chỉ nghề, thẻ an toàn lao động mà không phải qua đào tạo. Trường hợp thứ hai, được tư vấn mua "hàng" qua mạng một chân rết trên địa bàn tỉnh Hải Dương.

Quá trình thu thập tài liệu, tổ công tác của 2 đơn vị còn phát hiện, không chỉ các cá nhân, một số công ty đã chủ động liên hệ với "chân rết" này để mua một số lượng lớn. Đáng chú ý, trong số đó có cả những công ty kiểm định về an toàn. Trong quá trình kiểm tra, thay vì hướng dẫn cho các doanh nghiệp thực hiện theo đúng quy định của pháp luật thì họ lại trở thành "môi giới" để các doanh nghiệp mua, bán các loại giấy tờ trên...

Sau nhiều ngày dày công thu thập tài liệu, tổ công tác đã phát hiện đối tượng bán các chứng chỉ giả trên là Lê Văn Tường (29 tuổi, trú tại phường Phả Lại, Chí Linh), là cộng tác viên của Trường Kinh tế kỹ thuật (KTKT) Trường Sơn, có địa chỉ tại TP.Hồ Chí Minh.

Các đối tượng làm giả chứng chỉ nghề, thẻ an toàn lao động

Một tổ công tác của Phòng ANĐT đã vào TP.Hồ Chí Minh. Ngày 2-4, các lực lượng nghiệp vụ của Công an tỉnh Hải Dương đã phát hiện và thu giữ của Nguyễn Nguyễn Thu Lan, một mắt xích quan trọng trong đường dây, khi đang mang 43 chứng chỉ của Trường KTKT Trường Sơn đi gửi qua một bưu cục tại đường Phan Văn Trị, quận Gò Vấp, TPHCM để giao cho khách hàng.

Việc bắt giữ đối tượng là gỡ nút thắt quan trọng để mở vụ án. Ban đầu đối tượng ngoan cố không khai báo, quanh co, đưa ra các địa chỉ giả hòng che giấu hành vi phạm tội và các đồng phạm. Cơ quan ANĐT đã thực hiện việc khám xét khẩn cấp văn phòng của Trường KTKT Trường Sơn; thu giữ được nhiều tài liệu có liên quan. Trong đó, có những chứng chỉ được đóng dấu khống.

Một giờ cùng ngày, Ban chuyên án quyết định phá án. Với sự giúp đỡ của Cục ANĐT và Công an các tỉnh, thành phía Nam, Ban chuyên án đã đồng loạt thực hiện việc khám xét ở nhiều địa điểm; trực tiếp đấu tranh với các đối tượng là nhân viên của nhà trường.

Căn cứ vào các tài liệu thu thập được, ngày 13-4, Cơ quan ANĐT Công an tỉnh Hải Dương đã ra quyết định khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt tạm giam Nguyễn Văn Chung (SN 1992, trú tỉnh Nam Định), Phó hiệu trưởng Trường KTKT Trường Sơn.

Khai thác "nóng" trên ôtô, trong vòng khoảng 1 giờ, các đơn vị nghiệp vụ đã đồng thời bắt giữ nhiều đối tượng. Đặc biệt, từ lời khai của Chung, Cơ quan ANĐT Công an tỉnh Hải Dương đã làm rõ hành vi vi phạm của Nguyễn Văn Hậu (SN 1996, cũng trú tại Nam Định), Phó hiệu trưởng Trường KTKT miền Nam.

Từ lời khai của các đối tượng, các điều tra viên đã xác định được vai trò chủ mưu, cầm đầu của đối tượng Mai Ngọc Vinh (SN 1990, trú Q12, TP.Hồ Chí Minh). Vào thời điểm các trinh sát Phòng ANĐT và Phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Hải Dương bắt giữ, Vinh đang khai trương một nhà hàng rất lớn. Khi Công an tỉnh Hải Dương ập vào bắt giữ, đối tượng quá ngỡ ngàng. Từ đây, một đường dây phạm tội tinh vi đã được điều tra, làm rõ.

Tang vật của vụ án

Mánh khóe tinh vi của gã trùm

Quá trình đấu tranh, Phòng ANĐT Công an tỉnh Hải Dương xác định: Ngày 01-10-2018, Mai Ngọc Vinh thành lập Công ty TNHH Nhân lực Trường Sơn tại Quảng Ngãi; Vinh là Giám đốc và người đại diện theo pháp luật. Đến ngày 12-03-2020, Vinh chuyển cho Nguyễn Văn Chung làm Giám đốc, người đại diện theo pháp luật nhưng quyền sở hữu vẫn thuộc về anh ta.

Với mục đích thực hiện hành vi phạm tội, ngày 13-01-2018, Vinh thành lập Trường KTKT Trường Sơn - Chi nhánh Công ty TNHH Trường Sơn tại TP.Hồ Chí Minh; công ty sau đó đã thay đổi đăng ký hoạt động chi nhánh chuyển về TP.Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi để hoạt động, đến nay người đứng đầu Trường KTKT Trường Sơn vẫn là Mai Ngọc Vinh và được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Ngãi cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp, với 6 ngành nghề đào tạo trình độ sơ cấp gồm: Lắp đặt, bảo dưỡng và vận hành thiết bị nâng; công nghệ Hàn; kỹ thuật Xây dựng; Kỹ thuật Điện - Điện tử; vận hành máy công trình; lắp đặt, sửa chữa và vận hành thiết bị áp lực.

Đến tháng 12-2021, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Ngãi đã thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp của trường này do vi phạm nghiêm trọng các quy định về tổ chức hoạt động giáo dục nghề nghiệp.

Vậy nhưng, đối tượng vẫn lợi dụng tư cách pháp nhân để thực hiện hành vi phạm tội. Vinh đã tuyển dụng Trần Tiểu Uyên (SN 1999); Nguyễn Nguyễn Thu Lan (SN 1998, trú tại TPHCM); Phạm Thị Trà My (SN 1998, ở tỉnh Bến Tre); Bùi Tuyết Nhung (SN 1992, ở tại TPHCM) làm nhân viên và giao cho Nguyễn Văn Chung là Phó hiệu trưởng Trường KTKT Trường Sơn.

Dưới sự chỉ đạo của Mai Ngọc Vinh, Nguyễn Văn Chung đã chỉ đạo Nguyễn Nguyễn Thu Lan, Trần Tiểu Uyên, Bùi Tuyết Nhung, Phạm Thị Trà My quản lý, sử dụng nhiều website để đăng bài quảng cáo, tìm kiếm khách hàng mua chứng chỉ mà không qua đào tạo, sát hạch.

Để thực hiện hành vi phạm tội, Nguyễn Văn Chung ký sẵn các chứng chỉ, Nguyễn Nguyễn Thu Lan và Trần Tiểu Uyên có nhiệm vụ nhập thông tin khách hàng đặt mua vào website quản lý của Trường, in vào các phôi chứng chỉ do Chung ký sẵn và hoàn thiện chứng chỉ; Bùi Tuyết Nhung có trách nhiệm theo dõi vận đơn của Viettel Post để gửi chứng chỉ cho khách đặt mua, Phạm Thị Trà My có nhiệm vụ viết bài tuyển sinh.

Ngoài ra, Bùi Tuyết Nhung và Phạm Thị Trà My cùng Nguyễn Văn Chung hỗ trợ Nguyễn Nguyễn Thu Lan và Trần Tiểu Uyên hoàn thiện các chứng chỉ được in ra ở một số công đoạn như dập dấu chìm giáp lai ảnh, ép plastic, cắt viền nhựa plastic thừa trên chứng chỉ và đóng gói bưu phẩm.

Theo chỉ đạo của Mai Ngọc Vinh, mỗi chứng chỉ được các đối tượng bán với giá từ 800 ngàn đến 1 triệu đồng. Trường hợp khách mua nhiều thì được giảm giá còn từ 300 ngàn đến 450 ngàn đồng. Tiền bán chứng chỉ được chuyển vào tài khoản do các đối tượng mở ra. Số tiền thu được, Mai Ngọc Vinh trả lương cứng cho Nguyễn Văn Chung trung bình 15 triệu đồng/1 tháng và 10% doanh thu bán chứng chỉ của Trường Sơn; các nhân viên từ 5 triệu đồng đến 6 triệu đồng/1 tháng và 10% số tiền mà những nhân viên này trực tiếp tư vấn bán chứng chỉ cho khách lẻ.

Tài liệu điều tra xác định từ tháng 5-2020 đến ngày 02-4, Trường KTKT Trường Sơn đã cấp ra 14.268 chứng chỉ nghề. Ngày 02-4-2022, lực lượng nghiệp vụ Công an tỉnh Hải Dương đã phát hiện và thu giữ khi Nguyễn Nguyễn Thu Lan mang 43 chứng chỉ của Trường KTKT Trường Sơn mang đi gửi qua Bưu cục Viettel Post Phan Văn Trị, Q.Gò Vấp, TPHCM để giao cho khách hàng. Tài liệu điều tra đến nay đã xác định được các đầu mối đặt mua chứng chỉ của Trường KTKT Trường Sơn, sau đó bán lại để kiếm lời.

Bình luận (0)

Lên đầu trang