Xét xử nhóm đối tượng sản xuất, mua bán nhớt, phụ tùng xe giả quy mô lớn

Thứ Tư, 28/09/2022 16:11  | Nguyễn Nhân

|

(CAO) Ngày 28-9, TAND tỉnh An Giang xét xử 5 bị cáo: Trần Trí Mãnh (SN 1980), Hồng Mỹ Thi (SN 1984), Nguyễn Văn Có (SN 1994), Trần Kỳ Nam (SN 1984, cùng ngụ tỉnh An Giang) và Chu Đình Thiện Trí (SN 1992, ngụ TPHCM) về tội “sản xuất, buôn bán hàng giả”.

Các bị cáo tại toà.

Theo cáo trạng, năm 2018, Trần Trí Mãnh thành lập Công ty TNHH TM&SX Gia Thịnh (gọi tắt là Công ty Gia Thịnh), kinh doanh phụ tùng xe gắn máy và dầu nhớt các loại. Công ty do Mãnh làm giám đốc, còn vợ Mãnh là Hồng Mỹ Thi điều hành, quản lý trong việc nhận hàng, kiểm tra việc giao hàng, thu chi tiền hàng hóa mua bán.

Quá trình kinh doanh, Mãnh thấy phụ tùng xe máy nhãn hiệu Honda, Yamaha và dầu nhớt Castrol, Kubota, Shell được người tiêu dùng ưa chuộng và sử dụng nên đã nảy sinh ý định mua hàng giả về bán lại với giá thấp hơn hàng chính hãng nhằm thu lợi.

Sau đó, Mãnh đến chợ Tân Thành và chợ Kim Biên (TPHCM) mua các phụ tùng xe gắn máy giả hiệu: Honda, Yamaha, dầu nhớt gia các thương hiệu: Castrol, BP, Shell của những người tên Vũ Trụ, Trâm Mãnh, Mai Sinh, Hùng, Hòa Có, Kim Anh, Liên, Khanh, Bộ, Vĩnh (không rõ họ tên, địa chỉ cụ thể) đem về đóng gói, bán ra thị trường với giá thấp hơn hàng chính hãng từ 10% - 15% để thu lợi.

Để thực hiện, Mãnh kêu Thị đặt mua nhớt giả nhãn hiệu: Kubota, Castrol, Shell và chuyển tiền mua bán hàng, quản lý công ty khi mình đi vắng. Đối với phụ tùng xe máy không nhãn hiệu, Mãnh thuê Nguyễn Hữu Văn (chủ cơ sở in ấn bao bì giấy Thiên Việt, địa chỉ quận Bình Tân, TPHCM) in các tem, nhãn, vỏ hộp giả nhãn hiệu Honda, Yamaha rồi gửi qua xe khách.

Sau khi nhận được các tem, nhãn, vỏ hộp giả, Mãnh chỉ đạo Có và hai đối tượng tên Đặng Văn Kỳ, Hùng (nhân viên quản lý, xử lý kho phụ tùng xe máy) sắp xếp hàng hóa phụ tùng xe không nhãn hiệu vào hộp, đóng gói để đưa cho nhân viên giao hàng là Võ Thế Cường, Nguyễn Phi Phong, Phạm Phương Đông, Hà Hoàng Lâm, Lê Thanh Sơn, Lâm Văn Dũng, Nguyễn Hoàng Hiệp, Trần Công Thành, Dương Ngọc Tiếp, Lưu Bình Thiên, Lê Văn Tùng đem bán cho các cửa hàng trên địa bàn tỉnh An Giang và ngoài tỉnh.

Đồng thời, Mãnh còn đặt mua một số loại phụ tùng xe chính hãng Honda, Yamaha để bán cùng các loại phụ tùng giả nhằm tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng.

Đối với nhớt hiệu Kubota, Mãnh và Thi khai đặt mua của Nguyễn Văn Nhiều, Trần Quang Niềm. Do nhớt Kubota không có tem xác nhận hàng chính hãng nên Mãnh lên các trang web tìm mẫu tem rồi chỉ đạo cho Chu Đình Thiện Trí (nhân viên quản lý, thiết kế quảng cáo của Công ty Gia Thịnh) thiết kế mẫu tem xác nhận hàng chính hãng (có ghi các dãy chữ, số cùng số điện thoại của tổng đài 6020 ở TPHCM). Khi khách hàng cạo lớp vỏ bạc nhắn tin dãy số và chữ trên tem thì tổng đài sẽ trả lời đó là hàng chính hãng.

Ngoài ra, Mãnh và Thi chỉ đạo cho Trần Kỳ Nam (nhân viên quản lý kho nhớt) dán số tem trên vào các thùng nhớt Kubota, đồng thời Nam còn nhờ Tạ Công Thành, Phan Văn Quí tiếp giúp dán tem khi xuất giao cho khách hành.

Với thủ đoạn trên, từ khoảng 6-2019 đến tháng 3-2021, Mãnh, Thi nhiều lần mua nhớt, phụ tùng xe gắn máy giả nhãn hiệu, giả chất lượng với số lượng lớn đem về công ty đóng gói, dán tem giả bán ra thị trường thu lợi khoảng 300 triệu đồng. Ngày 2-3-2021, hành vi của Mãnh bị phát hiện và đối tượng đến công an đầu thú.

Cùng ngày, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh An Giang tiến hành khám xét khẩn cấp chỗ ở của Mãnh tại Công ty Gia Thịnh (thuộc 2 phường: Châu Phú A, Châu Phú B, TP.Châu Đốc). Qua đó thu giữ 288 thùng nhớt Kubota, 846 chai nhớt Castrol, 28 thùng nhớt Shell Rimula, 1392 tem dán trên các phụ tùng xe gắn máy hiệu Honda, Yamaha… Ngoài ra, còn thu giữ 3 cây kiếm, 1 cây dao, 1 cây súng, 8.000 USD cùng nhiều hàng hóa có liên quan.

Theo kết luận điều tra, Mãnh, Thi, Trí, Có, Nam đã có hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là nhớt và phụ tùng xe máy để thu lợi với số lượng hàng giả tương đương với lượng của hàng thật trị giá gần 800 triệu đồng. Trong đó, Mãnh và Thi là người chủ mưu, còn các bị can khác có vai trò giúp sức.

Sau nửa ngày xét xử, HĐXX TAND tỉnh An Giang quyết định tạm hoãn phiên toà với lý do vắng mặt nhiều người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.

Trước đó, trong quá trình điều tra về hành vi sản xuất, mua bán hàng giả, bị can Trần Trí Mãnh đã khai nhận với Cơ quan CSĐT Công an tỉnh An Giang là nhóm đối tượng Đào Ngọc Cảnh (SN 1947, ngụ quận Thanh Khê, TP.Đà Nẵng), Ngô Văn Trọng (SN 1973, ngụ quận Cẩm Lệ, TP.Đà Nẵng), Vũ Văn Quý (SN 1991, ngụ quận 3, TPHCM) và Hoàng Thị Tâm (SN 1967, ngụ huyện Phúc Thọ, TP.Hà Nội) đã có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo kết quả điều tra, do lo sợ việc tăng cường tấn công, trấn áp tội phạm, nhất là tội phạm kinh tế trên các địa bàn trọng điểm trong tỉnh do Đại tá Đinh Văn Nơi (thời điểm trên là Giám đốc Công an tỉnh An Giang) chỉ đạo sẽ làm ảnh hưởng đến việc kinh doanh của Mãnh. Do đó đối tượng nảy sinh ý định tìm cách tác động để điều chuyển Đại tá Nơi đi nơi khác.

Để thực hiện ý định này, khoảng tháng 12-2020, Mãnh gặp Cảnh là người quen từ trước, đặt vấn đề nhờ tìm cách tác động điều chuyển Đại tá Nơi đi khỏi An Giang với giá 20 tỷ đồng, nhưng Cảnh biết không thực hiện được, nên nhờ Trọng, rồi Trọng nhờ Tâm, sau đó Tâm nhờ Quý. Tuy nhiên những người này không thực hiện được việc điều động và không trả lại tiền nên bị Mãnh tố cáo.

Tháng 10-2021, TAND An Giang đưa ra xét xử Quý về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và tội “rửa tiền”, Trọng và Tâm cùng về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Sau 1 ngày xét xử, HĐXX cho rằng còn một số vấn đề chưa được làm rõ, có khả năng bỏ lọt người phạm tội nên quyết định hoãn phiên toà, trả hồ sơ điều tra bổ sung.

Đến tháng 3-2022, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh An Giang đã khởi tố bị can và bắt tạm giam Cảnh về tội môi giới hối lộ.

Bình luận (0)

Lên đầu trang