Đời sống công nhân còn nhiều bấp bênh

Thứ Sáu, 30/09/2022 08:54  | Nam Anh

|

(CATP) Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và tình hình khó khăn chung, những tháng qua nhiều doanh nghiệp (DN) trên địa bàn TPHCM và các tỉnh lân cận rơi vào tình trạng sụt giảm đơn hàng, thị trường xuất khẩu (XK) chững lại dẫn đến thiếu việc làm. Thực trạng này khiến nhiều DN tại TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai chỉ hoạt động 1/2 công suất, phải bố trí công nhân (CN) làm việc luân phiên, không tổ chức tăng ca...

Doanh nghiệp "khát" đơn hàng

Hơn hai tháng nay, nhiều DN ở TPHCM và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương rơi vào tình trạng sụt giảm đơn hàng, một số DN sản xuất (SX) cầm chừng và cho CN nghỉ thứ bảy hoặc giảm giờ làm, không tăng ca. Trước thực trạng trên, nhiều gia đình CN phải xoay xở đủ cách mới có chi phí trang trải cuộc sống.

Theo ông Tô Văn Hải - Giám đốc SX của Công ty Bình An (TP.Thủ Đức), những năm trước vào thời điểm này, DN nhận đơn hàng tới tấp từ phía đối tác Âu - Mỹ nên tiến độ SX vô cùng nhộn nhịp, phải tuyển thêm lao động (LĐ) để tăng tốc dịp cuối năm. Nhưng năm nay lại khác, tình trạng CN ít hoặc thiếu việc diễn ra ở nhiều DN, một số DN do không có đơn hàng SX buộc phải đóng bớt xưởng và sắp xếp cho CN nghỉ luân phiên để chờ.

Nhiều DN có lượng LĐ lớn tại TPHCM như: Pouyuen Việt Nam (VN), Nissei Electric VN, Fly High Garment, Công ty Việt Hưng... đang phải đối mặt với tình trạng thiếu đơn hàng do ảnh hưởng từ lạm phát tăng cao tại thị trường Âu - Mỹ, buộc phải cho CN nghỉ làm ngày thứ bảy hoặc thứ hai. Quản lý một DN da giày có hơn 5.000 LĐ tại KCX Linh Trung II (TP.Thủ Đức) cho biết: "Hiện nay, hai chuyền SX không còn hàng để làm nên Ban giám đốc dự kiến sẽ cắt giảm hàng trăm LĐ. Công ty sẽ thông báo trước cho CN 30 hoặc 45 ngày...".

Tại buổi gặp gỡ giữa lãnh đạo thành phố và các DN, hiệp hội mới đây, các DN thông tin, thị trường XK trọng điểm như Mỹ, châu Âu có tỉ lệ đơn hàng XK giảm. Bên cạnh đó, giá nguyên liệu, chi phí vật tư SX, vận chuyển cũng đồng loạt tăng mạnh, dẫn đến tình trạng nhiều nhà máy hoạt động cầm chừng, chỉ 30-50% công suất; khó khăn nhất là các DN ngành may mặc, gỗ, điện tử, cơ khí...

Nhiều công nhân ngành gỗ mong có việc làm

Ông Nguyễn Liêm - Chủ tịch Hiệp hội chế biến gỗ - cho biết, để duy trì hoạt động, giữ chân CN, nhiều DN đang cố gắng tìm kiếm đơn hàng, dù nhỏ và giảm chuyền hay bớt giờ làm, đợi thị trường phục hồi đồng thời có đơn hàng đều chia sẻ cho nhau để giữ chân CN.

Sau 2 năm nỗ lực chống chọi với dịch Covid-19, nhiều DN vẫn chưa thoát khỏi khủng hoảng, thậm chí còn khó khăn hơn. Ông Phan Thanh Bình, phụ trách Phòng Hành chính - Nhân sự Công ty TNHH Fly High Garment, cho biết những tháng qua, do đối tác ở nước ngoài chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh nên hàng của công ty tồn kho không bán được, buộc công ty phải cho CN nghỉ chờ việc suốt tháng 8-2022. Cả DN lẫn CN đều đang gặp khó khăn, thậm chí còn hơn lúc dịch. Chỉ mong những tháng cuối năm, tình hình đơn hàng khởi sắc để CN có việc làm ổn định.

Công nhân da giày trong phân xưởng làm việc

Ít việc, công nhân lao đao

Đến những khu nhà trọ lúc 9-10 giờ sáng các ngày trong tuần, chúng tôi thấy rất nhiều CN ở nhà do không có việc làm. Chị Nguyễn Thị Kim Thoa - CN Khu chế xuất Tân Thuận - cho biết, việc ít nên cả hai vợ chồng thất nghiệp dẫn tới giảm thu nhập, bữa cơm hàng ngày giờ chỉ là đậu hủ và canh rau. Tương tự, cuộc sống của gia đình chị Hoàng Thị Thùy (40 tuổi, quê Nghệ An, ở trọ tại TP.Thủ Đức) cũng lâm cảnh thiếu trước hụt sau do mỗi tuần làm việc có 3 ngày, nhận được 70% lương, tương đương 3 triệu đồng, trong khi mỗi tháng có nhiều khoản phải chi (tiền ăn ở, tiền học cho con) nên thất nghiệp ngày nào là mất ăn, mất ngủ ngày đó.

Anh Nguyễn Hữu Thanh (42 tuổi, quê An Giang), CN của một công ty gỗ, cho biết phải nghỉ việc vì công ty cắt giảm LĐ. Hiện công ty sắp xếp cho CN đi làm 14 ngày đầu của tháng và hưởng mức lương 180 ngàn đồng/người/ngày, từ ngày 15 trở đi nghỉ việc, không có lương. Nếu tình hình SX, kinh doanh của DN tiếp tục chững lại, CN không có việc làm đến cuối năm hoặc không còn tăng ca thì Tết năm nay, nhiều LĐ đành chấp nhận tiếp tục đón Tết xa quê sau nhiều năm không về do dịch bệnh.

Trao đổi với chúng tôi, một lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TPHCM cho biết, trên địa bàn khu công nghiệp, một số DN do giảm hoặc không có đơn hàng SX đã bố trí cho LĐ nghỉ việc ngày thứ hai hoặc thứ bảy hàng tuần. Đặc biệt, các DN da giày, may mặc, cơ khí, điện tử, SX gỗ... hiện gặp không ít khó khăn nên LĐ trong ngành này cũng ảnh hưởng.

Hiện sở đã chỉ đạo các Công đoàn cơ sở bám sát tình hình thực tế đời sống CN và tìm giải pháp để sớm ổn định việc làm cho họ, tránh để xảy ra tình trạng khi có đơn hàng trở lại nhưng thiếu LĐ, quan trọng là có giải pháp để giữ chân LĐ lành nghề.

Bình luận (0)

Lên đầu trang