Chị Trần Thị Mỹ Lan (42 tuổi, trú xã Tam Phú, TP Tam Kỳ) bàng hoàng trước cảnh ngôi nhà cấp 4 của mình bị tốc mái hoàn toàn, toàn bộ vận dụng trong gia đình bị hư hỏng hết.
Đứng trong nhà với 4 bức tường trống, chị Lan cho hay: “Căn nhà cấp 4 này tôi xây dựng đã lâu, là chỗ ở 3 mẹ con tôi. Cơn bão vừa qua làm ngôi nhà của tôi tốc mái hư hỏng. Tiền nợ xây nhà đến nay vẫn chưa trả hết, giờ tôi không biết lấy tiền đâu mà sửa lại nhà cho 2 đứa con ở”.
“Tôi mong các ngành chức năng quan tâm, hỗ trợ bà con chúng tôi sớm khắc phục hậu quả do bão gây ra, ổn định lại cuộc sống”, chị Lan nói.
Chị Lan đau xót trước ngôi nhà bị tốc mái hư hỏng.
Còn ông Võ Quang (trú phường An Mỹ, TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam) cho hay: “Cơn bão số đổ vào làm ngôi nhà của tôi sập đổ hoàn toàn, rất may lúc nhà bị sập đổ cả gia đình tôi đã chạy thoát ra ngoài nên không có ai bị thương. Ngôi nhà bị hư hỏng nên giờ gia đình tôi đành phải sinh sống ở phía nhà bếp. Ngôi nhà bị hư hỏng nặng nên không có đủ tiền để xây dựng mới lại, đồng thời cũng không có chỗ buôn bán. Thời gian tới cuộc sống của gia đình tôi chưa biết sẽ như thế nào!”.
Ông Võ Quang bên ngôi nhà bị sập đổ.
Theo báo cáo của Ban Chỉ huy PCTT và TKCN TP Tam Kỳ, bão số 4 đã làm 4 căn nhà sập, 95 căn nhà tốc mái hoàn toàn, hơn 1.300 nhà tốc mái một phần. Nhiều trường học, nhà xe, nhà công vụ bị hư hại, hàng trăm cây xanh đô thị và hơn 150 trụ điện bị ngã đổ. Hiện địa phương đang khẩn trương khắc phục cấp điện, viễn thông liên lạc và giúp dân sửa chữa hư hại nhà ở, trường học, các công trình.
Nhà dân bị tốc mái
Còn tại âu thuyền Tam Tiến, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam, có khoảng 100 tàu cá neo đậu tránh bão số 4 cũng bị sóng đánh chìm 7 tàu cá của ngư dân.
Ngư dân Nguyễn Văn Thịnh, chủ tàu cá QNa 0989 TS, trú xã Tam Tiến ra âu thuyền Tam Tiến để kiểm tra tàu cá thì chứng kiến cảnh con tàu trị giá tiền tỷ bị sóng đánh chìm xuống sông Trường Giang.
“Tàu tôi neo đậu tại âu thuyền, thế nhưng do gió bão mạnh, khiến con tàu bị sóng đánh chìm gây hậu quả nặng nề cho gia đình tôi. Tôi đang nhờ mọi người trục vớt lên đưa vào xưởng đóng tàu sửa chữa rồi mới có thể vươn khơi trở lại”, ngư dân Thịnh nói.
Một số ghe thuyền của ngư dân bị sóng đánh chìm.
Trong khi đó, ông Nguyễn Đăng Chương, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Giang cho biết, mưa lớn từ nhiều ngày qua khiến một số tuyến đường bị hư hỏng, nhất là tuyến quốc lộ 14D, đoạn từ Bến Giằng lên cửa khẩu Nam Giang.
Theo ông Chương, các tuyến đường hư hỏng chủ yếu do sạt lở đất và lũ xối. Tại nhiều vị trí, đất đá từ taluy dương sạt xuống chắn ngang đường khiến các phương tiện thông thể lưu thông.
Lực lượng chức năng giúp người dân khắc phục sạt lở đường.
Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy PCTT và TKCN huyện Nam Giang, mưa lũ khiến trên tuyến đường Hồ Chí Minh (đoạn từ Bến Giằng đến thôn Pà Dá, xã Cà Dy) bị sạt lở tại 11 điểm, trong đó có 4 điểm sạt lở nặng, ước hàng nghìn khối đất đá tràn xuống lòng đường. Ngoài ra, nhiều tuyến giao thông liên thôn, liên xã cũng bị sạt lở nhiều điểm; đặc biệt tuyến ĐH3 (thuộc thôn 49A, xã Đắc Pring) và tuyến đường bê tông đi vào khu vực sản xuất của thôn 58 (xã Đắc Pre) bị đứt gãy hoàn toàn.
Nhiều tuyến đường miền núi huyện Nam Giang bị sạt lở.
Ngoài ra, chiều 29-9, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Quảng Nam đã gửi văn bản đến Công ty CP thủy điện Đak Mi, Công ty CP thủy điện Sông Bung, Công ty CP thủy điện A Vương yêu cầu vận hành hạ dần mực nước các hồ thủy điện (Đak Mi 4, Sông Bung 4, A Vương) về mực nước cao nhất trước lũ.
Theo đó, Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh yêu cầu các chủ hồ thủy điện tổ chức vận hành luân phiên 12h nhằm hạ dần mực nước các hồ chứa thủy điện Sông Bung 4, A Vương, Đak Mi 4 về cao trình mực nước cao nhất trước lũ trước 19 giờ ngày 6-10. Tuy nhiên, việc vận hành phải đảm bảo yêu cầu không gây dòng chảy đột biến, bất thường đe dọa trực tiếp đến tính mạng và tài sản của người dân ở khu vực ven sông ở hạ du hồ chứa.
Lực lượng giúp dọn bùn sạt lở trên đường miền núi Quảng Nam.
Ngoài ra, tổ chức thực hiện việc thông tin, thông báo đến chính quyền, nhân dân vùng hạ du về công tác vận hành, điều tiết hồ. Thường xuyên cung cấp bản tin dự báo lũ về hồ và số liệu mưa các trạm đo trên lưu vực hồ về Văn phòng thường trực Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Quảng Nam để theo dõi.
Theo Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh, việc yêu cầu các công ty này hạ mực nước để đảm bảo dung tích đón lũ là do căn cứ mực nước hồ thủy điện lúc 10 giờ ngày 29/9 (Sông Bung 4: 222,10m; A Vương: 377,77m, Đak Mi 4: 257,47m).
Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Quảng Nam cho biết, tính đến 5h ngày 29-9, qua thống kê sơ bộ, cơn bão số 4 đã khiến 52 người bị thương và 110 nhà bị sập trên 70% ở địa bàn tỉnh Quảng Nam.
Theo đó, có 2.974 ngôi nhà bị hư hại, tốc mái, 131 trường học bị tốc mái, hư hỏng và 7 trụ sở làm việc của các địa phương bị thiệt hại; 232 ha diện tích lúa; 435 ha hoa màu, 309 ha cây lâu năm, 538 ha cây hàng năm, 1020 ha rừng, 1405 cây xanh bị hư hại, ngã đổ; 1 công trình thủy lợi bị hư hỏng, cuốn trôi tại huyện Quế Sơn; 450m bờ sông bị sạt lở tại huyện Nam Giang, Duy Xuyên, Thăng Bình và 800m bờ biển bị sạt lở tại Duy Xuyên, TP Hội An.
Theo báo cáo của Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Quảng Nam, tại xã Tam Hải, huyện Núi Thành có 2 tàu câu mực của ông Hoàng Thanh Vương, số hiệu 90370 và ông Lê Văn Hội, số hiệu 91037 bị sóng đánh chìm.
Ngoài ra, về giao thông trên địa bàn tỉnh có 2.625m chiều dài bị sạt lở hư hỏng, 8.900 m3 đất bị sạt lở và 5 cầu, 7 cống bị hư hỏng.
Lực lượng Công an cưa cây ngã đổ dọc tuyến đường.