(CATP) Thời gian gần đây, tình trạng cuộc gọi, tin nhắn "rác" hoành hành với tần suất ngày càng dày đặc khiến nhiều người không khỏi bức xúc khi công việc và cuộc sống bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Gọi bất kể thời gian
Theo thống kê, các lĩnh vực như: cho vay tiêu dùng, tiếp thị bất động sản, bảo hiểm, thẻ tín dụng... đang đứng đầu danh sách "khủng bố" người sử dụng điện thoại.
Chị Vũ Thị Thu Thủy (ngụ quận Gò Vấp) cho biết, đang chạy xe máy giữa trời nắng nóng thì điện thoại đổ chuông buộc phải tấp vào lề đường để nghe, đầu dây bên kia là giọng một người đàn ông mời mua bảo hiểm.
Theo chị Thủy, mỗi ngày chị nhận được từ 5 - 7 cuộc điện thoại chào mua bảo hiểm nhân thọ, mua nhà - đất, quảng cáo mỹ phẩm, thậm chí là mời đi hội thảo. Bị chào mời liên tục trong gần một tháng, chị chạy lên công ty bảo hiểm để phản ánh và được nhân viên ở đây hướng dẫn cách chặn cuộc gọi, nhưng chặn được số này thì số khác lại gọi.
Chưa hết, chị Thủy còn được nhân viên công ty bảo hiểm tiếp tục gọi và xin địa chỉ với lý do "tặng món quà tri ân cho khách hàng". Vài hôm sau, chị nhận được một phong bì có thiệp mời tham dự hội nghị của công ty và tiệc tri ân, và sau đó liên tục được nhân viên công ty gọi điện nhắc nhở.
Nhưng khi đến dự thì khách hàng chỉ được ngồi nghe các chính sách ưu đãi khi mua bảo hiểm. Từ đó về sau, mỗi ngày chị Thủy tiếp tục nhận được từ 2 - 3 cuộc gọi từ các nhân viên công ty gọi thuyết phục mua các gói bảo hiểm.
Hàng ngày, không ít người phải nhận các cuộc gọi "phiền toái"
Tương tự, anh Nguyễn Văn Tùng (giám đốc một doanh nghiệp có văn phòng đặt tại quận 1) cho biết, gần 2 năm qua anh liên tục nhận được cuộc gọi từ các nhân viên ngân hàng, bất động sản, bảo hiểm... chào mời. Họ gọi bất kể thời gian, có khi một tuần anh nhận được cả chục cuộc gọi. Cách đây mấy ngày, anh lại nhận được điện thoại của một nhân viên Công ty H.B mời mua nhà đất. Mặc dù đã từ chối nhưng hôm sau anh lại nhận được điện thoại chào mời từ nhân viên khác, ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống.
Hôm qua, nhân viên công ty này nhắn tin nói gửi thiệp mời tri ân khách hàng, nhưng anh tiếp tục từ chối. Anh Tùng cho biết: "Họ gọi liên tục như vậy làm tôi mất quá nhiều thời gian và bị làm phiền, trong khi đó công việc của tôi quá bận rộn. Tôi đã từ chối thẳng thừng nhưng hết nhân viên này rồi đến nhân viên khác gọi như một cái máy mặc định".
'Khủng bố' bằng... tin nhắn
Không chỉ cuộc gọi bất kể giờ giấc mà tin nhắn cũng đang làm phiền khách hàng. Anh Nguyễn Văn Dương (ngụ quận Bình Thạnh) cho biết, mỗi ngày trung bình nhận từ 4 - 5 tin rác, thậm chí có ngày nhận cả chục tin. Dù anh đã chặn tin nhắn nhưng cũng không xuể bởi chặn thuê bao này thì thuê bao khác lại gửi tin tới. Anh Dương không biết số điện thoại của mình có bị ai phát tán không mà tin nhắn quảng cáo tới liên tục, nhất là các dịch vụ bán nhà kiểu mẫu, bói toán, bán sim giá rẻ, đất và căn hộ chung cư...
Đáng nói, theo anh Dương, đội ngũ tiếp thị gửi tin nhắn "rác" còn biết rõ giới tính, việc làm, tuổi tác của anh... Biết vợ chồng anh có 2 con đang học ở trường mầm non nên họ tranh thủ tiếp thị sữa và đồ chơi trẻ em. Không những thế, họ còn biết vợ chồng anh đang ở trọ nên quảng cáo, nhắn tin rao bán căn hộ, giới thiệu vay tiền, làm thẻ tín dụng. Chỉ riêng hơn 10 ngày từ đầu tháng 9 tới nay, anh Dương đã nhận tới 84 tin nhắn quảng cáo các loại, khiến anh rất bức xúc.
Cũng bức xúc không kém, chị Nguyễn Thị Loan (ngụ quận 4) cho biết, sau khi con trai tham dự kỳ thi THPT quốc gia thì liên tiếp nhận nhiều tin nhắn, cuộc điện thoại và cả thư gửi qua đường bưu điện với nội dung mời cháu đăng ký nộp hồ sơ xét tuyển vào một số trường đại học, cao đẳng tư thục. Không hiểu họ lấy thông tin từ đâu ra mà biết số nhà, năm sinh, số điện thoại và biết luôn kết quả của từng môn thi...
Kiên quyết xử lý vi phạm
Được biết, từ đầu năm đến nay ngành Thông tin và Truyền thông đã ra quyết định xử phạt hành chính 10 doanh nghiệp phát tán tin nhắn "rác" với tổng số tiền hơn 600 triệu đồng. Ngoài ra, Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM cũng phối hợp với UBND các quận huyện kiểm tra, quản lý các điểm đăng ký thông tin thuê bao di động trả trước và điểm phân phối SIM thuê bao; yêu cầu doanh nghiệp phổ biến quy định pháp luật về đăng ký thông tin thuê bao di động trả trước đến người sử dụng. Đến nay, Sở đã phối hợp với các quận huyện kiểm tra 207 điểm đăng ký thông tin thuê bao, 404 điểm phân phối SIM, xử phạt vi phạm hành chính 564,9 triệu đồng, ngừng cung cấp dịch vụ đối với 159.561 thuê bao đăng ký thông tin không chính xác.