"Phủ đầu" bằng các tội danh nghiêm trọng
Đang chở con đến trường, anh Nguyễn Khắc Lê (SN 1977, ngụ Q7) nghe chuông điện thoại reo vang. Đường đông, lại đang vội nên theo phản xạ, anh Lê bấm máy nghe mà không chú ý đến số điện thoại gọi đến. Sau khi xác định đúng tên họ của anh Lê, người gọi điện giở giọng trịch thượng: "Tôi là đại úy Lê Xuân Hà, công tác tại Phòng Cảnh sát điều tra Công an Hà Nội. Một số bị can trong vụ án khai rằng anh cùng tham gia tổ chức của chúng. Tiền mua bán ma túy được chuyển qua tài khoản đứng tên anh. Anh cần liên hệ ngay với chúng tôi để làm việc vào chiều nay".
Hồi nào tới giờ không làm chuyện vi phạm pháp luật, nhưng nghe "cảnh sát" đọc đúng tên họ của mình, khiến anh Lê hơi chột dạ, hoang mang. Anh chống chế: "Làm gì có chuyện đó! Tôi không làm gì sai cả. Có gì nhầm lẫn không?". Người gọi điện lớn giọng: "Tôi là cơ quan điều tra mà sao anh bảo sai, nhầm lẫn là sao? Anh không tin thì bấm chuyển sang số 9, sẽ gặp kiểm sát viên để biết rõ hơn về hành vi vi phạm của mình".
Nhớ đến các bài báo cảnh báo về thủ đoạn lừa đảo qua điện thoại, anh Lê bèn tắt máy. Lúc này, anh nhìn kỹ màn hình điện thoại thì thấy trước dãy số gọi đến có dấu cộng (+) và hiểu ngay ra việc mình vừa vội vàng bấm nhận cuộc gọi của nhóm đối tượng lừa đảo.
Đang ăn cơm trưa, chị Nguyễn Hồng Châu (SN 1973, ngụ Q.Tân Bình) nghe chuông điện thoại đổ dồn dập. Quan sát màn hình, thấy số gọi đến rất lạ, nhưng trước dãy số tự nhiên không có dấu cộng (+), chị Châu mới bắt máy. "Tôi là thiếu tá Trần Minh, cán bộ điều tra Công an TP.Đà Nẵng. Chị tên là Nguyễn Hồng Châu đúng không? Tôi xin thông báo vào ngày 28-3-2022, chị đi chiếc Toyota màu đen tại góc đường Lê Duẩn-Lê Lợi, Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng, đã va chạm giao thông với một nữ bộ hành. Tại sao sau khi gây tai nạn nghiêm trọng, chị lại lái xe bỏ chạy?" - Đối tượng gọi đến giở giọng dọa dẫm chị Châu.
Các số điện thoại gọi điện hù dọa hiện nay đã không còn dấu cộng (+) trước dãy số tự nhiên
Thường đọc báo và được người thân làm trong ngành công an kể nhiều về thủ đoạn lừa đảo qua điện thoại, hơn nữa bản thân chưa từng đến Đà Nẵng, lại không biết lái ôtô nên chị Châu biết ngay đó là kẻ gian. Chị vờ phụ họa: "Ủa, em ơi, xe của chị gây tai nạn hả? Rồi người đi bộ có bị sao không? Mà hôm đó công an giải quyết trực tiếp rồi, sao hôm nay còn gọi nữa?". "Chị nói giải quyết là giải quyết làm sao? Khi nào? Chị giỡn mặt với cơ quan điều tra à?" - Gã đối tượng giả dạng "công an" sẵng giọng nạt nộ.
Chị Châu nói tiếp: "Đâu có, ai mà dám giỡn mặt với cơ quan điều tra. Chỉ tại chị nhớ vụ đó đã giải quyết tại chỗ rồi. Em có thể nhắc lại rõ thời gian, địa điểm không?". "Điều tra viên" đọc vanh vách thời gian, địa điểm. Chị Châu vẫn từ tốn: "Giải quyết hồi tháng 6 rồi. Có giấy nộp phạt hẳn hoi". Đối tượng liền gắt gỏng: "Chị đúng tên Nguyễn Hồng Châu không?". Chị Châu nhấn nhá: "Cũng na ná thế". Không giữ được bình tĩnh, "điều tra viên" quát tháo: "Bà tắt.. máy. Đồ khùng!", rồi cúp máy.
Trước đó một ngày, có người phụ nữ xưng danh "điều tra viên Phòng Cảnh sát kinh tế (CSKT) Công an TPHCM", cũng gọi cho chị Châu với giọng trịch thượng, hỏi họ tên rồi dọa: "Tôi xin thông báo, chị liên quan đến một vụ án ma túy mà Phòng CSKT đang thụ lý. Đầu giờ chiều nay, chị đến ngay Phòng CSKT, trụ sở ở số 268 Trần Hưng Đạo, P.Cầu Kho, quận 1 để làm việc. Nhớ đúng hẹn".
Nhận ra ngay "kịch bản" lừa đảo, chị Châu hỏi: "Theo tôi được biết thì Phòng CSKT không nằm trong trụ sở số 268 Trần Hưng Đạo, P.Cầu Kho. Thế phải làm sao nhỉ?". Bị lộ tẩy, ả kia bực bội, chửi nạn nhân: "Nó nằm trên đầu mày á..", rồi cúp máy.
Lực lượng công an thường xuyên cảnh báo người dân về các thủ đoạn lừa đảo qua điện thoại
Nhiều "kịch bản", đa dạng phương thức lừa đảo
Vài ngày qua, cơ quan của chị Châu có nhiều người cùng bị các đối tượng gọi điện nhằm lừa đảo. Qua lời kể của người trong cuộc, có thể thấy "kịch bản" lừa đảo qua điện thoại hiện nay rất đa dạng, với nhiều phương thức. Với kiểu bủa vây giăng lưới khắp nơi như thế này, không loại trừ có nạn nhân thiếu tỉnh táo và cảnh giác sẽ sập bẫy của chúng.
Cụ thể, các nhóm đối tượng sử dụng nhiều "kịch bản", "chụp mũ” người nhận cuộc gọi vào các hành vi và tội danh như: va chạm giao thông rồi bỏ chạy, mua bán ma túy, rửa tiền, bị tội phạm giả danh để mở tài khoản ngân hàng rồi dùng vào việc phi pháp, thiếu nợ cước điện thoại...
Sau hơn 2 năm dịch Covid-19 bùng phát trên diện rộng, khiến nền kinh tế nhiều quốc gia rơi vào khủng hoảng, khó khăn. Lợi dụng công nghệ phát triển, nhiều đối tượng lừa đảo qua không gian mạng bằng đủ thứ mánh khóe khác nhau. Trong đó, không thể thiếu phương thức giả danh cán bộ công an, viện kiểm sát, tòa án rồi gọi cho người dân để hù dọa, nhằm chiếm đoạt tài sản.
Tại sao phương thức lừa này đã cũ, nhưng vẫn có thêm không ít nạn nhân sập bẫy? Một điều tra viên của Phòng Cảnh sát hình sự Công an TPHCM phân tích: "Người dân mình vốn sợ liên lụy đến pháp luật, bởi vậy khi nghe các đối tượng gọi điện tới, xưng danh là cán bộ công an, viện kiểm sát, tòa án là mọi người hoang mang, mất bình tĩnh ngay. Nhóm đối tượng thường nói đúng họ tên đầy đủ nên người dân càng tin hơn.
Chưa kể, nếu "kịch bản" mà các đối tượng dựng lên để hù dọa không may trùng khớp với một vài sự kiện trên thực tế thì càng làm người dân tưởng thật, sẵn sàng làm theo các hướng dẫn của chúng rồi bị lừa chiếm đoạt tài sản. Với nhiều người đã biết rõ về phương thức lừa đảo kiểu này, qua vài câu dọa nạt, dẫn dụ, nếu thấy bị lộ, chúng sẽ tự động cúp máy, ngưng hù dọa ngay".
Để tránh sập bẫy lừa, người dân cần hết sức tỉnh táo khi nhận các cuộc gọi đến điện thoại di động lẫn điện thoại bàn, của đối tượng xưng danh đang công tác tại các cơ quan pháp luật. Bởi vì khi cần làm việc với công dân, đại diện các cơ quan pháp luật sẽ gửi giấy mời hoặc giấy triệu tập đến tận nhà, chứ không làm việc và giải quyết qua điện thoại.