Đừng mất tiền vì những cuộc gọi lừa đảo

Thứ Năm, 23/07/2020 11:18  | An Hoà

|

(CATP) Những tưởng việc lừa đảo qua điện thoại thời gian qua đã được cơ quan chức năng liên tục cảnh báo, khuyến cáo người dân tăng cường cảnh giác, đề phòng; thế nhưng vì chủ quan, một số người bỗng chốc biến thành nạn nhân của trò "bình mới, rượu cũ” này!

Muôn mặt chiêu lừa

Cuối tháng 6 vừa qua, bà P.T.N.Y (38 tuổi, ngụ xã Xuân Thọ, TP.Đà Lạt, Lâm Đồng) bị nhóm lừa đảo gọi điện đến, dọa rằng bà liên quan đến đường dây tội phạm buôn ma túy và rửa tiền.

Quá lo sợ, bà Y. đến ngân hàng chuyển 126 triệu đồng vào tài khoản theo yêu cầu của chúng. Sau khi về nhà, bà Y. nghi bị lừa nên quay lại ngân hàng trên, nhờ chặn giao dịch. Nhưng lúc này, số tiền của bà Y. đã chuyển vào tài khoản của nhóm lừa đảo.

Mạo danh các cơ quan chức năng

Trước đó, đầu tháng 6, tại địa phương này có một trường hợp sắp chuyển 500 triệu đồng cho kẻ gian thì được ngăn chặn kịp thời. Bà B.T.L (ngụ P9, TP.Đà Lạt) bị bọn lừa đảo giả danh "cán bộ Bộ Công an", gọi điện dọa nạt, uy hiếp tinh thần, buộc phải chuyển 500 triệu đồng cho chúng.

May nhờ ngân hàng ngăn chặn kịp thời. Bà L. kể: "Chúng nói nếu muốn chứng minh không liên quan thì phải chuyển 500 triệu vào tài khoản Phạm Thúy Ly. Đến 16 giờ mà không chuyển tiền, sẽ có người đến bắt giữ...". Bà bị các đối tượng uy hiếp tinh thần qua điện thoại suốt 2 tiếng đồng hồ. Kẻ gian còn đe dọa, bảo bà không được trình báo công an và không được nói với ngân hàng vì ngân hàng là... người thông đồng (!).

Tại TPHCM và nhiều tỉnh, thành khác ở phía Nam, thời gian qua, kẻ gian cũng liên tục gọi điện "quấy phá”. Nạn nhân mà chúng nhắm đến là người già, từ 60 tuổi trở lên, đang có tài khoản trong ngân hàng. Bà N.T.T.N (67 tuổi, ngụ Q.Phú Nhuận, TPHCM) vừa nhận một cuộc gọi lạ qua số điện thoại bàn.

Hóa đơn chuyển số tiền 500 triệu đồng của một nạn nhân tại TP.Đà Lạt được ngăn chặn (ảnh: CTV)

Đối tượng giả danh là công an ở TP.Hà Nội, nói bà N. liên quan đến một đường dây lừa đảo và cần bà này cung cấp thông tin. Bọn tội phạm giở đủ chiêu trò, như: khi thì vờ chuyển máy cho cộng sự, gã cộng sự xưng danh Tuấn (cấp bậc đại úy, công tác tại Công an TP.Hà Nội), buộc bà N. cung cấp số tài khoản ngân hàng...

Sau khi nghe cuộc gọi trên, trong khi các con đi làm, bà N. ngồi suy nghĩ. Gia đình bà mấy đời đều làm công chức nhà nước. Bản thân bà không làm việc gì liên quan đến hoạt động phạm pháp. Sau khi bình tâm lại, bà mới ngộ ra là vừa được nghe một cuộc gọi lừa đảo.

Trong khi đó, bạn hàng xóm của bà N. còn cẩn thận gọi lại số máy của kẻ gian, nghe đầu dây bên kia giọng người miền ngoài, lạ hoắc lạ huơ. Nhiều khả năng các đối tượng dùng phần mềm ghi âm giọng nói sẵn, chung quy lại là yêu cầu nạn nhân chuyển tiền đến số tài khoản của chúng. Rất may là các bạn hưu trí của bà N. xem tivi và đọc báo nhiều, nên nhanh trí phát hiện ra đó chỉ là trò lừa đảo.

Tại Q9, ông N.V.B (65 tuổi, ngụ P.Phước Long B) cũng nhận cuộc gọi có đầu số lạ hoắc. Đầu dây bên kia mời ông đến bưu điện nhận quà từ Mỹ, do cháu nội đích tôn của ông gửi về. Mới đầu, ông B. thấy thông tin trùng khớp với việc cháu trai mình đang đi học tại Mỹ. Đến khi đối tượng bảo ông phải chuyển phí trước là 200 USD thì mới được nhận quà từ... bên kia trái đất, ông sinh nghi, ra bưu điện hỏi thăm thì biết đó chỉ là trò lừa nhằm chiếm đoạt tài sản.

Trước khi gọi điện, bọn tội phạm đã tìm hiểu thông tin về một số gia đình có con, cháu đang học tập, sinh sống tại nước ngoài. Đó thường là thông tin có thật để chúng "xoáy" vào rồi "moi" tiền từ nạn nhân nếu họ sơ ý không kiểm tra, xác thực thông tin.

Nhá máy để phát sinh cước quốc tế

Trước tình hình phức tạp của các cuộc gọi từ đầu số nước ngoài, cuộc gọi mạo danh công an, tòa án, quân đội, ngân hàng, bưu điện để thông báo có quà, bưu phẩm từ nước ngoài, thông báo nợ cước viễn thông..., cũng như cuộc gọi nhá máy từ các ứng dụng OTT, nhằm lừa đảo chiếm đoạt tiền của khách hàng, các nhà mạng vừa liên tiếp phát cảnh báo cho người sử dụng điện thoại.

Khi nhận được các cuộc gọi nhỡ từ các đầu số nước ngoài, như: Modova (+373), Tunisia (+216), Equatorial Guinea (+240), Burkina Faso (+226)..., thực chất đây là các cuộc gọi nhá máy từ thuê bao nước ngoài đến thuê bao VinaPhone, bao gồm cả cuộc gọi nhá máy từ các ứng dụng OTT, nhằm mục đích lôi kéo, lừa đảo khách hàng gọi lại để phát sinh cước viễn thông ngoài ý muốn. Đặc biệt, các cuộc gọi này thường vào thời điểm buổi tối hoặc nửa đêm về sáng, khi khách hàng còn ngái ngủ hoặc tưởng người thân gọi về Việt Nam có chuyện cần gấp.

Khách hàng lớn tuổi là "mồi" của bọn lừa đảo

Trả lời Báo Công an TPHCM, đại diện Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT) cung cấp một số dấu hiệu để người dân nhận biết cuộc gọi và tin nhắn lừa đảo. Các cuộc gọi, tin nhắn quốc tế về sẽ hiển thị dấu cộng (+) hoặc hai số "00" ở đầu. Hai số tiếp theo không phải là 84 (mã nước Việt Nam). Các cuộc gọi này xuất hiện hiện dưới dạng nhá máy hoặc kết nối thời lượng rất ngắn, có nội dung thông báo yêu cầu khách hàng gọi lại. Với tin nhắn cũng sẽ có nội dung yêu cầu gọi lại.

Khách hàng cần lưu ý, không gọi lại những số máy xuất hiện ở những cuộc gọi nhỡ, gọi đến, tin nhắn có dấu hiện lạ như trên. Chỉ nên gọi đi quốc tế khi biết chắc chắn đó là số điện thoại của người thân ở nước ngoài. Các ứng dụng có tính năng thực hiện cuộc gọi thông thường hay thông báo mời khách hàng lựa chọn giữa cuộc gọi có tính phí và cuộc gọi không tính phí.

Do đó, khi thực hiện cuộc gọi bằng các ứng dụng này, người dân cần kiểm tra kỹ hình thức thực hiện cuộc gọi đang sử dụng, tránh phát sinh cước ngoài ý muốn. Khi gặp hiện tượng trên, khách hàng vui lòng phản ánh về tổng đài 18001091 của VNPT để được tư vấn giải quyết.

Mạo danh các cơ quan

Một hình thức lừa đảo cũng khá phổ biến là mạo danh các cơ quan chức năng, nhằm chiếm đoạt tài sản của nạn nhân. "Kịch bản" quen thuộc của tội phạm là mạo danh cán bộ công an, viện kiểm sát..., gọi điện, nhắn tin để hù dọa nạn nhân rằng họ liên quan đến vụ án ma túy, yêu cầu phải cung cấp tài khoản, mật khẩu để phục vụ công tác điều tra. Một số trường hợp cuộc gọi, tin nhắn thông báo có quà từ nước ngoài, yêu cầu người nhận phải đóng phí bằng cách chuyển khoản mới nhận được quà (dù các món quà này không có thực).

Người dùng điện thoại nên cẩn thận khi thấy số lạ gọi tới

VNPT khuyến cáo: Khách hàng cần nâng cao cảnh giác, không chuyển tiền hoặc cung cấp thông tin cá nhân cho người lạ qua điện thoại. Đối với các cuộc gọi giả danh công an, viện kiểm sát, ngân hàng hoặc bưu điện để thông báo có quà, bưu kiện, bưu phẩm..., người dân tuyệt đối không thực hiện bất cứ yêu cầu nào của đối tượng. Khi gặp sự việc tương tự, cần trình báo ngay cho cơ quan công an xử lý hoặc thông báo đến số điện thoại Trực ban hình sự 0692348560, của Cục Cảnh sát hình sự Bộ Công an để được hướng dẫn kịp thời.

VNPT liên tục cập nhật các biện pháp kỹ thuật chủ động phân loại và chặn cuộc gọi đến từ các các đầu số quốc tế có dấu hiệu lừa đảo, nhằm ngăn chặn các hiện tượng trên, bảo vệ quyền lợi và giữ an toàn cho khách hàng. VNPT đã định tuyến các cuộc gọi liên mạng cố định, di động trong nước đến thuê bao mạng VNPT, khi mạng khởi tạo cuộc gọi gửi đúng cấu trúc số chủ gọi. Đồng thời VNPT thông báo rộng rãi tới khách hàng qua các kênh truyền thông, như: trang web, tổng đài chăm sóc khách hàng, tin nhắn SMS... một cách thường xuyên để nâng cao mức độ cảnh giác.

Ông Võ Đỗ Thắng (Giám đốc Trung tâm an ninh mạng Athena TPHCM) cho biết: Việc lừa đảo qua điện thoại không phải là mới, nhưng cách thức lừa đảo, kịch bản thì luôn mới. Những kẻ tổ chức lừa đảo bây giờ rất rành về công nghệ thông tin, thu thập dữ liệu, thậm chí "hack" (chiếm đoạt) cả thông tin trong các thiết bị, như: smartphone, laptop, máy tính để bàn... của nạn nhân.

Sau khi thu thập đầy đủ thông tin, các mối quan hệ, công việc, gia đình của nạn nhân, đường dây lừa đảo lên "kịch bản" giả danh các cơ quan chức năng hoặc người thân của nạn nhân, gọi điện trao đổi và "đọc" vanh vách, chính xác thông tin cá nhân của họ. Điều này làm cho nạn nhân không nghi ngờ gì cả. Từ đây, chúng yêu cầu nạn nhân làm nhiều việc khác để tạo niềm tin, rồi sau đó mới yêu cầu cung cấp tiền, chuyển tiền...

Do đó, để tránh bị lừa, người dân tuyệt đối không nên chuyển tiền cho người lạ. Bởi đối tượng nắm rõ thông tin bí mật của người khác và yêu cầu họ chuyển tiền thì đều là lừa đảo. Đối với những cuộc gọi đến như thế, người dân cần cúp máy ngay.

l Cơ quan công an khuyến cáo, việc xác minh hay gửi thông tin cho đương sự đều có giấy mời, giấy triệu tập hoặc thông qua công an địa phương. Đơn vị chức năng không sử dụng điện thoại di động hay tin nhắn khi làm việc với các bên liên quan.

Bình luận (0)

Lên đầu trang