Những thủ đoạn lừa đảo qua mạng rộ lên thời gian gần đây

Thứ Sáu, 10/07/2020 11:06  | Thanh Huyền

|

(CATP) Các thủ đoạn lừa đảo phổ biến như: kết bạn qua mạng, giả mạo người thân, cơ quan thực thi pháp luật; lập website, giả dạng khách hàng yêu cầu nhấp vào đường link giả...

Trong 6 tháng đầu năm 2020, Công an quận 1, TPHCM đã nhận hơn 80 tin báo tố giác tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Nạn nhân chủ yếu là ở địa phương khác, nhưng đăng ký mở tài khoản internet banking tại trụ sở, chi nhánh ngân hàng đóng trên địa bàn Q1.

Qua hàng loạt vụ việc trên, nổi lên các thủ đoạn lừa đảo phổ biến như: kết bạn qua mạng xã hội, giả mạo người thân, cán bộ ngân hàng, cơ quan thực thi pháp luật; lập website, giả dạng khách hàng yêu cầu nhấp vào đường link giả... để "hack" thông tin tài khoản cá nhân và chiếm đoạt tiền của nạn nhân.

Đa dạng chiêu lừa

Trước đây, người dân thường trực tiếp đến ngân hàng để thực hiện giao dịch. Nhưng hiện nay, sự tiện lợi của dịch vụ Internet Banking nên nhiều khách hàng chuyển sang sử dụng hình thức này. Sự thiếu am hiểu về công nghệ thông tin của nạn nhân tạo điều kiện cho các đối tượng dễ dàng đánh cắp thông tin tài khoản rồi chiếm đoạt số tiền lớn.

Một trong những thủ đoạn phổ biến nhất hiện nay là kẻ gian chiếm quyền sử dụng tài khoản xã hội (Facebook, Zalo, Messenger...) rồi đóng giả chủ tài khoản, viện những lý do cấp thiết để lừa người thân, bạn bè của nạn nhân chuyển tiền gấp qua tài khoản ngân hàng do chúng cung cấp. Để tránh bị nghi ngờ, các đối tượng thường sử dụng từ ngữ khi nhắn tin giống như chủ tài khoản thường sử dụng. Sau khi người thân, bạn bè của chủ tài khoản chuyển tiền qua số tài khoản hoặc cung cấp số thẻ cào điện thoại qua cho chúng thì mới phát hiện mình bị lừa.

Nhóm đối tượng lừa đảo qua mạng bị công an bắt. Ảnh: VOV

Điển hình là chị Huỳnh K.H (SN 1995, ngụ Q.Gò Vấp) bị kẻ gian giả danh tài khoản Facebook của mẹ chị, yêu cầu chuyển 5 triệu đồng rồi chiếm đoạt. Đồng cảnh ngộ, chị Nguyễn Thị P.U (SN 1991, quê Thừa Thiên - Huế) nhận tin nhắn từ tài khoản Facebook của mẹ mình là bà Phan Thị B., nhờ chuyển số tiền 60 triệu đồng qua Internet Banking đến số tài khoản của người lạ. Sau khi chuyển tiền, chị U. gọi điện cho mẹ thông báo thì mới biết mình bị lừa. Mới đây nhất, kẻ gian chiếm tài khoản Facebook cá nhân và giả danh chị ruột của chị Trần Thị M.T (SN 1980, ngụ Q2), nhờ chuyển 8,5 triệu đồng đến tài khoản do chúng cung cấp rồi chiếm đoạt.

Thủ đoạn tội phạm mạo danh cơ quan thực thi pháp luật, yêu cầu nạn nhân chuyển tiền vào tài khoản chúng cung cấp để điều tra, xác minh đang xảy ra ngày càng nhiều, số tiền thiệt hại thường rất lớn. Theo đó, đối tượng vẫn sử dụng chiêu lừa cũ, thông báo nạn nhân liên quan đến đường dây tội phạm (ma túy, rửa tiền, buôn lậu...). Chúng dẫn dụ nạn nhân muốn chứng minh mình không liên quan đến vụ án, phải chuyển tiền đến tài khoản do chúng cung cấp qua Internet Banking để điều tra, xác minh; nếu không sẽ bị bắt giam.

Nguyễn Thị Hằng cấu kết với nhóm đối tượng người nước ngoài lừa đảo qua mạng hàng chục tỷ đồng

Nạn nhân của thủ đoạn này là chị Lý H.T (SN 1988, ngụ Q4). Chị nhận cuộc gọi của kẻ tự xưng là "cán bộ công an TP.Hà Nội", nói rằng chị liên quan đến đường dây rửa tiền. Sau đó, đối tượng yêu cầu chị chuyển 200 triệu đồng vào tài khoản chúng cung cấp để được cho tại ngoại điều tra, nếu không liên quan thì số tiền trên sẽ được hoàn trả đầy đủ. Lo sợ bị liên lụy đến pháp luật, chị H.T liền đến một ngân hàng trên địa bàn Q1 để chuyển tiền, sau đó mới "té ngửa" vì biết mình bị lừa.

Cũng bằng thủ đoạn này, kẻ gian đã chiếm đoạt của bà Q.N.D (SN 1956) 438 triệu đồng, ông Nguyễn Văn D. (SN 1959, cùng ngụ Q1) 87 triệu đồng, anh Nguyễn Văn D. (SN 1974, ngụ H.Bình Chánh) 50 triệu đồng. Nhiều nhất là chị Đào Thị H.L (SN 1979, ngụ Q3) bị bọn tội phạm giăng bẫy chiếm đoạt gần 590 triệu đồng.

Thủ đoạn kết bạn qua mạng xã hội để lừa đảo chiếm đoạt tài sản cũng ngày càng phổ biến. Các đối tượng lập tài khoản trên mạng xã hội với hình đại diện lịch lãm, khoe tài chính dồi dào, kết bạn, thậm chí hứa sẽ kết hôn với nạn nhân. Tiếp đó, đối tượng nói sẽ tặng quà, gửi ngoại tệ giá trị cao cho nạn nhân làm "mồi nhử". Tuy nhiên, để nhận được quà, ngoại tệ, đối tượng lừa nạn nhân phải đóng phí dịch vụ, phí hải quan, tiền phạt... bằng cách chuyển tiền đến tài khoản do đồng bọn của chúng (thường giả làm nhân viên công ty chuyển phát nhanh, nhân viên hải quan...) cung cấp.

Trước những "bánh vẽ” hấp dẫn, nhiều nạn nhân đã sập bẫy. Chị Nguyễn Thu Th. (SN 1992, ngụ H.Bình Chánh), bị đối tượng là chủ tài khoản lấy tên đàn ông ngoại quốc Michael Mike Smith (giả danh nhân viên Tổ chức Y tế Thế giới - WHO) lừa chiếm đoạt gần 50 triệu đồng. Bà Nguyễn Thị H. (SN 1955) bị đối tượng tên Michael Jacob giả danh "đại tá Hoa Kỳ” lừa gần 170 triệu đồng.

Một thủ đoạn đang rộ lên là giả giao dịch mua bán, nhằm mục đích lừa nạn nhân điền thông tin để nhận tiền qua đường link giả do đối tượng cung cấp. Theo đó, kẻ gian có thể giả làm người mua hoặc bán hàng hay gửi tin nhắn thông báo trúng thưởng, yêu cầu nạn nhân đăng nhập vào đường link giả mạo mà chúng gửi tới. Khi nạn nhân truy cập vào đường link giả này, nhập thông tin đăng nhập, mật khẩu đăng nhập và mã xác thực tài khoản ngân hàng của mình, tội phạm lừa đảo sẽ nhanh chóng chiếm được toàn bộ thông tin của nạn nhân và tự cài đặt Smart OTP để giao dịch chuyển tiền của nạn nhân sang tài khoản của chúng.

Thậm chí các đối tượng còn thông qua website giả mạo website chính chủ của ngân hàng trong nước hoặc tạo các website nhận kiều hối (thường là PayPal), làm cho khách hàng tưởng rằng tài khoản của mình vừa nhận khoản tiền chuyển từ nước ngoài về. Sau đó, chúng hướng dẫn khách hàng quy đổi ngoại tệ qua website giả mạo, lừa lấy tiền từ các nạn nhân bán hàng online.

Đầu tháng 7-2020, chị Đặng Thị Q. (SN 1982, ngụ Q11) nhận tin nhắn của khách hỏi mua hàng. Khách đề nghị chị cung cấp số tài khoản để chuyển tiền. Sau đó, khách cho biết đã chuyển tiền và yêu cầu chị nhấp vào đường link để kiểm tra. Chị này làm theo, nhưng chẳng những không nhận được xu nào mà tài khoản của chị còn bị "bốc hơi" hết 31 triệu đồng. Tương tự, chị Phạm Ngọc T.M (SN 1995, ngụ Q1) bị chiếm đoạt 47 triệu đồng.

Ngoài những thủ đoạn phổ biến trên, gần đây còn xuất hiện một chiêu thức lừa đảo mới. Đối tượng có thể giả làm nhân viên ngân hàng, thông báo cho nạn nhân rằng có khoản tiền chuyển vào tài khoản, nhưng bị lỗi giao dịch. Để nhận tiền, nạn nhân phải cung cấp tên, mật khẩu đăng nhập và mã xác thực giao dịch cho chúng. Có khi tội phạm mạo danh nhân viên ngân hàng, thông báo tài khoản của nạn nhân đã bị xâm nhập trái phép. Do đó, để đảm bảo an toàn, đối tượng yêu cầu nạn nhân cung cấp thông tin đăng nhập, mật khẩu Internet Banking, mã xác thực giao dịch OTP cho chúng.

Giấy xác nhận giả mạo Tòa án nhân dân Tối cao

NÂNG CAO CẢNH GIÁC ĐỂ TRÁNH BỊ MẤT TIỀN

Qua hàng loạt phương thức lừa đảo bằng công nghệ cao nêu trên, Công an quận 1 khuyến cáo, để tránh trở thành nạn nhân, người dân cần thực hiện các biện pháp đề phòng, cảnh giác. Trước khi chuyển tiền cho người thân hoặc bạn bè, cần gọi điện cho người đó trước nhằm xác nhận nội dung chuyển tiền, phòng trường hợp đối tượng chiếm đoạt tài khoản xã hội rồi giả mạo người thân, bạn bè để lừa đảo.

Đặc biệt, không được cung cấp tên đăng nhập, mật khẩu truy cập, mã PIN Internet Banking và mã OTP cho người khác, ngay cả khi nhận được yêu cầu từ người tự xưng là nhân viên ngân hàng. Bởi vì mã OTP chỉ sử dụng cho mục đích xác nhận khi thanh toán, nếu người dân nhận được yêu cầu đăng nhập để nhận tiền mà đòi hỏi phải cung cấp mã OTP thì đều là giả mạo. Mọi thắc mắc, nghi ngờ về thông tin tài khoản cá nhân của mình, người dân cần trực tiếp đến các ngân hàng để được kiểm tra, giải đáp.

Tin nhắn của đối tượng lừa đảo

Người dân không được gõ tên đăng nhập, mật khẩu truy cập, mã PIN Internet Banking, mã OTP, số tài khoản... của mình vào trang web hoặc liên kết khác với trang web chính thống của ngân hàng đã và đang sử dụng. Mặt khác, khi tài khoản của người dân nhận tiền từ nước ngoài gửi về, chủ tài khoản phải trực tiếp đến ngân hàng để nhận, chứ không thể nhận tiền qua việc truy cập vào bất kỳ đường link hay trang web nào khác.

Đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật của nước ta (công an, viện kiểm sát, tòa án), khi thực hiện các thủ tục tố tụng đều yêu cầu công dân đến trụ sở để làm việc trực tiếp; tuyệt đối không trao đổi qua điện thoại hoặc mạng xã hội và không bao giờ buộc người dân chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng để giám định, xác minh.

Khi có bất kỳ nghi vấn nào liên quan đến hành vi lừa đảo giao dịch bằng Internet Banking, người dân cần liên hệ ngay với cơ quan công an nơi gần nhất, đồng thời thông báo ngay qua đường dây nóng hoặc tổng đài hỗ trợ khách hàng của ngân hàng mình đang sử dụng dịch vụ để được hỗ trợ kịp thời.

Bình luận (0)

Lên đầu trang