Kết quả Điều tra ban đầu cho thấy, Hạnh đã lừa vợ chồng ông Đ.N.T (SN 1954) và bà N.T.N.B (SN 1948, ngụ Q.3) khoảng 9 tỷ đồng bằng màn kịch cực kỳ tinh vi và logic, torng thời gian dài. Hạnh làm giả con dấu tài liệu của cơ quan tổ chức, đưa các tài liệu giả mạo các cá nhân, cơ quan tổ chức Nhà nước như Công an, Tòa án, thi hành án… và dùng các số điện thoại khác nhau nhắn tin cho ông T và bà B đe dọa ông bà liên quan đến vụ án bà Trần Kim L. “buôn lậu vàng”. Nếu không muốn đi tù thì đưa tiền cho Hạnh chạy án. Vụ việc được Hạnh dẫn dắt tuần tự trong một thời gian dài và kín kẽ khiến ông T và bà B không thể thoát ra.
Cú lừa siêu đẳng của cô con dâu người bạn
Bi kịch của ông T., bà B. bắt đầu từ năm 2008, khi Hạnh về làm dâu bà L, bạn thân của bà B. Thấy con dâu của bạn thân ưa nhìn, hoạt bát nên bà B. rất quý mến. Đầu năm 2015, Hạnh mượn bà B 100 triệu để kinh doanh trái cây. Sau đó, Hạnh nhiều làn gặp riêng bà B để tâm sự chuyện gia đình cũng như chuyện làm ăn.
Hạnh nói cần tiền để hùn vốn kinh doanh khách sạn A trên đường Lê Văn Sỹ, Q3 và đề nghị bà B cho mượn. Để tạo niềm tin, mỗi lần mượn tiền, Hạnh đều đưa cho bà B giữ giùm những món nữ trang đắt tiền, có đính đá quý. Hạnh úp mở, số nữ trang trên là của bà L – chủ một doanh nghiệp kinh doanh vàng ở chợ Tân Định, Q.1.
Đầu năm 2016, bà B nhắc Hạnh trả nợ (lúc này đã lên tới khoảng 1,7 tỷ đồng). Hạnh nói dối bà B là Hạnh cho bà L mượn số tiền trên để kinh doanh vàng và bà L buôn lậu vàng, đã bị công an Q.3 bắt, sắp ra tòa. Tại cơ quan công an, bà L khai bà B có liên quan vì đang giữ một số vòng vàng nữ trang nhập lậu. Tuy nhiên, Hạnh đã tìm một người khác giả danh bà B làm việc với cơ quan Công an và tòa án nên bà B thoát tội.
Lê Thị Mỹ Hạnh
Do cần tiền để đánh bạc và tiêu xài, Hạnh tiếp tục dùng sim rác điện thoại cho bà B, tự xưng là luật sư của người đóng thế bà B. Người đó đang nằm viện nên cần bà B giúp đỡ, nếu không sẽ khai với công an việc đóng thế bà B trong vụ án “buôn lậu vàng”.
Do lo sợ, bà B nhiều lần chuyển tiền cho vị “luật sư” tổng công 350 triệu đồng. Hạnh nhờ ông Trần Hoàng Bá - hành nghề xe ôm - ở gần nhà Hạnh đến nhận tiền thay. Cũng trong thời gian này, Hạnh giới thiệu với bà B một người tên Khang (tên thật là Dương Hoài Phong, ở An Giang) là sếp của Hạnh ở khách sạn A - nơi Hạnh hùn vốn kinh doanh.
Sau đó, Hạnh giả danh Khang nhắn tin và cho người mang đến đưa bà B một biên nhận, nội dung Hạnh ủy quyền cho bà B nhận tiền cổ tức khoảng 3 tỷ đồng được chia lợi nhuận ở khách sạn A, do Hạnh đang bị công an tạm giữ.
Bà B đang hoang mang chưa hiểu gì thì Hạnh điện thoại, xác nhận nợ bà B 2,1 tỷ đồng. Hạnh nhờ bà B đi lấy tiền cổ tức, cấn trừ số nợ, còn lại giữ giùm Hạnh. Điện thoại cho bà B xong, Hạnh tiếp tục giả danh Khang nhắn tin với bà B nói muốn nhận tiền phải bỏ ra 1 khoản để lo thủ tục. Bà B cả tin lại chuyển tổng cộng 819 triệu đồng cho Khang. Nhận tiền xong, Khang nhắn tin cho bà B biết mới bị công an bắt nên không đến khách sạn A để lấy tiền được.
Thấy vụ việc quá phức tạp, vợ chồng ông T và bà B định làm đơn gửi đến cơ quan công an nhưng Hạnh xuất hiện cho biết nếu ông bà tố cáo đến công an thì việc có người giả danh bà B làm việc với cơ quan công an sẽ bị lộ, số tiền Hạnh đầu tư tại khách sạn A cũng không lấy lại được.
Để cho bà B tin, Hạnh viết luôn tờ giấy “cam kết” ghi Hạnh sở hữu 6,119 tỷ đồng tại khách sạn A. Hạnh nhờ bà B đến ngân hàng ACB nhận giùm số tiền trên với thù lao là 2 triệu đồng. Hạnh nói mình không thể đi nhận tiền do thiếu nợ nhiều người. Hạnh đưa cho bà B một thẻ tiết kiệm hơn 5 tỷ đồng tại ngân hàng MB để làm tin. Vợ chồng bà B nhờ người kiểm tra và phát hiện Hạnh không có tài khoản mở tại ngân hàng MB.
Bà B điện thoại cho Hạnh thắc mắc thì Hạnh cho biết sẽ kiểm tra lại. Vài ngay sau, có người tên Trung liên lạc với bà B xưng là thủ quỹ của khách sạn A, Trung cho bà B biết toàn bộ tiền của Hạnh đã chuyển qua ngân hàng Á Châu. Hạnh đến nhà bà B đưa phiếu hẹn của ngân hàng Á Châu hẹn bà B ra lấy số tiền 6,119 tỷ đồng. Phiếu hẹn có đóng dấu của ngân hàng.
Kịch hạ màn
Chưa kịp đi ngân hàng lãnh tiền thì có một người mặc sắc phục công an đến nhà bà B chơi, tự xưng là công an P.13, Q.3. Người này nói chuyện bâng quơ, hỏi ông bà có biết vụ án tiệm vàng Trần Kim L không(!?). Chính câu hỏi này làm cho vợ chồng bà B càng tin tưởng là vụ án có thật nên càng không dám tố giác Hạnh.
Ruột gan đang rối bời vì lo lắng thì bà B lại nhận được điện thoại của một người xưng tên Thành, cán bộ Công an Q.3. Người này đề nghị vợ chồng bà B chi 30 triệu để dàn xếp, giúp không còn liên quan đến vụ án tiệm vàng. Cho người đến nhận 30 triệu đồng xong, vị công an tên Thành tiếp tục thông báo chỉ có ông ta mới có thể giúp bà B nhận số tiền hơn 6,1 tỷ đồng của Hạnh tại khách sạn A, nhưng để nhận số tiền này thì bà B phải nộp 3,2 tỷ đồng. Nóng lòng muốn lấy lại số tiền đã cho Hạnh vay nên bà B đồng ý. Tổng cộng, ông bà B đã giao cho vị "công an" tên Thành 2,9 tỷ đồng và 1 đôi bông tai.
Trong giai đoạn này, Hạnh làm nhiều giấy tờ giả danh các cơ quan công quyền thể hiện bà B liên quan vụ án “buôn lậu vàng của Trần kim L" để đưa cho bà B xem. Tháng 7-2017, Hạnh tung chiêu nói là Thủ tướng đặc biệt quan tâm đến vụ án này nên sẽ đích thân vào kiểm tra.
Hạnh nói vợ chồng bà B chi cho Hạnh 500 triệu đồng để Hạnh lo lót. Kiệt quệ về tài chính, bà B đưa cho Hạnh 250 triệu đồng, Hạnh giả nhân nghĩa bảo Hạnh sẽ bù thêm 250 triệu.
Bộ mặt lừa đảo của Hạnh bị lật tẩy khi ông T đọc báo thấy Thủ tướng đang có chuyến công tác tại nước ngoài. Nghi ngờ nàng dâu quý hóa của người bạn lừa đảo, ông T đích thân đi kiểm tra thì được biết không hề có tiệm vàng Kim L, càng không có vụ buôn lậu vàng nào đang được cơ quan công an điều tra.
Đến nước này vợ chồng ông T bà B mới bừng tỉnh, điện thoại cho Hạnh. Biết bị bại lộ, Hạnh tắt máy, bỏ trốn. Như vậy, vụ lừa đảo diễn ra trong thời gian dài gần 2 năm, tổng cộng số tiền vợ chồng bà B bị Hạnh lừa đảo lên đến gần 9 tỷ đồng.
Nhận đơn tố cáo, Công an TPHCM vào cuộc điều ra, bắt giữ cao thủ lừa đảo Lê Thị Mỹ Hạnh.