(CATP) Đầu tháng 6-2020, bà Quách Ngọc D. (SN 1956, ngụ Q1) đang ở nhà thì nhận được điện thoại của một phụ nữ xưng tên Nguyễn Thị Mai Phương - nhân viên nhà mạng Mobifone Hà Nội. Để tạo niềm tin, Phương còn đọc cả mã nhân viên mang số 30678.
Sau đó, Phương cho biết vào tháng 1-2020, bà D. có đến TP.Hà Nội để đăng ký số ĐTDĐ 0933350738 ở văn phòng Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội. Phương bảo bà D. phải trình báo với cơ quan điều tra Bộ Công an để nhờ họ xác nhận là bà không mở số điện thoại trên.
Chưa kịp để bà D. giải thích, ngay lập tức Phương kết nối điện thoại với phía công an và được một người đàn ông xưng tên Phạm Văn Dũng - đại úy Cảnh sát điều tra của Bộ Công an (C01) bốc máy. Vị đại úy này liên tục đưa ra những thông tin cá nhân của bà D. tỏ như lòng bàn tay khiến nạn nhân không khỏi chột dạ.
Mấy ngày sau đó, vị "đại úy" nhiều lần hù dọa, bảo bà D. liên quan đến đường dây buôn ma túy xuyên quốc gia mà đơn vị họ đang điều tra. Dũng còn cho biết qua xác minh có chứng cứ cho thấy bà D. là một mắt xích của đường dây phạm tội tầm cỡ. Để cáo buộc bà D., ngay sau đó Dũng kết nối máy với trưởng ban chuyên án tên Nguyễn Thanh Tùng và Hồ Thị Thanh Hương - Phó viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Hà Nội.
Tin nhắn cùng giấy xác nhận của viện kiểm sát dỏm mà kẻ gian lừa bà D.
Sau khi khai thác một số thông tin, những vị "cán bộ" này liên tục thăm dò, nói vì bà D. liên quan đến tổ chức tội phạm quốc tế và hoạt động "rửa tiền", hiện có số dư khá lớn trong tài khoản, buộc bà phải khai thật số tiền hiện có. Với suy nghĩ "cây ngay không sợ chết đứng", bà D. một mực khẳng định mình không có số tiền lớn nào phát sinh ngoại trừ số tiền tiết kiệm, tích cóp sau nhiều năm làm việc vất vả. Số tiền này đang được bà gửi tiết kiệm ở 2 ngân hàng khác nhau.
Những vị "cán bộ" này đều bác bỏ mọi thông tin bà D. đưa ra và cho biết để chứng minh rằng mình vô tội, bà phải chuyển toàn bộ số tiền tiết kiệm gửi tại 2 ngân hàng để họ tiến hành xác minh. Công đoạn này sẽ kéo dài chỉ vài ngày, sau khi hoàn tất họ sẽ chuyển tiền trả lại bà. Ngoài ra, Tùng - Hương - Dũng còn "bật mí” do vụ việc đang trong quá trình điều tra nên mọi thông tin trao đổi giữa họ với bà D. phải hoàn toàn giữ bí mật, không tiết lộ với bất kỳ ai kể cả người thân trong gia đình. Ngoài ra, bà đi đâu, làm gì đều phải nhắn tin báo cáo để họ giám sát.
Sau khi đưa ra hàng loạt các yêu sách, những người này tiếp tục yêu cầu bà D. phải mở một tài khoản Internet banking, nhưng khi mở tài khoản phải đăng ký theo số điện thoại mà họ cung cấp là 0563977957. Tùng - Hương còn cho biết số điện thoại để mở tài khoản là của thanh tra chính phủ và chỉ họ mới có thể giám sát tài khoản của bà D. để kiểm tra xem thực hư số tiền bà có là tiền sạch hay do phạm tội mà có.
Để chứng minh mình trong sạch, bà D. đã rút toàn bộ số tiền 438 triệu đồng trong 2 sổ tiết kiệm rồi nộp vào tài khoản mới mở và làm theo mọi sự hướng dẫn từ các vị "cán bộ cấp cao". Tuy nhiên, sau khi tiền đã chuyển đi thì nhóm người này lập tức cắt đứt liên lạc. Cả bầu trời như sụp đổ khi bà D. biết mình đã sa vào kế gian của những tên tội phạm chuyên nghiệp nên đến cơ quan công an trình báo.
*Cùng là nạn nhân của ê-kíp "nhân viên bưu điện - công an - viện kiểm sát" dỏm còn có ông Nguyễn Văn Dũng (SN 1959). Ngày 20-6, ông Dũng nhận được điện thoại của của nhân viên bưu điện VNPost chỉ trích rằng, vì sao ông không nhận bưu kiện của Tòa án nhân dân Q.Ba Đình gửi nội dung tòa triệu tập ông Dũng để giải quyết món nợ ông vay của Ngân hàng Á Châu (Q.Ba Đình) với số tiền gần 47 triệu đồng.
Đang yên đang lành, tự nhiên bị ôm cục nợ khiến ông Dũng vô cùng bức xúc. Thấy vậy, nhân viên bưu điện nói ông có muốn khiếu nại không để họ giúp. Ngay lập tức, nữ nhân viên này nối máy cho thiếu úy công an Phòng Cảnh sát hình sự Hà Nội và cho biết, ông Dũng đã bị người khác lợi dụng lấy giấy tờ, hiện họ nghi vấn ông liên quan đến hoạt động "rửa tiền" của tổ chức tội phạm ma túy quốc tế. Theo điều tra, họ được biết trong tài khoản của ông Dũng có số dư 6 tỷ đồng. Chính vì vậy, cơ quan CSĐT đã ra quyết định tống đạt bắt tạm giam ông 4 tháng để tiến hành điều tra.
Thế nhưng sau khi trao đổi thấy ông Dũng tỏ ra hợp tác và thành khẩn khai báo nên họ sẽ cho ông nộp một khoản tiền để tự bảo lãnh. Tin tưởng toàn bộ những lời dẫn dắt của vị thiếu úy công an, ông Dũng đã đến ngân hàng chuyển khoản hơn 87 triệu đồng vào tài khoản mà họ cung cấp. Chỉ đến khi tiền đã gửi và gã thiếu úy bặt vô âm tín, ông Dũng mới ngã ngửa khi biết mình bị sập bẫy kẻ gian thì đã muộn.