Chiêu lừa mới nhắm vào người bán hàng trực tuyến

Thứ Ba, 09/06/2020 15:18

|

(CATP) Bộ Công an và các ngân hàng thương mại cổ phần vừa đăng thông tin cảnh báo người bán hàng online, đặc biệt là các cá nhân kinh doanh, giao dịch qua hệ thống chuyển tiền quốc tế, cần cảnh giác với thủ đoạn của bọn tội phạm chiếm đoạt tiền bằng cách đánh cắp mật khẩu OTP (mật khẩu giao dịch 1 lần).

Theo đó, người dân chỉ thực hiện giao dịch trên các website chính thức, công khai của các tổ chức tài chính, ngân hàng. Tuyệt đối không cung cấp mã OTP cho người khác.

CHIÊU LỪA CỦA “VIỆT KIỀU” DỎM

Anh Nguyễn Quốc Cường (ngụ Q.Thủ Đức, TPHCM) có trang cá nhân bán thực phẩm chức năng, mỹ phẩm Nhật xách tay... trực tuyến qua mạng xã hội Facebook. Khách hàng của anh có cả người quen và khách lạ trong cả nước.

Cuối tháng 5 vừa qua, anh Cường nhận được tin nhắn qua Messenger từ tài khoản mang tên “Vu Van Duc”, hỏi mua mặt hàng collagen Shisheido dùng để uống. Người này đặt 5 hộp collagen, với số tiền là 3,5 triệu đồng. “Vu Van Duc” cho biết, đang sống ở nước ngoài, muốn mua sản phẩm để tặng nên sẽ chuyển khoản trả tiền trước, rồi đưa địa chỉ người thân tên Hương tại Việt Nam để anh Cường chuyển hàng sau.

Anh Cường không chút nghi ngờ, gửi số tài khoản cho “Vu Van Duc”. Ít phút sau, anh nhận được tin nhắn qua Messenger, vị khách trên thông báo đã chuyển tiền xong, kèm hình chụp hóa đơn chuyển tiền của ngân hàng. Khách giải thích việc trả tiền phải thực hiện qua dịch vụ chuyển tiền quốc tế Western Union do đang sống ở nước ngoài. “Vu Van Duc” gửi cho anh Cường một đường link, bảo anh truy cập đường link này, nhập số tài khoản ngân hàng, mật khẩu và mã OTP để nhận tiền.

Do thường xuyên theo dõi các phương tiện thông tin đại chúng, anh Cường cảnh giác, không điền mã OTP theo hướng dẫn của “Vu Van Duc”, mà gọi điện ngay cho đường dây nóng của Ngân hàng Vietcombank để tham vấn.

Sau khi nghe nhân viên ngân hàng giải thích rằng hoàn toàn không có bất cứ dịch vụ nhận tiền chuyển nào mà anh phải điền mã OTP, trừ khi anh chuyển tiền đi hoặc thanh toán mua hàng bằng thẻ tín dụng ngay trên trang web hoặc ứng dụng của Ngân hàng Vietcombank trên điện thoại. Anh Cường mới hiểu mình suýt bị kẻ gian lừa đảo. Khi anh liên lạc lại với tài khoản “Vu Van Duc” thì tài khoản này đã chặn tài khoản của anh.

Tin nhắn dẫn dụ nạn nhân điền mật khẩu OTP (ảnh Website Bộ CA)

MỘT CÚ CLICK CHUỘT, 50 TRIỆU ĐỒNG “BỐC HƠI”

Không tỉnh táo như anh Cường, chị Vũ Thị K.T. (ngụ P4, TP.Vũng Tàu, Bà Rịa - Vũng Tàu) bị lừa mất 50 triệu đồng. Chị T. bán hàng mỹ phẩm và chăm sóc sức khỏe trên mạng Facebook. Ngày 13-5-2020, chị nhận được tin nhắn qua Messenger từ chị ruột của người bạn thân là Linh Vũ, giới thiệu khách hàng là chủ tài khoản “Minh Quý Bùi”. Sau đó, “Minh Quý Bùi” liên hệ với chị T., tự xưng là Việt kiều, đang sống ở nước ngoài, đặt mua 5 sản phẩm nước trái cây, tổng cộng là 5 triệu đồng, để gửi cho người thân ở Việt Nam.

Khoảng 30 phút sau, tài khoản “Minh Quý Bùi” nhắn tin cho chị T., gửi kèm link, hình chụp đang làm thủ tục chuyển tiền và bảo chị T. truy cập đường link, nhập số tài khoản ngân hàng, mật khẩu, mã OTP để nhận tiền. Chị T. làm theo. Ít phút sau, chị nhận được mã OTP do Ngân hàng Vietcombank gửi. Cùng lúc đó, chị nhận được cuộc gọi từ số 0562805901 của một người đàn ông, hướng dẫn chị nhập mã OTP ngân hàng gửi qua tin nhắn điện thoại để làm thủ tục nhận tiền.

Sau khi làm theo hướng dẫn của gã, chị T. hoảng hốt khi nhận được tin nhắn từ ngân hàng, thông báo tài khoản của chị bị rút 50 triệu đồng để chuyển sang tài khoản số 700016780574 của “LAMNHON” tại Ngân hàng TNHH Thương mại Shinhan Việt Nam. Chị T. chưa kịp phản ứng thì nhận tiếp cuộc gọi từ người đàn ông vừa nãy, tự xưng là nhân viên của Ngân hàng Vietcombank - ủy quyền liên kết với Western Union, giải thích rằng ngân hàng phải “đóng băng” số dư tài khoản của chị, rồi mới gửi cho chị số tiền 5 triệu đồng từ nước ngoài.

Một phút sau, chị T. lại nhận thông báo từ ngân hàng vì bị tất toán một tài khoản tiết kiệm khác, với số tiền hơn 20 triệu đồng, đồng thời nhận cuộc gọi của gã đàn ông trên, hối thúc chị đọc mã OTP được ngân hàng gửi đến điện thoại di động. Chị T. kiểm tra, thấy tin nhắn thông báo đang thực hiện giao dịch chuyển số tiền hơn 20 triệu đồng sang ngân hàng khác.

Lúc này, biết mình bị lừa, chị T. lập tức đến Ngân hàng Vietcombank, đề nghị khóa thẻ và tài khoản. Nhờ đó, chị không bị mất thêm 20 triệu đồng. Còn số tiền 50 triệu đồng của chị đã bị bọn tội phạm chuyển sang một tài khoản khác nữa, nên ngân hàng không thể thu hồi. Liên hệ lại với bạn, chị T. mới biết tài khoản “Linh Vũ” đã bị hacker chiếm trước đó không lâu.

Anh Bùi Xuân Thành (ngụ P7, TP.Vũng Tàu) kinh doanh sản phẩm máy hút chân không qua mạng. Lúc 11 giờ 28 ngày 1-4- 2020, anh nhận tin nhắn mua hàng từ tài khoản “Khuat Duy Chuc”. Vị khách này cho biết, đang ở Úc, muốn mua máy gửi cho bạn ở TP.Quy Nhơn (Bình Định).

Đối tượng bảo anh Thành cung cấp tài khoản ngân hàng và số điện thoại để chuyển khoản trước. Sau đó, tài khoản trên nhắn tin, báo đã chuyển tiền, đồng thời hướng dẫn anh Thành truy cập vào một đường link, điền số tài khoản, mật mã và mã OTP để nhận tiền. Làm theo hướng dẫn, anh Thành nhận được tin nhắn từ ngân hàng, thông báo tài khoản của anh bị trừ 20 triệu đồng. Không thể liên lạc với tài khoản “Khuat Duy Chuc”, biết mình bị lừa, anh Thành đành nhờ Ngân hàng VPBank tạm khóa tài khoản và đến cơ quan công an trình báo.

Tang vật thu giữ một vụ lừa đảo

NHẬN TIỀN CỌC BẰNG ĐÔ LA, MẤT TOI 60 TRIỆU ĐỒNG

Anh T.V.Th. có căn hộ ở khu vực đắt đỏ nhất Q2. Do không gấp và không thích thông qua “cò”, anh rao bán nhà trên mấy trang chuyên bất động sản, ghi rõ “chính chủ giao dịch”. Cuối tháng 5-2020, có số điện thoại từ Mỹ (hiện rõ từ Fresno, California, Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ) gọi cho anh.

Người gọi điện xưng tên Linh, cho biết đang sống tại Mỹ, muốn mua nhà tại Việt Nam để sinh sống lâu dài. Linh tỏ ra ưng ý căn hộ của anh Th. và thương lượng về hợp đồng đặt cọc. Linh gửi cho anh Th. xem hình chụp “sổ hồng” một căn hộ của mình ở Hà Nội, cùng thẻ căn cước mang tên D.N.Linh (SN 1972, ngụ phường Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) để làm tin.

Sau khi đồng ý giá cả, Linh làm hợp đồng cọc, ký sẵn rồi gửi qua email cho anh Th. Các khâu mua bán nhà được Linh làm hết sức bài bản nên anh Th. không chút nghi ngờ. Sau khi đồng ý hợp đồng đặt cọc, Linh bảo anh Th. cung cấp số tài khoản ngân hàng và số thẻ căn cước để nhận tiền.

Ngay sau đó, anh Th. nhận tin nhắn của Linh, với nội dung: “Anh kiểm tra có phiên lệnh giao dịch hệ thống báo về cho anh chưa”. Anh Th. chưa kịp trả lời thì Linh gọi điện trực tiếp hướng dẫn bên bán truy cập đường link do mình gửi, đồng thời điền mã OTP nhận được từ ngân hàng anh Th. mở tài khoản.

Khi anh Th. thắc mắc vì sao chuyển tiền mà rắc rối như thế thì Linh giải thích do tài khoản của anh là tài khoản nội địa, y chuyển khoản bằng USD nên phải làm thủ tục để quy đổi từ USD qua tiền Việt thì anh mới nhận được. Tin lời hắn, anh Th. thao tác theo hướng dẫn. Ngay sau khi anh Th. điền mã OTP của ngân hàng vào đường link, anh nhận được tin nhắn của ngân hàng, thông báo tài khoản của anh vừa bị trừ 60 triệu đồng. Liên lạc với “vị khách ở Mỹ” nhiều lần không được, anh Th. mới biết mình đã sụp bẫy của gã.

Cổng thông tin điện tử Bộ Công an vừa đăng cảnh báo, thời gian qua, lực lượng công an phát hiện một thủ đoạn mới của các đối tượng phạm tội, nhằm chiếm đoạt tài sản của người bán hàng online, các hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh vừa và nhỏ. Thủ đoạn chúng sử dụng là giả người Việt Nam ở nước ngoài, đặt mua hàng online với số lượng hàng hóa lớn, giá trị tài sản cao. Chúng gợi ý trả tiền trước thông qua dịch vụ chuyển tiền quốc tế Western Union.

Để các nạn nhân tin tưởng, bọn tội phạm làm giả hóa đơn, chứng từ tiếp nhận tiền của dịch vụ Western Union rồi chụp hình, gửi qua tin nhắn cho nạn nhân. Nếu sơ ý không kiểm tra cẩn thận, người bán hàng online ở trong nước tưởng rằng khách hàng đã thực hiện lệnh chuyển tiền. Sau đó, các đối tượng gửi một đường link giả mạo website của dịch vụ Western Union, dẫn dụ người bán hàng đăng nhập vào đường link, điền tên, tuổi, địa chỉ, mã số thẻ ngân hàng... để làm thủ tục rút tiền.

Sau khi có được thông tin tài khoản, các đối tượng sẽ thực hiện giao dịch chuyển tiền từ tài khoản của bị hại vào tài khoản của chúng. Tuy nhiên, để hoàn tất việc chuyển tiền, bắt buộc phải có mã OTP do ngân hàng cung cấp cho chủ tài khoản. Chúng giả mạo tin nhắn của Western Union, yêu cầu nhập mã OTP. Cùng lúc đó, ngân hàng trong nước sẽ gửi mã OTP vào điện thoại của chủ tài khoản. Khi họ điền mã OTP này vào website giả mạo, các đối tượng nhanh chóng hoàn tất thủ tục rút tiền để chiếm đoạt.

Bình luận (0)

Lên đầu trang