(CAO) Do ảnh hưởng dịch Covid-19, người dân có thói quen chuyển sang hình thức giao dịch, kinh doanh trực tuyến thông qua internet, mạng xã hội, lợi dụng vào đó, hoạt động lừa đảo, chiếm đoạt tài sản gia tăng, với nhiều thủ đoạn tinh vi hơn.
Tại địa bàn Gia Lai, từ đầu năm 2020 đến nay, Công an các địa phương đã tiếp nhận nhiều phản ánh của người dân, về việc bị các đối tượng không quen biết sử dụng mạng viễn thông, mạng xã hội để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Nhiều vụ lừa đảo xảy ra với số tiền lớn.
Một nạn nhân chia sẻ với PV về việc mình bị lừa mất 30 triệu đồng qua điện thoại
Nổi lên là trong thời gian dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều thủ đoạn lừa đảo “ăn theo” dịch bệnh cũng xuất hiện. Phổ biến nhất là tình trạng các đối tượng mở tài khoản cá nhân, đăng tin rao bán các mặt hàng thiết yếu, khan hiếm, hoặc thuê nhân công lắp ráp, gia công các mặt hàng tại nhà. Đặc điểm chung là yêu cầu nạn nhân chuyển khoản trước tiền đặt cọc, sau đó chiếm đoạt luôn.
Chị T.T.M.T (SN 1992, ngụ P.Phù Đổng, TP.Pleiku, Kon Tum) phản ánh, do dịch bệnh nên nghỉ việc ở nhà, chị T. lên mạng xã hội và được một tài khoản facebook mang tên Ngọc Hân mời gọi gia công lắp ráp ruột bút bi tại nhà cho một Công ty có địa chỉ tại TP.Hồ Chí Minh. Với một thùng 1000 cây bút bi, chị T. sẽ nhận được số tiền công là 6 triệu đồng.
Tuy nhiên, để nhận được hàng gia công, chị T. phải chuyển cọc trước số tiền 400.000 đồng bằng hình thức nhắn tin số thẻ cào điện thoại. Khi chị T. xin số tài khoản ngân hàng để chuyển khoản thì không được chấp nhận. Thấy nghi ngờ, chị T. lên mạng tìm hiểu về địa chỉ Công ty nói trên, thì không tìm thấy nên biết đây là hình thức lừa đảo.
Dù không quen biết nhưng chị H. vẫn được mời gọi làm gia công bút bi, nhưng phải đặt cọc trước
Còn mới đây, chị N.T.M.H (SN 1982, ngụ P.Phù Đổng, TP.Pleiku) bị một số đối tượng giả danh điều tra viên Cơ quan CSĐT Công an và Kiểm sát viên Viện kiểm sát tối cao sử dụng điện thoại gọi điện, lừa chị H. liên quan đến vụ án ma túy xuyên quốc gia, rồi bắt chị chuyển vào tài khoản chúng. Chị H. đã làm theo và mất luôn hơn 580 triệu đồng.
Trước tình hình gia tăng của các loại tội phạm lừa đảo trên không gian mạng, Phòng Cảnh sát hình sự đã lập chuyên án đấu tranh với các đối tượng sử dụng mạng viễn thông, mạng Internet thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên địa bàn.
Kết quả đã khởi tố 1 vụ án, khởi tố, bắt tạm giam Mai Thế Dũng (SN 1987, ngụ TP.Kon Tum, tỉnh Kon Tum) về hành vi giả danh người khác, gọi điện cho người thân của bị hại để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Hiện Công an tỉnh cũng đang tiếp tục thụ lý, điều tra 2 vụ việc liên quan đến hành vi lừa đảo trên không gian mạng.