Chiều 28/9, bão chuyển tâm áp thấp nhiệt đới hướng sang Lào, cấp 6, giật cấp 7; sau đó di chuyển và suy yếu thành một vùng áp thấp ở Thái Lan.
Những ngày qua nhân dân cả nước hồi hộp, lo lắng khi thông tin cảnh báo về cơn bão số 4 (Noru) đổ bộ vào nước ta, ảnh hưởng trực tiếp dải đất miền Trung - Tây Nguyên.
Sáng 28/9, tin bão giảm cấp, suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới khiến nhiều người thở phào nhẹ nhõm.
Hình ảnh vệ tinh ghi nhận tâm
bão Noru lúc đang "làm mưa làm gió" ở miền Trung m
Từ sáng sớm 28/9, tâm bão Noru đã đổ vào đất liền khu vực từ tỉnh Thừa Thiên - Huế đến Quảng Ngãi, gây gió giật mạnh và mưa lớn ở nhiều nơi, tại hầu hết các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên, quần thảo nhiều tiếng trên đất liền rồi suy yếu.
Tỉnh đầu tiên bị ảnh hưởng là Quảng Trị. Chiều 27/9, nhiều quầy hàng, nhà dân tại chợ Cửa Việt (TT.Cửa Việt, H.Gio Linh) bất ngờ bị dông lốc cuốn đổ tường, tốc mái, tài sản bị cuốn phăng.
Người dân dù đã có sự chuẩn bị, dọn hàng, nhà cửa để chuẩn bị đối phó với bão nhưng vẫn trở tay không kịp. Ghi nhận, khoảng trên 100 hàng quán ven biển và 120 nhà dân tại Quảng Trị bị tốc mái, sập tường (trong đó 2 ngôi nhà sập hoàn toàn), 4 người bị thương đã được đi cấp cứu tại cơ sở y tế.
Báo cáo ban đầu tại H.Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế có 1 nhà bị sập, 10 nhà tốc mái, 1 trường hợp bị thương nhẹ. Ngoài ra, 3 người khác trong tỉnh cũng bị thương trong khi tránh bão. Tại các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, nhiều nhà dân thiệt hại về tốc mái nhà, cây đổ (chưa thống kê được số lượng cụ thể), một số huyện tại Quảng Ngãi bị mất điện.
Tại các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, một số tuyến đường đèo sạt lở, nước lũ gây cô lập nhiều nơi; một số nơi, cây xanh ngã đổ.
Sáng sớm 28/9, bà Nguyễn Thị Trì (SN 1958, trú xã An Phú, TP.Pleiku - Gia Lai) trên đường đến Ngân hàng NN&PTNT (H.Đak Đoa) làm việc, đã tông phải cột điện đổ nghiêng trên đường dẫn đến tử vong.
Ngoài ra, 2 trường hợp khác là vợ chồng ông A Beo và bà Y Pên (SN 1973) trú xã Đắk Pet, H.Đắk Glei, chiều 27/9, hai vợ chồng đi xe máy lưu thông trên Quốc lộ 14 từ Quảng Nam về Kon Tum tránh bão và lo cho 2 con còn nhỏ, khi gần đến nhà thì xảy ra va chạm với xe khách biển số tỉnh Đắk Lắk do tài xế Ngô Thanh Vy (SN 1979) điều khiển theo chiều ngược lại. Hậu quả khiến vợ chồng ông A Beo tử vong tại chỗ.
Sau khi vụ tai nạn xảy ra, chính quyền các địa phương trên và các nhà hảo tâm đã hỗ trợ, lo hậu sự cho các nạn nhân.
Tại các tỉnh Tây Nguyên như Lâm Đồng, Đắk Lắk, Đắk Nông: Trước thông tin dự báo bão Noru sẽ đổ bộ, gây ảnh hưởng nghiêm trọng một số tỉnh ở Trung Bộ và Tây Nguyên; từ ngày 25/9, Bí thư, Chủ tịch UBND các tỉnh trên đã ban hành các chỉ đạo, Công điện hoả tốc, huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, khẩn trương triển khai nhiều biện pháp ứng phó với cơn bão.
Giao Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Công an tỉnh chỉ đạo, phối hợp các ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, các đơn vị trực thuộc bố trí lực lượng, phương tiện sẵn sàng hỗ trợ các địa phương trong tỉnh triển khai công tác ứng phó với mưa lũ; chủ động sơ tán người dân ra khỏi nơi nguy hiểm, đảm bảo an toàn; có phương án phòng chống lũ, tránh thiệt hại về người và tài sản.
Sở NN&PTNT tổ chức kiểm tra, rà soát và có biện pháp bảo đảm an toàn hệ thống công trình kênh, mương, hồ chứa, thủy lợi, thuỷ điện; chủ động ứng phó bão lũ.
Nội dung các Công điện yêu cầu UBND các huyện, thành phố, đơn vị liên quan tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến của cơn bão, bố trí lực lượng túc trực 24/24h trong thời điểm xảy ra bão số 4; kịp thời chỉ đạo, triển khai công tác phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn theo phương châm “bốn tại chỗ”, “ba sẵn sàng"; thực hiện nghiêm các Công điện 855/CĐ-TTg, 865/CĐ-TTg vào các ngày 25 và 27/9/2022 của Thủ tướng Chính phủ; yêu cầu các bộ, ban, ngành, cấp ủy, chính quyền các cấp, các địa phương và người dân tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, đồng thời không hoang mang, mất bình tĩnh trước diễn biến của bão; tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện các biện pháp ứng phó bão số 4 với tinh thần khẩn trương, quyết liệt nhất, không để bị động, bất ngờ; tập trung ứng phó khẩn cấp với cơn bão số 4, đặt mục tiêu bảo đảm an toàn cho người dân lên trên hết.
Bão Nỏu đổ bộ Cù Lao Chàm, Quảng Nam
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai, tính đến ngày 28/9, các tỉnh, thành phố từ Quảng Trị đến Bình Định, Kon Tum đã sơ tán hơn 90.000 hộ dân, tương ứng trên 250.000 người đến nơi an toàn.
Nhiều tỉnh, thành phố từ Quảng Trị đến Bình Định và Gia Lai, Kon Tum đã cho học sinh nghỉ học từ ngày 27/9. Một số địa phương cũng cho cán bộ, công nhân viên nghỉ làm ngày 27-28/9. Người dân các khu vực nằm trong vùng ảnh hưởng của bão được khuyến cáo tiếp tục trú ẩn nơi an toàn, không ra đường cho đến khi bão tan bởi nguy cơ gió giật, mưa lớn có thể tiếp diễn bất kỳ lúc nào.
Sáng 28/9, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành (Trưởng ban chỉ đạo tiền phương ứng phó bão số 4 Noru) trực tại Ban chỉ huy tiền phương ở Thừa Thiên Huế đã tổ chức họp trực tuyến với các địa phương, tiếp tục chỉ đạo công tác ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhận định nhờ công tác chuẩn bị công phu, bài bản của các địa phương; cùng đó, bão Noru giảm cấp, suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới đã giảm thiểu thiệt hại gây ra.
Phó Thủ tướng chỉ đạo, nhiệm vụ trước mắt là các địa phương phải khẩn trương rà soát các điểm có thiệt hại, các khu dân cư có nhà bị hư hỏng, hỗ trợ cho bà con để dựng lại nhà cửa, cơ sở lưu trú, kinh doanh. Các khu vực cây cối bị đổ, ảnh hưởng đến giao thông, cần khẩn trương khắc phục, cắt tỉa cành, thu dọn, tránh "bẫy" người, dân phương tiện lưu thông.
"Kinh nghiệm là đã trả giá qua một số cơn bão nên phải hết sức thận trọng, không được lơ là, chủ quan. Thiệt hại sau bão gây ra còn lớn hơn so với bão diễn ra. Việc cho các cháu đi học lại phải đảm bảo tuyệt đối an toàn; kiểm tra, khắc phục cầu cống, đường xá. Trời yên biển lặng hẳn mới cho các cháu đi học", Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh.
Cây cầu Đăk Long (Kon Tum) bị ngập sâu khoảng 1m, khiến giao thông bị chia cắt trên tuyến đường Hồ Chí Minh
Ngọc Hà - Tú Uyên - Chí Dũng