Vì sao đấu thầu vàng thất bại?
Từ cuối tháng 12/2023, khi thấy những vấn đề của giá vàng, đặc biệt giá vàng trong nước chênh lệch với giá vàng thế giới từ 18 đến 20 triệu đồng/lượng, Thủ tướng Chính phủ có công điện yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) có biện pháp giải quyết vấn đề, ổn định thị trường vàng.
Liên tục sau đó cho đến nay, Thủ tướng Chính phủ phát đi nhiều công điện, chỉ đạo NHNN tìm cách ổn định thị trường vàng. Thực tế, các chỉ đạo của Chính phủ chỉ có tính chất hành chính, còn các biện pháp do NHNN tổ chức điều hành. Giải pháp của NHNN đưa ra từ đó đến nay là tổ chức đấu thầu vàng - biện pháp không mới, mà cách nay hơn 11 năm NHNN đã từng làm.
Thời điểm năm 2013, lần đầu tiên NHNN tổ chức đấu thầu vàng. Trong 1 năm đã có 76 phiên đấu thầu được tổ chức, chào bán tổng cộng 1.932.000 lượng vàng, bán thành công 1.819.900 lượng - tương đương 69,9 tấn vàng. Kết quả là ổn định được giá vàng. Thế nhưng tại sao ở thời điểm năm 2024, càng đấu giá vàng thì giá lại càng tăng, kéo theo mức chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế cũng tăng cao?
Giá vàng quốc tế đang ở chiều hướng tăng từ dưới 1.800 USD/ounce năm 2023, đến nay lên đến 2.300 USD/ounce
Giải thích câu hỏi này, cần nhớ ở thời điểm năm 2013, giá vàng trong nước đang cao hơn giá vàng thế giới 4,2 triệu đồng/lượng, trong khi giá vàng thế giới thời điểm đó đang giảm. Còn hiện nay tình hình kinh tế trong nước và thế giới khác biệt so với thời điểm 2013. Trong khi đó thời điểm hiện nay, NHNN ra quyết định tổ chức đấu thầu vàng khi giá vàng trong nước và thế giới liên lục leo thang. Ngoài ra, khoảng cách giữa giá vàng trong nước và thế giới cũng đã nới rộng hơn nhiều so với 11 năm trước. Giá vàng trong nước khi thực hiện đấu thầu cao hơn giá vàng thế giới đến 14 triệu đồng/lượng, càng tổ chức đấu giá vàng sự chênh lệch càng tăng, lên đến hơn 20 triệu đồng/lượng.
Các chuyên gia tài chính phân tích, việc đấu thầu vàng ảnh hưởng đến tỷ giá, vì đấu thầu vàng yêu cầu một lượng lớn ngoại tệ để nhập khẩu vàng, gây ảnh hưởng đến tỷ giá và lãi suất, tác động mạnh đến thị trường tài chính. Các chuyên gia cũng chỉ ra rằng, đấu thầu vàng chỉ giải quyết vấn đề nguồn cung, khó có thể giảm chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới.
Về mặt lý thuyết, đấu thầu vàng là giải pháp để tăng cung lượng vừa đủ trong dài hạn, qua đó "hạ nhiệt" giá về sát hơn với giá thế giới. Do đó, NHNN hình dung kịch bản một lượng vàng lớn được tung ra sẽ trung hòa được nhu cầu từ thị trường. Qua đó tạo ra tác động tâm lý khiến người dân e ngại rủi ro, bán ra thị trường, đẩy giá đi xuống. Nhưng thực tế, sau mỗi phiên đấu thầu thất bại, giá ngay trong phiên đều quay đầu đi lên bất chấp diễn biến thế giới, trái ngược với lý thuyết.
Đỉnh điểm ngày 10/5, giá vàng miếng SJC tăng vọt tới 3 - 4 triệu đồng/lượng dù giá thế giới đi ngang và giá vàng trong nước lại cao hơn hẳn so với thế giới đến 20 triệu đồng/lượng. Qua 2/5 phiên đấu giá vàng thành công vừa qua, đã đưa ra thị trường 6.800 lượng vàng miếng gần như đã được thị trường hấp thụ hết, với giá rất cao nhưng các doanh nghiệp (DN) trúng thầu vẫn lời, nhiều đơn vị hết hàng hoặc hạn chế lượng bán ra. Ngay cả SJC là đơn vị hai lần liên tiếp trúng thầu, cũng hết vàng miếng cục bộ hoặc giới hạn mỗi người chỉ được mua tối đa 1 lượng/ngày. Trong khi đó, 2.000 lượng vàng của một đơn vị kinh doanh lớn sau trúng thầu cũng được bán sạch ngay trong ngày 09/5.
Các ngân hàng trung ương trên thế giới đang tăng cường dự trữ vàng với tốc độ nhanh nhất trong vòng 13 năm trở lại đây (Ảnh: CNBC)
Nghịch lý, hay nói chính xác các DN trúng giá đấu thầu từ NHNN qua các phiên đấu thầu với giá thấp hơn khoảng 1 triệu đồng/lượng so với thị trường ở thời điểm đó và cao hơn 14 - 15 triệu đồng giá quốc tế. Với giá đó, người dân thấy rằng DN sẽ phải bán ra với giá cao hơn nữa. Và cũng với giá đó NHNN bán ra với giá cao hơn cả chục triệu đồng so với giá thế giới. Điều này tạo ra hiệu ứng tâm lý ngược trong ngắn hạn, đẩy giá vàng miếng tăng tốc, lên đến hơn 92,4 triệu đồng/lượng ngày 10/5, mức chênh lệch với giá vàng thế giới lên đến 20 triệu đồng, là mức kỷ lục từ trước đến nay. Với giá đó người dân vẫn xếp hàng tranh mua vàng vì tin rằng giá vàng còn tăng cao hơn nữa, có thể lên đến trên 100 triệu đồng/lượng.
Dự báo giá vàng thế giới vẫn còn tăng
Một số ngân hàng uy tín ở nước ngoài dự báo giá vàng sẽ lên từ 3.000 đến 3.200 USD/ounce. Nếu giá tăng đến mốc này, cộng với mức chênh lệch giá vàng SJC và thế giới (khoảng 15 - 17 triệu đồng/lượng) thì vàng SJC có thể lên tới 110 triệu đồng/lượng như giá tự tính toán của người đầu tư, hay cả người dân bình thường cũng có thể suy ra.
Cơ sở của sự tính toán này là do giá vàng quốc tế đang ở chiều hướng tăng từ dưới 1.800 USD/ounce năm 2023, đến nay lên đến 2.300 USD/ounce. Nên nhớ rằng giá vàng thế giới lúc tăng cao, tăng ít nhưng luôn luôn tăng, như năm 2012, đạt đỉnh 1.675 USD/ounce vào ngày 31/12/2012 và hơn 11 năm qua nó đạt đỉnh 2.300 USD/ounce như hiện nay.
Nhiều trang tin tài chính thế giới phân tích nguyên nhân giá vàng tăng, bao gồm xung đột địa chính trị ở nhiều nơi, sự bất đồng thương mại giữa các cường quốc, nhu cầu đa dạng hóa dự trữ ra khỏi đồng USD của một số ngân hàng trung ương, trong đó có Trung Quốc, khi Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) mua vàng liên tục 18 tháng liền, đưa tổng dự trữ lên trên 2.200 tấn, cộng với nhu cầu người dân Trung Quốc vẫn thường mua vàng đầu tư, góp lực đẩy đưa giá vàng tăng cao.
Giá vàng quốc tế còn có thể tăng nữa hay không khó có thể dự đoán và xu hướng tăng là khó tránh khỏi. Vấn đề lớn nhất hiện nay của Việt Nam là tìm biện pháp giảm mức chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới, để giá vàng trong nước liên thông với giá vàng quốc tế.
Theo chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa, nếu cho phép ngân hàng thương mại và các công ty kinh doanh vàng, bạc được nhập khẩu vàng, ngay lập tức trong 1 tuần, giá vàng trong nước sẽ giảm xuống, bằng giá vàng thế giới.
Đề xuất này có từ lâu cũng từ các chuyên gia, khẳng định cứ cho các DN có đủ điều kiện nhập vàng (bằng ngoại tệ của DN), lập tức sẽ san bằng được khoảng cách này. Nếu làm như vậy, các DN sản xuất và kinh doanh vàng miếng sẽ được lợi nhưng còn áp lực tỷ giá, ai chịu? Đừng nói ngoại tệ là của DN, bởi DN có nhiều cách để có ngoại tệ, làm sao không ảnh hưởng đến tỷ giá? Có ai, có cơ quan nào tính toán được tình trạng "chảy máu" ngoại tệ để nhập vàng lậu tồn tại nhiều năm qua, mà một số vụ mua bán vàng lậu qua biên giới đã được đưa ra xét xử? Giá chênh lệch vàng trong nước và thế giới càng cao, càng kích thích tình trạng nhập lậu vì siêu lợi nhuận và tất nhiên áp lực lên tỷ giá.
Thực tế hiện nay, tỷ giá USD biến động liên tục. Hiện giá USD được niêm yết tại các ngân hàng tăng trở lại sau thời gian hạ nhiệt, lên mốc 25.484 đồng/USD bán ra. Các DN cần thanh toán hay trả nợ bằng đồng USD than khó khăn, chật vật khi thu xếp dòng tiền. Thực tế, một số DN vay USD với lãi suất dao động trên dưới 3%, nay lên 4 - 5%, trên dưới 6 - 7%. Lúc vay USD chỉ hơn 24.000 đồng/USD nhưng nay đến lúc trả đã gần 25.500 đồng/USD. Trong khi đó DN bán hàng thu về bằng VND (bán hàng trong nước) nhưng lại phải trả tiền và lãi vay theo USD nên khó càng thêm khó. Với lãi suất và tỉ giá USD cứ tăng như hiện nay, nhiều DN làm không đủ trả nợ.
Đó là chưa kể giá USD tăng, giá vàng tăng, trước sau gì thị trường cũng lập mặt bằng giá mới, vì Việt Nam là quốc gia phụ thuộc vào việc nhập nguyên liệu để sản xuất, VND cũng mất giá theo, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân.
Yêu cầu NHNN phải khắc phục ngay tình trạng giá vàng trong nước và quốc tế chênh lệch ở mức cao
Ngày 11/5, Văn phòng Chính phủ ban hành văn bản thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái tại cuộc họp về các giải pháp quản lý thị trường vàng. Thông báo nêu rõ: NHNN đã triển khai các giải pháp quản lý thị trường vàng, tuy nhiên tình hình chưa có nhiều chuyển biến, giá vàng miếng trong nước tiếp tục tăng, tình trạng chênh lệch cao giữa giá vàng miếng trong nước và giá vàng thế giới chưa được khắc phục.
Để tăng cường hiệu quả các giải pháp quản lý thị trường vàng, Phó Thủ tướng yêu cầu NHNN và các bộ, cơ quan liên quan theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao tiếp tục thực hiện quyết liệt, nghiêm túc, đầy đủ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp quản lý thị trường vàng cả trước mắt và lâu dài theo ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo Chính phủ tại các Nghị quyết, Công điện, Chỉ thị và các văn bản có liên quan.
Yêu cầu NHNN khẩn trương rà soát, đánh giá toàn diện kết quả triển khai các giải pháp quản lý thị trường vàng để xem xét thực hiện kịp thời hơn, hiệu quả hơn các giải pháp, công cụ điều hành, bình ổn ngay thị trường vàng theo mục tiêu đề ra, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả, sát với tình hình thực tiễn.
NHNN phải khắc phục ngay tình trạng giá vàng miếng trong nước và giá vàng quốc tế chênh lệch ở mức cao, bảo đảm thị trường vàng hoạt động ổn định, hiệu quả, lành mạnh, công khai, minh bạch, đúng quy định pháp luật, không để "vàng hóa" nền kinh tế và ảnh hưởng đến ổn định kinh tế vĩ mô, an ninh tài chính tiền tệ quốc gia.
Yêu cầu NHNN khẩn trương thực hiện ngay việc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành đối với thị trường vàng, hoạt động của các DN sản xuất, kinh doanh vàng, các cửa hàng, đại lý phân phối và mua bán vàng miếng, việc tuân thủ các quy định liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh theo quy định tại Nghị định số 24, quy định pháp luật về cạnh tranh và các quy định pháp luật có liên quan, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả trong tháng 5/2024, không để chậm trễ hơn nữa.