Đề nghị truy tố nhóm cựu lãnh đạo Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn

Thứ Sáu, 10/05/2024 14:55

|

(CATP) Trước đây, Cơ quan CSĐT Công an TPHCM đã hoàn tất kết luận điều tra bổ sung và chuyển hồ sơ sang Viện KSND cùng cấp đề nghị truy tố nhóm bị can là lãnh đạo Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn (Resco) cùng về tội "vi phạm quy định về quản lý sử dụng tài sản gây thất thoát lãng phí”.

Chuyển nhượng không thông qua đấu giá

Nhóm bị can bị đề nghị truy tố gồm: Nguyễn Tín Trung (cựu Chủ tịch HĐTV Resco), Nguyễn Phước Ngọc (cựu Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH MTV kinh doanh và quản lý nhà TPHCM; cựu Tổng giám đốc, Chủ tịch HĐTV Resco), Võ Hữu Hải (cựu thành viên HĐTV Resco), Nguyễn Thị Thúy Hằng (cựu thành viên HĐTV Resco), Đỗ Văn Phúc (cựu thành viên HĐTV Resco), Trần Công Đức (cựu thành viên HĐTV Resco), Hoàng Hải Đăng (cựu Phó tổng giám đốc Resco), Nguyễn Đình Phú (cựu Phó tổng giám đốc Resco).

Theo kết luận điều tra bổ sung, Resco có 100% vốn Nhà nước, trực thuộc UBND TPHCM, là chủ đầu tư, tham gia đầu tư nhiều công trình cao ốc văn phòng, khu dân cư thương mại có vị trí đắc địa trên địa bàn TPHCM. Năm 2010, UBND TPHCM chấp thuận chủ trương giao Resco thực hiện dự án giải phóng mặt bằng, tái định cư dự án Rạch Ụ Cây. UBND TPHCM chấp thuận cho Resco chuyển mục đích sử dụng 15 mặt bằng nhà, đất để cấn trừ vốn đầu tư giai đoạn 1 dự án Rạch Ụ Cây thay vì phải nộp vào ngân sách TPHCM.

Tháng 01/2023, UBND TPHCM chấp thuận cho Resco chuyển nhượng quyền sử dụng đất các mặt bằng hoàn vốn đầu tư dự án Rạch Ụ Cây giai đoạn 1. Tuy nhiên, trong giai đoạn 2012 - 2016, khi Tổng công ty được UBND TPHCM có quyết định phê duyệt đơn giá thu tiền sử dụng đất và giao 10/15 mặt bằng cho Resco chuyển mục đích sử dụng đất để đầu tư xây dựng theo quy hoạch của UBND TPHCM, nhưng Resco không thực hiện mà chuyển nhượng các mặt bằng nêu trên.

Với mặt bằng 299/18 đường Lý Thường Kiệt, mặt bằng Trung tâm thương mại Bình Đăng và mặt bằng 682 đường Hồng Bàng (Quận 11) được UBND TPHCM xác lập quyền sở hữu Nhà nước. Thế nhưng sau khi được bàn giao các mặt bằng, Resco không thực hiện đầu tư khai thác kinh doanh mà chuyển nhượng mặt bằng 299/18 Lý Thường Kiệt cho Công ty cổ phần Địa ốc 7 (có 20% vốn góp của Resco) với giá 38 tỷ đồng.

Resco chuyển nhượng mặt bằng tại 682 đường Hồng Bàng cho Công ty cổ phần Xây dựng địa ốc Nam Việt (có 20% vốn của Resco) với giá hơn 22 tỷ đồng; chuyển nhượng mặt bằng trung tâm thương mại Bình Đăng cho Công ty TNHH XD TM Sài Gòn 5 với giá gần 91 tỷ đồng không thông qua đấu giá, không đúng với chỉ đạo của UBND TPHCM (chỉ cho chuyển nhượng cho công ty thành viên).

Việc chuyển nhượng này dẫn đến thất thoát cho Resco tại thời điểm chuyển nhượng là hơn 2 tỷ đồng với mặt bằng 299/18 đường Lý Thường Kiệt; 1,8 tỷ đồng với mặt bằng 682 đường Hồng Bàng; 41,4 tỷ đồng với mặt bằng Trung tâm thương mại Bình Đăng. Sau khi Resco chuyển nhượng 3 mặt bằng trên, Văn phòng Đăng ký đất đai TPHCM đã làm thủ tục cập nhật giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Công ty cổ phần Địa ốc 7, Công ty cổ phần Xây dựng địa ốc Nam Việt và Công ty TNHH XD TM Sài Gòn 5. Sau đó, các công ty này đã chuyển nhượng cho các cá nhân không còn thuộc quyền quản lý của Nhà nước.

Hành vi của các cá nhân thuộc Resco đã vi phạm Luật Quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước, Luật Đất đai... Trước đó, tháng 01/2024, Viện KSND TPHCM trả hồ sơ vụ án này cho Công an TPHCM điều tra bổ sung một số vấn đề.

Nhiều sai phạm ở Resco

Theo kết luận thanh tra, trong năm 2017 và 2018, doanh thu của Resco chỉ đạt lần lượt 76,9% và 72,46% kế hoạch năm do UBND TPHCM giao. Trong khi đó, chi phí thực hiện trong 2 năm đều vượt kế hoạch (141,34% và 158,42%). Ngoài ra, Resco chưa áp dụng các biện pháp cần thiết để thu hồi nợ và xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Tại thời điểm thanh tra (ngày 20/5/2019), Resco còn 1.473,88 tỷ đồng nợ phải thu, chưa thu hồi được; trong đó có 304,43 tỷ đồng là cổ tức, lợi nhuận được chia, tạo điều kiện cho các đơn vị khác chiếm dụng vốn. Đồng thời, chưa nghiêm túc chấp hành các quy định về thuế và nộp ngân sách Nhà nước dẫn đến bị Cục thuế TP phạt chậm nộp tiền thuế và lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập các quỹ trong năm 2017, 2018 số tiền 10,2 tỷ đồng và bị Cục thuế TPHCM ban hành 6 Quyết định cưỡng chế nộp ngân sách Nhà nước.

Bên cạnh đó, Resco sử dụng tiền (100% vốn Nhà nước) để nộp tiền thuê đất, thuế đất của Công ty Cổ phần Hùng Vương trên 4,8 tỷ đồng, Công ty Cổ phần Địa ốc 7 cho ngân sách Nhà nước trên 469,56 triệu đồng. Đặc biệt, Resco còn chi trả các chi phí thực hiện dự án Chung cư Nguyễn Kim - Khu B thay cho đối tác kinh doanh Công ty Cổ phần Địa ốc Ngân Hiệp.

Việc này làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của Resco làm lợi cho đối tác, mang tính rủi ro cao, có sự tùy tiện trong việc quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp và chưa phù hợp quy định Luật quản lý, nguồn vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh; dễ dẫn đến việc làm thất thoát, thiệt hại tài sản Nhà nước.

Trong công tác quản lý sổ kế toán và chứng từ kế toán, đáng chú ý là công ty còn tồn đọng 1.533 phiếu thu trị giá 76,65 tỷ đồng (tiền cọc mua căn hộ tại chung cư lô B Bàu Cát II, quận Tân Bình) và 355 phiếu chi trị giá 54,77 tỷ đồng (hoàn trả tiền đặt cọc mua căn hộ tại chung cư lô B Bàu Cát II, quận Tân Bình), phát sinh từ ngày 15/11/2017 đến 13/12/2017 không có chữ ký duyệt và đóng dấu của thủ trưởng đơn vị.

Dù không có ký duyệt của thủ trưởng, nhưng 355 phiếu chi nói trên đã được xuất quỹ chi tiền trả cho các tổ chức, cá nhân. Kết luận thanh tra đánh giá việc này thực hiện không đúng quy định tại Luật Kế toán, có sự buông lỏng lãnh đạo quản lý, tùy tiện trong công tác kế toán thu, chi tiền, dễ dẫn đến việc thất thoát tài sản Nhà nước và phát sinh tham ô, tham nhũng. Thanh tra TP yêu cầu Tổng công ty cần phải nghiêm túc khắc phục, chấn chỉnh ngay. Việc đầu tư, góp vốn vào các doanh nghiệp khác cũng bị thua lỗ lũy kế hàng chục tỷ đồng, khó có khả năng bảo toàn vốn.

Qua thanh tra, các dự án căn hộ Felisa Riverside tại số 99 Bến Bình Đông, Phường 11, Quận 8; dự án tại 557 Bến Bình Đông, Phường 13, Quận 8; dự án Trung tâm thương mại Bình Đăng tại Quốc lộ 50, Phường 6, Quận 8; dự án đầu tư xây dựng khu cao ốc văn phòng tại số 257 Điện Biên Phủ, Quận 3; dự án Hạ tầng kỹ thuật Khu dân cư An Hội, Phường 14 và dự án Chung cư Nguyễn Kim B, Quận 10, hầu hết đều chậm tiến độ thực hiện dự án và chậm tiến độ thi công.

Cá biệt, có một số dự án từ khi được phê duyệt đến nay đã hơn 10 năm nhưng chưa được đưa vào khai thác sử dụng, ảnh hưởng đến nguồn vốn doanh nghiệp, gây lãng phí tài sản Nhà nước, lãng phí đất đai và có những sai phạm, hạn chế, thiếu sót trong việc chỉ định thầu không đúng quy định, tự thực hiện các gói thầu dự án không bảo đảm năng lực thực hiện; chưa bảo đảm tính công khai, minh bạch trong quản lý dự án đầu tư xây dựng.

Kết luận thanh tra chỉ rõ trách nhiệm đối với những vi phạm trên đây thuộc Hội đồng thành viên, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc, Phó tổng giám đốc phụ trách, Kế toán trưởng, Kiểm soát viên Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn và các tổ chức, cá nhân có liên quan thời kỳ phát sinh vụ việc.

Bình luận (0)

Lên đầu trang