Chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra xử lý nghiêm các hành vi trốn thuế

Thứ Ba, 20/05/2025 12:08  | Quốc Phong

|

(CATP) Cục Thuế (Bộ Tài chính) vừa gửi thông tin đến người nộp thuế về thực hiện nghĩa vụ thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số. Khuyến cáo là các trường hợp cố tình không chấp hành, cơ quan thuế sẽ củng cố hồ sơ chuyển cơ quan điều tra xử lý các hành vi trốn thuế theo đúng quy định pháp luật...

"Nở rộ" kinh doanh trên mạng

Hiện nay, theo Cục Thuế việc kinh doanh theo phương thức thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số đã trở thành lựa chọn phổ biến của nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh với nhiều thuận lợi hơn kinh doanh truyền thống do dễ dàng tiếp cận khách hàng, đa dạng hình thức vận chuyển, thanh toán. Sự đổi mới này đóng góp không nhỏ cho sự phát triển doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả kinh doanh của hộ, cá nhân và góp phần tăng trưởng nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

Do vậy, để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người nộp thuế, thực hiện nghĩa vụ thuế, cơ quan thuế đã áp dụng triển khai những giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin trong việc đăng ký, kê khai, nộp thuế như ứng dụng eTax Mobile, cổng thông tin điện tử dành cho hộ, cá nhân kinh doanh, hướng dẫn sàn thương mại điện tử, nền tăng số trong và ngoài nước thực hiện kê khai thay, nộp thay nghĩa vụ thuế đối với người nộp thuế kinh doanh trên sản thương mại điện tử và nền tảng số, hoàn thuế thu nhập cá nhân tự động.

Kiểm tra kho thuốc giả và kho thực phẩm không rõ nguồn gốc

Bên cạnh việc tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế, cơ quan thuế các cấp đã và đang triển khai rà soát, thu thập thông tin, dữ liệu về người nộp thuế kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số phục vụ công tác quản lý thuế. Phối hợp với các bộ, ban, ngành, cơ quan chức năng xử lý nhiều vụ việc trốn thuế, buôn bán hàng hóa giả, hàng kém chất lượng liên quan đến kinh doanh thương mại điện tử, trên nền tảng số. Các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh chấp hành nghiêm túc pháp luật về thuế, tuy nhiên vẫn còn một bộ phận doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh chưa thực hiện đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế, khai báo thiếu doanh thu, chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế từ hoạt động kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử, nền tảng số gây thất thu ngân sách nhà nước, vi phạm pháp luật và cạnh tranh không công bằng.

Trên tinh thần thượng tôn pháp luật và nguyên tắc "Người nộp thuế tự khai, tự nộp, tự chịu trách nhiệm", cơ quan thuế đã đưa ra các khuyến nghị đối với người nộp thuế liên quan đến thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số. Đoà là tìm hiểu các quy định và chấp hành việc đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế. Đối với cá nhân đã và đang kinh doanh mà chưa thực hiện đăng ký thuế cần khẩn trương đăng ký, kê khai, nộp thuế đầy đủ, đúng hạn, kịp thời với cơ quan thuế.

Trong trường hợp không nhận được sự hợp tác từ người nộp thuế, cơ quan thuế sẽ kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi kinh doanh không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ thuế. Đối với các trường hợp cố tình không chấp hành, cơ quan thuế sẽ cũng cố hồ sơ chuyển sang cơ quan có thẩm quyền điều tra, xử lý về hành vi trốn thuế theo đúng quy định.

Ai chịu trách nhiệm?

Dư luận đặc biệt quan tâm đến sản phẩm, hàng hóa bán trên mạng, mà hiện nay vấn đề chất lượng là rất "nóng". Tại Kỳ họp thứ 9 (ngày 06/5/2025), Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long cho biết: "Thực tiễn cho thấy, việc kinh doanh thương mại điện tử đang phát triển rầm rộ và chiếm tỷ trọng lớn trong việc kinh doanh buôn bán hàng hóa nói chung.

Việc bán hàng qua mạng lại không cần phải có kho chứa trữ hàng hóa, nguồn hàng có thể được lấy từ nhiều nơi khác nhau, gây khó khăn cho công tác kiểm tra, kiểm soát, giám sát đối tượng. Dự thảo luật quy định rõ trách nhiệm của sàn thương mại điện tử và người bán trong minh bạch thông tin truy xuất nguồn gốc. Sàn thương mại điện tử phải chịu trách nhiệm liên đới nếu để xảy ra hàng hóa kém chất lượng".

Theo dự thảo luật sửa đổi được xây dựng trên cơ sở "4 quan điểm và 4 chính sách" đã được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết số 203/2023; Dự thảo luật sửa đổi bổ sung 30 điều, bổ sung 17 điều, bãi bỏ 34 điều trong tổng số 7 chương, 72 điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Trong đó, việc sửa đổi, bổ sung xoay quanh các nội dung cơ bản, như xác định Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và luật khung, các luật chuyên ngành đã quy định chi tiết nhưng không trái với nguyên tắc chung.

Bỏ các khái niệm như nhóm 1, nhóm 2 và thay bằng phân loại theo 3 mức độ rủi ro là thấp, trung bình và cao, phù hợp với thông lệ quốc tế. Bổ sung quy định về phát triển hạ tầng chất lượng quốc gia, nâng cao năng lực về tiêu chuẩn, đo lường, thử nghiệm, chứng nhận và công nhận, phục vụ quản lý, thúc đẩy đổi mới và sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam. Trong dự thảo luật cũng đề cập đến việc quản lý chặt chẽ hơn chất lượng sản phẩm, hàng hóa trong thương mại điện tử.

Bên cạnh đó, dự thảo luật đề xuất tăng cường xử lý vi phạm về chất lượng sản phẩm hàng hóa. Nâng mức xử phạt hành chính, công khai tổ chức, cá nhân vi phạm. Áp dụng các biện pháp mạnh như đình chỉ hoạt động, thu hồi sản phẩm, tước giấy phép, truy cứu trách nhiệm hình sự nếu cần thiết. Ngoài ra, dự thảo luật cũng nêu, việc xây dựng nền tảng dữ liệu quốc gia về chất lượng sản phẩm hàng hóa, bảo đảm kết nối và liên thông với hệ thống giám sát chất lượng. Trên nền tảng này, doanh nghiệp công khai thông tin, cơ quan quản lý chủ động giám sát, người dân được tham gia, cung cấp và phản ánh thông tin.

Bình luận (0)

Lên đầu trang