Ông Lê Viết Chữ bị điều tra vì nhận hối lộ
Tại họp báo, đại diện lãnh đạo các đơn vị nghiệp vụ đã thông tin đến các cơ quan báo chí, phóng viên những vấn đề liên quan đến an ninh, trật tự mà dư luận xã hội quan tâm. Về vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn (gọi tắt là Tập đoàn Phúc Sơn), Thiếu tướng Nguyễn Văn Thành, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (CSĐT) cho biết: Các thông tin về vụ án đã cơ bản được công bố và đăng tải trên Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an. Đây là vụ án lớn liên quan việc Tập đoàn Phúc Sơn đầu tư 21 dự án. Hiện cơ quan Công an đang tiếp tục tập trung điều tra hành vi sai phạm của các bị can tại tỉnh Vĩnh Phúc, Quảng Ngãi và các sai phạm khác có liên quan.
Cảnh báo loại tội phạm mới
Trung tướng Tô Ân Xô - người phát ngôn Bộ Công an cho biết: Thiếu tướng Nguyễn Văn Thành là người trực tiếp thụ lý vụ án Tập đoàn Phúc Sơn. "Qua vụ án, đồng chí Thiếu tướng Nguyễn Văn Thành đã chỉ ra loại tội phạm mới để cảnh tỉnh, phòng ngừa chung là sử dụng mối quan hệ thân thiết với người có quyền hạn, chức vụ cao để gây tác động, ảnh hưởng đến chính quyền cơ sở nhằm trục lợi. Có thể nói, đây là loại tội phạm tấn công bằng "đạn bọc đường" mà người bị tấn công không nhận ra, để "lượng đường trong máu cao, gây ra suy giảm miễn dịch, mất sức đề kháng..." - Người phát ngôn Bộ Công an ví von.
Trung tướng Tô Ân Xô cho biết, ông Lê Viết Chữ - cựu Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi bị điều tra về tội "nhận hối lộ". Ông Chữ bị bắt trong quá trình Cơ quan điều tra mở rộng vụ án liên quan đến Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Phúc Sơn Nguyễn Văn Hậu (biệt danh Hậu "Pháo").
Theo Cơ quan CSĐT Bộ Công an, ông Lê Viết Chữ đã nhận tiền của Nguyễn Văn Hậu để tạo điều kiện giúp Tập đoàn Phúc Sơn trúng thầu gói thầu thi công tuyến chính dự án đường bờ Nam sông Trà Khúc, tỉnh Quảng Ngãi.
Ông Lê Viết Chữ (61 tuổi, quê xã Hành Thịnh, huyện Nghĩa Hành, Quảng Ngãi), từng giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi nhiệm kỳ 2015 - 2020. Trước đó, ông Chữ từng giữ các chức vụ: Giám đốc Sở Giao thông Vận tải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Ngãi, Bí thư Thành ủy Quảng Ngãi, Chủ tịch UBND tỉnh và Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi.
Trong thông cáo về kỳ họp thứ 44 Ủy ban Kiểm tra Trung ương ngày 03/5/2020, ông Lê Viết Chữ được xác định "đã có nhiều vi phạm, khuyết điểm nghiêm trọng trong lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện công tác quản lý, sử dụng đất đai, tài chính ngân sách, dự án đầu tư và công tác cán bộ", ảnh hưởng xấu đến uy tín của cấp ủy, chính quyền địa phương, đến mức phải xem xét kỷ luật. Đến ngày 16/6/2020, Bộ Chính trị đã thi hành kỷ luật ông Lê Viết Chữ bằng hình thức cảnh cáo. Tiếp đó, ngày 23/6/2020, ông Lê Viết Chữ đã nộp đơn xin từ chức Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi.
Đây là kết quả mở rộng điều tra vụ án Tập đoàn Phúc Sơn. Ông Lê Viết Chữ là cựu cán bộ thứ 6 của tỉnh Quảng Ngãi bị bắt trong vụ án này. Trước đó, ông Đặng Văn Minh - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi và ông Cao Khoa - cựu Chủ tịch UBND tỉnh - cùng 3 bị can khác là cựu Phó Giám đốc và Trưởng phòng cấp sở của địa phương này cũng bị bắt tạm giam.
Phó bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Phạm Hoàng Anh cũng "nhúng chàm"
Cũng trong ngày 28/3, Trung tướng Tô Ân Xô cho biết, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với ông Phạm Hoàng Anh, Phó Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc. Ông Phạm Hoàng Anh bị điều tra về tội nhận hối lộ trong vụ án liên quan đến chủ tịch Tập đoàn Phúc Sơn.
Kết quả điều tra ban đầu của Cơ quan CSĐT xác định, ông Phạm Hoàng Anh đã nhận tiền của Nguyễn Văn Hậu để tạo điều kiện cho Tập đoàn Phúc Sơn thực hiện dự án Chợ đầu mối Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc. Ông Phạm Hoàng Anh cũng từng làm Bí thư Thành ủy Vĩnh Yên, Giám đốc Sở xây dựng Vĩnh Phúc.
Theo Trung tướng Xô, hiện Cơ quan CSĐT Bộ Công an đang củng cố tài liệu, chứng cứ, tiếp tục mở rộng điều tra vụ án, làm rõ các sai phạm khác của Tập đoàn Phúc Sơn tại các địa phương và các đơn vị có liên quan, áp dụng các biện pháp theo luật định để thu hồi triệt để tài sản cho Nhà nước.
Bị can Phạm Hoàng Anh tại cơ quan điều tra Ảnh: Bộ CA
Ông Lê Viết Chữ tại cơ quan điều tra Ảnh: Bộ CA
Cho đến nay, sau một tháng khởi tố vụ án liên quan đến Chủ tịch Tập đoàn Phúc Sơn Nguyễn Văn Hậu, Cơ quan CSĐT đã bắt tạm giam 17 người.
Trong những người đã bị bắt tạm giam có cựu lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc gồm: bà Hoàng Thị Thúy Lan - Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc và ông Lê Duy Thành - Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc. Hai cựu lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc đã khai tại cơ quan Công an là đã nhận hối lộ với số tiền lớn, lên đến hàng tỷ đồng và đã nộp lại cho Cơ quan CSĐT.
Riêng Chủ tịch Tập đoàn Phúc Sơn Nguyễn Văn Hậu đã bị bắt hôm 26/02 với cáo buộc ban đầu vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng. Theo Cơ quan CSĐT, kết quả điều tra ban đầu xác định 2 trong 21 dự án (tổng mức đầu tư hơn 40.000 tỷ đồng) tại Vĩnh Phúc, Tập đoàn Phúc Sơn "không kê khai tài chính, trốn thuế"... gây thiệt hại hơn 640 tỷ đồng.
Vụ án Tập đoàn Phúc Sơn và loại tội phạm mới
Cơ quan CSĐT nhận định, vụ án tại Tập đoàn Phúc Sơn là vụ án lớn, một dạng tội phạm mới. Thông qua lời khai của một số bị can liên quan cho thấy, Nguyễn Văn Hậu có hành vi chi phối, lũng đoạn, gây áp lực với một số bị can nguyên là lãnh đạo tỉnh, thậm chí Thường trực Tỉnh ủy... để trục lợi.
Cơ quan điều tra cũng cáo buộc Hậu "Pháo" đưa tiền cho nhiều người, trong đó có Đặng Trung Hoành, cựu Chánh văn phòng Huyện ủy Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long số tiền 64 tỷ đồng. Ông Hoành khai sử dụng số tiền này vào nhiều mục đích, trong đó có mục đích cá nhân. Ông Đặng Trung Hoành đã bị Cơ quan điều tra khởi tố, bắt tạm giam về tội "lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi".
Bị can Hoàng Thị Thúy Lan (cựu Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc) và bị can Đặng Trung Hoành (cựu Chánh Văn phòng Huyện ủy Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long) Ảnh: Bộ CA
Trước đó, tại cuộc họp báo hôm 26/3, Thiếu tướng Nguyễn Văn Thành, cho biết: "Chúng tôi thấy Nguyễn Văn Hậu đã có những hành vi chi phối, lũng đoạn, gây áp lực, ép một số bị can nguyên là ủy viên ban thường vụ, thậm chí là Thường trực Tỉnh ủy Vĩnh Phúc để trục lợi. Để làm được việc này, họ đã lợi dụng các mối quan hệ thân quen của người có chức vụ quyền hạn để thực hiện. Bộ Công an coi hành vi này là rất nguy hiểm, là một dạng tội phạm mới, không chỉ gây thiệt hại đối với tài sản của Nhà nước và của nhân dân, mà còn có ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của hệ thống chính trị, làm xấu hình ảnh của Đảng, của Chính quyền Nhân dân".
Liên quan đến vụ án xảy ra tại Tập đoàn Phúc Sơn, hiện Cơ quan CSĐT Bộ Công an đang củng cố tài liệu, chứng cứ đối với sai phạm của các bị can đã khởi tố, đồng thời, tiếp tục mở rộng điều tra vụ án, làm rõ các sai phạm khác của Tập đoàn Phúc Sơn tại các địa phương khác và các đơn vị có liên quan.
Theo Bộ Công an, Tập đoàn Phúc Sơn hoạt động từ 2004, chỉ ở quy mô cấp huyện, trong "phạm vi, mức độ vừa phải". Từ 2015, Phúc Sơn "vươn mình mạnh mẽ” khi nhận được nhiều công trình từ Bắc đến Nam. Hiện, doanh nghiệp có 21 dự án với tổng mức đầu tư hơn 40.000 tỷ đồng.