Đà Nẵng: Khi nào “điểm đến Nam Ô” mới thành hiện thực?

Thứ Tư, 11/07/2018 11:31

|

(CAO) Sau khi được chấp thuận đầu tư Dự án khu du lịch (KDL) sinh thái Nam Ô (Đà Nẵng), do vướng mắc về bàn giao đất “sạch” và lo ngại bị tái lấn chiếm, ô nhiễm môi trường..., nay chủ đầu tư đề nghị được đổi vị trí khác, nhằm đảm bảo tốt hơn cho cả chính quyền, người dân và chủ đầu tư.

Lãnh đạo quận Liên Chiểu đã họp với nhà đầu tư nhằm giải quyết các vướng mắc, thống nhất phương án để kiến nghị với UBND TP.Đà Nẵng.

MỆT MỎI VÌ DỰ ÁN BỊ CHIẾM DỤNG ĐỂ KINH DOANH

Dự án KDL sinh thái Nam Ô (P.Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, TP.Đà Nẵng) được UBND TP.Đà Nẵng quy hoạch từ năm 2008, do Công ty cổ phần Trung Thủy - Đà Nẵng làm chủ đầu tư. Ngày 17-9- 2010, chủ đầu tư đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính.

Đến cuối năm 2017, công ty này mới được bàn giao mặt bằng để thi công. Chủ đầu tư đang hoàn chỉnh hồ sơ, nỗ lực đẩy nhanh tiến độ, phát triển dự án thành KDL nghỉ dưỡng, sinh thái và văn hóa tâm linh theo Quyết định số 1756/QĐ-UBND ngày 22-3-2014 của Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng.

Tình trạng chiếm dụng đất dự án để kinh doanh rất lộn xộn, phức tạp

Ngày 30-3-2018, tại buổi làm việc với Công ty Trung Thủy - Đà Nẵng và các sở, ngành, ông Huỳnh Đức Thơ (Chủ tịch TP.Đà Nẵng) yêu cầu cơ quan chức năng rà soát, điều chỉnh theo hướng trùng tu, tôn tạo các miếu thờ nguyên trạng trong khu vực; có phương án khai thác làng nghề, các yếu tố văn hóa và lịch sử Nam Ô.

Đồng thời rà soát, đánh giá lại hạ tầng khu dân cư, chỉnh trang khu vực làng hiện tại, tạo lối xuống biển công cộng; trình phương án điều chỉnh quy hoạch để UBND TP.Đà Nẵng phê duyệt.

Chiều 2-7, lãnh đạo UBND quận Liên Chiểu đã làm việc với chủ đầu tư. Đại diện Công ty Trung Thủy - Đà Nẵng bày tỏ: “Chúng tôi chờ rất lâu mới được bàn giao đất “sạch”. Chúng tôi đã nỗ lực thực hiện các thủ tục, hồ sơ để khởi công dự án.

Với mong muốn biến khu Nam Ô thành điểm đến phục vụ du khách, chúng tôi đã hợp tác toàn diện với địa phương để thực hiện. Tuy nhiên, quá trình thực hiện lại gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Tình trạng chiếm dụng đất để buôn bán, rác thải, tiềm ẩn nguy cơ mất ANTT... làm chúng tôi lo lắng cho dự án khi đưa vào hoạt động sau này”.

NỖ LỰC TRIỂN KHAI DỰ ÁN

Sau khi nghe nhà đầu tư trình bày, ông Trương Văn Đô (Bí thư Chi bộ Khu vực 2 - Nam Ô) chia sẻ: “Trước đây, đời sống bà con vốn khó khăn, môi trường nhếch nhách, không có đường bê-tông. Khi quy hoạch dự án, bà con (hơn 700 hộ - P.V) đã di dời, với mong muốn dự án triển khai, đóng góp vào sự phát triển của địa phương. Nay lãnh đạo thành phố và nhà đầu tư thống nhất điều chỉnh dự án thì bà con cũng ủng hộ”.

Ông Lê Duy Du (Bí thư Đảng ủy P.Hòa Hiệp Nam) cho biết, người dân bày tỏ, chủ đầu tư cần thực hiện các cam kết, như: giữ lại và tôn tạo các điểm di tích, hạn chế tác động đến ghềnh Nam Ô, hỗ trợ sinh kế cho bà con địa phương... Bà con rất phấn khởi vì có con đường hiện tại 4m (do Công ty Trung Thủy - Đà Nẵng đầu tư 2 tỷ đồng, UBND quận Liên Chiểu đầu tư 700 triệu đồng - P.V) để đi lại.

Bãi biển dưới chân ghềnh đá Nam Ô

Ông Đàm Quang Hưng (Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu) cho biết, sẽ tiếp tục kiến nghị thành phố một số vấn đề liên quan đến điều chỉnh dự án. Về ranh giới dự án tiếp giáp với mặt nước biển, đề nghị điều chỉnh quy hoạch theo Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, cũng như chủ trương của Ban Thường vụ Thành ủy.

Về dải đất dọc đường Nguyễn Tất Thành (nối dài), quận kiến nghị quy hoạch mở rộng nút giao thông, xây dựng thiết chế văn hóa, cơ sở trưng bày làng nghề nước mắm Nam Ô, các sản phẩm của ngư dân, chợ hải sản... Đề nghị quy hoạch mở rộng đường bê-tông rộng 4m thành từ 5,5 - 6m.

Phần diện tích mỏm Hạc - ghềnh đá Nam Ô, quận đề nghị thành phố phê duyệt giao cho chủ đầu tư quản lý, với mục đích tôn tạo, phục vụ du lịch sinh thái, hạn chế tối đa việc chặt phá cây rừng nguyên sinh. Ông Võ Công Chánh (Bí thư Quận ủy Liên Chiểu) khẳng định, giữ nguyên quan điểm hạn chế tác động mỏm Hạc - ghềnh đá Nam Ô.

Phía chủ đầu tư khẳng định, tiếp tục thực hiện cam kết giữ nguyên, tôn tạo các di tích; thực hiện các công trình an sinh xã hội để nâng cao chất lượng đời sống, tăng thêm thu nhập kinh tế cho người dân, như: xây dựng bãi biển công cộng ở cổng khu vực dự án, với đầy đủ các hạng mục tiêu chuẩn; khu ẩm thực địa phương, chợ hải sản để người dân buôn bán tập trung... và giao cho chính quyền địa phương quản lý, khai thác. Nhà đầu tư tha thiết mong lãnh đạo, các ngành chức năng và bà con hỗ trợ để “điểm đến Nam Ô” sớm trở thành hiện thực.

Bình luận (0)

Lên đầu trang