(CAO) Chiều 20-3, phiên xử bị cáo Đinh La Thăng và đồng phạm trong vụ án làm mất 800 tỷ đồng vốn góp của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) vào Ngân hàng Đại Dương (Oceanbank) tiếp tục với phần thẩm vấn của luật sư.
Trong suốt những ngày diễn ra phiên xử, ông Đinh La Thăng nhiều lần khẳng định, việc PVN đầu tư vào Oceanbank là có hiệu quả. Theo cáo buộc, ông Thăng biết rõ hiện trạng của Oceabank là yếu kém, biết rõ yêu cầu của Bộ Tài chính nhưng cố ý không thực hiện và vẫn quyết định góp vốn 800 tỷ đồng vào Oceanbank dẫn đến PVN bị mất hoàn toàn số tiền này khi Oceanbank kinh doanh thua lỗ, mất vốn chủ sở hữu và Ngân hàng Nhà nước phải mua lại Oceanbank với giá 0 đồng.
Đinh La Thăng trả lời thẩm vấn trong phiên tòa chiều 20-3
Trả lời thẩm vấn tại tòa, bị cáo Thăng liên tục khẳng định, việc quyết định để PVN góp vốn vào Oceanbank là đúng quy định pháp luật, đúng chỉ đạo. Nếu có vấn đề gì, các cơ quan Nhà nước đã thổi còi.
"Bản thân bị cáo biết Oceanbank được NHNN xếp loại A" - -bị cáo Thăng nhấn mạnh. Cựu Chủ tịch HĐQT PVN còn cho rằng, vấn đề tồn tại của Oceanbank là vốn điều lệ quá nhỏ. Nếu tăng vốn điều lệ sẽ giải quyết được tồn tại, giúp Oceanbank tăng khả năng thanh khoản, quy mô hoạt động, đem lại hiệu quả.
“Bị cáo và HĐQT biết chắc việc đầu tư vào Oceanbank là quyết định sáng suốt”- ông Thăng khẳng định. Về việc NHNN mua lại Oceanbank với giá 0 đồng vào năm 2015, theo ông Thăng, không có liên quan gì đến việc PVN đầu tư vào năm 2008 cả. “Đây là việc xảy ra nhiều năm sau khi PVN đầu tư vào Oceanbank, vì thế, không có quan hệ biện chứng nào giữa việc PVN đầu tư vào Oceanbank với việc Oceanbank bị mua 0 đồng. Việc cáo buộc của VKS cho rằng, mua lại 0 đồng là do các bị cáo gây thất thoát thì là oan ức cho bản thân bị cáo cũng như các bị cáo ngồi tại đây”, lời ông Thăng nói.
Cựu Chủ tịch HĐQT PVN cho rằng, việc PVN trở thành đối tác chiến lược của Oceanbank đã giúp ngân hàng này phát triển nhanh chóng trong thời gian ngắn, giúp kiềm chế lạm phát, đóng góp chung vào việc thực hiện chủ trương kiềm chế lạm phát của Chính phủ.
Đối với lần góp vốn thứ 3, ông Thăng trình bày do đi công tác dài ngày, đã ủy quyền cho anh Nguyễn Xuân Thắng (nguyên thành viên Hội đồng thành viên PVN) điều hành chứ không ủy quyền biểu quyết. “Bị cáo đã trực tiếp chỉ đạo phải làm theo quy định, phù hợp với pháp luật, phải chuyển nhượng bớt phần vốn của PVN tại Oceanbank... Đi công tác về, bị cáo không được nghe anh Thắng trực tiếp báo cáo. Nếu biết, bị cáo đã chỉ đạo dừng”- bị cáo Thăng trình bày.
Tuy nhiên, ông Thăng cũng nhận trách nhiệm: "Dù không tham gia biểu quyết, dù nghị quyết đó không phù hợp quy định mới của pháp luật nhưng bị cáo nhận trách nhiệm người đứng đầu, người đã ủy quyền. Trước phiên tòa này, bị cáo sẵn sàng nhận trách nhiệm thay cho anh Thắng, anh Sơn, anh Quỳnh, anh Liêm, anh Trường, anh Đức. Ra xử có vấn đề gì mà không đúng, bị cáo xin nhận hoàn toàn trách nhiệm thay các anh đó", bị cáo Đinh La Thăng nói.
Được triệu tập đến tòa với tư cách là nhân chứng, khi được hỏi về thỏa thuận mà ông Đinh La Thăng ký tham gia góp vốn với Hà Văn Thắm, bà Phan Thị Hòa, Trưởng Ban kiểm soát PVN cho rằng: Nếu Thỏa thuận đó không có ràng buộc về mặt pháp lý thì phải ghi là biên bản làm việc hay biên bản ghi nhớ. Chính vì ghi là Bản Thỏa thuận nên bây giờ nó là ràng buộc giữa các bên đưa ra để thực hiện, khiến bây giờ gây nên rắc rối về mặt pháp lý.
Cùng trả lời thẩm vấn của luật sư với vai trò nhân chứng, Hà Văn Thắm (cựu Chủ tịch HĐQT Oceanbank) khai, bị cáo Thăng bảo Thắm ký văn bản thỏa thuận như một văn bản ghi nhớ để cả hai bên về báo cáo và khi Thắm ký chắc chắn làm thì ông Thăng mới báo cáo HĐQT.