Liên danh Công ty CP phát triển đầu tư Thái Sơn (Công ty Thái Sơn) – Tổng công ty 319 (cùng thuộc Bộ Quốc phòng) - Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Yên Khánh (Công ty Yên Khánh) - Tổng Công ty Đầu tư phát triển và quản lý hạ tầng giao thông Cửu Long (Cửu Long CIPM) được Bộ Giao thông vận tải (GTVT) chỉ định đầu tư, thi công theo hình thức BT, BOT nhưng xảy ra nhiều sai phạm tại hầu hết các khâu: đấu thầu, thi công, quyết toán các hạng mục...
“Ưu ái” nhà thầu kém năng lực
Thanh tra Chính phủ (TTCP) và cơ quan Kiểm toán Nhà nước (KTNN) vừa công bố những sai phạm trong việc thực hiện DAKPCT QL20. Bộ GTVT đã quá “ưu ái” với nhà đầu tư, thi công, để xảy ra nhiều sai phạm nghiêm trọng.
Theo Bộ GTVT, DAKPCT QL20, là công trình đặc biệt quan trọng phục vụ việc vận chuyển sản phẩm cho hai nhà máy bauxite Tân Rai (tỉnh Lâm Đồng), Nhân Cơ (tỉnh Đắk Nông) và đáp ứng nhu cầu giao thông của vùng.
Phần 1 của dự án có tổng mức đầu tư 4.590 tỷ đồng (sau được điều chỉnh lên 5.264 tỷ đồng), được thực hiện theo hình thức BT, điểm đầu là Km0+000 và điểm cuối tại Km123+105,17.
Phần 2 của dự án từ đoạn Km123+105,17 đến Km268+000 qua tỉnh Lâm Đồng, khởi công năm 2014, hoàn thành năm 2015, bằng hình thức BOT kết hợp BT, với tổng vốn đầu tư 4.110 tỷ đồng (trong đó phần BOT là 1.383 tỷ đồng, phần BT là 2.727 tỷ đồng).
Một đoạn QL20 qua huyện Đức Trọng - Lâm Đồng
Liên danh thực hiện phần 1 là Cửu Long CIPM - Công ty TNHH dịch vụ thương mại sản xuất, xây dựng Đông Mê Kông - Công ty CP Việt Ren - Tổng công ty vật liệu xây dựng số 1.
Lliên danh thực hiện phần 2 là Tổng công ty 319 - Công ty Thái Sơn (dưới thời Đinh Ngọc Hệ - Út trọc làm Chủ tịch HĐQT) - Công ty Yên Khánh. Thời hạn kinh doanh chuyển giao công trình đối với phần BOT dự kiến là 21 năm 4 tháng 5 ngày, tính từ ngày bắt đầu thu phí. Toàn bộ dự án được Bộ GTVT chỉ định thầu.
Theo TTCP, tại khoản 2, Điều 10 Thông tư số 166/2011/TT-BTC, các nhà đầu tư khi tham dự thầu phải có hồ sơ chứng minh năng lực tài chính, trong đó, vốn chủ sở hữu được xác định trên cơ sở báo cáo tài chính năm gần nhất được kiểm toán.
Tuy nhiên, tại hồ sơ yêu cầu do Tổ chuyên gia tư vấn đấu thầu lập, Ban Quản lý dự án (QLDA) 7 thuộc Bộ GTVT phê duyệt chỉ yêu cầu có báo cáo tài chính năm 2012 và báo cáo tài chính tại thời điểm gần nhất được kiểm toán, dẫn đến việc đánh giá tiêu chí về vốn chủ sở hữu và năng lực tài chính của nhà đầu tư dự thầu thiếu chính xác.
Cụ thể, Công ty Yên Khánh và Công ty Thái Sơn - hai thành viên của liên danh nhà đầu tư thực hiện dự án trên đều không đạt yêu cầu về vốn chủ sở hữu theo các quy định của hồ sơ yêu cầu tại Điều 5 Nghị định 108/2009/NĐ-CP và Thông tư 90/2004/TT-BTC của Bộ Tài chính, nhưng vẫn được Ban QLDA 7 đánh giá đạt để Bộ GTVT lựa chọn nhà đầu tư này thực hiện dự án.
Dự án sau đó tăng vốn, kéo dài thời gian, chậm 1 năm. Năm 2016, Bộ GTVT còn chấp thuận giao cho Công ty Thái Sơn thực hiện gói thầu số 23 của dự án, nhưng sau đó, công ty này đã chuyển nhượng toàn bộ khối lượng công việc này cho Công ty TNHH MTV Vạn Tường thực hiện, vi phạm Luật Đấu thầu về các hành vi bị cấm trong đấu thầu.
Công ty Cửu Long CIPM, một trong 4 nhà đầu tư trong liên danh đăng ký doanh nghiệp lần đầu vào ngày 30-8-2011, doanh nghiệp 100% vốn nhà nước và trực thuộc Bộ GTVT. Thế nhưng, đến tháng 6-2013 công ty này chưa góp đồng nào vào liên danh nhưng vẫn được phê duyệt kế hoạch đấu thầu.
Theo KTNN, việc huy động vốn chủ sở hữu của các nhà đầu tư không đảm bảo quy định của hợp đồng BT. Cho đến ngày 30-6-2015 - tức là gần thời điểm bàn giao công trình theo quy định, các nhà đầu tư còn thiếu tới trên 100 tỷ đồng vốn chủ sơ hữu. Phải đến hết ngày 13-11-2015, Tổ hợp nhà đầu tư của nhóm Cửu Long CIMP mới đóng đủ toàn bộ 601 tỷ đồng vốn chủ sở hữu.
Riêng Công ty Cửu Long CIPM được thành lập với vốn điều lệ đăng ký là 1.500 tỷ đồng. Thế nhưng, đến cuối năm 2016, công ty này mới góp được 136,4 tỷ đồng. Ít vốn, song Cửu Long CIPM được Bộ GTVT giao thực hiện rất nhiều dự án lớn có mức đầu tư lớn như: Dự án đường cao tốc TP.HCM – Trung Lương; Dự án xây dựng cầu Cần Thơ; Dự án đường hành lang ven biển phía Nam...
Sai phạm hàng trăm tỷ đồng
Kết quả thanh, kiểm tra một số gói thầu của DAKPCT QL20 phần 2, do liên danh Tổng công ty 319 - Công ty Thái Sơn - Công ty Yên Khánh thực hiện, KTNN và TTCP đã phát hiện nhiều sai phạm với số tiền lên tới hàng trăm tỷ đồng.
Cụ thể, gói thầu số 18 duy tu, bảo dưỡng mặt đường với giá trị 3,9 tỉ đồng nhưng khi kiểm tra tổng mức đầu tư được duyệt lại không có hạng mục chi phí này. Công tác quản lý đầu tư xây dựng công trình tại dự án này, như: việc lập dự toán, đơn giá, thiết kế, ký kết hợp đồng, hoàn công, nghiệm thu thanh toán… để xảy ra sai phạm với tổng số tiền hơn 18 tỷ đồng.
Nghiêm trọng hơn, liên danh nhà đầu tư thi công bị phát hiện bỏ ra 254,9 tỷ đồng mua lại quyền thu phí của Trạm thu phí Bảo Lộc - Lâm Đồng và đưa số tiền mua bán trên vào tổng mức đầu tư con đường.
Theo TTCP, số tiền bỏ ra mua quyền thu phí không thuộc danh mục theo quy định trong cơ cấu tổng mức đầu tư. Vì vậy, yêu cầu Bộ GTVT phải xác định, điều chỉnh lại cho phù hợp trong phương án tài chính của dự án.
Một khoản chênh lệch hàng trăm tỷ khác cần làm rõ là việc giá trị được phê duyệt giải phóng mặt bằng (GPMB) trong dự án này là 459 tỷ đồng. Tuy nhiên trên thực tế, số tiền chi ra để GPMB chỉ có... 32 tỷ đồng, tức chênh lệch số tiền lên đến hơn 420 tỷ đồng.
TTCP còn phát hiện một số nội dung chưa đúng quy định, phương án thi công phê duyệt chưa hợp lý làm chênh lệch tăng so với thiết kế kỹ thuật hơn 61 tỷ đồng. Trong đó, chỉ riêng việc không sử dụng lượng bê tông nhựa tại các trạm trộn nằm gần gói thầu mà lại vận chuyển ở nơi xa hơn đến đã làm tăng chi phí hơn 27 tỷ đồng.
Các sai phạm trên trước đó các cơ quan chức năng, KTNN phát hiện đã kiến nghị Bộ GTVT kiểm tra, làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm để xử lý theo quy định. Tuy nhiên, cho đến nay Bộ GTVT vẫn chưa có biện pháp xử lý.
Ngoài ra, nhà đầu tư dự án này được cấp giấy chứng nhận đầu tư ngày 28-8-2013, nhưng “tài tình” làm sao, chủ đầu tư đã biết trước việc mình được chỉ định thầu nên ngày 23-12-2011, tức trước đó gần hai năm, họ đã tổ chức … khởi công dự án.
Thêm nữa, vốn đầu tư sau đó “đội” lên trên 1.000 tỷ đồng, nhưng nhà đầu tư vẫn chưa thực hiện thủ tục cấp điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư theo quy định.
Theo TTCP, Bộ GTVT là đơn vị chịu trách nhiệm chung, toàn diện về những nội dung sai phạm trên.
Cụ thể, thực hiện chưa đúng quy định về xây dựng và công bố danh mục dự án đầu tư; quyết định đầu tư, phương án thu phí bất hợp lý; phê duyệt tổng mức đầu tư sai lệch, lựa chọn nhà đầu tư, đàm phán, ký kết hợp đồng thiếu chặt chẽ…
Tổng TTCP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ GTVT kiểm điểm và chỉ đạo kiểm điểm theo thẩm quyền đối với tổ chức, cá nhân có trách nhiệm liên quan đến những sai phạm trên.
Cơn mưa ngày 24-3 khiến một đoạn QL20 biến thành... sông
Mặc dù để xảy ra nhiều sai phạm về tài chính với số tiền hàng trăm tỷ đồng, vi phạm Luật Đấu thầu, không tuân thủ các Thông tư, Nghị định của Chính phủ và Bộ Tài chính, Bộ GTVT, liên danh nhà đầu tư – thi công công trình xây dựng DAKPCT QL20 còn để lại một công trình bị người dân phản ánh tồn tại nhiều bất cập, có dấu hiệu không đảm bảo chất lượng.
Do kết cấu nhiều hệ thống cống xả lũ trên tuyến QL20 nhỏ, không đảm bảo thoát nước cần thiết nên vào những tháng mùa mưa, QL20 nhiều đoạn bị ngập, gây khó khăn, cản trở giao thông.
Điển hình như vào trưa 24-3-2019, tại QL20 đoạn qua thôn 3, xã Lộc An, H.Bảo Lâm (Lâm Đồng) bị ngập sâu khoảng 0,4 - 0,5 m, kéo dài khoảng 100m sau trận mưa lớn, kéo dài.