Đấu trí với tội phạm tài chính (kỳ cuối):

Khi lòng tham là cánh cửa dẫn đến… ngục tù!

Thứ Ba, 02/04/2019 11:22

|

(CATP) Tội phạm lừa đảo tài chính bằng thủ đoạn công nghệ cao đương nhiên rất lọc lõi, mưu mô. Nhưng dù có xảo quyệt đến đâu thì chúng đều bị triệt phá bởi một lực lượng điều tra lành nghề khi họ phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an. Lòng tham sẽ không bao giờ mang đến một kết cục tốt đẹp và biết đâu, đó là cảnh cửa… dẫn đến ngục tù.

Đường đi của “cáo”

Có người nói, tội phạm chuyên hoạt động trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng luôn là những kẻ ranh ma, biết ẩn mình dưới nhiều lớp vỏ bọc tinh vi nhằm qua mặt lực lượng chấp pháp.

Từ khi đường dây lừa đảo do Lê Tiến D. cầm đầu bị triệt phá, suốt từ tháng 7-2018 đến đầu năm 2019, Trung tâm An ninh của Công ty tài chính Fe Credit liên tục nhận được thông tin phản hồi của khách hàng khi họ vô tình trở thành nạn nhân của những vụ lừa đảo tài chính.

Bước đầu khoanh vùng, trung tâm xác định nhóm đối tượng này hoạt động mạnh ở khu vực Tây Nguyên và một số tỉnh miền Đông Nam bộ.

“Con mồi” mà chúng nhắm đến thường là nhóm khách hàng không nhận thẻ tín dụng do công ty phát hành sau quá trình đăng ký. Bằng nhiều thủ thuật, chúng đã làm giả hàng loạt các giấy tờ cá nhân của chủ đăng ký, rồi tiến đến việc chiếm đoạt toàn bộ số tiền trong thẻ tín dụng.

Đối tượng Nguyễn Đình Trà trong thông tin ứng viên

Do nắm vững quy trình hoạt động của Fe Credit, các đối tượng đã liên tục thay đổi địa bàn hoạt động cũng như thay đổi cách thức chiếm đoạt tiền trong thẻ khiến công tác xác định chính xác đối tượng phạm tội gặp vô vàn khó khăn. Hàng loạt biện pháp nghiệp vụ nằm trong phạm vi cho phép đã được Trung tâm An ninh của công ty triển khai liên tục.

Cuối cùng thì tình nghi nhất là các nhân viên nhân viên giao phát thẻ trực thuộc công ty E. (đối tác chuyển phát của Fe Credit). “Chỉ có khi đảm nhận nhiệm vụ chuyển giao thẻ tín dụng cho khách hàng, các đối tượng mới dễ dàng biết rõ danh tính của những chủ tài khoản không tiến hành ký nhận thẻ tín dụng” – anh Lý Tuấn Anh nhận định.

Từ đây, hai cái tên gồm Nguyễn Đình Trà (SN 1992, quê Đắk Lắk, hiện đang thực hiện nhiệm vụ giao thẻ khu vực TPHCM) và Lương Bảo Diệp (SN 1991, quê Quảng Nam, từng là nhân viên giao nhận khu vực Đắk Lắk nhưng đã bị xử lý kỷ luật buộc thôi việc từ tháng 1-2019) được xếp vào diện tình nghi hàng đầu.

Đối tượng Lương Bảo Diệp

Cả 2 được đánh giá là những “cáo già” thật sự bởi chúng có những thủ đoạn phạm tội khá mưu mô, kín kẽ. Những ngày âm thầm theo sát hành tung của 2 đối tượng, các nhân viên của trung tâm an ninh đã liên tục phát hiện được dấu hiệu bất thường của bộ đôi này.

Để thực hiện trót lọt hành vi phạm tội, Trà và Diệp sẽ tìm cách liên lạc, đặt vấn đề mua lại Sim của khách hàng (số điện thoại đăng ký trực tiếp khi làm thủ tục cấp thẻ tín dụng) không nhận thẻ tín dụng với giá trị cao.

Sau khi mua được thuê bao, chúng gọi lên Tổng đài của Fe Credit nhằm kích hoạt thẻ tín dụng mà chúng đang giữ. Cuối cùng, số tiền trong thẻ của khách hàng sẽ bị rút sạch tại các các bưu cục khác nhau. Để cắt dấu lực lượng chức năng, chúng còn sử dụng thêm một số “chân rết” khác đi rút tiền đánh cắp.

Đối với những khách hàng không chịu chuyển nhượng thuê bao điện thoại, Trà sẽ để Diệp mạo danh nhân viên nhà mạng, yêu cầu nạn nhân cung cấp 5 số điện thoại mà chủ thuê bao liên hệ gần nhất để tiến hành báo mất với tổng đài.

Bước tiếp theo, y sẽ làm giả thẻ căn cước hoặc chứng minh nhân dân của khách hàng rồi tiến hành đăng ký mới thuê bao. Có được số điện thoại của nạn nhân, chúng dễ dàng kích hoạt thẻ tín dụng và sử dụng vào những mục đích xấu.

Cái kết của lòng tham!

Khi đã có đủ cơ sở để chứng minh 2 tên có liên quan đến các vụ đánh cắp, anh Lý Tuấn Anh đã trực tiếp mang toàn bộ tài liệu, chứng cứ đến gặp đại tá Phạm Minh Thắng - Phó giám đốc, Thủ Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Lắk.

Nhận được thông tin tố giác, với tinh thần trách nhiệm của mình, đại tá Thắng lập tức chỉ đạo các lực lượng nghiệp vụ phối hợp chặt chẽ với đơn vị bạn để nhanh chóng bóc gỡ đường dây phạm tội tinh vì nói trên.

Tại một tiệm vàng ở TP Buôn Mê Thuột, công an đã bắt quả tang Lục Trung Sơn (SN 1996, quê Đắk Nông) và Võ Đình Sang (SN 1991, quê Đắk Lắk) - 2 trong số những chân rết thân cận của 2 tên cầm đầu bí ẩn khi chúng đang sử dụng thẻ tín dụng của nạn nhân rút 15 triệu đồng.

Công an tiến hành khám xét nơi ở của đối tượng Trà

Mở rộng điều tra, cơ quan công an tiếp tục bắt giữ Lương Bảo Diệp cũng tại TP Buôn Mê Thuột. Riêng Nguyễn Đình Trà bị bắt giữ tại TPHCM trong ngày 22-3. Tiến hành khám xét nhà Nguyễn Đình Trà tại chung cư Tân Sơn Nhì (Q.Tân Bình), lực lượng chức năng thu giữ gần 300 thẻ tín dụng với số tiền lên đến 7 tỷ đồng.

Những người dân nhẹ dạ, cả tin, không nắm vững các kiến thức về tài chính, ngân hàng điện tử thường là nạn nhân của các thủ đoạn này.

Gần 300 thẻ tín dụng được cơ quan công an thu giữ được tại căn hộ chung cư của Lê Đình Trà

Cùng với việc các đối tượng thuộc hệ phạm pháp này quá xảo quyệt nên để truy nguyên chứng cứ, đưa chúng ra chịu tội trước pháp luật, luôn là thử thách của cả cơ quan công an và những bộ phân điều tra đặc biệt. Nhưng dẫu gì thì lòng tham của chúng, dưới sự sắc bén của các lực lượng điều tra, cũng bị đưa ra ánh sáng.

Vào đầu năm 2018, Trung tâm An ninh - Công ty Tài chính FE Credit sau quá trình kiểm tra thông tin đã phát hiện một nhóm đối tượng chuyên lập sổ hộ khẩu và CMND giả để làm hồ sơ tín dụng vay vốn.

Nguyễn Đình Trà bị công an bắt giữ tại TPHCM 

Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Hải Dương sau đó đã tiến hành bắt giữ Nguyễn Thị Hiển (SN 1982, ngụ tỉnh Hải Dương) cùng Vũ Điều Thuận (SN 1993), Bùi Thị Nguyệt Nga (SN 1984) và Lò Kim Phượng (SN 1982), những đối tượng chính cầm đầu đường dây làm giả giấy tờ, hợp đồng vay vốn nhằm chiếm đoạt số tiền hơn 2,2 tỷ đồng của FE Credit.

Lực lượng chức năng di lý đối tượng về Đắk Lắk để tiếp tục điều tra

Trước đó, vào năm 2017, đối tượng Vũ Thị Thanh Hương (SN, 1986, ngụ TP Hải Phòng) đã bị cơ quan công án bắt giữ về hành vi sử dụng giấy chứngminh nhân dân, sổ hộ khẩu của người khác để thực hiện 54 hợp đồng vay tín chấp qua hình thức mua hàng trả góp và chiếm đoạt tổng số tiền trên 2,2 tỷ đồng của FE Credit và HD Saison.

Những vụ việc nêu trên đã cho thấy, chỉ cần một thông tin cá nhân của khách hàng bị lộ là cũng quá đủ để các đối tượng phạm pháp “hành nghề”.

Các đối tượng nằm trong đường dây lừa đảo do Trà và Diệp cầm đầu tại cơ quan công an

Nhưng dù có xảo quyệt đến đâu thì các đường dây lừa đảo đều bị triệt phá bởi một lực lượng điều tra lành nghề khi họ phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an.

Lòng tham sẽ không bao giờ mang đến một kết cục tốt đẹp và biết đâu, đó là cảnh cửa… dẫn đến ngục tù. Cái kết ấy sẽ là hồi chuông cảnh tỉnh cho những ai có ý đồ kiếm tiền bằng thủ đoạn bất lương...

Sau khi Diệp và Trà bị bắt giữ, lực lượng chức năng đã khá chua xót trước hoàn cảnh gia đình của các nghi phạm. Phóng viên Báo CATP trích một phần nhỏ trong cuốn nhật ký mà anh Lý Tuấn Anh đã viết trong những ngày phối hợp cùng cơ quan công an khám phá vụ án này:

“...Quá nhiều vấn đề khiến tôi phải ưu tư! Một cặp tình nhân vừa kết hôn và người vợ đang mang trong mình một mầm sống của tương lai. Một trường hợp tan vỡ hạnh phúc và người mẹ dứt lòng ra đi, để lại đứa con nhỏ ngày ngày trông chờ vào sự chăm sóc từ cha!

Với những tội danh mà Diệp và Trà đã vi phạm cũng như tính chất nghiêm trọng của vụ án, thì khả năng trong 10 năm hoặc lâu hơn nữa, những đứa trẻ này sẽ lớn lên mà không được thấy mặt cha, thiếu đi sự chăm sóc, sự yêu thương mà lẽ ra chúng phải được nhận hằng ngày....”

Anh Lý Tuấn Anh và các cộng sự trước giờ phối hợp cơ quan Công an tỉnh Đắc Lắc phá án.

Bình luận (0)

Lên đầu trang