Thầy cô góp gạo, nấu cơm “dụ” học sinh đi học

Thứ Hai, 25/03/2019 08:45

|

(CAO) Lấy thực phẩm trong nhà mang đi, lấy cầu thang làm bếp, thầy cô Trường tiểu học thị trấn Đắk Glei (huyện Đắk Glei, tỉnh Kon Tum) đã vừa dạy vừa nấu cơm để “dụ” gần 60 em học sinh người dân tộc Hà Lăng đến trường.

Trường tiểu học thị trấn Đăk Glei có 59 em học sinh người đồng bào dân tộc Hà Lăng (ngụ tại thôn Long Nang, thị trấn Đăk Glei, huyện Đăk Glei, Kon Tum) có nhà ở cách trường khá xa.

Từ sáng sớm, bố mẹ đi lên rẫy nên phần lớn các em tự đi bộ đến trường. Học xong buổi sáng lại đi bộ về nhà một mình lục nồi. Thậm chí, nhiều em ôm bụng đói đến trường nên buổi chiều không đủ sức để đi học tiếp.

Nhiều học sinh người đồng bào dân tộc Hà Lăng của trường còn khó khăn

Dù giáo viên nhà trường đã thường xuyên đến nhà vận động, nhưng cứ đến tiết học buổi chiều, 59 học sinh này đều vắng mặt. Em nào muốn đến trường, thì thời gian nghỉ buổi trưa, các em đi bộ về nhà rồi lại tới trường cũng không kịp giờ học. Trong khi gia đình các em nghèo nên không có cơm để mang đi học. Từ thực tế đó, thầy Hiệu trưởng Trần Xuân Ninh đi đến ý tưởng áp dụng mô hình “bán trú tự túc”.

Thầy Ninh đã kêu gọi các giáo viên nhà trường đóng góp gạo, thịt, trứng, mì tôm mỗi ngày để nuôi học trò. Sự kêu gọi của thầy hiệu trưởng đã được các giáo viên hưởng ứng. Mỗi sáng sớm đi dạy, các giáo viên ngoài mang giáo án còn kèm theo ít thịt cá, quả trứng vịt, bó rau để nuôi học sinh của mình.

Cô Thủy và thầy Ninh vào bếp chuẩn bị bữa trưa cho học sinh

Một bếp ăn giả chiến được nhà trường bố trí ngay dưới chân cầu thang trường học. Bếp ăn chỉ rộng khoảng 5m2. Bếp không có nhiều dụng cụ, chỉ có 1 bộ bàn ghế đá, 1 bếp điện để nấu thức ăn, 1 nồi cơm điện, 1 nồi lớn dùng nấu canh, ít thứ gia vị và vài chục bộ bát đũa.

Dù còn nhiều thiếu thốn, nhưng bếp ăn giả chiến này có thể phục vụ tối đa gần 60 học sinh tiểu học ở lại ăn trưa. Đầu bếp không ai khác chính là các giáo viên nhà trường.

Khi chúng tôi có mặt ở trường là 10h30, cô Thủy (Hiệu phó) và thầy Ninh (Tổng phụ trách Đội) đang nấu ăn ngay tại chân cầu thang. Bữa trưa hôm nay có 2kg thịt lợn và 3 bó rau cải. Thầy Ninh chế biến món thịt lợn kho, còn cô Thủy nấu món canh rau cải. Chỉ có 2 món nên chưa đến 11 giờ công việc nấu ăn đã hoàn tất. Cô Thủy và thầy Ninh lấy thức ăn bày tươm tất chờ học sinh.

Khi tiếng trống trường vừa vang lên, báo hiệu buổi học sáng kết thúc, các thầy cô liền trưng dụng 1 phòng học làm nhà ăn. Toàn bộ 59 học sinh thôn Long Nang trật tự xếp hàng nhận cơm, thức ăn. Các em ăn một cách ngon lành và xuýt xoa khen.

Các cô san sẻ từng miếng thịt cho các em

Cô Thanh Thị Thủy – Hiệu phó nhà trường chia sẻ: “Hôm nay, tôi và thầy Ninh xong việc sớm nên vào bếp nấu. Do chỉ có 1 bếp điện nên giáo viên phải thay phiên chế biến các món. Giữa trưa nắng nóng có hơi mệt chút nhưng thấy các em ăn ngon lành, đều đặn đến trường giáo viên ai cũng vui. Tôi và nhiều giáo viên khác ngoài quyên góp thực phẩm, còn thường xuyên nấu vài món ngon ở nhà rồi bỏ vào cặp lồng mang lên cho các em”.

Sau khi “đánh chén” hết toàn bộ cơm và thức ăn được chia, em Lý A Thoại tư tay cất bát đũa và dọn sạch chỗ ngồi. Em Thoại tươi cười cho biết: “Nếu về buổi trưa, bố mẹ ở trên rẫy không ai nấu cơm cho ăn, cũng không thiết đi học nữa. Giờ đi học được ăn cơm no, còn có thịt để ăn nên em thích đến trường. Có nhiều buổi sáng, em không có gì ăn, đi bộ qua mấy con dốc mới tới được trường nên rất đói. Đói quá không học được, cô liền xuống pha cho gói mỳ tôm ăn”.

Các em xếp hàng trật tự chờ đến lượt 

Sau khi lo xong cho các học sinh ăn trưa, nghỉ ngơi, thầy Trần Xuân Ninh – Hiệu trưởng nhà trường mới có thời gian trò chuyện. Thầy Ninh cho biết, trường có 370 học sinh, nhưng có 59 học sinh thôn Long Nang có hoàn cảnh khó khăn, nhà ở xa trường. Việc nấu ăn trưa và cho các em học sinh thôn Loang Nang ở lại ngay tại trường là cách làm tự phát, làm theo tâm vì trường không thuộc diện trường học bán trú. Bếp ăn được mở vào ngay đầu năm học 2018-2019. Từ đó đến nay, bếp ăn được duy trì đều đặn.

“Để duy trì bữa ăn đầy đủ và đều đặn là nhờ sự đóng góp rất lớn của các giáo viên nhà trường. Sau này, các nhà hảo tâm và phụ huynh biết đến bếp ăn này nên cũng hỗ trợ thêm. Dù khó khăn, nhà trường cũng tiếp tục kêu gọi để duy trì bếp ăn thường xuyên cho các em”.

Các em được ăn cơm có thịt điều mà ở nhà các em rất ít khi được ăn

Ông A Phương - Phó Chủ tịch UBND huyện Đăk Glei cho biết, nhiều em học sinh của trường hoàn cảnh gia đình còn khó khăn. Phụ huynh một số em do còn đi rẫy không đón các em được, nên có bếp ăn các em được ở lại trường buổi trưa sau đó học tiếp buổi chiều. Việc nhà trường tự xây dựng bếp ăn cho các em có hoàn cảnh khó khăn là việc làm có ý nghĩa.

Bình luận (0)

Lên đầu trang